Quảng Trị được biết đến với nhiều làng nghề nổi tiếng và ở mỗi vùng quê đều mang nét đặc sắc riêng. Mứt gừng Mỹ Chánh, bánh chưng, bánh tét Đại An Khê, bánh giầy Triệu Trung, bánh hộc Mai Xá đều là những sản phẩm có thương hiệu làm nức lòng người thưởng thức, đặc biệt là vào dịp Tết đến xuân về...
Quảng Trị được biết đến với nhiều làng nghề nổi tiếng và ở mỗi vùng quê đều mang nét đặc sắc riêng. Mứt gừng Mỹ Chánh, bánh chưng, bánh tét Đại An Khê, bánh giầy Triệu Trung, bánh hộc Mai Xá đều là những sản phẩm có thương hiệu làm nức lòng người thưởng thức, đặc biệt là vào dịp Tết đến xuân về...
Những ngày giáp tết Nguyên đán Ất Tỵ - 2025, về thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng đã cảm nhận được hương vị nồng cay của món mứt gừng truyền thống lan tỏa khắp nơi. Nghề làm mứt gừng ở thôn Mỹ Chánh ra đời từ xa xưa, gắn bó với hàng chục hộ dân nơi đây. Nghề này không chỉ đem lại thu nhập cao vào những ngày cuối năm cho người dân mà còn giữ gìn nét đẹp truyền thống của quê hương.
Mứt gừng Mỹ Chánh có vị cay nồng, thơm tự nhiên chứ không như các loại mứt gừng sản xuất công nghiệp. Ở Mỹ Chánh nghề này thường được xem là nghề phụ, vì nó chỉ được làm trong vòng 20 - 25 ngày đầu tháng Chạp mỗi năm. Vào mùa Tết, mỗi gia đình làm mứt cũng lãi ròng từ 7 - 10 triệu đồng. Đặc biệt có hộ làm mứt đến chục tấn, trừ chi phí, tiền trả nhân công cũng lãi trên 40 triệu đồng.
Cũng nhờ nghề làm mứt gừng mà các gia đình ở đây đều đón tết khá sung túc. Năm nay, ở thôn Mỹ Chánh có khoảng 20 hộ làm mứt gừng, với tổng sản lượng mứt thành phẩm khoảng trên 100 tấn, doanh thu từ nghề này khoảng 6 tỉ đồng. Mứt gừng Mỹ Chánh đã có thương hiệu nên nên được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng trong dịp Tết.
Để sản xuất ra mứt gừng thành phẩm, người dân Mỹ Chánh phải dày công chế biến. “Khâu đầu tiên là chọn mua nguyên liệu, tiếp đến là rửa sạch gừng rồi đem thái mỏng sau đó luộc gừng đã sơ chế trên lửa than hồng rồi mới đến khâu tẩm đường, sấy khô và đóng gói thành phẩm”, chị Võ Thị Tâm, một chủ cơ sở sản xuất mứt gừng ở thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng cho biết.
Người dân Mỹ Chánh dẫu có bộn bề gì thì dịp cuối năm họ cũng thu xếp thời gian để chọn mua nguyên liệu rồi tự làm một ít mứt gừng dâng lên tổ tiên, làm quà tặng người thân, bán ra thị trường và hơn nữa là giữ lấy nghề truyền thống của quê hương.
Thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng có nghề truyền thống làm bánh chưng, bánh tét mặt trăng với hàng chục hộ sản xuất, kinh doanh. Việc làm bánh chưng, bánh tét mặt trăng diễn ra quanh năm nhưng bận rộn nhất là vào dịp Tết bởi đơn hàng nhiều gấp 3,4 lần so với ngày thường.
Chủ tịch UBND xã Hải Thượng Trần Văn Kính cho biết: “Trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ - 2025, các hộ sản xuất bánh chưng, bánh tét ở thôn Đại An Khê đã sử dụng khoảng 256 tấn nếp, cung ứng ra thị trường khoảng 320.000 bánh chưng, bánh tét với doanh thu ước tính khoảng 11,5 - 12 tỉ đồng. Bánh chưng, bánh tét không chỉ tiêu thụ trong thôn, xã, huyện mà còn cung ứng ra khắp các tỉnh, thành cả nước”.
Theo nhiều bậc cao niên và các chủ cơ sở làm bánh chưng, bánh tét ở thôn Đại An Khê, để làm ra chiếc bánh ngon thì khâu chuẩn bị nguyên liệu phải thật chu đáo, kỹ lưỡng và kết hợp với kinh nghiệm, kỹ năng của người gói, nấu bánh. Ở Đại An Khê, hầu như nhà nào cũng biết làm bánh chưng, bánh tét mặt trăng. Và thế hệ này truyền lại cho thế hệ khác nên nghề truyền thống của thôn ngày càng phát triển.
Để làm bánh chưng, bánh tét mặt trăng, phải chọn nếp ngon, làm sạch, đem ngâm, sau đó trộn với nước rau ngót đã xay trước đó. Ngoài ra, khi khách hàng có nhu cầu thì người làm bánh có thể trộn nếp trắng với nước hạt gấc tạo thành bánh có màu cam, đỏ hay dùng nếp than để gói bánh tạo ra chiếc bánh màu tím đẹp mắt. Nhân bánh làm bằng thịt lợn ba chỉ, đỗ xanh được ướp với gia vị thơm lừng. Và bánh được gói bằng lá chuối rồi nấu trên bếp củi và bếp điện khoảng 6 - 7 giờ.
Bánh chưng vuông vắn, bánh tét có hình bán nguyệt và khi xếp hai lát bánh bán nguyệt lại có hình tròn rất đẹp nên thường gọi là bánh tét mặt trăng. Ấn tượng nhất ở bánh chưng, bánh tét mặt trăng Đại An Khê là bánh có màu xanh lá, màu cam, đỏ, tím rất đẹp mắt, nhân bánh màu vàng của đậu xanh, xen lẫn thịt ba chỉ, hành tím, tiêu đen xay nhuyễn.
Sự hòa quyện của màu sắc, hương vị khiến bánh chưng, bánh tét mặt trăng Đại An Khê trở nên nổi tiếng và làm đắm say lòng người thưởng thức, nhất là dịp Tết đến xuân về.
Làng Đạo Trung, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong là một làng quê có truyền thống sản xuất bánh giầy từ lâu đời. Có lẽ từ khi làng lập nên thì chiếc bánh giầy đã theo chân những người khai khẩn đến vùng đất này.
“Tôi không biết chiếc bánh giầy ra đời từ bao giờ, nhưng từ khi tóc còn để chỏm tôi đã thấy mẹ làm trong các bữa giỗ chạp hay Tết cổ truyền. Vợ chồng tôi gắn bó với nghề truyền thống này đã rất lâu và đến nay không chỉ gia đình tôi mà còn nhiều hộ trong thôn vẫn giữ nguyên phương thức, công đoạn, cách chế biến bánh giầy nên hương sắc thuở xưa không hề mai một”, ông Nguyễn Hữu Cừ, một chủ cơ sở sản xuất bánh giầy ở thôn Đạo Trung, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong chia sẻ.
Theo quan niệm dân gian xưa, bánh chưng tượng trưng cho đất, bánh giầy tượng trưng cho trời để cầu mong sự ấm êm, bình an, giao hòa với trời đất. Quy trình làm ra một chiếc bánh giầy theo kiểu truyền thống rất nhọc nhằn, đa công, bắt đầu từ khâu chọn nguyên liệu.
Người dân nơi đây cho biết, nếp phải được sàng kỹ lưỡng loại bỏ những hạt xấu, đất cát hay gạo lẫn nếu có rồi mới đem ngâm bằng nước giếng quê đã qua bể lọc thẩm thấu. Nếp phải ngâm trong thời gian 6 - 7 tiếng mới được vớt ra để ráo nước sau đó hoong thành xôi. Khi xôi đã chín thì đổ vào cối đá và dùng chày gỗ giã ngay lúc đó. Trong khi người giã vừa đưa chày lên thì người còn lại phải nhúng cả 2 bàn tay mình vào nước sôi để vuốt xôi đang dính vào chày. Cứ thế 30 phút sau thì một mẻ xôi chuyển thành bột rất nhuyễn.
Xoa bàn tay đang đỏ ửng vì nhúng vào nước sôi nhiều lần, bà Nguyễn Thị Hoa, một chủ cơ sở sản xuất bánh giầy lý giải: “Phải nhúng tay vào nước sôi để dễ vuốt xôi đang dính vào chày hơn và tránh cho bột không bị nhão. Nếu dùng nước nguội thì không những không vuốt xôi ra khỏi chày được mà còn làm hỏng bột. Vì thế mà người vuốt bột phải thường xuyên thay nước sôi trong quá trình giã xôi”.
Kế tiếp là khâu làm nhân bánh, đậu xanh được làm sạch vỏ bằng nước sôi sau đó hầm chín tới, cho vào giã xót nhuyễn rồi nêm gia vị theo yêu cầu của khách hàng và cuối cùng là dùng tay vo thành từng viên nhỏ.
Tiếp đến là người làm bánh phải rửa tay bằng nước vôi để sát khuẩn và tránh dính khi vo bánh chứ tuyệt đối không dùng các loại xà phòng, nước rửa tay thông thường. Trong quá trình làm bánh, người dân nơi đây không dùng dầu ăn hàng ngày để xoa tròn chiếc bánh mà dùng dầu lạc. Bởi theo lý giải của họ thì chỉ có loại dầu này mới không bị dính tay và cho màu sắc bánh luôn đẹp mắt.
Nhờ kỳ công trong khâu chuẩn bị lẫn những kinh nghiệm gia truyền nên bánh giầy thôn Đạo Trung luôn tạo ra một thương hiệu riêng biệt so với bánh giầy trên thị trường. “Người tiêu dùng sẽ cảm nhận được độ mềm dẻo của xôi, vị béo thơm của dầu lạc và ngọt bùi của đậu xanh hòa quyện trong mỗi chiếc bánh.
Hương vị ấy khác hẳn với chiếc bánh được làm bằng nếp xay sống, nhồi bằng nước sôi làm thành bánh rồi mới đem hấp chín. Một điều khác biệt nữa là bánh giầy truyền thống để lâu vẫn mềm dẻo, giữ được hương sắc, còn bánh các nơi khác sẽ nhanh khô, cứng và chuyển màu”, bà Hoa cho biết thêm.
Những ngày cuối năm, khi công việc đồng áng, đơn hàng đã thưa dần, người dân thôn Đạo Trung lại hối hả chọn mua thêm nguyên liệu để làm bánh giầy dâng lên bàn thờ tổ tiên trong dịp Tết đến xuân về.
Những ngày giáp tết Nguyên đán Ất Tỵ, hàng chục hộ dân ở thôn Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh đang tất bật với nghề làm bánh hộc truyền thống để kịp giao cho khách hàng trong và ngoài tỉnh. Món bánh hộc nơi đây tuy dân dã, làm bằng thủ công nhưng lại có hương vị đặc biệt khiến những người con xa quê, thực khách lưu luyến dù chỉ một lần thưởng thức.
Hầu như bánh hộc chỉ làm thời vụ vào dịp Tết. Ngay từ đầu tháng Chạp, nhiều hộ dân nơi đây đã bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu, dụng cụ để làm bánh theo đơn đặt hàng.
“Năm nay, gia đình tôi bắt đầu làm từ tuần đầu tiên của tháng Chạp và dự kiến cung ứng ra thị trường khoảng 400 chiếc bánh hộc theo đơn hàng. Mỗi chiếc bánh hộc thông thường có trọng lượng từ 1 - 1,2 kg với giá tại cơ sở từ 120-150 nghìn đồng/bánh. Làm bánh hộc tuy chẳng lời lãi gì nhiều song cũng có thêm nguồn thu nhập dịp Tết và hơn nữa là giữ lấy nghề truyền thống cha ông để lại”, chị Trần Thị Lý, người có thâm niên làm bánh hộc ở thôn Mai Xá, xã Gio Mai cho biết.
Để làm bánh hộc, người dân nơi đây đem lúa nếp rang với cát nóng sao cho vừa nở bung, sau đó sàng nhiều lần cho sạch cát, tách được hạt nổ ra khỏi vỏ trấu. Tiếp đó là nấu hỗn hợp nước đường và gừng tươi, khi hỗn hợp này sánh dẻo lại theo ý muốn thì có thể cho lạc đã rang, làm sạch vỏ vào hoặc để riêng lạc cho vào khi làm bánh.
Khi mọi nguyên liệu đã chuẩn bị xong, người làm bánh sẽ cho hỗn hợp nếp bung, lạc rang, nước đường, gừng đã nấu trước đó vào chiếc khuôn bánh làm bằng gỗ, hình hộp chữ nhật. Sau đó, dùng dụng cụ chuyên dùng làm bánh để nén, ép hỗn hợp nhằm tạo độ kết dính theo ý muốn. Bánh sau khi lấy ra khỏi khuôn, được phủ thêm lớp bột nếp bên ngoài rồi đem phơi cho khô ráo khoảng vài giờ là dùng được.
Hiện nay, toàn thôn có khoảng hơn 10 gia đình làm bánh hộc, cung ứng ra thị trường Tết hàng nghìn chiếc bánh. Trải qua bao biến thiên dâu bể, bánh hộc Mai Xá vẫn giữ nguyên hương vị xưa không thể lẫn vào đâu được. Ngày xuân bên tách trà, thưởng thức miếng bánh hộc Mai Xá cùng gia đình, bằng hữu quả thật là thi vị, ấm cúng...
Nhơn Bốn - Trúc Phương (THỰC HIỆN)
1:27:01:2025:09:48 GMT+7