Cập nhật: Chủ nhật, 27/02/2011 | 20:50 GMT+7

Ban KTNS- HĐND tỉnh Quảng Trị làm việc với Công ty cổ phần nông sản Tân Lâm

(QT) - Thực hiện nhiệm vụ giám sát theo luật định và chương trình công tác năm 2011, ngày 25/2/2011, Ban KTNS- HĐND tỉnh Quảng Trị đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty cổ phần nông sản Tân Lâm để nghe báo cáo tình hình thực hiện chương trình đổi mới và phát triển doanh nghiệp theo hướng cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước và việc thoái vốn nhà nước gần đây tại doanh nghiệp. Tham dự có đông đủ các thành viên Ban KTNS- HĐND tỉnh, lãnh đạo huyện Cam Lộ và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan. Công ty cổ phần nông sản Tân Lâm tiền thân là Nông trường Tân Lâm, ra đời từ năm 1974, là nông trường đầu tiên được xây dựng khi một phần tỉnh Quảng Trị vừa mới được giải phóng. Sau nhiều lần sáp nhập, mở rộng và chuyển đổi, ngày 29/12/2003 UBND tỉnh ra quyết định chuyển Công ty hồ tiêu Tân Lâm thành Công ty cổ phần nông sản Tân Lâm, theo đó, tỷ lệ chiếm giữ cổ phần của Nhà nước tại đây là 51%, số còn lại (49%) bán cho người lao động. Tuy nhiên trên thực tế đợt bán cổ phần đầu tiên, người lao động chỉ mua được 25%, nhà nước vẫn chiếm giữ 75% cổphần. Ngày 1/1/2004, doanh nghiệp chính thức chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần với nhiệm vụ trồng trọt, chế biến, tiêu thụ nông sản, tư vấn sản xuất nông nghiệp và kinh doanh vật tư máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp, vốn điều lệ 11 tỷ đồng. Tổng số lao động của toàn công ty có 362 người, trong đó có 86 công nhân, 5 hợp đồng, hộ nhận khoán 271 người. Tính đến nay, sau 7 năm thực hiện cổ phần hóa, công ty đã từng bước phát triển, làm ăn có lãi, công ăn việc làm ổn định, đời sống người lao động được cải thiện, nộp ngân sách nhà nước từ 308 triệu năm 2007 đã tăng lên 1520 triệu đồng năm 2010. Thu nhập người lao động năm 2010 đạt 3,9 triệu đồng/ người/ tháng, tăng 2,5 triệu đồng so với năm 2007. Ngày 26/11/2010 Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), đại diện phần vốn Nhà nước tại công ty đã quyết định thoái vốn Nhà nước bằng việc bán đấu giá một lần toàn bộ 81.914 cổ phần (tương đương 75% vốn điều lệ) với giá bán tối thiểu 1,364 lần mệnh giá gốc. Do thiếu thông tin hoặc không lường hết nhu cầu thị trường, toàn bộ số cổ phần đã được bán hết cho nhà đầu tư bên ngoài với số tiền thu về trên 11,3 tỷ đồng, bao gồm 420 ha đất, trong đó có 197 ha cao su, 220 ha cà phê, Nhà máy chế biến cao su tại Tân Lâm, Nhà máy chế biến cà phê tại Khe Sanh và một số cơ sở sản xuất kinh doanh khác, trong khi đó do thiếu thông tin, người lao động đã từng nhiều năm gắn bó với công ty không mua được một cổ phần nào. Với việc nắm giữ cổ phần chi phối (75%), nhà đầu tư bên ngoài đã nắm giữ toàn quyền định đoạt tại công ty theo luật định, gây nên nhiều tâm tư, lo lắng cho cán bộ công nhân, những người đã góp phần xây dựng nên công ty từ những ngày đầu khó khăn gian khổ nhất, khi toàn bộ diện tích đất đai - tài sản quý giá nhất của công ty - còn đầy bom mìn do chiến tranh để lại. Đó là chưa nói 200 ha đất trồng cao su (trong số 420 ha đất của công ty hiện nay) là của người dân các thôn Hoàn Cát, Quật Xá, Định Sơn thuộc xã Cam Nghĩa (Cam Lộ) góp vào khi sáp nhập vào Xí nghiệp liên hiệp Hồ tiêu Tân Lâm năm 1986. Phát biểu tại các buổi làm việc, các thành viên Ban KTNS- HĐND tỉnh, lãnh đạo huyện Cam Lộ và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh đã thẳng thắn nêu lên những sai lầm, thiếu sót của Ban lãnh đạo Công ty cổ phần nông sản Tân Lâm trong quá trình thực hiện việc thoái vốn nhà nước tại đơn vị. Đó là sự chủ quan, không đánh giá đúng tình hình cũng như thiếu sự tham vấn của các nhà chuyên môn để có những bước đi phù hợp, gây nhiều thiệt hại cho nhà nước cũng như địa phương, tạo nên tâm lý bất an, hoang mang lo lắng trong đông đảo người lao động tại công ty. Sau khi phân tích, đánh giá thực trạng tình hình một cách nghiêm túc và có trách nhiệm, các thành viên Ban KTNS- HĐND tỉnh và các đại biểu tham dự buổi làm việc đã đề xuất phương án sớm có văn bản báo cáo lên lãnh đạo tỉnh đề nghị các cấp cao hơn xem xét lại việc thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần nông sản Tân Lâm, việc cổ phần hóa vườn cây gắn với đất đai tại các nông - lâm trường là chưa có tiền lệ nên chưa lường hết được sự phức tạp của vấn đề và đã tạo nên những bức xúc trong dư luận. Nhiều ý kiến các đại biểu cũng lo ngại, sau khi phần lớn vốn nhà nước tập trung vào nhà đầu tư bên ngoài, không có mối quan hệ gắn bó nào với địa phương, liệu vấn đề an sinh xã hội và những quyền lợi khác của người lao động có được nhà đầu tư quan tâm đúng mức. Đây cũng chính là điều gây nhiều tâm tư lo lắng cho người lao động. Vì vậy việc thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần nông sản Tân Lâm cần phải được cấp trên xem xét lại một cách thấu tình đạt lý hơn. H.Đ



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Đánh giá hoạt động xuất bản Bản tin năm 2010

Đánh giá hoạt động xuất bản Bản tin năm 2010
13:49 27/02/2011

(QT) - Ngày 25/2/2011, Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Trị tổ chức hội nghị đánh giá hoạt động xuất bản bản tin trên địa bàn tỉnh năm 2010. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh...

Đại hội CNVC Công ty TNHH MTV cao su Quảng Trị

Đại hội CNVC Công ty TNHH MTV cao su Quảng Trị
13:49 27/02/2011

(QT) - Công ty TNHH MTV cao su Quảng Trị vừa tổ chức đại hội đại biểu công nhân viên chức năm 2011.  Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2010 của Công ty cho biết...

Thời tiết

26°C - 36°C
Ít mây, trời nắng nóng
  • 25°C - 33°C
    Có mây, không mưa
  • 26°C - 34°C
    Có mây, có mưa rào và dông
POWERED BY
Việt Long