Cập nhật: Thứ 2, 19/03/2012 | 11:51 GMT+7

Dân lo lắng vì cao su nhiễm bệnh

(QT) - Bỏ ra bao tiền bạc, công sức, vất vả, nhọc nhằn suốt một thời gian dài đầu tư cho cây cao su mong đến ngày cây cho mủ để thu lợi nhuận, thế nhưng, rất nhiều người dân ở xã Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh, Quảng Trị) hiện nay đang rất lo lắng vì cao su bị nhiễm bệnh trên diện rộng, có nhiều hộ cao su bị nhiễm bệnh lên đến 70% - 80% diện tích. Dù người dân đã dùng nhiều biện pháp để chữa bệnh cho cây nhưng hiệu quả không cao, phải chặt bỏ rất nhiều cây. Qua nhiều năm đưa vào trồng ở địa phương, tính đến nay toàn huyện Vĩnh Linh có trên 7.000 ha cao su, riêng tại xã Vĩnh Thủy có 1.107 ha cao su tiểu điền, trong đó cao su đã cho thu hoạch mủ khoảng 700 ha. Thấy được lợi ích từ việc trồng cây cao su là rất lớn nên nhiều hộ dân tại đây đã mạnh dạn đầu tư, có nhiều hộ đã trồng lên đến gần 8 ha cao su. Việc đầu tư cho một héc ta cao su tốn rất nhiều công sức và tiền của.

Người dân Vĩnh Thủy chữa bệnh cho cây cao su.

Thế nhưng, liên tục trong 2 năm nay người trồng cây cao su ở xã Vĩnh Thủy luôn phải chống chọi với dịch bệnh hoành hành và nhiều hộ buộc phải chặt bỏ từng cây một. Năm 2011, khi bệnh nấm hồng, nấm trắng và héo đen đầu lá xuất hiện, người trồng cây cao su đã phải bỏ rất nhiều tiền của, công sức để chữa bệnh cho cây, bước qua năm nay lại đang phải điêu đứng trước tình trạng cây cao su bị bệnh xì mủ, loét sọc miệng cạo và cháy nắng. Dù rất vất vả nhưng người trồng cao su ở Vĩnh Thủy vẫn đang cố hết sức để cứu những cây cao su nhiễm bệnh. Ông Võ Đức Diện, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy cho biết: “Hiện nay diện tích cao su bị nhiễm bệnh trên địa bàn toàn xã Vĩnh Thủy đã lên đến trên 30 ha, bệnh tập trung chủ yếu trên các cây từ 3 tuổi - 5 tuổi. Khác với các lần nhiễm bệnh trước đây, lần này bệnh trên cây cao su thường là cháy nắng thân cây, xì mủ gây loét vỏ cây dẫn đến chết và bệnh loét sọc miệng cạo. Trước thực trạng trên, chúng tôi đã phối hợp với Trạm bảo vệ thực vật huyện mở lớp tập huấn để hướng dẫn cho người dân cách chữa bệnh và làm vệ sinh ngăn ngừa bệnh trên cây cao su”. Được biết, ở Vĩnh Thủy hộ có số lượng cao su nhiễm bệnh nhiều nhất là hộ các ông Đoàn Quang Luật, Trần Văn Phượng, Lê Văn Thìn, Lê Văn Thạch... Dẫn chúng tôi đi xem vườn cao su của mình, ông Luật gạt những giọt mồ hôi trên mặt, than thở: “Trồng cao su có phải ngày một ngày hai đâu, gia đình chúng tôi đã bỏ cả gia tài, biết bao mồ hôi công sức vào những gốc cây cao su và nuôi hi vọng hơn 4 năm trời, trồng cây sắp đến ngày thu hoạch thì bỗng nhiên cây bị bệnh. Nhà tôi có hơn 7 ha cao su thì số cây bị bênh đã hơn 60 %, tính đến nay chúng tôi đã đầu từ hết gần 500 triệu đồng rồi, giờ đây cao su bị bệnh phải đầu tư 2,5 triệu đồng cho mỗi héc ta để chữa bệnh cho cây nhưng vẫn không biết chắc có cứu vãn được không. Tính ra thiệt hại về kinh tế không biết bao nhiêu mà kể!”. Nhiều ngày qua, gia đình ông Luật đã mất ăn mất ngủ, cả ngày ở trên vườn cao su để bôi thuốc, quét vôi những mong cứu vãn được số cây mắc bệnh. Như nhiều hộ khác, vườn cao su của ông Luật bị nhiễm bệnh cháy nắng, loét sọc miệng cạo, xì mủ gây loét vỏ dẫn đến chết đứng, ông Luật đã phải ngậm ngùi chặt bỏ những cây bị bệnh quá nặng. Cùng cảnh ngộ với ông Luật, nhà ông Trần Văn Phượng (thôn Thủy Ba Tây) có 4 ha cao su thì đã có đến 70% trong số đó bị nhiễm bệnh nặng. Ông Phượng cho biết: “Năm trước vườn cao su nhà tôi cũng bị bệnh nấm trắng và héo đen đầu lá, phải tốn nhiều tiền bạc và công sức để chữa bệnh cứu cây, vậy mà năm nay lại xuất hiện các bệnh này nữa, tôi cảm thấy gần như buông xuôi nhưng vì đầu tư sắp đến ngày cạo mủ rồi nên không nỡ vứt bỏ. Theo hướng dẫn của cán bộ Trạm bảo vệ thực vật, tôi cũng đã cạo bỏ những lớp vỏ bị cháy nắng, bóc những lỗ xì mủ gây loét trên cây và bôi thuốc nhưng nhiều cây do bệnh nặng không thể cứu được nên phải chặt bỏ, xót xa lắm”. Trước tình hình dịch bệnh trên cây cao su tại xã Vĩnh Thủy, ông Ngô Toàn Thắng, Trạm trưởng Trạm bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Linh cho biết: “Sau khi nghe thông tin về dịch bệnh trên cây cao su tại xã Vĩnh Thủy, chúng tôi đã đến tận nơi để kiểm tra, nhận định bệnh. Đối với tình trạng cháy nắng thân cây là do cây cao su đang còn nhỏ, chưa kịp khép tán nên bị cháy khô, đối với bệnh xì mủ gây loét vỏ cây thì phức tạp hơn nên phải sử dụng thuốc. Theo đó, chúng tôi đã hướng dẫn bà con sử dụng thuốc để chữa bệnh cho cây và làm vệ sinh trên thân cây ngăn ngừa bệnh lan truyền”. Theo hướng dẫn của cán bộ Trạm bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Linh, người trồng cao su nên sử dụng thuốc có các hợp chất sau để chữa bệnh cho cây. Đối với bệnh xì mủ nên dùng các loại thuốc có hợp chất Mentalacyl +Mancozeb như Fortazeb, Vimonil, Ridomil hoặc hợp chất Phosphonate như Agri - For 400…để bôi lên vết bệnh. Trước khi xử lý nên dùng dao nhọn gỡ nhẹ lên búi mủ chết trong thân cây, vệ sinh sạch sẽ mới tiến hành bôi thuốc. Đối với cháy nắng nên cạo phần vỏ mới tiến hành hòa thuốc Fortazeb, Vimonil, Ridomil hỗn hợp với vôi 5% quét lên thân cây từ 1 m – 1,2 m hoặc hết phần vỏ kinh tế. Đối với bệnh loét sọc miệng cạo, bà con cũng tiến hành như đối với bệnh xì mủ nhưng lưu ý khi tiến hành nạo phần thối bị bệnh trên cây tránh làm cây bị tổn thương, mất mủ. Khi xử lý bệnh cần tiến hành nhiều lần cách nhau 5 - 7 ngày cho đến khi nào khỏi bệnh. Tiền bạc, công sức đầu tư cho cây cao su đã nhiều, qua bao nhiêu năm vất vả, trồng cây sắp đến ngày thu hoạch thì người trồng cao su ở Vĩnh Thủy lại phải đối mặt với dịch bệnh.Điều đáng nói là mỗi khi dịch bệnh trên cây cao su bùng phát mạnh thì người dân và cán bộ Trạm bảo vệ thực vật mới phát hiện, lúc này tiến hành xử lý thì bệnh đã nặng và lan rộng, hiệu quả chữa khỏi bệnh thấp và kinh phí lại cao. Thiết nghĩ, ngay từ khi người dân bắt đầu trồng cây cao su, họ cần được các cơ quan chức năng tập huấn cách phòng trừ, phát hiện bệnh sớm, như vậy bệnh sẽ không lây lan trên diện rộng, đồng thời việc chữa bệnh cho cây cũng sẽ có hiệu quả hơn. Bài, ảnh: NAM HẢI



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Sâu bệnh gây hại nhiều loại cây trồng
11:14 13/09/2023

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT, diễn biết bất lợi của thời tiết trong thời gian qua đã khiến nhiều loại cây trồng trên địa bàn tỉnh phát triển kém. ...

Để ngành thủy sản phát triển bền vững

Để ngành thủy sản phát triển bền vững
4 giờ trước

QTO - Với lợi thế về phát triển kinh tế biển, trong đó mũi nhọn là khai thác và nuôi trồng thủy sản, những năm qua, cùng với những chính sách hỗ trợ của...

Sáng chế máy đánh vảy cá đem lại hiệu quả cao

Sáng chế máy đánh vảy cá đem lại hiệu quả cao
00:40 16/03/2012

(QT) - Sau 25 năm làm nghề đánh bắt trung bờ, với kinh nghiệm và số vốn dành dụm được, năm 2008 anh Hồ Văn Thăng (Khu phố 3, thị trấn Cửa Việt, Gio Linh, Quảng Trị) quyết định...

POWERED BY
Việt Long