Cập nhật:  GMT+7

Cánh đồng chiều của mẹ

Tôi mới về quê ngoại trưa nay. Tháng Năm, mới chỉ hơn mười giờ đã thấy nắng chang chang bỏng rát. Lại thêm ngọn gió Lào hầm hập nên cái nắng nóng càng thêm gay gắt, khó chịu. Trên con đường làng, ngồn ngộn những chiếc xe trâu, xe công nông chất đầy lúa. Người người ngược xuôi đi lại. Ai cũng hối hả, vội vàng như muốn làm thật nhanh công việc để mau về đến nhà như thể chạy trốn cái nắng nóng. Từ căn bếp nhà cậu tôi, nghe thoảng thơm mùi gạo mới, mùi tiêu hành phi trên mỡ và cả mùi hến nấu canh rau, một món ăn dân dã mà tôi không bao giờ quên được.

Cánh đồng chiều của mẹ

Minh họa: NGỌC DUY

Tôi không nhớ chính xác là mình đã về thăm làng Mai quê ngoại cả thảy bao nhiêu lần. Để rồi cứ mỗi lần trở về lại được thưởng thức món ẩm thực quen thuộc, đậm đà hương vị quê kiểng ấy. Từ ngày về lần đầu đến nay, thấm thoắt đã mấy chục năm trôi qua rồi. Dù sống xa quê ngoại nhưng tâm tưởng tôi luôn hướng về.

Thuở ấu thơ, lúc mới chỉ lên chín, lên mười, tôi đã lơ mơ biết về quê ngoại qua lời kể của ba mẹ tôi. Tuy bé, nhưng mỗi câu chuyện về quê ngoại, tôi đều nhớ rất rõ. Tôi nhớ cả những địa danh như Cửa Tùng, Cửa Việt, Cồn Tiên, Dốc Miếu...đặc biệt hai tiếng “làng Mai” tôi thuộc lòng ngay từ tấm bé. Và cứ mỗi lần nhắc đến hai tiếng ấy tôi lại thấy ngân rung lên trong sâu thẳm lòng mình. Tôi ao ước được một lần về thăm quê ngoại. Được tận mắt nhìn thấy cây cầu Hiền Lương và dòng sông có làn nước xanh trong, hiền hòa, bốn mùa lặng chảy. Được tung tăng chạy nhảy trên con đường làng.

Và thích nhất là được ra sông cào hến, được vóc những vóc hến trong lòng bàn tay, để rồi mỗi buổi sáng mai lên, được cùng với đám trẻ trong làng dựng lò nhóm lửa, chơi trò “nấu canh hến” gánh đi bán rong cùng với lời rao cất lên lanh lảnh: “Canh hến đây, ai mua canh hến nào!”, như mẹ tôi và bạn bè mẹ từng chơi với nhau từ thuở nhỏ! Có một lần, mẹ tôi chỉ tay vào tấm bản đồ tôi đang học, bùi ngùi nói với tôi: “Quê ngoại của con ở ngay bên kia sông Bến Hải nhưng để qua được con sông này thì mẹ con mình còn phải đợi đến ngày thống nhất đất nước con ạ!”. Từ đấy tôi mới hiểu rằng quê ngoại của tôi đang bị giặc Mỹ chiếm đóng. Và, phải đợi đến ngày thống nhất đất nước tôi mới có thể về thăm quê ngoại.

Hồi ấy ba tôi là bộ đội đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Còn mẹ tôi là một cô giáo, một nữ du kích làng Mai. Ba mẹ tôi quen nhau rồi cưới nhau, được một tuần thì mẹ theo ba tập kết ra Bắc. Từ đấy, mẹ ở lại quê ba. Còn ba vào lại chiến trường. Hai người xa nhau biền biệt, không thư từ, tin tức. Mãi gần mười năm sau, ba tôi mới trở ra Bắc lần đầu. Tôi nhớ dạo đó hình như là sau tết Mậu Thân, ta vừa đánh lớn ở miền Nam.

Năm đó tôi vừa tròn mười tuổi. Ba về rất nhanh rồi cũng ra đi rất nhanh. Có vẻ như ba rất vội vàng, có lẽ tình hình không cho phép ba được ở lại lâu hơn. Rồi sáu, bảy năm sau đó, cho tới lúc miền Nam hoàn toàn giải phóng, ba tôi cũng chỉ về lại một lần nữa, đâu như hồi Hiệp định Pari được ký kết. Thường những lần ba tôi trở về, dù thời gian rất ngắn, có khi chỉ vỏn vẹn một, hai ngày nhưng như thế cũng đủ để cái gia đình nhỏ bé của tôi được quây quần bên nhau, được ngập tràn trong niềm vui, hạnh phúc.

Tôi được ba hết sức cưng chiều. Mỗi lần gia đình đoàn tụ, ba thường có thói quen bế bổng tôi lên, hôn chùn chụt lên má, rồi đặt tôi ngồi gọn lỏn trong lòng. Ba vuốt tóc tôi, vỗ về tôi. Còn tôi thì quàng tay ôm lấy cổ ba, bàn tay nhỏ bé của tôi thoa nhè nhẹ lên cái cằm lởm chởm râu của ba. Mẹ ngồi đối diện mỉm cười hạnh phúc nhìn hai cha con.

Mặt mẹ lộ rõ niềm vui và cả niềm xúc động. Nhìn mẹ, tôi biết mẹ đã hạnh phúc biết nhường nào trong những lần ba trở về. Nghe chuyện ba mẹ nói với nhau, tôi biết thêm nhiều điều, trong đó có cả những chuyện mà lẽ ra trẻ con như tôi không cần phải quan tâm đến. Nhưng không hiểu sao mỗi câu chuyện ba kể với mẹ, tôi đều để ý lắng nghe và nhớ rất kỹ. Như tình hình chiến sự ở miền Nam, ta đánh những đâu, thắng những đâu. Rồi cả những gian khổ, hy sinh mà ta đang phải chịu đựng.

Cũng qua những câu chuyện của ba kể với mẹ, tôi còn được biết thêm một điều rất thú vị. Đó là ba đã cùng đơn vị tham gia nhiều trận đánh trên chiến trường Quảng Trị. Ba đã từng có mặt trong đoàn quân đánh chiếm quân cảng Cửa Việt, phá tan hàng rào điện tử Mácnamara ở Cồn Tiên, Dốc Miếu. Và đã có lần ba ghé về làng Mai vừa giải phóng, gặp được ông bà ngoại. Mẹ nghe ba kể vui lắm! Mắt mẹ rớm lệ mà vẫn lấp lánh nụ cười.

Rồi mẹ bùi ngùi hỏi ba: “Anh ơi, chiến tranh tàn khốc như thế chắc làng ta giờ đã tiêu điều, xơ xác hết. Cả cái nghề cào hến của làng ta chắc cũng không còn nữa phải không anh?”. Ba cười rất tươi nói với mẹ rằng, làng Mai tuy bom đạn cày xới tan hoang, nhưng lúa khoai vẫn xanh rờn trên từng thửa ruộng. Bà con mình trong đó một lúc làm hai việc, vừa đánh giặc, vừa sản xuất hăng hái lắm! Không những cần cù với nghề nông làm ra lúa gạo nuôi quân đánh giặc mà còn giữ được nghề truyền thống từ bao đời nay.

Rồi ba còn nói rằng, khi ghé về thăm làng, ba đã được ông bà ngoại cho ăn cơm với canh rau nấu hến. Ba nói, đã lâu rồi ăn lại bát canh hến từ tay mẹ vợ nấu, ba cảm thấy mát tận ruột gan. Mẹ ngồi nghe mà như nuốt lấy từng lời. Đôi môi mẹ mấp máy, mấp máy, và cổ mẹ khe khẽ chuyển động, tôi ngỡ như mẹ cũng đang ăn một cái gì đó rất ngon.

Buổi tối cuối cùng để ngày mai lên đường, ba nói với mẹ: “Quê hương mình giải phóng rồi, anh cũng định đưa em và con về thăm, nhưng anh nghĩ cả miền Nam rồi cũng giải phóng trong nay mai. Em chịu khó đợi đến ngày toàn thắng rồi cả nhà ta sẽ cùng về thăm quê. Chắc cũng không còn bao lâu nữa đâu...”. Rồi ba trở về đơn vị chiến đấu. Hai năm sau, ba cùng đơn vị thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn. Đúng vào giữa những ngày chiến thắng đang đến gần thì mẹ con tôi nhận được tin ba hy sinh. Vậy là lời hứa sẽ cùng mẹ và tôi vào thăm quê ngoại đã theo ba vĩnh viễn ra đi.

Lần đầu tiên tôi về thăm làng Mai quê ngoại là vào một ngày hè sau giải phóng miền Nam không lâu. Năm ấy tôi đã là một thiếu nữ mười tám tuổi. Chuyến đi chỉ có hai mẹ con. Chúng tôi đi tàu hỏa vào Vinh rồi từ đó đi ôtô. Chỉ một chặng đường không quá xa mà phải mất tới mấy ngày. Tuy vất vả nhưng vui. Tôi thì lần đầu tiên về thăm quê nên tỏ ra rất háo hức.

Còn mẹ, tôi đọc được trên gương mặt mẹ một nỗi buồn vui, xúc động tuôn trào. Dẫu sao thì cũng đã hai mươi năm rồi, kể từ ngày theo ba tập kết ra Bắc, hôm nay mẹ mới được trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Hai mươi năm đằng đẵng mòn mỏi, đợi chờ. Hai mươi năm phải chịu bao uất ức, khổ đau của chiến tranh và hy vọng hòa bình.

Cảm xúc trong mẹ bỗng vỡ òa khi mẹ đặt chân lên con đường làng. Vẫn là con đường làng thuở xưa len lỏi giữa những rặng tre. Và xa kia là dòng sông đang lững lờ trôi. Những mái nhà tranh hình bánh ít, một gian hai chái quen thuộc. Chẳng có gì đổi khác ngoài phong cảnh, làng mạc trụi trơ cùng rất nhiều những hố bom, hố pháo.

Tôi tung tăng chạy ra bờ sông. Trời về chiều nắng vàng thẫm trên mặt cát. Một đám đông đang ngụp lặn trên mặt nước trắng bạc ở xa xa. Họ kéo theo những chiếc thuyền nan mỏng manh. Tôi nhận ra họ là những người dân của làng tôi đang làm nghề cào hến. Tự dưng tôi men theo mép nước đi dần về phía họ. Một đám trẻ vừa chăn trâu vừa thả diều ngay cạnh bờ sông. Chúng chạy nhảy, nô đùa, hát hò rất vui vẻ. Một đứa con trai bỗng hét toáng lên: “Tao đố chúng mày! Tao đố chúng mày!” . Rồi nó cất giọng ngân nga: “Con chi mà nhỏ nhỏ dưới sông. Để đàn bà đi bán, để đàn ông đi cào?”. Nó vừa dứt lời thì cả tốp bạn nó đã đồng thanh đáp lại: “Chắt chắt một đọi hai hào. Cơm nguội trong chạn mua vào mà chan!”. Rồi chúng lại đuổi nhau, cười nói inh ỏi cả quãng sông.

Chia tay bọn trẻ tôi định quay về nhưng nghĩ sao tôi lại đi tiếp. Sau lưng tôi ánh mặt trời đã tắt hẳn phía chân núi. Còn trước mặt không gian đã chuyển sang màu sầm sẫm. Mặt sông lặng phắc không một gợn sóng. Dưới sông, những người cào hến vẫn ngụp lặn như chẳng ai chú ý đến thời gian. Bỗng nhiên trời mây, mặt sông đổi màu và một cơn gió ùa đến.

Tôi thấy người bàng hoàng, chới với, nhưng cũng kịp nhìn thấy trong ánh hoàng hôn nhợt nhạt, như có một người đàn ông bận đồ đen đang hớt hải chạy về phía trước. Mấy lần anh vấp ngã, rồi lại lồm cồm ngồi dậy để chạy tiếp.

Thoáng qua trước mặt tôi là một khuôn mặt còn rất trẻ, dáng cao cao, gầy gầy. Một khuôn mặt rất quen, rất thân thiết như là tôi đã gặp ở đâu rồi. Khi đến bờ sông anh dừng lại ngó quanh một lúc rồi rẽ nước lao ra giữa dòng. Chẳng mấy chốc bóng anh hòa lẫn vào bóng người đang cào hến trên sông. Cùng lúc tôi nghe có tiếng súng nổ, tiếng quát tháo và một tốp người hùng hổ chạy đến. Trong tốp người, có cả lính Tây lẫn lính ta. Mặt mũi tên nào trông cũng hung hăng, dữ tợn. Chúng lăm lăm súng trong tay, miệng quát to: “Việt Minh! Việt Minh! Phải bắt sống cho bằng được tên Việt Minh!”. Rồi chúng đổ xô về phía những người dân đang cào hến. Những họng súng đen ngòm chĩa thẳng về phía họ.

Một tên Việt gian quát hỏi: “Ai là Việt Minh hãy bước ra. Nếu không ta nổ súng!”. Tức thì, từ trong đám đông, có một giọng con gái trả lời: “Không có ai là Việt Minh ở đây cả. Chúng tôi toàn là dân làng Mai làm nghề cào hến. Các ông không tin thì lội xuống đây mà kiểm tra”. Tốp lính đứng chần chừ một lúc rồi lằng lặng bỏ đi.

Cơn gió mạnh làm tôi bừng tỉnh như vừa trải qua một cơn mơ, nhìn trước ngó sau nhưng không thấy gì cả. Thì ra đó chỉ là câu chuyện xảy ra cách đây đã hai mươi mấy năm mà mẹ từng kể cho tôi nghe. Để đến hôm nay khi đang đứng trước dòng sông quê nhà, trong một chiều chạng vạng, tôi đã hồi tưởng lại tất cả. Có cảm tưởng như câu chuyện xa xưa ấy xảy ra chỉ mới đây thôi. Tôi nhớ mỗi lần kể xong mẹ lại nói với tôi, đó là lần đầu tiên mẹ với ba gặp nhau. Chính mẹ và những người dân làng Mai đã cứu ba thoát khỏi hiểm nguy trong một trận vây bắt của kẻ thù. Để rồi sau này qua một thời gian, mẹ đã đem lòng yêu thương chàng trai xứ Bắc, người lính Vệ quốc đoàn ấy.

Tôi ngồi xuống vệ cỏ, vóc nước lên hai lòng bàn tay phả lên mặt. Những giọt nước mát lạnh, len lỏi vào từng tế bào trên cơ thể tôi. Một cảm giác vừa bồi hồi, vừa lưu luyến cứ rạo rực trong tôi trên từng bước chân trở về nhà.

Truyện ngắn: Nguyễn Ngọc Chiến

Tin liên quan:
  • Cánh đồng chiều của mẹ
    Cánh đồng làng

    Làng tôi ở bao bọc xung quanh là cánh đồng và dòng sông. Cánh đồng về mùa thu và mùa xuân luôn xanh mát với những cây lúa và cỏ hoa. Sau tháng 3, tháng 4 âm lịch khi vụ mùa chính đã gặt xong, cánh đồng trơ ra những rơm rạ. Mùa này rất ít mưa, chỉ những cơn nắng gay gắt. Đó cũng là lúc mà những con chim sẻ, chiền chiện từ đâu bay về làm tổ. Chim chiện chiền thường làm tổ trên những cây lúa sắp gặt hoặc trên những thửa ruộng đã gặt xong, có khi chúng đào một lớp đất mỏng rồi tha rơm rạ, cỏ khô về làm tổ...

  • Cánh đồng chiều của mẹ
    Nước mắt của mẹ

    Kể từ ngày chồng mất, phát hiện người con đầu mắc bệnh tim bẩm sinh, chị Lê Thị Hòa (sinh năm 1972) hiện đang sống tại Khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh như suy sụp. Dù thế nhưng người phụ nữ đáng thương này vẫn cố gắng bươn chải, làm đủ công việc để nuôi 3 người con ăn học nên người.


Truyện ngắn: Nguyễn Ngọc Chiến

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Hải Lăng đất của những dòng sông sử thi

Hải Lăng đất của những dòng sông sử thi
2025-01-24 09:11:00

QTO - Không hiểu sao, mỗi lần chạm đất Hải Lăng, trong lòng tôi lại vấn vương câu văn đẹp như một bức tranh của nhà văn Nga Ilya Ehrenburg nói về lòng yêu...

Chiều nghĩa trang, đượm nồng nắng lửa

Chiều nghĩa trang, đượm nồng nắng lửa
2024-08-06 07:05:00

QTO - Mỗi lần tháng Bảy về, tôi lại rưng rưng với những vần thơ tháng Bảy - những vần thơ day dứt như một lời nhắc mình về những ân tình sâu nặng. Tôi biết...

Cầu vồng cổ tích...

Cầu vồng cổ tích...
2024-08-06 07:00:00

QTO - Tháng Bảy, trời bắt đầu trở mình bằng những cơn mưa rào chợt đến, chợt đi. Mới nắng đó thoắt cái đã mưa, rồi mưa còn chưa dứt thì đã thấy nắng vươn...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long