Cập nhật:  GMT+7

Chung tay chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống người cao tuổi

(QT) - Thời gian qua, các cấp, ngành trong tỉnh Quảng Trị đã đẩy mạnh công tác chăm sóc về vật chất, tinh thần và phát huy vai trò của người cao tuổi, qua đó, giúp các cụ sống vui, sống khỏe, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Một buổi sinh hoạt của người cao tuổi thành phố Đông Hà

Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh Quảng Trị có 89.324 người cao tuổi, chiếm tỷ lệ 13,1% so với dân số toàn tỉnh. Số người cao tuổi tăng là một thành tựu khẳng định công tác chăm sóc sức khỏe, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người dân được nâng cao. Đặc biệt, người cao tuổi tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm và có thể tiếp tục đóng góp cho gia đình, cộng đồng và đất nước. Tuy nhiên, khi số người cao tuổi tăng thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn diện cũng tăng cao, nhất là khi nhu cầu và mô hình bệnh tật cũng thay đổi do tỷ trọng những người có bệnh là người cao tuổi cao hơn so với trung niên và thanh niên. Ngoài ra, người cao tuổi thường gặp tình trạng mắc bệnh tật kép (tức là một người cùng lúc mắc nhiều bệnh), đặc biệt là các bệnh mãn tính, phải chữa trị lâu dài và theo dõi thường xuyên. Có thể nói, người cao tuổi đang phải đối mặt với gánh nặng về sức khỏe nhưng việc tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe lại đang gặp hạn chế và có sự khác biệt lớn giữa khu vực nông thôn, miền núi với thành thị.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chế độ, chính sách hướng đến người cao tuổi như trợ cấp xã hội hằng tháng, hỗ trợ xây dựng nhà ở, cấp thẻ bảo hiểm y tế, thành lập các câu lạc bộ người cao tuổi, chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi…Tuy nhiên, đời sống người cao tuổi trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn. Hơn 3/4 số lượng người cao tuổi hiện đang sống ở nông thôn. Hầu hết họ đều phụ thuộc vào con cái và có mức thu nhập thấp so với mặt bằng xã hội. Việc mưu sinh, xoay xở tìm nguồn thu nhập để đảm bảo đời sống luôn là mối quan tâm thường ngày của đại đa số người cao tuổi. Ở một số huyện như Hướng Hóa, Đakrông, số lượng người cao tuổi là lao động chính trong gia đình chiếm hơn 60%. Người cao tuổi là đối tượng dễ bị tổn thương và cần được chăm sóc đặc biệt. Đa phần người cao tuổi trên địa bàn tỉnh đều có tình trạng sức khỏe giảm sút, mắc các bệnh mãn tính, một số người là nạn nhân chất độc da cam… Một bộ phận không nhỏ người cao tuổi hiện nay sống trong tình trạng đơn thân, không nơi nương tựa, họ rất cần được chăm sóc y tế, tham gia các hoạt động thể dục thể thao để rèn luyện sức khỏe.

Để giải quyết được những thách thức kể trên, từ năm 2012 tỉnh đã được Tổng cục Dân số - KHHGĐ triển khai thực hiện mô hình “Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng”. Đây cũng là năm đầu triển khai thí điểm mô hình tại 6 xã thuộc địa bàn thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị, huyện Triệu Phong. Năm 2014, ngân sách địa phương hỗ trợ mở rộng thêm 6 xã thuộc địa bàn các huyện Cam Lộ, Đakrông và Vĩnh Linh. Đến nay, đã thành lập được 24 Câu lạc bộ “Người cao tuổi giúp người cao tuổi” tại 12 xã của 6 huyện, thu hút đông đảo hội viên tham gia.

Để đạt các mục tiêu trong việc thực hiện đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh triển khai nhiều hoạt động mang tính đồng bộ, trong đó tập trung vào công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng. Cụ thể, tổ chức truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho chính quyền địa phương, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội nhằm nâng cao sự hiểu biết của cán bộ lãnh đạo về chính sách, pháp luật liên quan đến người cao tuổi, vai trò, sự cống hiến của người cao tuổi trong đời sống xã hội. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng xã hội trong việc chăm sóc người cao tuổi…thông qua các buổi hội thảo, hội nghị, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, tư vấn cho các thành viên Ban chủ nhiệm của các câu lạc bộ tại các xã, phường và cung cấp tờ rơi tuyên truyền các nội dung liên quan đến người cao tuổi; hướng dẫn người cao tuổi tự chăm sóc, luyện tập, phục hồi chức năng cho bản thân. Đặc biệt, tổ chức xây dựng, phổ biến mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng như chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại hộ gia đình; tư vấn, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng; xã hội hóa chăm sóc y tế cho người cao tuổi tại các cơ sở chăm sóc tập trung….

Các địa phương cũng đã xây dựng mạng lưới tình nguyện viên hỗ trợ chăm sóc người cao tuổi. Đến nay, hơn 100 tình nguyện viên đã được tập huấn, trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng cần thiết để thực hiện nhiệm vụ tư vấn và chăm sóc người cao tuổi định kỳ tại gia đình. Các đội tình nguyện viên thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về tình trạng sức khỏe của người cao tuổi, các hoạt động chăm sóc để báo cáo về trạm y tế. Mô hình tư vấn chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các cấp chính quyền, ngành y tế, người dân, đặc biệt là người cao tuổi. Từ mô hình này, mỗi năm ngành y tế đã tổ chức nhiều đợt khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho hàng chục nghìn lượt người cao tuổi, hỗ trợ kinh phí mua thuốc điều trị các bệnh thông thường cho những đối tượng không có bảo hiểm y tế. Bà Lê Thị Xứ, hội viên Hội Người cao tuổi xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh chia sẻ: “Thông qua các buổi họp, sinh hoạt cũng như các đợt khám, truyền thông của ngành y tế, chúng tôi biết nhiều thông tin về cách phòng, chống các bệnh mà người cao tuổi chúng tôi thường mắc phải như bệnh về hô hấp, tim mạch, cao huyết áp, xương khớp...Từ khi tham gia câu lạc bộ, được tập luyện, trò chuyện cùng bạn già, tôi thấy tinh thần thoải mái, sức khỏe cải thiện đáng kể”.

Với tinh thần “Tuổi già nhưng chí không già”, người cao tuổi trong tỉnh luôn phát huy vai trò trong mọi lĩnh vực, hoạt động, hiến kế, hiến công xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Mô hình “Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng” đã và đang góp phần chăm sóc tốt hơn sức khỏe cho người cao tuổi, phát huy vai trò của người cao tuổi trong cộng đồng, giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích và có cơ hội tiếp tục cống hiến cho xã hội. Bà Trần Quang Tuyến, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Cam Lộ cho biết: “Từ khi tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, người cao tuổi đã trở thành những thành viên tích cực trong công tác tuyên truyền con cháu thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ cũng như hào hứng tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Để nâng cao hiệu quả của mô hình này, thời gian tới chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò của người cao tuổi, đồng thời tiếp tục hướng dẫn các cụ cao tuổi triển khai sinh hoạt câu lạc bộ định kỳ, thường xuyên để các cụ nâng cao kiến thức chăm sóc sức khoẻ cho bản thân, từ đó có cơ hội phát huy vai trò của mình trong cuộc sống”.

Lệ Hà



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Vì cuộc sống tốt đẹp cho trẻ thơ

Vì cuộc sống tốt đẹp cho trẻ thơ
2018-06-26 07:01:04

(QT) - Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ưu tiên, chú trọng đẩy mạnh công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em, những năm qua, huyện Gio Linh...

Dạy bơi miễn phí cho trẻ em vùng trũng Hải Vĩnh

Dạy bơi miễn phí cho trẻ em vùng trũng Hải Vĩnh
2018-06-23 04:47:35

(QT) - Cách nay chừng 10 năm về trước, thầy giáo Nguyễn Viết Tước phối hợp với Xã đoàn Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng mở lớp dạy bơi miễn phí cho các em nhỏ trong những dịp hè. Tính...

Chắp cánh ước mơ cho học sinh nghèo

Chắp cánh ước mơ cho học sinh nghèo
2018-06-23 04:40:20

(QT) - Những năm qua, học bổng Bùi Kim Đỉnh đã góp phần nâng cánh ước mơ cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Nhân dịp thân nhân liệt sĩ Bùi Kim Đỉnh vào...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết