Con giống và "đầu ra"- Hai nỗi lo của người nuôi heo
Sau gần 2 tháng dịch heo tai xanh xảy ra ở một số địa phương trong tỉnh, người dân vùng dịch vừa bị thiệt hại nặng nề vừa phải đối mặt với rất nhiều khó khăn để chuẩn bị các điều kiện khôi phục lại nghề chăn nuôi heo khi tỉnh công bố hết dịch. Những nơi có heo bị dịch phải tiêu hủy thì không có tiền để mua lại con giống nơi cách xa vùng dịch thì heo nuôi đủ trọng lượng nhưng chưa xuất chuồng được.
Từ nỗi lo heo giống
 |
Bà Võ Thị Tâm (xã Hải Dương, Hải Lăng) làm thêm công việc khác để có thêm thu nhập khi không chăn nuôi heo |
Một ngày đầu tháng 9/2008, chúng tôi có mặt tại thôn Diên Khánh, xã Hải Dương (Hải Lăng) để tìm hiểu công việc chuẩn bị phục hồi đàn heo sau trận dịch vừa qua. Trên khuôn mặt hằn sâu âu lo, ông Nguyễn Hữu Thắng- một người chăn nuôi khá “mát tay” ở Diên Khánh tiếc nuối kể lại: Với 3 con heo nái, 32 heo con, vợ chồng ông đang có ý định sau khi xuất chuồng đàn heo con sẽ mở rộng chuồng trại để nuôi thêm nhiều hơn nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình. Thế nhưng dịch bệnh xảy ra đã làm đàn heo của gia đình bị chết toàn bộ, thiệt hại lên đến hàng chục triệu đồng. Năm 1997 đến nay, ngoài nghề làm ruộng ra, thu nhập của gia đình ông Thắng chỉ biết dựa vào chăn nuôi heo, trung bình mỗi năm thu lãi khoảng từ 20-30 triệu đồng. Việc nuôi heo cũng hỗ trợ rất nhiều cho nghề làm nông. Với lượng phân chuồng từ đàn heo, hàng năm gia đình ông Thắng cũng tiết kiệm được một khoản không nhỏ chi phí mua phân bón cho cây lúa và hoa màu. Theo tìm hiểu của chúng tôi, để chuẩn bị cho việc khôi phục lại đàn heo khi có công bố hết dịch, nhiều hộ nông dân ở Hải Lăng đang rất khó khăn về nguồn vốn. Theo ông Thắng, hiện gia đình muốn khôi phục lại đàn heo như trước đây cần đầu tư khoảng 20 triệu đồng. Đây là số tiền lớn vì thế vợ chồng ông dự định phải bán lúa và đi vay thêm ngân hàng. Sau đợt dịch số lượng heo chết nhiều nên việc mua giống rất khó, đã có nhiều người dò hỏi giá cả để chuẩn bị nuôi lại nhưng mức giá quá cao, xấp xỉ 1 triệu đồng 1 con giống khoảng 5 kg, không chỉ vậy giá các loại thực phẩm, thức ăn chăn nuôi cũng cao làm cho người chăn nuôi rất băn khoăn. Bà Võ Thị Tâm, 62 tuổi, trú tại xã Hải Dương cho biết: Gia đình bà chỉ có 4 sào ruộng, hai vợ chồng đã cao tuổi nên kinh tế gia đình chỉ trông vào việc chăn nuôi heo và bò. Thế nhưng đầu năm nay bò bị chết rét phải bán rẻ. Gia đình bà Tâm bắt đầu nuôi heo từ năm 2000, lúc nào chuồng nhà bà Tâm cũng có hai heo nái và 8 heo thịt. Trận dịch vừa qua đã làm 2 heo nái và 8 heo thịt của bà chết. Do không có sẵn vốn nên bà Tâm thường lấy thức ăn chăn nuôi tại đại lý về cho vật nuôi dùng trước đến lúc xuất chuồng mới trả tiền thức ăn, hiện nay bà còn nợ 6 triệu đồng tiền mua thức ăn cho lứa heo bị tiêu hủy vừa rồi. Không thể tiếp tục chăn nuôi nên bà Tâm đành phải chuyển qua nghề khác để có tiền trang trải mọi sinh hoạt gia đình. Bà Tâm cũng như nhiều hộ gia đình trên địa bàn đang chờ đợi vào khoản tiền được Nhà nước hỗ trợ heo bị dịch bệnh phải tiêu hủy để gầy lại đàn giống. Ông Võ Văn Quang, Trưởng phòng NN và PTNN, Phó ban Chỉ đạo Phòng chống dịch heo tai xanh huyện Hải Lăng cho biết: Khó khăn nhất hiện nay của huyện vẫn là đàn heo đực giống tại Công ty giống Long Hưng đã bị tiêu hủy toàn bộ. Đây là trại giống cung cấp heo giống cho cả huyện từ trước đến nay. Phòng NN&PTNT Hải Lăng đã đề xuất được tiếp nhận nguồn giống heo sạch từ trung ương. Vì khả năng số lượng sẽ rất hạn chế và chi phí lại cao, phòng đang nghiên cứu để có cách nuôi, chăm sóc sau đó nhân rộng để đảm bảo chất lượng con giống cho người chăn nuôi. Đến nỗi lo “đầu ra” Ở xã Vĩnh Lâm (Vĩnh Linh), hai tháng qua, nhiều hộ chăn nuôi heo đang lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan” vì heo đến kỳ không thể xuất chuồng được do Quyết định công bố dịch của tỉnh vẫn còn hiệu lực (tính đến trước ngày 8-9-2008). Theo anh Hoàng Kim Khanh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Linh, chúng tôi tới thăm gia đình anh Hồ Văn Hoàng, thôn Lâm Đặng, xã Vĩnh Lâm, một trong ba người có đàn heo nhiều nhất của xã. Với vẻ mặt buồn bã, anh Hoàng chỉ vào đàn heo của mình và nói: “Gia đình tôi lấy chăn nuôi làm nguồn thu nhập chính. Vợ chồng tôi đã phải vay mượn ngân hàng, cầm sổ đỏ của gia đình và người thân để có tiền lập trang trại, nuôi heo vậy mà chỉ vì không thể bán được heo nên gia đình đang đứng trước nguy cơ không biết lấy gì để tiếp tục mua thức ăn và trả lãi ngân hàng thời gian tới”. Hiện tại trong chuồng heo của gia đình anh Hoàng đang có 80 con heo gần 6 tháng tuổi, mỗi ngày phải chi ra gần 1,1 triệu đồng tiền mua thức ăn cho cả đàn, trước đây chỉ cần nuôi trong thời gian hơn 3 tháng là có thể xuất chuồng, nhưng nay “vướng” dịch tai xanh không bán được trong lúc ngày nào cũng phải chi ra tiền triệu khiến kinh tế gia đình ngày càng điêu đứng. Ở thời kỳ này chủ yếu heo tích mỡ nên trọng lượng không tăng dẫn đến lỗ tiền thức ăn. Theo tính toán của anh Hoàng, hiện nay chưa kể tư thương ép giá, tiền công lao động, mà chỉ tính riêng tiền thức ăn đàn heo 80 con của anh phải lỗ mất gần 300.000 đồng/ con Anh Lê Đức Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Lâm cho biết, người chăn nuôi trong xã hiện nay rất phấn khởi khi nghe UBND tỉnh có Quyết định công bố hết dịch để tìm cách xuất chuồng vớt vát lại phần nào tiền vốn. Người chăn nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn vì nếu cho heo ăn đúng định lượng thì không có tiền, nếu cho ăn đói sẽ bị sụt cân, mắc bệnh nên nhiều hộ trong xã dùng biện pháp lấy sắn phơi khô trộn thêm với bột chăn nuôi để cho heo ăn, còn nhà không có tiền thì dùng vỏ lạc nghiền ra và rau cỏ để cho heo ăn cầm cự qua ngày.
 |
Anh Hồ Văn Hoàng (Vĩnh Lâm-Vĩnh Linh) chăm sóc đàn heo chờ xuất chuồng |
Trò chuyện với chị Hồ Thị Phúc, một người có lượng heo khá lớn, chị cho biết heo quá lớn nếu không bán được thì chỉ có lỗ, heo càng to tư thương càng ép giá, nhiều khi không mua nữa. Chị Phúc vừa có ý định xuất chuồng 7 con heo khoảng 80kg/con nhưng tư thương đòi phải bán cho họ thêm 12 con heo choai đang độ lớn nữa, nếu bán thì mình xem như nuôi không công cho họ, nhưng nếu không bán heo choai thì heo lớn phải tồn chuồng. Người nuôi heo ai cũng biết, đối với loại heo Móng Cái người dân địa phương hay nuôi, chỉ có thể nuôi từ 3 đến 3,5 tháng là có thể xuất chuồng, nếu để lâu hơn heo không phát triển bao nhiêu mà còn tích mỡ rất khó bán. Bên cạnh việc giá cả bán heo, cái khó nhất hiện nay của địa phương khi tỉnh công bố hết dịch là khả năng tiêu thụ thịt heo ở đây thì ít mà lượng heo cần bán quá nhiều nên khiến cho tư thương các nơi về ép giá người dân, gây cho nhiều hộ dân đã khó càng trở nên khó khăn hơn. Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Kim Khanh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Linh cho rằng Vĩnh Linh là huyện không có dịch bệnh nhưng do dịch bệnh diễn ra trên địa bàn tỉnh, để tránh nguy cơ dịch bệnh xảy ra tràn lan nên không cho di chuyển heo ra các địa bàn xung quanh, chính vì thế đã gây ra nhiều thiệt hại và khó khăn cho người chăn nuôi của địa phương. Hiện nay, khi tỉnh đã công bố hết dịch, toàn huyện đang có 19.000 con heo có trọng lượng từ 50 kg đến 100 kg cần tiêu thụ. Riêng địa bàn xã Vĩnh Lâm có số heo chưa xuất chuồng nhiều nhất, gần 9000 con. Bên cạnh động viên nhân dân tìm “đầu ra” cho heo khi tỉnh đã có Quyết định công bố hết dịch, Hội Nông dân huyện cũng đã cố gắng liên hệ ngân hàng và các nguồn khác để hỗ trợ người chăn nuôi về vốn, giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt nhằm duy trì và phát triển chăn nuôi trong thời gian tới. Bài và ảnh: Hoài Lương