Với sự tỉ mỉ, khéo tay cùng khả năng sáng tạo không ngừng, Hoàng Thanh Tùng (sinh năm 2001), hiện đang sống tại thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh đã tạo nên những tiểu cảnh, mô hình nhà miền Tây sông nước sống động từ... rác thải. Công trình của anh khiến nhiều người không khỏi mê mẩn, thích thú. Thời gian gần đây, các mô hình do chàng trai này làm ra còn được biết đến rộng rãi hơn qua những clip triệu view trên nền tảng Tiktok. Số đơn đặt hàng cũng vì thế mà tăng lên, giúp Tùng có thêm nguồn thu nhập lớn để giúp đỡ gia đình.
Chúng tôi biết đến Tùng từ những clip triệu view về mô hình nhà miền Tây sông nước trên Tiktok. Dưới mỗi clip của Tùng, rất nhiều người bày tỏ sự thích thú khi để lại các bình luận như: “Đẹp quá, nhìn y như thật!”; “Xem mô hình của bạn khiến tôi nhớ về tuổi thơ. Xuất sắc quá bạn ơi” hay “Cho mình hỏi xin giá của mô hình với ạ!”. Điều khiến mọi người bất ngờ là chủ nhân của những mô hình nhà miền Tây lại đến từ...
Quảng Trị. Chia sẻ với chúng tôi, Tùng cười hiền lành cho hay: “Tôi chưa có dịp đi miền Tây lần nào, nhưng qua sách báo, phim ảnh, tôi rất ấn tượng với kiểu dáng, kiến trúc của những ngôi nhà sàn nổi nơi miền sông nước này. Vì vậy, tôi quyết định chọn nó làm một trong các chủ đề cho mô hình của mình”.
Tùng bắt tay vào làm các mô hình, tiểu cảnh từ hơn 1 năm về trước, thời điểm COVID – 19 bùng phát. Vốn có niềm đam mê làm bể cá thủy sinh nên Tùng thích tìm tòi, làm tiểu cảnh để trang trí cho bể cá của mình. Trong những ngày rảnh rỗi tránh dịch, chàng trai trẻ đã tìm hiểu và mày mò làm mô hình nhà sàn miền Tây sông nước đầu tiên.
“Lúc mới bắt tay vào làm, tôi mất khá nhiều thời gian. Hôm nào cũng ngồi lục đục cắt dán, lắp vào rồi lại tháo ra. Sau khi hoàn thành, thấy hài lòng với sản phẩm mình làm ra, tôi chụp hình và đăng ngẫu hứng lên Facebook cá nhân. Không ngờ, hình ảnh đó lại nhận được nhiều lời khen ngợi, tán dương của mọi người. Có người còn liên hệ với tôi để đặt hàng. Càng làm, tôi càng thấy say mê và muốn gắn bó với công việc này lâu dài hơn”, Tùng bộc bạch.
Công việc vốn tưởng “làm chơi” hóa ra lại đem cho chàng trai trẻ nhiều niềm vui thật. Cứ thế, Tùng mày mò, thử sức sáng tạo với các chủ đề khác nhau như: nhà cổ Hội An, nhà ba gian... để thu hút khách hàng. Nhưng mô hình nhà miền Tây sông nước vẫn được anh làm nhiều hơn cả. Đó là những ngôi nhà bằng gỗ nổi trên sông, có chiếc đò, có con người mặc bộ đồ bà ba và vô số những vật dụng như quần áo, bàn ghế, kệ sách, chum đựng nước, chậu hoa, cầu thang, giá phơi và có cả những cuộn dây thừng và cục đá che chắn trên mái nhà...
Đặc biệt, chất liệu được sử dụng chủ yếu là bìa carton cũ, tre, đũa, que kem, vỏ lon bia do Tùng đi quanh xóm nhặt nhạnh về. Theo Tùng, để làm ra mô hình, mỗi công đoạn đều hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ. Từng ô cửa gỗ, lu đựng nước, ghe, xuồng đậu dưới bến đều phải được mô phỏng lại, giữ nguyên cái hồn vốn có của ngôi nhà sàn trên sông của người miền Tây. Công phu nhất là đoạn làm nhà.
Bởi khi có ý tưởng trong đầu, Tùng sẽ tiến hành đo đạc tỉ lệ cho phù hợp, sau đó cắt, ghép, nối các miếng gỗ để dựng thành khung nhà. Cắt bìa carton, dùng lớp gợn sóng ở phần giữa để tạo mô phỏng những tấm tôn. Cuối cùng là sơn lên vật liệu rồi làm ra các vật dụng trong nhà sao cho đầy đủ và giống nhất. “Màu sắc là phần khó nhất, bởi nó quyết định độ chân thực và có hồn của mô hình. Để có được những mô hình như bây giờ, tôi đã phải học trên mạng, tự thực hành cách pha màu không biết bao nhiêu lần”, Tùng tiết lộ.
Bây giờ đã thuần thục nên Tùng chỉ mất từ 1 – 2 ngày để hoàn thành mô hình đơn giản và khoảng một tuần với những mô hình phức tạp hơn. Tùy theo kích thước, sự cầu kỳ và yêu cầu của khách hàng mà mỗi sản phẩm sẽ có giá bán dao động từ 1 – 7 triệu đồng. Khách hàng chủ yếu là giới chơi cá cảnh mua về để trang trí hồ. Công việc này đem đến cho Tùng nguồn thu nhập trên dưới 20 triệu đồng/tháng.
Hôm chúng tôi đến tìm, Tùng vẫn đang miệt mài sơn phết mô hình theo đơn đặt hàng mới. Màu sơn dù lem lên tay, trên gương mặt nhưng chúng tôi vẫn nhìn thấy ở anh nụ cười cùng ánh mắt lấp lánh hạnh phúc. Ông Hoàng Xuân Châu, ba của Tùng cho biết cậu rất đam mê với công việc này. Có những đêm ông trở mình thức giấc, nhìn lên đồng hồ đã điểm 11, 12 giờ nhưng thấy phía gian phòng của con trai vẫn sáng đèn. “Nhắc con đi ngủ, nó dạ nhưng vẫn tiếp tục làm. Làm một cách say mê. Vợ chồng tôi dù thương con, sợ con không theo nổi công việc mới mẻ này, nhưng không còn cách nào khác ngoài ủng hộ con hết mình”, ông Châu nói.
Gia đình ông có truyền thống làm nghề vàng mã hơn 20 năm nay. Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ này có lẽ phần nào ảnh hưởng đến tay nghề của Tùng cho công việc sau này. Thế nên học xong lớp 12, dù đã vào TP. Đà Nẵng học nghề nhưng cuối cùng, anh vẫn rẽ ngang và chọn khởi nghiệp với công việc sáng tạo mô hình, tiểu cảnh. Khi được hỏi về khó khăn trong công việc, Tùng kể cho chúng tôi nghe về những lần vừa hoàn thành mô hình, chưa kịp phơi khô đã bị nước mưa làm ướt hết, phải gỡ ra làm lại. Hay những lần mô hình bị hỏng do vận chuyển, khách báo hủy đơn... “Sau mỗi lần như thế, tôi lại tự rút ra bài học cho mình để làm tốt hơn. Dù sao thì tôi vẫn đang hạnh phúc với sự lựa chọn của mình và kiếm được thu nhập để giúp đỡ bố mẹ từ niềm đam mê ấy. Tôi sẽ cố gắng theo đuổi nó đến cùng”, Tùng bộc bạch.
Nhờ chăm chỉ rèn luyện và mày mò sáng tạo, mô hình của Tùng ngày càng được khách hàng yêu thích và đón nhận nồng nhiệt. Đặc biệt, thông qua những clip triệu view trên Tiktok, sản phẩm của Tùng đã đi khắp nơi trong nước, thậm chí là ra nước ngoài. Như mới đây nhất, mô hình xóm nhỏ miền Tây với tổng cộng 10 căn nhà sàn do Tùng mất hơn 2 tuần thực hiện đã đến được nước Mỹ xa xôi.
Anh David Hoàng, chủ sở hữu mô hình chia sẻ: “Tôi biết đến Tùng qua Tiktok. Cậu ấy thân thiện, còn sản phẩm thì rất sắc sảo, mỗi chi tiết đều gợi cho tôi nhớ về quê nhà. Tới đây, tôi sẽ giới thiệu thêm bạn bè liên hệ với Tùng để mua thêm mô hình của cậu ấy”. Bên cạnh vị khách đặc biệt này, Tùng cũng đã bán được sản phẩm của mình sang Nhật Bản, Campuchia theo đơn đặt hàng.
Trung bình mỗi tháng, Tùng sản xuất khoảng 15 mô hình. Tháng khách đặt nhiều nhất, Tùng làm được trên 30 mô hình lớn, nhỏ, mang lại nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng. Chia sẻ với chúng tôi, Tùng cho hay: “Thời gian tới, tôi vẫn sẽ tiếp tục sản xuất các mô hình với chủ đề phố cổ Hội An hay nhà sàn miền Tây sông nước. Tuy nhiên, tôi sẽ cố gắng nghiên cứu, làm thêm nhiều tiểu cảnh thu nhỏ đặc trưng của địa phương như bãi biển Cửa Việt, Cửa Tùng, di tích Thành cổ Quảng Trị, cầu HIền Lương... để giới thiệu đến mọi người”.
Biết Tùng sử dụng rác thải tái chế để làm mô hình nên trong xóm nhà ai có sử dụng lon bia, que kem, đũa cũ... đều cất lại để đem đến cho Tùng. Chia sẻ với chúng tôi, Tùng cho biết, thông qua những sản phẩm của mình, Tùng mong muốn được góp phần tuyên truyền đến mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ thói quen sử dụng đồ tái chế, bảo vệ môi trường. “Chỉ cần sáng tạo, mỗi người đều có thể biến rác thải thành tiền”, Tùng nói. |
Trúc Phương
1:24:04:2023:10:43 GMT+7