Cập nhật: Thứ 3, 10/08/2021 | 06:02 GMT+7

Cần có phương án xử lý tình trạng các chợ hoạt động không hiệu quả. Bài 2: Loay hoay bài toán chợ đêm

QTO - Chợ đêm Phường 3 và dự án Khu ẩm thực và chợ đêm Phường 2 đi vào hoạt động chưa được bao lâu, đến nay đều đã đóng cửa. Từ thực tế hoạt động cho thấy mô hình chợ đêm tại thành phố Đông Hà còn nhiều bất cập, chưa đạt được kết quả như mục tiêu đề ra.

Dự án Khu ẩm thực và chợ đêm Phường 2, Đông Hà được đầu tư quy mô, bài bản nhưng cũng lâm vào cảnh ế ẩm, ngừng hoạt động - Ảnh: L.T

Mới đưa vào hoạt động đã phải ngừng hẳn

Chợ đêm Phường 3 ở Khu phố 6, Phường 3 (thành phố Đông Hà) có diện tích xây dựng trên 3.400 m2 , quy mô 200 lô quầy với tổng mức đầu tư gần 10 tỉ đồng từ nguồn vốn viện trợ của nước ngoài và vốn đối ứng của tỉnh do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm chủ đầu tư. Tháng 9/2018, chợ được bàn giao đưa vào hoạt động.

Mục đích ra đời của chợ đêm Phường 3 là hỗ trợ kinh tế cho người yếu thế nên đối tượng ưu tiên buôn bán ở chợ chủ yếu là người bán hàng rong, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn thành phố. Ban đầu, chợ có 160/200 lô quầy bán các mặt hàng áo quần, giày dép, tạp hóa và ẩm thực… Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 tháng hoạt động thì chợ lâm vào cảnh ế ẩm, tiểu thương dần dần rời bỏ lô quầy. Đến mùa mưa năm 2018 thì ngừng hẳn hoạt động.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chợ đêm Phường 3 hoạt động không hiệu quả. Trước tiên, xét về hình thức chợ này không phù hợp với mô hình kinh doanh ban đêm. Khu vực chợ thiếu các tiểu cảnh, điểm nhấn, không có đèn điện trang trí, bảng hiệu cũng như bảng chỉ dẫn, thậm chí hệ thống điện chiếu sáng cũng chưa đảm bảo. Hạ tầng chợ được xây dựng có đình, các ki ốt, lô quầy đều bố trí khép kín trong khi mô hình chợ đêm cần không gian mở, thoáng để khách thoải mái tham quan, mua sắm theo kiểu vui chơi, giải trí là chính. Chị Nguyễn Thị Thúy Hồng, Giám đốc Hợp tác xã chợ đêm Phường 3 chia sẻ: “Tiểu thương kinh doanh tại chợ đa phần là hộ nghèo, cận nghèo, bán hàng rong… nên thiếu vốn để đầu tư hàng hóa, thiếu nhạy bén để lựa chọn mặt hàng cũng như nắm bắt xu thế kinh doanh phù hợp. Ví dụ, khu ẩm thực của chợ đêm đáng lẽ phải bán các món ăn vặt, đồ ăn nhẹ thì ở đây chủ yếu bán bún, cháo… như kiểu ăn no buổi sáng nên không thể thu hút khách”.

Trong khi chợ đêm Phường 3 hoạt động không hiệu quả thì tháng 7/2019, dự án Khu ẩm thực và chợ đêm Phường 2 do UBND tỉnh phê duyệt có diện tích xây dựng 1,34 ha, thuộc địa bàn Khu phố 4, Phường 2 (vị trí gần các khách sạn, nhà nghỉ lớn trên địa bàn thành phố Đông Hà) với tổng kinh phí đầu tư trên 11,3 tỉ đồng, do Công ty TNHH MTV Thương mại Triều Phát (Quảng Ngãi) đầu tư cũng được hình thành. Công trình bao gồm các hạng mục như sân khấu ngoài trời, khu vui chơi trẻ em, khu thương mại - dịch vụ, khu ẩm thực, văn phòng ban quản lý chợ, nhà kho, khu vệ sinh, nhà thu gom rác thải, hệ thống cổng, tường rào dây xích thép và các hạng mục phụ trợ khác. Dự án này ra đời trên cơ sở tỉnh đồng ý chủ trương, giao thành phố tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng với mục đích tạo một địa điểm, không gian mua sắm, giải trí cho người dân và khách du lịch vào ban đêm, tạo việc làm cho tiểu thương, qua đó giới thiệu, quảng bá các đặc sản địa phương, kích cầu dịch vụ du lịch phát triển. Chợ đi vào hoạt động từ tháng 8/2019 nhưng cũng chỉ được vài tháng thì đóng cửa.

Ra đời chưa được bao lâu thì COVID-19 bùng phát và kéo dài được cho là nguyên nhân chính dẫn đến chợ đêm không hoạt động được. Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều nguyên nhân khách quan khác nhưng xét đến cùng là do trên địa bàn thành phố Đông Hà phần lớn người dân vẫn tranh thủ đi mua sắm ban ngày chứ không có thói quen đi mua sắm vào ban đêm. Trong khi đó, khách du lịch lưu trú trên địa bàn tỉnh không nhiều (kể cả khi COVID-19 chưa bùng phát) nên lượng khách đến chợ đêm này không lớn dù được trang trí khá bài bản, quy mô.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Đông Hà cho biết, doanh nghiệp đã đầu tư tương đối lớn cho hạ tầng nhưng hoạt động chưa được bao lâu thì đóng cửa nên cũng gặp nhiều khó khăn. Qua nắm bắt, doanh nghiệp đã đề nghị UBND thành phố giảm giá cho thuê mặt bằng. Tuy nhiên, trong hợp đồng cho thuê mặt bằng với giá 160 triệu đồng/năm thì năm đầu tiên, UBND thành phố đã thực hiện chính sách ưu đãi giảm 50% giá cho thuê, nghĩa là doanh nghiệp chỉ trả 80 triệu đồng trong năm đầu hoạt động. Vì thế, đề xuất giảm giá của doanh nghiệp không được xem xét. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có đề nghị thành phố chấn chỉnh tình trạng bán hàng rong ở khu vực quanh chợ đêm. Tuy nhiên, vì thời gian vừa qua chợ đêm không hoạt động nên việc bán hàng rong xung quanh khu vực này cũng không ảnh hưởng gì. Thời gian tới, nếu dịch bệnh được kiểm soát, thành phố sẽ rà soát, nắm bắt tình hình để hỗ trợ doanh nghiệp đưa chợ hoạt động trở lại.

Sẽ sáp nhập chợ

Dù có nhiều nguyên nhân nhưng việc cùng tồn tại một lúc hai chợ đêm đóng cửa chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào hoạt động cho thấy mô hình thương mại này chưa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Đông Hà.

Chợ đêm Phường 3 có cơ sở vật chất khang trang nhưng không hoạt động trong suốt thời gian qua cũng khiến cơ sở vật chất xuống cấp, Hợp tác xã quản lý chợ đêm Phường 3 - đơn vị được chủ đầu tư bàn giao quản lý lại không có nguồn kinh phí để trang trải các chi phí cần thiết, kể cả việc thuê người bảo vệ chợ. Trong khi đó, cách chợ đêm Phường 3 khoảng 400 m là chợ Km 2 (chợ dân sinh có từ lâu) luôn tấp nập người mua bán nhưng cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, chợ này lại nằm sát nút giao thông quan trọng của Quốc lộ 9 nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông… Xét mọi mặt chợ dân sinh này không đảm bảo các điều kiện để hoạt động. Vì thế, phương án sáp nhập chợ Km 2 với chợ đêm Phường 3 để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư công trình chợ đêm Phường 3 và giải quyết những bất cập tồn tại ở chợ Km 2 được xem là cách giải quyết hợp tình, hợp lý nhất trong lúc này.

Ông Nguyễn Sỹ Trong, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đông Hà cho biết, sáp nhập chợ Km 2 với chợ đêm Phường 3 và chuyển đổi mô hình thành chợ dân sinh, hoạt động vào ban ngày sẽ giải quyết được những vấn đề khó khăn tồn tại hiện có. Thành phố đã xây dựng phương án sáp nhập và chuyển đổi mô hình hoạt động của 2 chợ này lên UBND tỉnh, đồng thời chỉ đạo UBND Phường 3 tập trung tuyên truyền, vận động để tiểu thương chợ Km 2 nắm bắt, đồng thuận.

Khi chuyển đổi mô hình hoạt động từ chợ đêm sang chợ dân sinh hoạt động vào ban ngày thì tiểu thương đã có lô quầy ở chợ đêm trước đây cũng được tạo điều kiện để tiếp tục buôn bán nếu có nhu cầu nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định đối với nhóm người yếu thế này (đảm bảo mục đích ban đầu của dự án). Chuyển chợ Km 2 lên địa điểm này hoạt động sẽ chấm dứt tình trạng họp chợ, lấn chiếm vỉa hè, mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường tại chợ cũ. Ngoài ra việc di dời giải tỏa chợ Km 2 sẽ tạo ra vị trí, địa điểm thuận lợi để thu hút phát triển các hoạt động thương mại dịch vụ khác, tạo ra nguồn thu cho ngân sách cũng như mỹ quan đô thị trên địa bàn thành phố.

Cần xử lý dứt điểm

Nhiều công trình chợ tiền tỉ được xây dựng nhưng không phát huy được công năng hoặc không đưa vào sử dụng dẫn đến lãng phí của công là thực trạng đang diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh hiện nay.

Đi tìm câu trả lời vì sao chợ xây xong lại “đắp chiếu”, chúng tôi thấy rằng, ở một số địa phương chợ được xây dựng mới có quy mô thiết kế vượt công năng cần thiết, bán kính phục vụ các chợ chưa phù hợp với mật độ dân cư nên công năng của chợ chưa khai thác tối đa. Việc xây dựng phương án cho thuê và đấu giá lô quầy cũng như việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng các hộ tiểu thương (các chợ được xây dựng mới và cả chợ nằm trong diện di dời, giải tỏa) của chính quyền địa phương còn bất cập, chưa tạo được sự đồng thuận với hộ tiểu thương liên quan… dẫn đến tình trạng một số chợ trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại nhưng chưa phát huy hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực đầu tư, tạo bức xúc trong dư luận.

Theo Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND ngày 15/10/2018 của UBND tỉnh về Quy định phân cấp và trách nhiệm quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn tỉnh thì UBND tỉnh đã phân cấp cho UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý đối với các chợ hạng I, II, III thuộc địa bàn địa phương quản lý. Vì thế, để giải quyết dứt điểm tình trạng một số chợ xây dựng mới nhưng không đưa vào hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả thì chính quyền cấp huyện cần xây dựng phương án, thời gian tiến độ thực hiện cụ thể từng công trình.

Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Người đứng đầu đầu cấp ủy, chính quyền địa phương cần trực tiếp chỉ đạo xử lý dứt điểm vấn đề trên, đặc biệt cần tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người dân và hộ tiểu thương liên quan để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Đồng thời cần quyết liệt hơn trong công tác giải tỏa, xóa bỏ các chợ hình thành tự phát không nằm trong quy hoạch phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các hành vi họp chợ tự phát gây cản trở giao thông, không đảm bảo vệ sinh môi trường...

Trong việc quy hoạch chợ giai đoạn mới, các địa phương cần nghiên cứu lại nhu cầu thực tế, mật độ dân cư, tránh tình trạng quy hoạch chợ quá dày, quy mô, thiết kế chợ phải phù hợp với công năng, nhu cầu sử dụng của tiểu thương. Đặc biệt, cần lấy ý kiến của hộ tiểu thương, người dân trong vùng dự án về quy hoạch chợ, phương án đầu tư, xây dựng, quản lý kinh doanh chợ, phương án cho thuê hoặc đấu giá lô quầy để tạo sự đồng thuận ngay từ đầu. Để nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển chợ theo quy hoạch, Sở Công thương đang xây dựng dự thảo Kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý và kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 trình UBND tỉnh, đồng thời sẽ phối hợp các địa phương cập nhật số liệu, tích hợp quy hoạch chợ trên địa bàn tỉnh vào quy hoạch chung của tỉnh”.

Lâm Thanh



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Nông dân vùng Cùa thu nhập khá từ cây riềng

Nông dân vùng Cùa thu nhập khá từ cây riềng
10:35 tối qua

QTO - Với chất đất phù hợp, cây sinh trưởng và kháng bệnh tốt, trong những năm gần đây, cây riềng được nông dân ở vùng Cùa, huyện Cam Lộ đầu tư phát triển...

Phát triển ngành công nghiệp ở Vĩnh Linh

Phát triển ngành công nghiệp ở Vĩnh Linh
00:43 09/08/2021

QTO - Thời gian qua, huyện Vĩnh Linh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và...

Hiệu quả từ mô hình thu gom rơm bằng máy

Hiệu quả từ mô hình thu gom rơm bằng máy
00:39 09/08/2021

QTO - Hiện nay mô hình dùng máy cuốn để thu gom rơm rạ được nhiều nông dân tại thôn Nhan Biều, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong triển khai nhằm áp dụng...

Tạo sinh kế cho nạn nhân da cam

Tạo sinh kế cho nạn nhân da cam
00:22 09/08/2021

QTO - Chiến tranh đã lùi xa, thế nhưng nỗi đau mà nó để lại vẫn còn tồn tại trong rất nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin mãi đến ngày hôm nay....

POWERED BY
Việt Long