45 năm tận tụy giữ rừng

Đó là câu chuyện và hành trình của ông Nguyễn Đình Trọng ở thôn Hòa Bình, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh. Với ông, rừng như là sinh mệnh nên hơn 45 năm qua ông cùng bà con nơi đây phối hợp tích cực với các lực lượng chức năng không quản ngại khó khăn, hiểm nguy để giữ lại màu xanh cánh rừng nguyên sinh Rú Lịnh. Hành trình này dẫu khó khăn, nguy hiểm nhưng chưa bao giờ ông Trọng có ý định bỏ cuộc.

45 năm tận tụy giữ rừng

45 năm tận tụy giữ rừng

Rừng nguyên sinh Rú Lịnh rộng chừng khoảng 100 ha, nằm ở vùng Đông huyện Vĩnh Linh thuộc khu vực giáp ranh giữa xã Hiền Thành và Vĩnh Hòa. Với địa hình của dải Trường Sơn Bắc nên khí hậu ở Rú Lịnh chia thành hai mùa rõ rệt. Mùa hè thì rất nóng và khô, còn mùa đông tương đối lạnh, ẩm ướt. Nhờ đó, rừng Rú Lịnh có thảm thực vật phong phú như lim xanh, gụ lau, dẻ rừng, trầm hương, ngũ gia bì... và nhiều loài chưa xác định. Nơi đây là khu rừng nguyên sinh còn khoảng 73 loài chim, 12 loài thú trú ngụ. Rú Lịnh được ví như một “lá phổi” xanh của địa phương nên rừng được người dân đặc biệt quan tâm giữ gìn và bảo vệ.

Từ cuối những năm 1975, rừng nguyên sinh Rú Lịnh được giao cho một số người dân địa phương bảo vệ, trong đó có ông Nguyễn Đình Trọng. Vừa dẫn chúng tôi đi sâu vào rừng, ông Trọng vừa chia sẻ, sau ngày quê hương tỉnh nhà thống nhất, ông làm công nhân thuỷ lợi. Về sau ông trở về quê hương xin làm công tác bảo vệ rừng tại Rú Lịnh.

45 năm tận tụy giữ rừng

Công việc của ông Trọng không chỉ là tuần tra, kiểm đếm cây rừng, động vật mà còn tuyên truyền, vận động người dân không chặt phá rừng, đôi khi trực tiếp ngăn chặn những trường hợp săn bắt động vật quý hiếm trái phép. Mặc dù có lực lượng kiểm lâm phối hợp nhưng lúc đó, vì cuộc sống còn nhiều khó khăn nên người dân thường xuyên vào rừng Rú Lịnh để chặt cây, săn bắn các loại động vật khiến việc bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn, vất vả. Ông Trọng nhớ lại, một lần khi đang đi tuần, ông phát hiện một nhóm người đang đào trộm một gốc cây đa cổ thụ. Do đi một mình nên ông chỉ biết chờ cho nhóm này kéo cây ra khỏi rừng mới dám hô hoán bà con trong làng ngăn chặn. Sau khi bị phát hiện, các đối tượng này tỏ ra lì lợm, có hành động đe dọa đối với ông.

45 năm tận tụy giữ rừng

Như là lão làng trong việc giữ rừng Rú Lịnh, suốt nhiều năm làm công việc bảo vệ rừng, ông Trọng bị những “lâm tặc” bày ra đủ trò, từ chặn đường dọa đánh, vứt xe máy ông xuống vực, ném đá vào nhà, đe dọa vợ con đến phá hoại hàng chục cây cao su của gia đình. Dù vất vả, thường xuyên đối mặt những nguy hiểm như vậy nhưng ông Trọng vẫn bám rừng Rú Lịnh, bởi ông coi đây như “ngôi nhà thứ 2” của mình.

“Là người sinh ra và lớn lên bên cạnh rừng Rú Lịnh, hơn ai hết tôi hiểu được giá trị mà rừng mang lại. Vì thế, nếu thấy cây rừng bị phá hoại, có lẽ tôi sẽ không chịu được. Cho nên, khi nhận công việc này, tôi luôn tâm niệm là phải cố gắng giữ được rừng, không phải cho ai khác mà là bảo vệ cho chính mình và con cháu mai sau”, ông Trọng bộc bạch.

45 năm tận tụy giữ rừng

Đó là chia sẻ thật lòng của ông Trọng, khi tôi hỏi về việc tên của ông được các nhà thực vật học của Viện Khoa học sự sống, Viện Nghiên cứu khoa học Miền Trung và Bảo tàng Đại học Kagoshima (Nhật Bản) đặt cho một loài cây vừa được phát hiện và công bố.

Ông Trọng tâm sự: “Được giữ rừng ngay trên chính quê hương mình, đó vừa là may mắn, vừa là trách nhiệm của một người dân địa phương như tôi. Dù có thời điểm, công việc này tôi chỉ nhận phụ cấp ít ỏi, nhưng quan trọng là tôi đã góp công nhỏ bé của mình để giữ lại màu xanh cho quê hương. Vì thế khi biết tin tên của mình được đặt cho loài thực vật mới, tôi thực sự bất ngờ và rất hạnh phúc. Tôi xem việc làm này như là sự tri ân, động viên tôi và gia đình suốt hành trình 45 năm qua đã góp sức bảo vệ được rừng để hôm nay các nhà khoa học có thể nghiên cứu những loài mới như vậy”.

45 năm tận tụy giữ rừng

Sau hơn 45 năm tận tụy giữ rừng, đến năm 2022, vì tuổi cao nên ông Trọng đã xin không thôi tham gia công tác bảo vệ rừng Rú Lịnh. Nhưng với trách nhiệm của mình, khí chất của “người con núi rừng”, thỉnh thoảng ông Trọng vẫn rong ruổi mang theo cây rựa để vào rừng, men theo những ngóc ngách quen thuộc để ngắm nghía, quan sát. Mỗi lần phát hiện người dân có hành vi đổ rác thải trộm, chặt củi bìa rừng, ông đều nhắc nhở, kiến nghị chính quyền địa phương chấn chỉnh.

45 năm tận tụy giữ rừng

Lần theo lối mòn trong rừng, dường như bước đi của tôi không thể đuổi kịp “người giữ rừng” Nguyễn Đình Trọng. Dù đã nghỉ công tác hơn 2 năm nay, nhưng có lẽ vì tình yêu, sự gắn bó đặc biệt với cánh rừng Rú Lịnh, mỗi lần vào thăm, nhiều xúc cảm của ông về “ngôi nhà” này lại ùa về.

45 năm tận tụy giữ rừng

“Trước đây, Rú Lịnh là một cánh rừng nguyên sinh thâm u có nhiều loài động vật hoang dã sinh sống. Nơi đây có những cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm được giữ gìn. Vì thế, người dân thường gọi theo tiếng địa phương là “Rú” và “Lịnh” là gọi theo tên một loài cây mọc nhiều trong khu rừng này. Càng về sau, vì chiến tranh, do bom đạn gần như tàn phá nên đã phá hoại phần lớn các loài nên còn chỉ còn số ít cây gỗ quý và động vật được bảo vệ cho đến ngày nay”, ông Trọng gõ lên vết đạn xuyên qua một cây dẻ nói với tôi.

Vì sự đặc biệt về thảm động thực vật nơi cánh rừng giữa khu dân cư có một không hai này mà theo ông Trọng, không ít đoàn nghiên cứu, thực tập sinh, nhà thực vật học tìm đến để khám phá. Trong số này, phần lớn đều liên lạc nhờ ông làm “hoa tiêu” để vào rừng tìm hiểu.

45 năm tận tụy giữ rừng

Tiến sĩ Thực vật học, Viện Nghiên cứu khoa học Miền Trung Lê Tuấn Anh cho biết, khi phát hiện một loài thực vật mới, việc đặt tên thường là theo tên La tinh (hoặc Tiếng Anh), địa danh nơi phát hiện ra loài, vinh danh người đầu tiên phát hiện hoặc người có công lao nghiên cứu về loài đó. Trường hợp loài thực vật mới được đặt tên là LASIANTHUS TRONGII theo tên ông Nguyễn Đình Trọng là để ghi nhận những đóng góp to lớn của ông trong suốt chặng đường 45 năm bảo vệ rừng Rú Lịnh của ông Trọng đáng được vinh danh.

45 năm tận tụy giữ rừng

Cũng theo ông Tuấn Anh, loài thực vật mới phát hiện thuộc chi Lasianthus (xú hương) được thu thập tại rừng thuộc tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình. Trong đó, Rú Lịnh là nơi đầu tiên phát hiện và thu thập mẫu vật của loài cây này. Chi Lasianthus là một chi lớn trong họ Rubiaceae với 292 loài phân bố rộng khắp thế giới. Trước đây, Việt Nam đã ghi nhận 74 loài thuộc chi này.

"Giờ đây tôi tuổi đã cao, sức khỏe không còn tốt như trước, dù muốn hay không thì việc thường xuyên vào rừng như thế này cũng sẽ gặp khó dần. Nhưng đến hôm nay, nhìn từng tán cây trong rừng Rú Lịnh vẫn vươn lên, nhiều cây con, thú rừng cũng yên ổn để sinh sôi, nảy nở là tôi thầm vui lắmmà cảm ơn rồi. Không chỉ riêng tôi mà người dân trong vùng ai cũng mong cánh rừng sẽ mãi được giữ gìn, bảo vệ”, ông Trọng bày tỏ.

45 năm tận tụy giữ rừng

Chia sẻ về “người giữ rừng” Nguyễn Đình Trọng với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND xã Hiền Thành Nguyễn Thuận Hiếu cho biết: Ông Trọng là một trong những người đặc biệt gắn bó lâu và hiểu nhiều về cánh rừng Rú Lịnh.

Thành tích và công lao của ông đối với sự tồn tại của Rú Lịnh không chỉ địa phương mà có rất nhiều cơ quan, đơn vị và người dân ở đây ghi nhận. Do đó, việc tên ông được đặt cho một loài thực vật mới phát hiện là việc làm ý nghĩa và cần thiết, ghi nhận về hành trình hơn 45 năm miệt mài giữ rừng của ông Trọng. Giờ đây dù không còn thường xuyên đi rừng, nhưng những góp ý, đề xuất của ông để góp phần làm đẹp và bảo vệ rừng Rú Lịnh luôn được địa phương lắng nghe, xem xét và thực hiện.

THỰC HIỆN: LÊ TRƯỜNG

2:08:04:2025:16:31 GMT+7

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM