Cập nhật:  GMT+7

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị thảo luận tại Tổ về dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Thủ đô (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, hôm nay 10/11, sau khi làm việc tại hội trường, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Trật tự an toàn giao thông Đường bộ và Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị thảo luận tại Tổ về dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Thủ đô (sửa đổi)

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng phát biểu tại thảo luận tổ - Ảnh: N.T.L

Phát biểu thảo luận tại phiên họp tổ về dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng đề nghị Ban soạn thảo xem xét việc quy định về giờ bật đèn xe từ 19 giờ hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau nếu áp dụng vào thời tiết mùa đông là không hợp lý. Vì vậy, đề nghị bỏ quy định giờ bật đèn xe vào luật, chỉ nên quy định phương tiện xe phải đảm bảo đủ hệ thống đèn báo, đèn chiếu sáng, chạy xe khi trời tối, sương mù, trời mưa phải có đèn báo, chạy xe ban đêm phải có đèn chiếu sáng, chiếu hậu.

Về quy định điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ, đại biểu không đồng tình về việc quy định các phương tiện giao thông đường bộ phải có thiết bị giám sát hành trình. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, đánh giá tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện quy định này đối với phương tiện tham gia giao thông đường bộ (trong đó có các phương tiện xe cá nhân) cũng phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu... sẽ gây tốn kém, tăng gánh nặng cho chủ phương tiện từ kinh phí lắp đặt, đến kinh phí duy trì hoạt động thường xuyên, liên tục của các thiết bị, mặc dù hiện nay có một số xe cá nhân đã lắp đặt camera hành trình, tuy nhiên theo tự phát, chưa theo quy chuẩn, chưa đáp ứng được các tiêu chí theo quy định.

Mặt khác, xe cá nhân có mục đích sử dụng khác với xe hoạt động kinh doanh vận tải, nếu các phương tiện tham gia giao thông phải lắp đặt các thiết bị trên thì phải xây dựng quy chuẩn chung để áp dụng, các thiết bị đã lắp đặt trước phải tháo bỏ hoặc bổ sung các tính năng để đáp ứng quy chuẩn gây tốn kém, lãng phí. Đồng thời ảnh hưởng đến các tính năng theo thiết kế, thông số kỹ thuật đối với phương tiện của nhà sản xuất, có thể dẫn đến mất an toàn hoặc chập, cháy nổ.

Vì vậy, đại biểu đề nghị quy định này chỉ nên áp dụng đối với phương tiện vận chuyển khách, xe đưa đón học sinh.

Phát biểu thảo luận tại phiên họp tổ về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị tán thành với mục tiêu xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này với cơ chế đặc thù, vượt trội, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô để xây dựng, phát triển thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của cả nước.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị thảo luận tại Tổ về dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Thủ đô (sửa đổi)

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng phát biểu tại thảo luận tổ - Ảnh: N.T.L

Về danh hiệu Công dân Thủ đô, đại biểu tán thành việc quy định Công dân danh dự Thủ đô để trao tặng cho người nước ngoài. Tuy nhiên, đề nghị bổ sung thêm danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô để trao tặng cho người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài nhằm thu hút người có tài năng tham gia vào sự nghiệp phát triển Thủ đô.

Về quy định tổ chức chính quyền tại Hà Nội, theo quan điểm của đại biểu: khi tổ chức nhiều cấp chính quyền trong đô thị sẽ dẫn đến việc quản lý, quản trị địa phương không hiệu quả và tạo ra sự ngắt quãng, phân khúc, không thống nhất trong quản trị của chính quyền thành phố.

Vì vậy, chỉ nên có một môhình, không thể có nhiều mô hình. Với mong muốn mô hình nào cũng phù hợp với đặc điểm đô thị, đại biểu phản ánh mấy năm qua cho tới nay, TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng đều tổ chức mô hình chính quyền đô thị đúng theo chủ trương của Đảng là một cấp chính quyền và mang lại hiệu quả vì phù hợp với đặc điểm của đô thị. Còn TP. Hà Nội đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở phường, chỉ tổ chức 2 cấp chính quyền ở đô thị, điều này chưa đúng với chủ trương của Đảng là “đô thị chỉ tổ chức một cấp chính quyền”.

Vì vậy, đề nghị quy định tổ chức chính quyền đô thị ở Thủ đô Hà Nội chỉ 1 cấp chính quyền, không tổ chức HĐND quận, HĐND phường mà nên áp dụng như TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Theo đó, cần quy định UBND quận, UBND phường là một cấp ngân sách thay vì là một đơn vị dự toán ngân sách như hiện nay. Bởi vì khi không là một cấp ngân sách thì không còn nguồn kết dư, chi khác, dự phòng và tăng thu ngân sách, gây khó khăn trong hoạt động.

Dù không tổ chức HĐND ở quận, ở phường thì UBND quận, phường vẫn là chính quyền địa phương (như Hiến pháp quy định), giúp UBND quận, phường chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, thiên tai, dịch bệnh... xảy ra.

Về quy định thẩm quyền quyết định biên chế của HĐND TP. Hà Nội, đại biểu cho rằng: Theo tinh thần và chủ trương của Đảng là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và phát huy vai trò tự quản của chính quyền Thủ đô, đồng thời trong quản lý đội ngũ cán bộ, công chức cần có chính sách mạnh mẽ, có tính đột phá, đề nghị Ban soạn thảo nên lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học đã phát biểu trên truyền hình, truyền thông trong thời gian vừa qua, cũng như đề nghị của TP. Hà Nội.

Đại biểu tán thành ý kiến của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội là giao cho HĐND TP. Hà Nội được quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức và có cơ chế báo cáo, kiểm tra, giám sát và kiểm soát của cơ quan trung ương trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung một điều vào dự thảo luật về quy định cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các nhà đầu tư quốc tế để phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc tại Thủ đô Hà Nội.

Nguyễn Thị Lý

Tin liên quan:

Nguyễn Thị Lý

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý