Cập nhật: Thứ 6, 26/02/2016 | 00:12 GMT+7

Cần nhân rộng mô hình canh tác tự nhiên

(QT) - Hiện nay việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hoá học rất phổ biến trong sản xuất rau của người dân cũng như trong các trang trại đã mang lại năng suất và thu nhập cho người dân. Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi còn nhiều tác hại mà người dân có thể biết hoặc không biết như tồn dư lượng hoá chất trong sản phẩm nông nghiệp cao; mất đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường. Bên cạnh việc sử dụng phân bón thì việc sử dụng thuốc trừ sâu bệnh, thuốc diệt chuột đôi khi người dân không hiểu rõ về các loại thuốc cũng như cách sử dụng. Do vậy việc sử dụng thuốc cấm, sử dụng quá liều lượng và thời gian cách ly không thể kiểm soát được đó là nguyên nhân chính của các vụ ngộ độc rau quả. Canh tác tự nhiên là một trong những phương pháp liên quan đến vấn đề này. Canh tác tự nhiên được đề xướng và phát triển tại Hàn Quốc, do Tiến sĩ Cho Han Kyu phát kiến từ 1967. Triết lý của canh tác tự nhiên là tôn trọng tự nhiên, dựa vào nguồn lực có sẵn trong tự nhiên thay thâm canh dựa vào hóa chất để tạo ra năng suất vượt trội và cải thiện chất lượng sản phẩm, bảo vệ đất trồng, nguồn nước làm nền tảng căn bản cho sản xuất nông nghiệp. Đến nay phương pháp này đã được áp dụng rất thành công ở một số nước như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản…Sản xuất theo phương pháp canh tác tự nhiên sẽ kiểm soát được toàn bộ quá trình sản xuất từ nguyên liệu đầu vào để tạo ra các chế phẩm, quá trình làm đất, bón phân, chăm sóc (sử dụng hợp lý chất dinh dưỡng cho cây trồng) do vậy sản phẩm mang tính an toàn cao. Ở nước ta, mô hình canh tác tự nhiên đã được áp dụng tại một số tỉnh, thành trên cả nước như ở Sóc Sơn (Hà Nội) có mô hình sản xuất rau hữu cơ Thanh Xuân, ở Lâm Đồng có Organik Đà Lạt, Cà Mau có GreenFarm Viễn Phú, Lào Cai có chè Shan Bắc Hà…

Áp dụng chương trình sản xuất dựa vào tự nhiên để cho ra sản phẩm rau sạch

Nhằm bảo vệ môi trường khu vực nông thôn và hạn chế sử dụng thuốc BVTV trong nông nghiệp, ở tỉnh Quảng Trị Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại huyện Triệu Phong đã hỗ trợ cho nông dân xã Triệu Sơn xây dựng mô hình canh tác nông nghiệp tự nhiên. Đây là mô hình đầu tiên được triển khai thí điểm trên địa bản tỉnh Quảng Trị. Được sự tài trợ của Chương trình “2 cây, 2 con” cùng với sự hướng dẫn về kỹ thuật canh tác các mô hình nông nghiệp từ Trạm khuyến nông huyện Triệu Phong, gia đình chị Nguyễn Thị Gái ở thôn An Trú, xã Triệu Tài đã tiến hành thử nghiệm các mô hình trồng rau theo phương pháp tự nhiên, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc trừ sâu bệnh được người nông dân tạo ra dựa vào các chất liệu tự nhiên từ trong chính vườn của mình như nước gừng, tỏi…Kết quả cho thấy vườn rau của chị phát triển xanh tốt, rất ít sâu gây hại. Ngoài ra, chương trình còn triển khai thí điểm trên cây lúa cho 10 hộ gia đình tại xã Triệu Sơn kết quả cây lúa cho sản phẩm hạt to, tròn. Nguyên tắc của việc canh tác này là dùng các dưỡng chất truyền thống của các hạt, vi sinh vật bản địa (gọi tắt là IMO), để cho cây trồng phát triển tự nhiên, dựa theo đặc điểm và tính chất khí hậu của vùng và những gì con người can thiệp vào hệ sinh thái chỉ mang tính chất hỗ trợ để đạt sản lượng tốt nhất. Chị Nguyễn Thị Lộc, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Triệu Phong, người trực tiếp hướng dẫn các hộ gia đình cho biết: “Phương pháp canh tác nông nghiệp tự nhiên chủ yếu dựa vào phương thức tự nhiên có sẵn trong nông dân. Về cây trồng chủ yếu là ứng dụng công nghệ vi sinh để nhân các vi sinh vật có lợi trong đất lên men và làm ra các chế phẩm vi sinh tưới cho cây trồng. Trong chăn nuôi thì không sử dụng thức ăn công nghiệp, thuốc thú y mà sử dụng các chế phẩm vi sinh và thức ăn cám, lúa, gạo, gia tăng các sinh vật có lợi lên men cho vật nuôi ăn, uống như tỏi, gừng để tăng sức đề kháng cho vật nuôi, giúp vật nuôi ít bị nhiễm bệnh”. Mặc dù phương thức canh tác này đòi hỏi tuân thủ chính xác các yêu cầu kỹ thuật, ngoài ra cần đến sự tỷ mỷ kiên trì, tuy nhiên qua hơn 1 năm triển khai chương trình, các hộ dân đã cơ bản tuân thủ đúng quy trình. Chị Nguyễn Thị Hà ở thôn Đồng Bào, xã Triệu Sơn cho biết: “Khi dự án về triển khai, ban đầu gia đình chúng tôi cũng cảm thấy rất khó khăn do phải qua nhiều giai đoạn. Trước đây trong chăn nuôi tôi chỉ mua thức ăn về rồi thả vào máng cho vật nuôi ăn hay trồng rau cũng thế, chỉ mua thuốc diệt sâu, diệt cỏ về phun là xong. Cho dù các loại thức ăn thì sẵn có trong nhà nhưng phải chế biến qua nhiều khâu nên mất thời gian. Tuy nhiên lâu dần thành quen, nay chúng tôi thấy việc áp dụng các quy trình sản xuất, chế biến của chương trình đơn giản và thuận lợi. Đặc biệt là hiệu quả tích cực, rõ ràng mà việc áp dụng mang lại đã làm thay đổi nhận thức của nông dân chúng tôi”. Qua đây có thể nhận thấy những lợi ích của mô hình canh tác tự nhiên mang lại là rất lớn, giảm chi phí đầu vào nguyên liệu, tận dụng nâng cao hiệu quả sử dụng các chất thải nông nghiệp, giảm ô nhiễm môi trường thông qua việc giảm thiểu sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV, tạo ra các sản phẩm sạch, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Theo kết quả tính toán đối với việc trồng lúa chi phí giảm 50-70 %, sản lượng tăng 40% trên 7.000 m 2 ruộng lúa, tăng thu nhập sản xuất lên đến 90%. Với sự hỗ trợ tích cực từ chương trình của Tổ chức Tầm nhìn thế giới huyện Triệu Phong, nông dân xã Triệu Sơn đã bước đầu hình thành nên mô hình canh tác nông nghiệp tự nhiên với rất nhiều ưu điểm so với phương pháp canh tác nông nghiệp hiện nay. Ông Đào Văn Đức, Trưởng dự án Tầm nhìn thế giới huyện Triệu Phong cho biết thêm: “Hiện nay ở Triệu Phong có 6 xã với 70 hộ tham gia chương trình sản xuất tự nhiên do Tổ chức Tầm nhìn thế giới tài trợ. Từ tín hiệu khả quan của chương trình, sắp tới chúng tôi mở rộng thêm 2 xã nữa. Ngoài ra chúng tôi cũng đang soạn thảo các nội dung để đề xuất Tổ chức hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) hỗ trợ dự án chuỗi giá trị để tăng giá trị sản phẩm sạch đưa ra thị trường rộng hơn nhằm khâu nối người sản xuất với người tiêu dùng”. Hiệu quả tích cực của phương thức canh tác dựa vào tự nhiên là giảm thiểu những tác động từ hoạt động sản xuất nông nghiệp lên môi trường góp phần không nhỏ trong cải thiện môi trường, đồng thời là giải pháp thích ứng trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Do vậy, trong thời gian tới mô hình canh tác tự nhiên cần được nhân rộng và phát triển trên địa bàn Quảng Trị. Bài, ảnh: TÂN NGUYÊN



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Đẩy mạnh canh tác hữu cơ cây rau màu
22:45 16/11/2023

Rau màu là nhu cầu thực phẩm lớn đối với thực đơn hàng ngày của mọi người. Vì thế đảm bảo nguồn thực phẩm này sạch là bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng. Hàng ...

Chuyển biến ở Phước Tuyền

Chuyển biến ở Phước Tuyền
19:55 22/02/2016

(QT) - Thôn Phước Tuyền, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) là một thôn có diện tích nhỏ hẹp, điều kiện sản xuất, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Toàn thôn có 26...

Chủ động phòng, chống bệnh lở mồm long móng

Chủ động phòng, chống bệnh lở mồm long móng
21:22 21/02/2016

(QT) - Trước tình hình bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên đàn gia súc diễn biến phức tạp ở một số địa phương trong tỉnh Quảng Trị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và...

Tăng cường quản lý chất cấm trong chăn nuôi

Tăng cường quản lý chất cấm trong chăn nuôi
21:16 21/02/2016

(QT) - Tỉnh Quảng Trị có tổng đàn lợn khoảng 275 nghìn con, chủ yếu được nuôi dưới hình thức trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Thời gian qua, được sự chỉ đạo của Sở...

Sản xuất lạc thích ứng với biến đổi khí hậu

Sản xuất lạc thích ứng với biến đổi khí hậu
21:12 21/02/2016

(QT) -Đã từ lâu, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) được xác định là vùng trọng điểm lạc của tỉnh Quảng Trị. Với quy mô sản xuất ổn định hơn 700 ha, hiện lạc là cây trồng mang lại nguồn...

POWERED BY
Việt Long