Cập nhật: Thứ 2, 14/05/2018 | 06:28 GMT+7

Chống chạy chức, chạy quyền, bắt đầu từ cơ chế kiểm soát quyền lực

(QT) - Trong diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ bảy, BCH Trung ương Đảng, khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề làm thế nào để “khắc phục tình trạng chạy chức, chạy quyền hay thân quen, cánh hẩu?”. Câu hỏi có tính đề dẫn hội nghị này cũng là vấn đề nhức nhối bấy lâu nay về công tác cán bộ. Đã có không ít quy định, quy trình về công tác cán bộ đã được ban hành nhưng vì sao ở nhiều nơi vẫn để lọt các phần tử cơ hội vào bộ máy cơ quan đảng, nhà nước, các đơn vị, doanh nghiệp nhà nước. Đây đó vẫn còn hiện tượng “cả họ làm quan”, bổ nhiệm thần tốc, nâng đỡ không trong sáng, hay lên được là nhờ có 4C (con, cháu các cụ)…, đến nỗi người đứng đầu Chính phủ phải thốt lên, trong công tác cán bộ “phải tìm người tài chứ không phải tìm người nhà”.

Cũng phải thấy rằng từ trước đến nay Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác cán bộ, như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, khóa VIII “Về chiến lược cán bộ trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, Nghị quyết của Bộ Chính trị “Về luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý”…,nhưng hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ vẫn đang là một trong những nguyên nhân làm cho đất nước chậm phát triển; nguy hại hơn là làm xói mòn niềm tin của nhân dân. Về nguyên tắc chọn cán bộ lãnh đạo là để lo việc nước, việc dân, ấy thế mà trong thực tế một số cán bộ lãnh đạo đã biến quyền lực của nhà nước, thực chất là quyền lực của nhân dân được hiến định thành quyền lực cá nhân, lạm dụng để ban phát cho người quen, người thân, người cùng phe cánh. Nhìn nhận sâu xa, chúng ta thấy hiện tượng “chạy chức, chạy quyền hay thân quen, cánh hẩu” là hệ quả trực tiếp, xuất phát từ cơ chế khép kín, cục bộ, địa phương. Những năm qua ở nhiều địa phương, doanh nghiệp nhà nước khi làm công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo đều chọn người quen, ở trong nội bộ, không muốn người ngoài về, dù năng lực “người của mình” chỉ tầm bậc trung; không có tính cạnh tranh. Trong thực tế có trường hợp người được quyết định đề bạt làm lãnh đạo nhờ có người nâng đỡ nhưng phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn thì hạn chế, quá trình làm việc vi phạm nguyên tắc của Đảng, làm trái các quy định của Nhà nước; đã có một số trường hợp lãnh đạo các cấp bị xử lý theo pháp luật. Câu nói “Thứ nhất quan hệ/thứ nhì tiền tệ/thứ ba hậu duệ/thứ tư trí tuệ” mà dân gian đang lưu truyền phần nào nói lên những tiêu cực về công tác cán bộ mà đây đó trong xã hội vẫn thường gặp.

Mới đây, trong phiên thảo luận của Hội nghị lần thứ bảy, BCH Trung ương Đảng khoá XII, khi bàn đến việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương, các ý kiến của các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao chủ trương này, cho rằng, đây là giải pháp quan trọng để kiểm soát quyền lực. Như chúng ta đều biết, trong lịch sử của dân tộc, ngay từ thời phong kiến, ông cha ta đã có Luật Hồi tỵ, quy định không được bổ nhiệm một người làm quan ngay tại nơi người đó sinh ra và lớn lên. Làm quan rồi thì không được bổ nhiệm người thân vào các chức vụ liên quan. Chỉ riêng điều này chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm của cha ông để tạo ra cơ chế kiểm soát quyền lực. Sắp tới đây, khi thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy tỉnh, huyện và một số chức danh khác được bố trí không phải là người địa phương thì đây sẽ là một biện pháp để hạn chế hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển hay thân quen, cánh hẩu…Trong thực tế hiện nay một số cấp ủy, chính quyền, ban, ngành đã thí điểm thực hiện chủ trương này. Tuy nhiên cùng với biện pháp trên, còn phải thực hiện đồng bộ các biện pháp khác như trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch của người lãnh đạo; tăng cường sự giám sát của Mặt trận, các đoàn thể và của nhân dân đối với lãnh đạo các cấp. Nếu chúng ta biết vận dụng kinh nghiệm của ông cha, kết hợp với quy định của Đảng và Nhà nước về luân chuyển cán bộ, đồng thời siết chặt kỷ cương, kỷ luật, giám sát, kiểm tra thì có thể hạn chế, ngăn chặn được hiện tượng “con ông cháu cha”, “cả họ làm quan”, bổ nhiệm thần tốc... mà lâu nay đã xuất hiện bất thường ở một số bộ, ngành, địa phương.

Được biết hiện nay Đảng ta đang chuẩn bị ban hành đề án, xác định rõ mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Theo đó, đến năm 2020, thể chế hóa, cụ thể hóa nghị quyết thành các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ theo kế hoạch, phù hợp với tình hình thực tế; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực; triệt để chống chạy chức, chạy quyền và chặn đứng tình trạng suy thoái; cơ bản thực hiện việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; hoàn thành việc rà soát, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ các cấp gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đến năm 2025, tiếp tục hoàn thiện, chuẩn hóa, đồng bộ các quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ; phấn đấu hoàn thành việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương, khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác; đẩy lùi tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định. Đến năm 2030, xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự chuyển giao thế hệ cán bộ một cách vững vàng; cơ bản xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ.

Như vậy, vấn đề đặt ra là phải đề cao phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn của cán bộ; thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; chú trọng công tác đánh giá cán bộ; xây dựng chính sách tạo ra động lực để cán bộ tâm huyết, gắn bó với sự nghiệp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng về công tác cán bộ. Để ngăn chặn có hiệu quả hiện tượng “chạy chức, chạy quyền hay thân quen, cánh hẩu”, phải bắt đầu từ việc xây dựng và hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm. Khi đã có cơ chế quản lý chặt chẽ, với sự giám sát toàn diện của Mặt trận, các đoàn thể và nhân dân, khi đó mới có thể nói đến sự vận hành quy trình công tác cán bộ khoa học, loại bỏ những hiện tượng tiêu cực, tìm được cán bộ lãnh đạo các cấp có đức, có tài đứng ra gánh vác trọng trách việc dân, việc nước.

Phương Minh



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Người đứng đầu phải sâu sát cơ sở
22:16 23/09/2022

Sâu sát cơ sở, nắm chắc tình hình để có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh trong Nhân dân là một trong những ...

Niềm tin có chữa được bách bệnh?

Niềm tin có chữa được bách bệnh?
23:49 11/05/2018

(QT) - Một người mẹ có con bị bại não do di chứng của cơn sốt co giật từ lúc cháu bé mới chỉ 1 tuổi. Năm nay cháu 18 tuổi. Hành trình 18 năm chạy chữa cho con của người mẹ đó...

Màu cờ Tổ quốc

Màu cờ Tổ quốc
23:42 04/05/2018

(QT) - Cuối tháng 9/2014, có dịp ra thăm đảo Lý Sơn, tôi nhận thấy hòn đảo nhỏ của tỉnh Quảng Ngãi này có một sự tương đồng, gần gũi và thân thuộc như đảo Cồn Cỏ của quê nhà....

Lời nhắc nhở của tháng Tư

Lời nhắc nhở của tháng Tư
22:38 29/04/2018

(QT) - Đã mấy chục năm nay, cứ thời điểm cuối tháng Tư đầu tháng Năm, các cấp lãnh đạo của Ban công tác đặc biệt hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet (Lào) lại tập trung cho buổi...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

16°C - 21°C
Có mây, không mưa
  • 17°C - 20°C
    Nhiều mây, có mưa, mưa rào
  • 16°C - 19°C
    Nhiều mây, có mưa nhỏ
POWERED BY
Việt Long