{title}
{publish}
{head}
QTO - Trong khi khẩu trang y tế khan hiếm, khẩu trang vải được các bác sĩ khuyến cáo người dân sử dụng để phòng COVID-19. Hòa chung tinh thần sẻ chia, đùm bọc, phụ nữ Quảng Trị lan tỏa phong trào may khẩu trang vải phát miễn phí cho người dân. Dưới bàn tay khéo léo của các chị, hàng ngàn chiếc khẩu trang vải ra đời, góp phần cùng cả nước phòng, chống dịch. Những ngày này, về nông thôn hay ở phố thị, ta sẽ bắt gặp âm thanh quen thuộc phát ra từ những chiếc máy khâu, như phần nào xua đi những lo lắng giữa mùa dịch.
Những chiếc khẩu trang vải ra đời bằng sự tận tâm của mỗi hội viên, phụ nữ. Ảnh: L.N |
Đánh thức những chiếc máy khâu cũ
Câu chuyện về chị Phan Thị Quế, ở thôn Tiên Mỹ, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, lặng lẽ đi gom từng chiếc máy khâu cũ rồi vận động chị em hội viên đến may khẩu trang giúp người dân chống dịch gây ấn tượng sâu sắc với chúng tôi. Chị Quế làm nghề thợ may, thu nhập chính của chị dựa vào cái quán may nhỏ đặt ngay trong thôn Tiên Mỹ. Rồi COVID-19 bùng phát, Chính phủ kêu gọi cả nước cùng chung tay phòng, chống dịch, là một hội viên phụ nữ, chị Quế luôn trăn trở với suy nghĩ bản thân mình cần làm một việc gì đó để góp sức phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng. Vậy nên, ngay khi Hội Phụ nữ xã Vĩnh Lâm phát động phong trào may khẩu trang phát miễn phí cho người dân, chị Quế đã tiên phong góp vải, góp công để thực hiện.
Chị lặn lội mang theo thợ may, vải vóc sang thôn bên cạnh để cùng các chị em khác trong Hội Phụ nữ may khẩu trang giúp dân phòng dịch. Nhận thấy nhu cầu sử dụng khẩu trang của người dân trên địa bàn khá lớn, những ngày sau đó, chị Quế đã chủ động đi thu gom máy khâu cũ trong thôn, rồi lấy quán may nhỏ của mình làm địa điểm tập trung may khẩu trang cho người dân. Thấy chị nhiệt tình, các chị em phụ nữ trong thôn cũng đồng lòng ủng hộ, ai cũng sẵn sàng thu xếp việc gia đình để cùng chị Quế may khẩu trang.
Chị Quế nhớ lại: “Quán tôi chỉ có 3 chiếc máy khâu, mà nhu cầu sử dụng khẩu trang của người dân thì khá lớn. Tôi nghĩ ra cách đi thu gom máy khâu cũ rồi tập hợp lại để mọi người cùng tham gia may khẩu trang, như vậy số lượng sản phẩm sẽ nhiều hơn. Nghĩ là làm, tôi xách xe máy chạy khắp thôn để thu gom những chiếc máy khâu cũ đã lâu không sử dụng rồi về chỉnh sửa, vô dầu mở cho từng chiếc máy cũ, đảm bảo ngày hôm sau hoạt động bình thường. Sáng hôm sau, từ rất sớm, đã có trên 10 chị em đến quán nhỏ của tôi, đây là những người vốn đã theo nghề may trước đó. Ai cũng hớn hở khi được góp một phần công sức nhỏ bé của mình để chung tay phòng, chống dịch. Sắp xếp máy móc xong xuôi, tôi dùng toàn bộ số vải có sẵn trong quán để chị em may khẩu trang. Mỗi người mỗi việc, với không khí làm việc hăng say, nghiêm túc, chỉ sau 1 ngày, đã có 300 chiếc khẩu trang thành phẩm để phát cho người dân trên địa bàn”, chị Quế kể.
Những chiếc may cũ được tập hợp để may khẩu trang. Ảnh do Hội LHPN xã Vĩnh Lâm cung cấp |
“Những tưởng chiếc khẩu trang nhỏ bé, hình dáng đơn giản sẽ được làm ra một cách nhanh chóng. Nhưng khi bắt tay vào sản xuất, các chị gặp một số khó khăn do vốn chỉ quen may quần áo với những chi tiết lớn, chưa quen với những đường may gấp ly nhỏ của chiếc khẩu trang. Một phần do một số chị em nghỉ may lâu quá nên đường may còn chưa đều tay. Không nản lòng, chị Quế động viên mọi người và cùng mày mò nghiên cứu để tìm ra phương cách sản xuất khẩu trang nhanh và bắt mắt hơn. “Chúng tôi cũng thống nhất mỗi người thực hiện một công đoạn, chị may đẹp đảm nhận khâu may, chị khéo tay hơn thực hiện may các đường viền, người còn lại phụ trách việc xâu dây quai hay sắp xếp, đóng gói sản phẩm…”, chị Quế chia sẻ.
Hôm chúng tôi đến, quán may nhỏ của chị Quế vẫn còn vài chục chiếc khẩu trang đặt trên chiếc bàn ngay cửa ra vào. Hỏi ra mới biết quán có sẵn khẩu trang, hằng ngày những người cần khẩu trang vẫn thường xuyên ghé qua lấy để sử dụng.
Góp việc nhỏ thành việc lớn
Mấy hôm nay, cơ sở may gia công của chị Nguyễn Thị Hảo Huyền, thôn Định Xá, xã Cam Hiếu, Cam Lộ, nhộn nhịp hơn hẳn. Chị Huyền cho công nhân ngưng sản xuất, cả chủ và thợ cùng tham gia may khẩu trang phát cho người dân. Từ khi Hội Phụ nữ xã phát động may khẩu trang miễn phí tặng người dân, chị dành toàn bộ căn nhà nhỏ kiêm cơ sở may của mình cho chị em thực hiện “chiến dịch”. Từ sáng sớm đến chiều tối, 10 chiếc máy khâu hoạt động liên tục để sản xuất ra những chiếc khẩu trang phục vụ người dân.
Những lao động đến làm tại cơ sở của chị Huyền đa phần là những người chưa có việc làm, gia cảnh khó khăn, bởi vậy, khi được chị Huyền tạo việc làm, cuộc sống của chị em được cải thiện hơn với thu nhập bình quân từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng. Dịch bệnh xảy ra, khi Hội LHPN xã và Đoàn thanh niên phát động phong trào may khẩu trang phát cho người dân chống dịch, sẵn có nghề và máy móc tại nhà, chị Huyền đã hưởng ứng. Với máy móc sẵn có, chị hướng dẫn chị em hội viên cách may, ráp khẩu trang, người nào biết đạp máy thì ngồi may, những người còn lại phụ trách khâu kết quai, giặt là sản phẩm... Được ra đời từ sự tận tâm, chăm chút bằng tất cả lòng yêu thương, trân quý, hàng trăm chiếc khẩu trang miễn phí đã được trao đến tận tay các tiểu thương ở chợ và người dân trong từng thôn, xóm nhằm góp phần giúp người dân vừa ngăn chặn nguy cơ lây lan của dịch bệnh, vừa góp phần xây dựng ý thức bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.
Cơ sở may của chị Huyền trở thành nơi may khẩu trang miễn phí cho người dân. Ảnh: L.N |
“So với vất vả của những người ở tuyến đầu chống dịch, việc may những chiếc khẩu trang vải không quá nặng nhọc đối với chị em chúng tôi. Nhưng trong lúc dịch diễn biến phức tạp như thế này, nhiều việc làm nhỏ sẽ góp thành việc lớn để cùng cả nước chống dịch”, chị Huyền cho hay. Trò chuyện với chị Huyền, chúng tôi cũng được biết thêm, kể từ khi dịch bùng phát, thay vì nhận may gia công các sản phẩm áo quần theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, chị Huyền đã ưu tiên lựa chọn những đơn hàng may khẩu trang vải phục vụ công tác phòng, chống dịch. Hiện tại, hằng ngày cơ sở may của chị sản xuất ra trên 1.000 chiếc khẩu trang đạt tiêu chuẩn chất lượng để đưa đi tiêu thụ khắp mọi miền Tổ quốc.
Vững một niềm tin
Hơn 2 tháng COVID-19 bùng phát là cũng chừng ấy thời gian những chiếc khẩu trang vải tiếp nối nhau ra đời từ bàn tay các hội viên, phụ nữ trong tỉnh. Tùy theo hoàn cảnh của từng địa phương, gia đình, mỗi người có một cách làm khác nhau nhưng thành phẩm là những chiếc khẩu trang được may khéo léo với đủ màu sắc được giặt ủi cẩn thận để trao đến tận tay người dân.
Chia sẻ với chúng tôi, Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Lâm Nguyễn Thị Hương Lan cho biết: “Từ khi dịch bùng phát, người dân rất khó để mua được khẩu trang y tế dùng một lần, trong khi Bộ Y tế cũng khuyến nghị việc có thể sử dụng khẩu trang vải đúng cách để thay thế. Đa số người dân đều nghiêm túc chấp hành, nhưng cũng có một số người do hoàn cảnh khó khăn nên việc chi tiền mua khẩu trang còn hạn chế. Để chia sẻ khó khăn với người dân, Hội LHPN xã Vĩnh Lâm đã phát động phong trào may khẩu trang phát miễn phí cho người dân, nhất là các hộ nghèo, hội viên khó khăn. Ngay sau khi phát động, phong trào đã thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia. Chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện, hội đã may được gần 1.500 khẩu trang để phát miễn phí cho người dân trên địa bàn, đặc biệt có 100% hội viên phụ nữ tại địa phương được phát khẩu trang miễn phí để phòng chống dịch. Những chiếc khẩu trang vải tuy giá trị không lớn nhưng điều chúng tôi ghi nhận sau đợt phát động này chính là tinh thần đoàn kết, trách nhiệm vì cộng đồng của mỗi hội viên phụ nữ. Trong số họ, có những người điều kiện kinh tế không thuận lợi, hoặc bận rộn với việc đồng áng nhưng vẫn tranh thủ chút thời gian rảnh rỗi trong ngày để góp sức may nên những chiếc khẩu trang giúp cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh”.
Trò chuyện với chúng tôi, Chủ tịch Hội LHPN xã Cam Hiếu Hoàng Thị Hằng cho hay: “Nhận khẩu trang miễn phí từ chúng tôi, nhiều người dân mừng lắm, chiếc khẩu trang giúp họ yên tâm hơn khi ra đường giữa đại dịch. Niềm vui của người dân chính là sự động viên, khích lệ các hội viên, phụ nữ chúng tôi sẵn sàng góp công sức nhỏ bé của mình cùng đẩy lùi COVID-19. Bởi vậy, không chỉ làm khẩu trang, cả việc đóng góp nhu yếu phẩm thiết yếu hay nhắn tin ủng hộ phòng, chống dịch cũng được đông đảo chị em phụ nữ nhiệt tình hưởng ứng. Với sự sẵn sàng chung tay của mỗi hội viên phụ nữ, cũng như sự đồng lòng hưởng ứng của toàn xã hội, tôi tin tưởng rằng, cuộc chiến với COVID -19 nhất định sẽ thắng lợi”. Mới hay, giữa bộn bề gian khó, chưa bao giờ giá trị của tình người lại dâng cao đến vậy. Và ở một làng quê, góc phố nào đó, những chiếc máy khâu dưới bàn tay cần mẫn của chị em phụ nữ đã giúp con người gắn kết gần nhau hơn trong hoạn nạn.
Lệ Như
Từ nhiều thế kỷ trước, người Vân Kiều ở miền Tây Quảng Trị đã biết dệt vải, thiết kế nên những bộ trang phục truyền thống đặc trưng của dân tộc mình. Trải qua ...
Vào mùa hè, để bảo vệ làn da dưới ánh nắng mặt trời, phần lớn chị em phụ nữ ra đường không thể thiếu trang phục chống nắng như áo, váy. Tuy nhiên, việc bịt kín ...
Với cách làm sáng tạo, những năm qua, phong trào phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Linh ngày càng phát triển, lan tỏa rộng khắp, thu hút đông đảo chị ...
Theo thời gian và cuộc sống đổi thay, nhiều nghề và làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một dần. Tuy vậy, đâu đó nơi nhiều làng quê vẫn còn có những “nghệ ...
Nghề dệt thổ cẩm ở xã A Bung, huyện Đakrông có truyền thống lâu đời. Những tấm vải thổ cẩm đủ màu sắc, hoa văn tinh xảo được làm ra từ những đôi bàn tay tinh ...
Hơn 3 năm qua, Chương trình “Áo dài yêu thương” do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh phát động lan tỏa rộng rãi trong nữ cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, ...
Hoàn thành khóa học thạc sĩ tại Đức, chàng trai trẻ Trần Thái Sơn trở về Việt Nam với chiếc vali nặng trĩu. Mở ra, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi bên ...
Từ sự giúp đỡ, tình yêu thương, đùm bọc và kỷ vật mà các “bố nuôi” Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay tặng, em Hồ Thị Nghin, 16 tuổi, học sinh lớp 10, ...
QTO - Lê Đức Phát (sinh năm 1998) hiện là một trong những tay vợt xuất sắc hàng đầu của cầu lông Việt Nam. Anh đã giành được nhiều danh hiệu lớn tại các...
QTO - Cần mẫn và thầm lặng. Mỗi người mỗi việc khác nhau, những “anh nuôi” trên Tàu 390 - Hải quân Vùng 3 đã mang đến những bữa “cơm ngon, canh ngọt” phục...
QTO - Trụ sở Cụm thủy nông N3 ở đâu bác?, tôi hỏi một vài người dân nhưng đều nhận được cái lắc đầu không biết. Một bác nông dân hỏi lại: “Có phải chú muốn...
QTO - Trải qua mọi công đoạn hoàn toàn được làm thủ công, từ đôi tay tài hoa, tỉ mẩn của ông lão đã bước sang tuổi 82, những chiếc cối xay lúa trong ký ức...
(QT) - Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID -19 tỉnh Quảng Trị, hiện nay việc triển khai cách ly, thực hiện những kịch bản phòng dịch trên địa bàn tỉnh đang được...
(QT) - Nằm trên dãy Trường Sơn giáp với tuyến biên giới Việt- Lào, đèo Sa Mù dài hơn 18 km thuộc khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, đỉnh đèo có độ cao hơn 1.550 m so với...
(QT) - Trước tình hình COVID -19, đang diễn biến phức tạp, công dân Việt Nam nhập cảnh về nước qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Cửa khẩu quốc tế La Lay với số lượng lớn. Bộ Chỉ...
(QT) - Năm nay chỉ mới 24 tuổi nhưng bằng niềm đam mê cháy bỏng và sự kiên trì hiếm có, Phan Thị Tuyết Nhung (sinh năm 1996) ở thôn Lâm Xuân, xã Gio Mai, huyện Gio Linh đã sản...