Cập nhật: Thứ 4, 20/07/2016 | 10:39 GMT+7

Các giải pháp hỗ trợ ngư dân vùng biển liệu có khả thi?

(QT) - Hội nghị “Bàn giải pháp chuyển đổi sinh kế cho nhân dân 16 xã, thị trấn vùng biển” do UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức đã tạo được sự quan tâm của xã hội. Tại hội nghị, Sở Nông nghiệp & PTNT Quảng Trị đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ nhằm ổn định cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chất thải độc hại của Formosa Hà Tĩnh hủy hoại tài nguyên biển. Thế nhưng, lãnh đạo địa phương 16 xã, thị trấn và bà con ngư dân đều lo ngại rằng, những giải pháp chuyển đổi sinh kế là xa rời thực tế, chưa đáp ứng được yêu cầu cụ thể và thiết thực mà người dân ở những địa phương đang cần đến. Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Quảng Trị cho biết: “Hiện nay ở tỉnh Quảng Trị có hơn 8.000 hộ dân ở 16 xã, thị trấn thuộc 4 huyện ven biển bị ảnh hưởng nặng nề bởi hậu quả cá chết do Formosa Hà Tĩnh gây ra. Với lợi thế, 16 xã, thị trấn có hơn 4.600 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có gần 1.000 ha có thể quy hoạch, cải tạo, đầu tư cơ sở hạ tầng để hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có giá trị cao. Ngoài ra còn có lợi thế về rừng chắn gió, chống cát bay, cát nhảy, bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, Sở Nông nghiệp & PTNT đưa ra các giải pháp, trước mắt hỗ trợ, ổn định cuộc sống người dân bằng cách phát triển các ngành nghề truyền thống như trồng trọt, chăn nuôi... Đồng thời, động viên bà con ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển, khai thác thủy hải sản, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá. Từ nay đến năm 2020 chuyển đổi 50% tàu thuyền khai thác công suất từ dưới 20CV đến dưới 90CV lên công suất trên 90CV và đóng mới 100 tàu cá có công suất 90CV trở lên, đảm bảo cho việc khai thác trung bờ và xa bờ. Bên cạnh, khôi phục và chuyển đổi nghề khai thác cá đáy, phát triển sinh kế ổn định cho ngư dân vùng biển...”.

Ngư dân vùng biển cần được đầu tư vốn để đóng mới, nâng cấp phương tiện đánh bắt hải sản

Thế nhưng khi chúng tôi tiến hành khảo sát ý kiến, quan điểm của lãnh đạo địa phương ở các xã, thị trấn và bà con ngư dân thì nhận được những ý kiến phản hồi ngược lại. Tất cả đều cho rằng những giải pháp chuyển đổi sinh kế mà ngành nông nghiệp đưa ra là chưa phù hợp với thực tế. Bởi lẽ, nói tới biển bãi ngang là nói tới việc tàu thuyền lớn không thể vào bờ. Vì thế từ bao đời nay, sinh kế của ngư dân ở đây chỉ biết dựa vào việc đánh bắt con cá, con tôm ở gần bờ. Trong trường hợp cải hoán, nâng cấp, hoặc đóng mới tàu cá lên công suất lớn để đánh bắt trung và xa bờ thì số tàu thuyền này sẽ vào ra, neo đậu ở đâu? Đồng chí Trần Xuân Tưởng, Chủ tịch UBND xã Trung Giang khẳng định: “Xã có 2 thôn cửa lạch với 470 hộ dân. Nếu có chủ trương cải hoán nâng cấp tàu thuyền thì ngư dân phấn khởi lắm nhưng hiện đang gặp vướng mắc trong việc vay vốn đóng tàu thuyền theo Nghị định 67 với những yêu cầu đưa ra quá cao (vốn, số lượng lao động, chuyển đổi ngành nghề khai thác) nên ngư dân khó có thể tiếp cận được. Riêng 3 thôn bãi ngang còn lại với hơn 700 hộ nếu bỏ nghề biển chuyển sang làm nghề nông cũng nan giải, bởi quỹ đất ở địa phương hạn hẹp. Chúng tôi đã rà soát lại quỹ đất ở địa phương nay còn khoảng 100 ha, nếu đưa vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại thì may ra ngư dân mới có đủ thu nhập để ổn định cuộc sống. Nếu không thì ngư dân vẫn tiếp tục bám theo nghề biển bãi ngang với thuyền nhỏ, ngư lưới cụ thô sơ. Trả lời câu hỏi của chúng tôi, tại sao chính quyền xã không vận động mà con ở vùng bãi ngang bỏ hẳn nghề biển bãi ngang đầu tư vốn đóng mới tàu thuyền công suất lớn sang vùng cửa lạch khai thác hải sản xa bờ, ông Tưởng lắc đầu ngao ngán: “Dân bãi ngang không thể sang vùng cửa lạch vì hạn chế về trình độ khai thác. Mặt khác tàu thuyền là khối tài sản lớn mà kéo về neo đậu ở cửa lạch “của một đường, người một nẻo” thì ngư dân không yên tâm. Do vậy, nói gì thì nói ngư dân ở vùng nào thì vẫn tiếp tục lao động, sản xuất theo tập quán lâu nay chứ chuyển đổi ngành nghề chỉ là bất đắc dĩ. Trồng trọt hay chăn nuôi, lâu nay ngư dân chúng tôi cũng đã thử nghiệm nhưng là ở quy mô nhỏ lẻ, chứ phát triển thành quy mô lớn, phát triển tràn lan, theo kiểu nhà nhà nuôi lợn, người người nuôi lợn thì ai đứng ra bảo lãnh tiêu thụ đầu ra sản phẩm”. Một giải pháp nữa được coi là thiếu tính khả thi, thiếu cơ sở thực tiễn và có phần “máy móc”, đó là dự kiến sử dụng số tiền được bồi thường vào các việc làm cụ thể mà ngành nông nghiệp tỉnh đưa ra như: Tái tạo nguồn lợi thủy sản 200 tỷ đồng, khắc phục ô nhiễm môi trường 400 tỷ đồng, chuyển đổi sinh kế cho người dân 200 tỷ đồng, tăng cường năng lực sản xuất (hỗ trợ lãi suất) 100 tỷ đồng, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, bao gồm cơ sở hạ tầng thủy sản, hạ tầng thủy lợi là 1.100 tỷ đồng. Thực tế hiển nhiên rằng sau khi Formosa Hà Tĩnh xả thải các chất độc hủy hoại môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung mà rõ nét nhất là hiện tượng cá chết hàng loạt, bà con ngư dân ở Quảng Trị là những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp và thiệt hại rất nặng nề. . Không riêng gì cá chết mà môi trường biển bị hủy hoại nên mức độ thiệt hại là vô cùng lớn không thể nào thống kê chính xác hết. Theo nhận định của các nhà khoa học, hàng chục năm sau, môi trường vùng biển của 4 tỉnh Bắc miền Trung mới có thể phục hồi. Vì vậy đồng chí Trần Hữu Hùng, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho rằng chưa có tiêu thức và định lượng để đánh giá mức độ thiệt hại, chưa thể thống kê cụ thể giá trị thiệt hại nên không thể nôn nóng đưa mức hỗ trợ, bồi thường thiệt hại. Mặt khác việc chuyển đổi sinh kế cho người dân nhất thiết phải căn cứ vào tình hình thực tế, vào những khó khăn và điều kiện có thể phát triển sản xuất của họ, từ đó có các giải pháp phù hợp, sử dụng đồng tiền đền bù đúng mục đích và minh bạch. Trả lời câu hỏi về khoản tiền 200 tỷ đồng mà ngành nông nghiệp dự kiến đưa vào sử dụng chuyển đổi sinh kế cho người dân, ông Hùng thẳng thắn cho rằng đây là khoản tiền quá ít so với nhu cầu chuyển đổi ở các địa phương. Riêng huyện Vĩnh Linh thực hiện các giải pháp chuyển đổi sinh kế, UBND huyện đã tổ chức khảo sát thực tế, nắm bắt nguyện vọng của ngư dân từ đó đưa ra kế hoạch thực hiện như sau: Về đóng tàu xa bờ, đây là giải pháp có tính khả thi nhất bởi ngoài việc nâng cao năng lực đánh bắt còn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, do đó ngư dân trong huyện có nhu cầu đóng mới 12 tàu xa bờ trị giá hơn 12 tỷ đồng, đóng mới, nâng cấp 264 tàu trung bờ, tổng mức đầu tư cho hai loại tàu mà ngư dân Vĩnh Linh cần khoảng 132 tỷ đồng. Giải pháp chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, huyện dự kiến sẽ cải tạo, đầu tư kết cấu hạ tầng ở các vùng đất khó khăn, năng suất thấp để tăng hiệu quả, giá trị sản xuất dự kiến khoảng 50 tỷ đồng. Giải pháp chăn nuôi dự kiến sẽ mở các trang trại nuôi lợn với 10 mô hình kinh phí khoảng 30 tỷ đồng. Riêng giải pháp xuất khẩu lao động, huyện Vĩnh Linh không tán thành phương án này bởi xuất khẩu lao động là mất đi một lực lượng lao động thanh niên trai trẻ nên huyện cần phải giữ lực lượng lao động này trở thành trụ cột chính trong các đội tàu đánh bắt xa bờ, chứ ông già bà lão không thể vươn khơi, không thể làm chủ khoa học, công nghệ khai thác đánh bắt. Mặt khác giữ lao động trẻ trong nghề biển còn để bảo vệ, gìn giữ lãnh thổ quốc gia”. Vì vậy chỉ riêng ở huyện Vĩnh Linh thôi thì nhu cầu để chuyển đổi sinh kế cho ngư dân đã tiêu tốn một nguồn kinh phí lớn và còn các địa phương khác nhu cầu chuyển đổi sinh kế cho ngư dân cũng cấp thiết không kém. Do đó không hiểu cơ sở nào để lãnh đạo ngành Nông nghiệp Quảng Trị đề xuất sử dụng chỉ 200 tỷ đồng cho việc chuyển đổi sinh kế, nhưng lại dùng đến 1.100 tỷ đồng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, trong khi hạ tầng nào phục vụ trực tiếp cho sinh kế người dân thì còn rất mơ hồ. Vì vậy, theo đồng chí Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh việc hỗ trợ đền bù thiệt hại và giải pháp hỗ trợ chuyển đổi sinh kế cho ngư dân cần phải được gấp rút triển khai nhưng phải thật cẩn trọng và khoa học. Muốn chuyển đổi sinh kế như thế nào, chuyển đổi ra sao thì cần phải tiến hành khảo sát thực tế, phải điều tra xã hội học để nắm bắt nhu cầu của dân, đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế từng địa bàn cụ thể, từng cụm dân cư cụ thể, từng nhóm ngành nghề sản xuất cụ thể mới đưa ra các giải pháp và mức kinh phí cụ thể cho từng giải pháp hỗ trợ chuyển đổi sinh kế chứ không thể nóng vội đưa ra những con số đầu tư một cách máy móc, khiên cưỡng, gây ra phản ứng trái chiều, tạo thêm áp lực cho quá trình giải quyết hậu quả do Formosa Hà Tĩnh gây ra và triển khai có hiệu quả các giải pháp giúp ngư dân vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất một cách bền vững. Bài, ảnh: HỒ NGUYÊN KHA



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Ngư dân thu “lộc biển” đầu năm
22:40 20/02/2024

Sau những ngày nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn, đến thời điểm hiện tại, ngư dân trên địa bàn tỉnh đang rộn ràng “mở biển” với mong ước một năm sóng yên biển ...

Điểm tựa vững vàng giúp ngư dân bám biển
22:53 01/11/2022

Bên cạnh nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đảo, Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh còn tích cực tham gia công tác phòng, ...

Về biển mở trang trại nuôi heo thả vườn

Về biển mở trang trại nuôi heo thả vườn
02:15 20/07/2016

(QT) - Để chuyển đổi sinh kế phù hợp sau sự cố môi trường biển xảy ra thời gian qua, vợ chồng anh Hoàng Văn Hoan (sinh năm 1973) và chị Nguyễn Thị Liễn (sinh năm 1974) ở thôn...

Chú trọng công tác giảm nghèo ở miền núi

Chú trọng công tác giảm nghèo ở miền núi
03:57 19/07/2016

(QT) - Công tác giảm nghèo ở các huyện miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh Quảng Trị quan tâm đúng mức. Chỉ tính từ năm 2011-...

Đất cằn cho quả ngọt

Đất cằn cho quả ngọt
03:19 19/07/2016

(QT) - Thôn Tân Phổ, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) vốn bị coi là vùng đất bạc màu, chua phèn, khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Bao năm cần mẫn làm lúa nhưng năng...

Thời tiết

18°C - 25°C
Có mây, không mưa
  • 16°C - 21°C
    Có mây, không mưa
  • 17°C - 20°C
    Nhiều mây, có mưa, mưa rào
POWERED BY
Việt Long