Việt Nam là… định mệnh
Đã thành thói quen, cứ khởi đầu ngày mới, chị Nakamura Noriko lại kiểm tra, phản hồi tin nhắn trên email, mạng xã hội. Điều chị Noriko rất vui là nhận được khá nhiều lời thăm hỏi, chia sẻ, động viên. Phần lớn tin nhắn đến với chị từ các du học sinh, người lao động Việt Nam đang trú tại Nhật Bản. Trước đây, chị Noriko từng đứng lớp giảng dạy về ngôn ngữ, văn hóa Nhật cho các bạn trẻ này. Cũng chính chị đã cùng chồng bắc một nhịp cầu, giúp họ thuận lợi đến với đất nước mặt trời mọc. “Vào những ngày lễ như: 8/3, 20/10, 20/11… hay dịp sinh nhật, tôi trả lời tin nhắn không xuể. Tôi cảm nhận rõ tình cảm của các học viên, cựu học viên dành cho mình và thấy yêu hơn công việc đang làm”, chị Noriko nói.
Đối với chị Nakamura Noriko, Việt Nam chính là định mệnh của cuộc đời mình. Chị Noriko sinh ra, lớn lên ở Kyoto, Nhật Bản, trong vòng tay yêu thương của ba mẹ và anh trai. Ba chị là một nghệ nhân dệt chiếu truyền thống, còn mẹ làm nghề giáo viên. Từ nhỏ, chị Noriko đã nghe ba mẹ kể về đất nước Việt Nam. Thế nhưng, đến khi bước chân vào trường đại học, những thông tin về đất nước quật cường này mới thực sự in sâu trong tâm trí chị.
Có lẽ vì thế khi được yêu cầu học ngôn ngữ thứ ba, chị Noriko đã chọn tiếng Việt. Và rồi, chính những trang sách đã thôi thúc chị đến du lịch ở Việt Nam. “Lần đầu tới Việt Nam, tôi đã bị một tài xế taxi lừa tiền. Tôi đã nghĩ, mình sẽ không bao giờ quay lại đất nước này nữa. Thế nhưng, như một định mệnh, khi đang theo học thạc sĩ, giảng viên khuyên tôi sang Việt Nam nghiên cứu. Sau nhiều đắn đo, cuối cùng, tôi đồng ý. Đó là quyết định sáng suốt. Bởi, chuyến đi lần thứ hai này đã cho tôi suy nghĩ hoàn toàn khác về mảnh đất, con người Việt Nam”, chị Noriko kể.
Chính những trải nghiệm trong chuyến trở lại Việt Nam đã thôi thúc chị Nakamura Noriko chọn đây là nơi để cống hiến tuổi xuân. Biết ý định của chị, một giảng viên đã giới thiệu Noriko sang Việt Nam làm việc cho một dự án của Nhật Bản, chuyên hỗ trợ người dân nước bạn phòng, chống thiên tai. Trong tháng ngày miệt mài làm việc, một lần, chị Noriko vô tình gặp anh Phan Thành Công, lúc này đang theo học thạc sĩ tại Đại học Nông lâm Huế.
Ngay lần đầu, chị đã có ấn tượng tốt với chàng trai Việt khôi ngô, vui vẻ, dễ gần. “Khi sang Việt Nam làm việc, khá nhiều chàng trai rủ tôi đi uống cà phê, hẹn hò nhưng tôi không đồng ý. Vậy mà, tôi đã không thể từ chối lời mời của Công. Chúng tôi trò chuyện và dần phát hiện ra người kia là một nửa của đời mình”.
Hôm Nakamura Noriko trở về nhà cùng với một chàng trai Việt Nam, ba mẹ chị rất ngạc nhiên. Ba mẹ Noriko vốn là người hướng ngoại. Ngôi nhà của họ từng mở rộng cửa, đón tiếp khá nhiều khách ngoại quốc. Thế nhưng, việc con gái đem lòng yêu một chàng trai Việt Nam vẫn nằm ngoài suy nghĩ của họ. Sự bất ngờ nhân lên khi ông bà nghe Noriko xin ở lại làm dâu Việt Nam sau khi hoàn thành dự án. Đến khi tiếp xúc nhiều hơn với chàng trai mà con gửi gắm tình yêu, ba mẹ chị mới yên lòng.
Khát khao sống ý nghĩa
Từng học tập, làm việc ở Việt Nam nhưng trải nghiệm làm dâu vẫn rất đầy bỡ ngỡ, âu lo đối với chị Nakamura Noriko. Sau khi kết hôn một thời gian, anh Phan Thành Công phải xa nhà, đảm nhận công việc mới ở huyện miền núi phía tây Quảng Trị. Chưa quen với phong tục, tập quán, lại phải xa chồng, nuôi con nhỏ, đôi khi, cô gái người Nhật thấy mình như bị tảng đá lớn đè nặng. Điều may mắn là ba mẹ chồng luôn xem Noriko như con đẻ. Ông bà đồng ý cho chị cùng con lên huyện miền núi Hướng Hóa sống để gần chồng hơn.
“Tôi luôn biết ơn ba mẹ chồng vì đã luôn lắng nghe, thấu hiểu, giúp tôi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Sau này, cũng nhờ ba mẹ chồng mà chúng tôi có thể chuyên tâm cho công việc bận rộn. Ông bà một tay lo cho cả ba người con của chúng tôi”, chị Noriko bộc bạch.
Theo dòng tâm sự, Nakamura Noriko cho biết, sau khi sinh người con thứ hai, chị nghĩ nhiều đến việc sẽ làm gì. Trước đó, vợ chồng chị đã mở một cửa hàng tại TP. Đông Hà, chuyên bán mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ chơi cho trẻ em có xuất xứ từ Nhật Bản. Công việc mang lại cho chị Noriko niềm vui, thu nhập... Thế nhưng, chị vẫn chưa hài lòng. Từ tận sâu trái tim, chị Noriko muốn làm một việc gì đó ý nghĩa, có thể cống hiến nhiều hơn cho mảnh đất mà mình chọn là quê hương thứ hai.
Trong lúc đang suy nghĩ tìm cách, chị Nakamura Noriko bất ngờ nhận lời đề nghị từ một người họ hàng xa của chồng. Người này chuẩn bị sang Nhật Bản nên rất muốn thông thuộc ngôn ngữ, văn hóa nước bạn. Dù còn ngại ngần nhưng chị Noriko đồng ý. Ban đầu, chị chưa thực sự tự tin. Thế nhưng, rất nhanh sau đó, Noriko cảm thấy yêu thích, rồi tìm được nguồn năng lượng tích cực cho mình. Thấy người em họ của chồng tiến bộ nhanh chóng, sự quyết tâm trong Noriko càng cao. Chị bắt đầu nhận thêm một, rồi hai học viên khác.
Tiếng lành đồn xa, số người tìm đến, nhờ cậy Nakamura Noriko dạy tiếng Nhật ngày càng nhiều. Đó là lý do thôi thúc vợ chồng chị mở lớp dạy tiếng Nhật ở TP. Đông Hà. Sau này, lớp học đã phát triển nhanh chóng, trở thành Trung tâm Du học và Xuất khẩu lao động NIJI. Chọn cái tên NIJI đặt cho trung tâm, chị Noriko mong muốn bắc một nhịp cầu từ Quảng Trị, Việt Nam sang Nhật Bản. Đây không phải là một nhịp cầu bình thường mà là một “chiếc cầu vồng” đầy màu sắc tươi vui, niềm tin và hy vọng.
Nhịp cầu đặc biệt của Noriko
Nói về lý do mở Trung tâm Du học và Xuất khẩu lao động NIJI, Nakamura Noriko chia sẻ, qua theo đọc báo, xem đài, chị biết một số người dân Việt Nam đã lâm vào cảnh “thiệt của, thua thân” khi sang Nhật Bản thông qua những đơn vị không uy tín. Một thực tế khác là để có thể xuất ngoại, phần lớn thanh niên Quảng Trị phải bỏ ra nhiều thời gian, công sức, tiền bạc tìm đến các thành phố lớn để học ngôn ngữ, văn hóa Nhật Bản. Tuy nhiên, không phải bao giờ những vất vả, lo toan mà họ chấp nhận đối diện cũng mang về thành quả xứng đáng. Vì thế, Noriko muốn làm một điều gì đó để góp phần giải bài toán này.
Nở nụ cười trên môi, chị Nakamura Noriko báo tin, thời gian qua, Trung tâm Du học và Xuất khẩu lao động NIJI đã đưa hàng trăm người Quảng Trị sang Nhật Bản để học tập, làm việc. Bước ra từ trung tâm, phần lớn các học viên đều thuận lợi trong làm thủ tục; được hỗ trợ, tư vấn; có nơi ăn, chốn ở, công việc ổn định…
Nhờ chăm chỉ làm ăn và chi tiêu hợp lý, nhiều lao động đã tiết kiệm được một khoản tiền lớn để phòng thân, gửi về cho gia đình. Sang Nhật Bản theo diện du học, nhiều sinh viên vẫn có thu nhập khá nhờ đi làm thêm. Đó cũng chính là niềm vui, động lực, thôi thúc chị Noriko cùng các thành viên Trung tâm Du học và Xuất khẩu lao động NIJI cố gắng nhiều hơn.
Chị Noriko chia sẻ: “Phương châm mà trung tâm chúng tôi đặt ra là: “Không bỏ rơi học viên”. Vì vậy, hễ học viên của mình gặp khó khăn, vướng mắc gì, vợ chồng tôi đều vào cuộc giải quyết. Ở Nhật Bản, ba mẹ, anh trai và những người thân quen của tôi cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ”.
Để có thành quả ngày hôm nay, chị Nakamura Noriko và cộng sự đã trải không ít lo toan. Tháng 7/2018, khi Trung tâm Du học và Xuất khẩu lao động NIJI mới thành lập, số lượng học viên đến với chị Noriko chưa nhiều. Vợ chồng chị phải xoay chạy để lo liệu lương cho nhân viên cùng nhiều khoản chi phí khác. Trong khó khăn, chị Noriko vẫn bình tâm. Chị hiểu rằng, đây là khoảng thời gian cần thiết để tập trung xây dựng nền móng cho trung tâm; đào tạo nhân lực; tìm kiếm cơ hội hợp tác; phát triển thương hiệu…
Khi những thử thách đi qua cũng là lúc dịch bệnh COVID-19 bùng phát, rồi tiếp đó là tỉ giá đồng yên hạ sâu. Trước thách thức chồng cao như núi, một số người khuyên chị Noriko và chồng tìm hướng đi mới. Thế nhưng, nghĩ tới ước mơ “bắc chiếc cầu vồng”, vợ chồng chị vẫn bền bỉ với con đường ban đầu. Sự bền bỉ ấy cuối cùng đã mang về niềm vui.
Bên tách trà Genmaicha, cuộc trò chuyện với chị Nakamura Noriko mỗi lúc càng nồng đượm. Nàng dâu Quảng Trị say sưa chia sẻ câu chuyện của những học viên cũ như đang kể về người thân của mình. Đó là một chàng trai ở Thừa Thiên Huế tuy tiếp thu tiếng Nhật rất chậm nhưng vô cùng kiên trì, đêm nào cũng chong đèn học tập. Vừa rồi, anh đã xin visa thành công, sang Nhật Bản học tập và xuất sắc nhận được học bổng. Đó là một cô gái tuổi đôi mươi sang Nhật chưa lâu đã gửi tiền về hỗ trợ ba mẹ xây nhà.
Trong câu chuyện của mình, chị Noriko còn nhắc đến những học viên không bao giờ quên nhắn tin chúc mừng cô giáo vào các dịp lễ tết. Chính những học viên, câu chuyện đáng yêu như thế đã khiến chị Noriko thêm gắn bó với công việc đang làm, miền quê đang sống. Trong chị, quyết tâm cống hiến cũng ngày một nhiều hơn. Ngoài kênh du học, xuất khẩu lao động, chị Noriko còn bắc thêm một “chiếc cầu vồng” khác để đưa các tổ chức, cá nhân hảo tâm từ Nhật Bản sang hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam.
TRƯƠNG QUANG HIỆP
2:02:05:2023:08:18 GMT+7