Cập nhật: Chủ nhật, 01/11/2009 | 23:42 GMT+7

Ban Pháp chế-HĐND tỉnh Quảng Trị kiểm tra tình hình thực hiện Nghị định 13- 14 của Chính phủ

(QT) - Để chuẩn bị nội dung kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Quảng Trị khóa V sắp tới, trong 5 ngày, từ 26-30/10/2009, Ban Pháp chế- HĐND tỉnh Quảng Trị do đồng chí Trần Văn Huỳnh, UVTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế - HĐND tỉnh làm trưởng đoàn có các buổi làm việc với các Sở: Nội vụ; Văn hóa- Thể thao và Du lịch; Y tế và hai huyện Hướng Hóa, Triệu Phong về tình hình triển khai thực hiện Nghị định 13/2008/CP và Nghị định 14/2008/CP của Chính phủ về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND cấp huyện. Tại Sở Nội vụ, đoàn đã nghe lãnh đạo Sở báo cáo về tình hình triển khai và những kết quả đạt được sau hơn 1 năm thực hiện Nghị định 13, 14 của Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh. Việc triển khai Nghị định 13, 14 của Chính phủ được HĐND, UBND tỉnh quán triệt thực hiện nghiêm túc từ quý II/2008. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiên, đã tiến hành sắp xếp, hợp nhất, giải thể từ 25 cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh xuống còn 19 cơ quan, giảm 6 cơ quan, trong đó có 12 cơ quan được giữ nguyên gồm các Sở Tư pháp, Tài chính, Giao thông- Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Ngoại vụ và Dân tộc; 8 cơ quan sắp xếp lại gồm các Sở: Nội vụ, Nông nghiệp&PTNT, Công thương, Thông tin và Truyền thông, Lao động- TB&XH, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Y tế; giải thể 1 cơ quan là Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố được sắp xếp tổ chức lại từ 123 phòng xuống còn 110 phòng. Việc thực hiện Nghị đinh 13,14 của Chính phủ được tỉnh ta thực hiện đúng quy trình, quy định chung theo hướng Sở, phòng đa ngành, đa lĩnh vực nên đã thu gọn được đầu mối cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, huyện. Bên cạnh đó, các Sở, phòng đã thực hiện tốt việc bàn giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, biên chế cán bộ, công chức, viên chức từ đơn vị cũ về đơn vị mới đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc ổn định bộ máy, đảm bảo công tác tham mưu cho UBND cấp tỉnh, huyện trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội, hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn gặp một số bất cập như: Mặc dù giảm được đầu mối nhưng không giảm được biên chế, cấp huyện tăng 31 biên chế; ở 11 Sở đã sắp xếp tổ chức bên trong tăng 2 phòng và 3 Chi cục. Bên cạnh đó, phụ cấp cho chức vụ quản lý không thay đổi trong khi trách nhiệm, chức năng quản lý nhiều. Công tác dân tộc ở cấp huyện như Hướng Hóa và Đakrông gặp nhiều khó khăn do không thành lập Phòng Dân tộc. Công tác quản lý tôn giáo ở cấp huyện thiếu sâu sát. Vì vậy, tỉnh sớm có những kiến nghị với các Bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho địa phương. Tại Sở Y tế: Việc thực hiện Nghị định 13 của Chính phủ đã sáp nhập thêm cho ngành y tế chức năng quản lý dân số và KHHGĐ. Về cơ cấu tổ chức bộ máy của ngành y tế gồm 4 tuyến tỉnh, huyện, xã, thôn bản trong đó tuyến tỉnh có khối quản lý nhà nước gồm văn phòng Sở, Chi cục Dân số -KHHGĐ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm; khối sự nghiệp với 3 hệ gồm dự phòng, đào tạo, khám chữa bệnh và phục hồi chức năng. Tuyến huyện tách chức năng quản lý nhà nước khỏi đơn vị sự nghiệp và thành lập Phòng Y tế các huyện, thị xã làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn. Hiện tuyến huyện có 8 Trung tâm y tế dự phòng, 8 bệnh viện và 2 trung tâm y tế dự phòng có giường bệnh vừa làm công tác dự phòng vừa làm nhiệm vụ điều trị. Tuyến xã có 141 xã, phường, thị trấn, trong đó có 131 xã có trạm y tế. Tuyến thôn bản có 1.123 nhân viên y tế hoạt động có hiệu quả. Đối với bộ máy dân số ở tuyến tỉnh có Chi cục Dân số-KHHGĐ, tuyến huyện có Trung tâm Dân số-KHHGĐ, tuyến xã, thôn có 1 chuyên trách dân số cho mỗi xã và 1 cộng tác viên dân số ở mỗi thôn. Sau khi triển khai thực hiện Nghị định 13 của Chính phủ đã giúp ngành y tế thực hiện thống nhất việc quản lý về mặt chuyên môn đối với các đơn vị trực thuộc. Mặt khác, các đơn vị sự nghiệp đã phát huy tính chủ động, tự chủ trong sắp xếp nhân lực, đầu tư thiết bị, nâng cao năng lực hoạt động. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, ngành y tế đang gặp những khó khăn nhất định như điều kiện cơ sở vật chất các trạm y tế đã xuống cấp, thiếu trang thiết bị, nguồn nhân lực có trình độ cao, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ đang còn thiếu do đó kiến nghị với tỉnh sớm có những chính sách phù hợp để tháo gỡ những khó khăn trên. Ngoài ra, kiến nghị xem xét nhập Phòng y tế và Trung tâm y tế huyện để đảm bảo chức năng quản lý y tế ở địa phương, vừa đảm bảo tinh gọn bộ máy và hiệu quả công tác. Tại Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch: Theo Nghị định 13 của Chính phủ, Sở sáp nhận với Sở Thể dục Thể thao và một bộ phận của Sở Thương mại và Du lịch cũ. Bộ máy tổ chức của Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch hiện có văn phòng Sở với 1 Giám đốc và 6 Phó Giám đốc; 7 phòng ban chuyên môn nghiệp vụ; 7 đơn vị sự nghiệp, tổng cán bộ công chức toàn ngành là 256 người. Sau khi sáp nhập, hợp nhất Sở, lãnh đạo ngành đã phát huy những thuận lợi, khắc phục khó khăn tổ chức hoàn thành các nhiệm vụ chính trị đề ra, trong đó nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc. Công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực được triển khai hiệu quả, đồng bộ, kịp thời. Công tác tổ chức bộ máy, sắp xếp các phòng ban được thực hiện nghiêm túc, công khai, dân chủ, khách quan đã tạo sự đồng thuận, yên tâm trong công tác đối với cán bộ, công chức toàn ngành. Tuy nhiên, trong điều kiện Sở được tổ chức theo hướng Sở đa ngành, đa lĩnh vực đã bộc lộ những bất cập như đội ngũ cán bộ vừa thừa, vừa thiếu, năng lực chưa đáp ứng với nhu cầu, thực tiễn, kinh phí hoạt động thiếu so với chức năng, lĩnh vực quản lý, công tác quản lý nhà nước đối với tuyến huyện còn nhiều bất cập. Lãnh đạo ngành kiến nghị tỉnh cần tăng cường biên chế cho ngành, kinh phí hoạt động, tinh giảm Ban Giám đốc theo đúng quy định. Có kế hoạch thành lập Trung tâm xúc tiến du lịch thuộc Sở. Tại hai huyện Triệu Phong và Hướng Hóa, việc triển khai Nghị định 14 của Chính phủ được thực hiện nghiêm túc theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh. Huyện Triệu Phong có 12 phòng chuyên môn được sắp xếp lại và 100 biên chế được giao, huyện Hướng Hóa có 12 phòng. Công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý tại đây được thực hiện đúng quy trình, trong đó đã điều động cán bộ cơ sở tăng cường tạo điều kiện để các phòng đều có từ 1 đến 3 phó trưởng phòng với năng lực trình độ phù hợp với chức danh công tác. Sau 1 năm triển khai thực hiện các phòng đã ổn định bộ máy, hoạt động hiệu quả. Mối quan hệ giữa các cơ quan chuyên môn cấp huyện với các Sở, ngành cấp trên đã có sự thống nhất, giảm bớt được đầu mối trong quan hệ công tác, nâng cao hiệu quả công tác, tranh thủ mọi sự giúp đỡ của ngành cấp trên về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ góp phần thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Tuy nhiên, trong điều kiện sáp nhập, một số phòng chuyên môn tăng thêm chức năng, nhiệm vụ trong khi biên chế không được tăng cường phần nào đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác. Các địa phương kiến nghị các cấp lãnh đạo quan tâm bổ sung thêm biên chế, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị. Đối với huyện Hướng hóa, do đặc thù là huyện miền núi có gần 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số nên kiến nghị cho thành lập thêm phòng Dân tộc và Tôn giáo. Phát biểu tại các buổi làm việc với các Sở, địa phương trong tỉnh, đồng chí Trần Văn Huỳnh, Trưởng Ban Pháp chế- HĐND tỉnh đã đánh giá cao những nỗ lực của các ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định của Chính phủ. Đặc biệt, trong điều kiện mới sáp nhập, chia tách, các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương còn chậm, công tác ổn định bộ máy đang được thực hiện nhưng nhiều nhiệm vụ chính trị vẫn được các ngành hoàn thành một cách xuất sắc. Bên cạnh việc ghi nhận những kiến nghị chính đáng của các ngành, địa phương, đồng chí Trần Văn Huỳnh nhấn mạnh: Chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực là một chủ trương đúng đắn, kịp thời và đúng xu thế của Đảng và Nhà nước ta trong việc xây dựng bộ máy chính quyền vững mạnh, có sức quản lý xã hội cao. Vì vậy, trong thời gian tới, lãnh đạo các ngành, địa phương tiếp tục đoàn kết, thống nhất quán triệt chỉ đạo của Trung ương, tỉnh vượt qua những trở ngại, khó khăn trước mắt sớm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đề ra. Trong quá trình triển khai thực hiện chức năng nhiệm vụ gặp những vướng mắc cần kịp thời có những kiến nghị, đề xuất các cấp lãnh đạo để có hướng xử lý, chỉ đạo kịp thời. L.M



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

POWERED BY
Việt Long