Chắp cánh cho tân sinh viên nghèo
(QT) - Thành thông lệ, năm nay, Chương trình “Tấm lòng quê hương - Tiếp sức đến trường” năm thứ 14 tiếp tục được tổ chức. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với bà NGUYỄN THỊ HỒNG VÂN, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị về những tín hiệu đáng mừng mà chương trình mang lại. - Thưa bà! Như vậy là đã 14 năm trôi qua kể từ ngày chương trình “Tấm lòng quê hương - Tiếp sức đến trường” lần đầu tiên được tổ chức. Đề nghị bà chia sẻ những tín hiệu đáng mừng mà chương trình mang lại?
 |
-Chương trình “Tấm lòng quê hương - Tiếp sức đến trường” đã trải qua một chặng đường dài chở nặng biết bao ân tình, thắp sáng ước mơ của rất nhiều học sinh nghèo. Xuất phát từ tấm lòng thiết tha với sự nghiệp trồng người, nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh và kiều bào ta ở nước ngoài đã sát cánh cùng chương trình. Đặc biệt, Câu lạc bộ Nghĩa tình Quảng Trị tại thành phố Hồ Chí Minh do doanh nhân Lê Quốc Phong, Tổng Giám đốc Công ty Phân bón Bình Điền làm chủ nhiệm và Báo Tuổi trẻ đã có những đóng góp rất lớn. Bên cạnh đó, Báo Quảng Trị, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, giúp chương trình lan tỏa rộng rãi. Những năm đầu triển khai, số tổ chức, cá nhân hỗ trợ chương trình “Tấm lòng quê hương - Tiếp sức đến trường” còn ít và chỉ có khoảng vài chục tân sinh viên được tiếp sức. Tuy nhiên, những năm về sau, các con số này tăng lên nhanh chóng. Năm 2003, chương trình trao 33 suất học bổng, mỗi suất trị giá 2,5 triệu đồng. Đến năm 2014, có trên 200 suất học bổng đã được trao, mỗi suất 5 triệu đồng. Năm 2015, số suất học bổng “Tấm lòng quê hương -Tiếp sức đến trường” là 244, mỗi suất 7 triệu đồng. Thời gian qua, gần 3.000 sinh viên đã được tiếp sức để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình. Giờ đây, nhiều em đã ra trường, tìm được công việc ổn định và gặt hái thành công. Đặc biệt, một số em đã quay trở lại ủng hộ cho chương trình như: Đào Thị Hằng, Hồ Sỹ Sáng, Nguyễn Văn Hiếu, Hồ Thị Thu Sương, Lê Đình Phụng… - Chương trình “Tấm lòng quê hương - Tiếp sức đến trường” khởi nguồn từ đâu, thưa bà? -Chương trình “Tấm lòng quê hương - Tiếp sức đến trường” được thực hiện từ năm 2003. Chương trình do nhóm phóng viên Báo Tuổi trẻ khởi xướng, trong đó nhà báo Lê Đức Dục, một người con của mảnh đất Quảng Trị đã có công rất lớn. Trước đây, nhà báo Lê Đức Dục từng có bài viết về em Nguyễn Thanh Lập (trú tại huyện Triệu Phong). 2 năm liền đỗ đại học với kết quả cao nhưng em Lập đều không thể nhập học vì gia cảnh quá nghèo khó. Bài viết “Hai năm đậu đại học nhưng cổng trường vẫn xa” được đăng tải đã làm lay động trái tim nhiều người. Từ câu chuyện này, Báo Tuổi trẻ khởi xướng chương trình “Tấm lòng quê hương - Tiếp sức đến trường”, nằm trong chương trình “Vì ngày mai phát triển”. Một câu chuyện khác gắn liền với hoàn cảnh em Lê Minh Hiếu (trú tại huyện Hải Lăng). Mẹ Hiếu đã đạp xe vượt đường sá xa xôi, tìm đến Hội Khuyến học tỉnh để nhờ giúp đỡ. Trên đường đi, vì không biết Luật Giao thông, mẹ em bị Công an yêu cầu dừng lại. Khi được hỏi chuyện, bà dung dị chia sẻ: “Nhà tôi nghèo quá, con tôi đỗ đại học mà không có tiền nhập học. Tôi đi tìm ông Trương Sỹ Tiến, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh nhờ giúp đỡ”. Lời giải bày thật như đếm của bà làm anh Công an rất cảm động, liền rút tiền ra biếu và dặn phải đi lại cẩn thận. Khi gặp mẹ Hiếu, thầy Trương Sỹ Tiến đã cũng nhiệt tâm giúp đỡ. Đồng thời, thầy liên lạc với nhà báo Lê Đức Dục để trao đổi câu chuyện. Đó là khởi điểm để bài báo “Hiếu cà rem và giấc mơ đại học” ra đời.
 |
Các cán bộ Hội Khuyến học tỉnh trò chuyện, động viên sinh viên nghèo - Ảnh: QH |
Từ hai câu chuyện trên, ý tưởng chung tay giúp đỡ tân sinh viên ở miền quê nghèo hiếu học Quảng Trị đã gặp nhau. Không lâu sau đó, Ban tổ chức chương trình “Tấm lòng quê hương- Tiếp sức đến trường” đã được thành lập gồm: Báo Tuổi trẻ, Hội Khuyến học tỉnh, Báo Quảng Trị, Đài Phát thanh - Truyền hình, Tỉnh đoàn, Sở GD&ĐT. Câu lạc bộ Nghĩa tình Quảng Trị là nhà tài trợ chính. - Bà có thể cho biết việc triển khai chương trình “Tấm lòng quê hương - Tiếp sức đến trường” gặp những thuận lợi và khó khăn gì? -Với tính nhân văn sâu sắc, chương trình “Tấm lòng quê hương - Tiếp sức đến trường” đã nhận được sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Là cơ quan thường trực của Ban tổ chức, Hội Khuyến học tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện và báo cáo với UBND tỉnh xin chủ trương tổ chức hàng năm. Quảng Trị là mảnh đất giàu truyền thống hiếu học. Việc đóng góp, hỗ trợ kinh phí giúp tân sinh viên nghèo vốn đã nằm trong tâm thức mỗi người. Thế nên, chỉ vài ngày sau khi thư kêu gọi tiếp sức đến trường của UBND tỉnh được phát đi, chúng tôi đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp. Trong khi đó, chương trình “Tấm lòng quê hương - Tiếp sức đến trường” diễn ra hàng năm, đã trở thành “thương hiệu”. Báo Tuổi trẻ, Câu lạc bộ Nghĩa tình Quảng Trị và các thành viên trong Ban tổ chức là những đơn vị có uy tín lớn. Vì vậy, việc vận động đóng góp cơ bản là thuận lợi. Trong những ngày hè oi bức, khi phụ huynh và học sinh đang thấp thỏm chờ đợi kết quả thi đại học, cao đẳng thì chúng tôi lại trăn trở, suy nghĩ, tìm nhiều hình thức kết nối các tấm lòng hảo tâm giúp đỡ tân sinh viên. Bản thân chúng tôi cũng lo lắng, hồi hộp khi hàng ngày cập nhật nguồn đóng góp từ các tổ chức, cá nhân hỗ trợ chương trình. Cứ mỗi mùa tiếp sức đến trường, chúng tôi nhận được rất nhiều hồ sơ đăng ký. Thế nhưng, do số suất học bổng có hạn nên nhiều khi anh em rất buồn vì phải loại một số trường hợp . - Đến hẹn lại lên, năm nay, chương trình “Tấm lòng quê hương - Tiếp sức đến trường” lại được tổ chức. Chương trình năm nay có gì mới, thưa bà? - Năm nay, Ban tổ chức chương trình sẽ trao 183 suất học bổng tiếp sức đến trường cho tân sinh viên, mỗi suất trị giá 7 triệu đồng. Ngoài ra, Báo Tuổi trẻ và Câu lạc bộ Nghĩa tình Quảng Trị sẽ tổ chức một chương trình quy mô, hoành tráng và ý nghĩa. Trong chương trình, một số ca sĩ là con em Quảng Trị sẽ tham gia biểu diễn. Một điều đặc biệt ở mùa tiếp sức đến trường năm nay là trong quá trình tuyển chọn hồ sơ, khảo sát thực tế, chúng tôi chú ý đến các tân sinh viên vùng biển thuộc bốn huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh và Vĩnh Linh. Đây là các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố môi trường biển vừa qua. Các tân sinh viên vùng biển cần sự quan tâm, sẻ chia rất lớn từ toàn xã hội. Nhân đây, thay mặt Ban tổ chức chương trình “Tấm lòng quê hương - Tiếp sức đến trường”, tôi xin được cảm ơn sự ủng hộ quý báu của các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm. Chúng tôi tha thiết mong muốn được tiếp tục đồng hành cùng các tấm lòng vàng để thắp sáng niềm tin cho những sinh viên nghèo hiếu học. - Xin cảm ơn bà! TÂY LONG (Thực hiện)