Cập nhật:  GMT+7

Ba Dượng và dượng Ba

Những người trong làng hỏi đùa nó, dượng Ba có khỏe không, hoặc dượng Ba và ba Dượng vẫn thường gặp nhau chứ? Ba Dượng thì rõ rồi, vì ba ruột nó tên Dượng. Còn dượng Ba, nó ngơ ngác hỏi mẹ, đó là tên của người đàn ông mà mẹ cưới sau khi ly hôn với ba ruột nó. Mẹ nó bảo gọi bằng dượng, mà dượng tên là Ba nên gọi là dượng Ba. Nó lẩm bẩm, gì mà ba Dượng rồi dượng Ba, chuyện người lớn rối ren thật!

Ba Dượng và dượng Ba

-Minh họa: LÊ NGỌC DUY

Lên lớp 3, nó đã cảm nhận được ba mẹ nó chẳng lúc nào cười đùa với nhau như ba mẹ của những đứa bạn khác.

Sang nhà hàng xóm chơi, thằng Tèo bảo, về rủ ba mẹ bạn đi xem xiếc thú với gia đình mình, vui lắm. Nó hớn hở chạy về nũng nịu với mẹ. Một lúc sau, từ phòng của ba mẹ vọng ra âm thanh cãi nhau và những tiếng rơi loảng xoảng. Ba nó áo quần bảnh bao rú xe máy chạy nhanh ra khỏi ngõ, mẹ nó mắt đỏ hoe cẩn thận nhặt nhạnh từng mảnh đồ vật vỡ trong phòng.

Ba tối về liêu xiêu cởi các thứ trên người ném khắp sàn nhà rồi lên tầng lầu lè nhè một mình suốt đêm. Mẹ nó bảo ba đang chửi ai đó trong cơn say, có thể là mẹ, hoặc người trong cuộc nhậu, hoặc bây giờ, hoặc lý do gì đấy cách đây nhiều năm về trước đều được kể lại vanh vách để chửi. Mẹ quen chịu đựng hơn 10 năm nay rồi.

Để tránh ba nó, mẹ mặc nguyên áo quần nhăn nhúm đèo hai anh em đi ăn chút gì đó, như để bù đắp thiệt thòi. Mẹ không ăn mà ngắm hai anh em đang thích thú nhai ngấu nghiến. Ánh mắt mẹ thẫn thờ nhìn ra phố xá nườm nượp đông vui, từng gia đình kéo nhau dạo phố. Mẹ cúi đầu khẽ thở dài, rồi giục hai đứa ăn nhanh để về ba mẹ con ngủ sớm, mai mẹ còn đi làm. Điệp khúc đó cứ lặp đi, lặp lại khiến anh em nó chẳng dám đòi hỏi như chúng bạn, sợ ba mẹ lại cãi nhau, sợ cả âm thanh giữa đêm khuya tan vỡ...

Rồi mẹ con nó chuyển về một làng quê không xa thành phố sống với dượng Ba, một người đàn ông dáng thấp đậm, thường mang áo nhiều túi, gõ lốc cốc trên máy vi tính tận khuya. Nhà dượng Ba chật chội hơn nhà ba Dượng nó, nhưng mát mẻ hơn vì nhiều cây ăn quả. Hai anh chị con của dượng Ba lớn hơn nó mấy lớp.

Ngày đầu nó đặt chân vào ngôi nhà này, anh chị im lặng nhìn mẹ con nó, rồi thu mình vào một góc nhà, dượng Ba gọi ăn cơm cũng không trả lời. Nó để ý thấy dượng Ba với mẹ gọi hai anh chị cùng vào phòng nói chuyện gì đó mà khi trở ra, mắt ai nấy đều đỏ hoe.

Nhưng cũng từ đó, anh chị con dượng Ba nhìn nó dịu dàng hơn, bắt đầu gọi mẹ nó là dì. Rồi mẹ nó bảo nó tập gọi dượng bằng ba, nhưng nó không đồng ý. Đối với nó chỉ có một người ba ruột. Để phản kháng, nó lôi giấy bút ra vẽ chân dung ba ruột nó.

Nó có khiếu hội họa từ rất sớm, chỉ vài phút trên mặt giấy hình thành một người đàn ông bận đồ vét, đeo cà vạt, tóc chải chuốt. Nó chú thích chữ ba Dượng ở dưới tranh rồi đưa cho mẹ. Khác điều nó chờ đợi, dượng Ba xem tranh rồi xoa đầu khen vẽ đẹp, còn hứa sẽ mua tặng nó một hộp bút nhiều màu.

Rồi từ đó, dượng Ba đưa đón nó cùng các anh chị đến lớp và tan trường mỗi ngày, cả những buổi học thêm ở nhà cô giáo. Dượng thường đứng trước cổng trường nhìn nó vào tận lớp mới rời đi. Nó để ý, dượng Ba mua bất kể thứ gì cũng chia làm 3 phần đều nhau cho 3 anh em nó.

Cuối tuần mẹ thường tổ chức một buổi tiệc nho nhỏ làm những món khoái khẩu của 3 anh em. Cả nhà ngồi nghe dượng Ba kể chuyện hài hước. Mẹ che miệng cười ngặt nghẽo, mắt mẹ long lanh tỏa sáng. Lần đầu tiên nó thấy mẹ vui đến thế, duyên dáng đến thế. Nhưng nó lại giận mẹ vô cớ, giận cả dượng Ba nữa.

Chiều đó, tan trường, nó không thấy bóng dáng quen thuộc của dượng Ba trước cổng, mà mẹ đến đón. Mẹ nói dượng Ba ốm nặng do cảm nắng. Mẹ nói do dượng Ba bất cẩn không đội nón bảo hiểm nên bị công an giao thông phạt, còn bị cảm nắng nữa. Mẹ trách dượng Ba không làm gương cho con cái, còn dặn nó đi học phải đội mũ và nhớ mang về. Mẹ cứ thao thao câu chuyện mà nó cũng không còn tâm trạng để nghe.

Nó ngồi im sau xe, tay ôm chặt lấy mẹ. Mẹ vòng tay ra sau vỗ về nhẹ nhàng, mẹ nghĩ rằng nó lo sợ điều gì đó.

Không mẹ ơi, hôm qua, dượng Ba đến đón con học thêm về, con quên mũ không tìm thấy. Trưa nắng gắt, dượng Ba cởi nón bảo hiểm đang đội choàng lên đầu con. Dượng Ba đến quầy bán mũ chọn một cái y chang mũ của con bị mất rồi bảo con đừng kể với mẹ về chuyện này kẻo lại bị mắng. Lúc thanh toán tiền mới biết bỏ quên ví ở nhà, phải trả lại mũ cho người ta. Dượng Ba cứ thế đầu trần chở con về nhà. Câu chuyện như mẹ nói, nhưng không đúng như mẹ nghĩ về dượng đâu.

Về đến nhà, nó lén mẹ thức suốt đêm vẽ một bức tranh. Chưa bao giờ nét vẽ của nó lại chắt chiu, cẩn trọng đến thế. Nhưng vẽ xong bức nào, chưa vừa ý nó lại bỏ cho đến bức cuối cùng, một người đàn ông hiện ra trong màu giấy sáng. Ông ấy mang áo nhiều túi, đầu trần đi xe máy, ngồi sau là một đứa trẻ bận đồng phục học sinh, đầu đội nón bảo hiểm rộng thênh thang. Nó suy nghĩ thật lâu rồi nắn nót dòng chữ: Con xin lỗi ba!

Một buổi chiều, mẹ đèo nó đi học về. Nó dụi mắt, không tin trước mắt mình là hình ảnh hai người đàn ông đang ngồi ở một góc quán nước ven sông. Mẹ ơi! Là ba, cả hai người. Tiếng gọi của nó làm hai người đàn ông giật mình ngẩng đầu. Đúng rồi, là ba Dượng và dượng Ba thật. Hai người đang đưa tay vẫy chào nó, miệng cười rạng rỡ.

Minh Anh


Minh Anh

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Khai mạc Thế vận hội Paralympic Paris 2024

Khai mạc Thế vận hội Paralympic Paris 2024
2024-08-29 06:11:00

VOV.VN - Thủ đô Paris của Pháp một lần nữa trở thành tâm điểm của sự chú ý với lễ khai mạc Thế Vận Hội Paralympic 2024 diễn ra vào lúc 19h40 (giờ địa phương – 0h40 sáng giờ...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết