Khi cái nắng của mùa hè miền Trung bắt đầu gay gắt hơn, lượng khách du lịch tìm đến vùng núi rừng phía Tây Quảng Trị để hòa mình vào thiên nhiên, trải nghiệm những con thác đẹp và sản phẩm du lịch địa phương do chính người dân tộc Vân Kiều thực hiện ngày một nhiều hơn. Thác Tà Puồng nằm ở thôn Trăng Tà Puồng thuộc xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách.
Nhận thấy xu hướng này, năm 2021, anh Hồ Văn Giỏi mạnh dạn xin phép chính quyền địa phương thành lập Tổ mô hình quản lý du lịch cộng đồng Trăng Tà Puồng. Mô hình này vừa tạo việc làm cho bà con, vừa quảng bá cảnh đẹp quê hương và văn hóa truyền thống, món ăn đặc trưng của bản làng đến với du khách gần xa.
Theo Tổ trưởng Tổ mô hình quản lý du lịch cộng đồng Trăng Tà Puồng Hồ Văn Giỏi, hiện tổ có 22 thành viên đại diện cho 22 hộ gia đình trong thôn. Các thành viên cùng nhau mở đường vào thác thông thoáng, an toàn hơn; xây dựng bãi giữ xe, xây dựng các chòi tre để làm nơi nghỉ ngơi cho du khách.
“Thời gian đầu, vì địa hình đồi núi còn hoang vu, việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn, hiểm trở, nên chúng tôi mất rất nhiều ngày công mới hình thành nên điểm du lịch như hiện nay. Khó khăn nữa là nơi đây chỉ hoạt động được vào mùa hè, đến mùa mưa lũ thì gần như các chòi bị hư hỏng nặng hoặc bị cuốn trôi, phải làm lại từ đầu mỗi khi đến mùa khai thác mới. Tuy vậy, với quyết tâm và mục tiêu của tổ, chúng tôi đã vượt qua tất cả, để hôm nay thác Tà Puồng cơ bản trở thành một điểm đến lý tưởng cho những người thích phiêu lưu, khám phá. Qua mô hình này, chúng tôi không những tạo việc làm cho người dân mà còn thay đổi ý thức của bà con về bảo vệ môi sinh môi trường, cảnh quan thiên nhiên, hạn chế đốt rừng làm rẫy”, anh Giỏi chia sẻ.
Đến với thác Tà Puồng, du khách được hòa mình vào dòng nước trong xanh mát lạnh, trải nghiệm chèo thuyền sup; thưởng thức các món ăn đặc sản của người dân tộc Vân Kiều; tìm hiểu các sản phẩm làm bằng tre bản địa như ly tách trà, ống đựng tăm, đựng đũa... do các thành viên trong tổ làm.
Lần đầu trải nghiệm thác Tà Puồng, chị Nguyễn Thị Ngọc Thùy ở thị trấn Khe Sanh chia sẻ, mặc dù ở trên địa bàn nhưng lâu nay chị chỉ biết thác này qua mạng xã hội. Vì vậy, khi trực tiếp đến đây khám phá, chị có rất nhiều trải nghiệm lý thú, bất ngờ. “Tôi thích vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của thác, bầu không khí trong lành và đặc biệt là những món ăn đặc trưng của đồng bào nơi đây. Tuy dịch vụ còn đơn sơ nhưng nơi đây cho tôi cảm giác trải nghiệm mới mẻ”, chị Thùy nói.
Cùng mục đích tạo việc làm cho bà con, đồng thời quảng bá những nét văn hóa đặc trưng của địa phương mình nhưng chị Hồ Thị Thương, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Tà Long lại có cách làm khác biệt. Tận dụng vẻ đẹp hoang sơ mà thiên nhiên ban tặng cho dòng suối A Lao ở thôn Tà Lao, xã Tà Long, huyện Đakrông, chị Thương đã khởi xướng, góp công hình thành nên sản phẩm du lịch cộng đồng khá nổi tiếng với nhiều du khách trong tỉnh. Với việc “biến” con suối A Lao trở thành điểm đến hấp dẫn, chị Thương đã tạo sinh kế bền vững cho nhiều chị em trong thôn.
Chị Thương tâm sự: Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi ấp ủ phát triển du lịch địa phương, bởi đã sớm nhận thấy tiềm năng mà con suối A Lao quê tôi mang lại. Vì thế, từ những kiến thức căn bản có được, tôi đã tự tìm tòi, học hỏi thêm cách làm du lịch cộng đồng qua sách báo, internet; tranh thủ những khóa tập huấn của các dự án để bổ trợ kỹ năng, kiến thức. Đến đầu năm 2019, những “bước đi” đầu tiên của chị Thương và các cộng sự đã “đánh thức” tiềm năng của con suối A Lao với tour du lịch trải nghiệm 199 nghìn đồng. Tour du lịch này được hiện thực hóa từ một ý tưởng tham gia cuộc thi khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh tổ chức.
Từ thành công đó, chị Thương quyết tâm thành lập Tổ hợp tác du lịch cộng đồng suối A Lao. Chị đi từng nhà để vận động các hộ gia đình gần khu vực suối tham gia tổ hợp tác. Rồi tranh thủ các dự án, chị Thương phân công chị em đi tập huấn về kỹ năng nấu ăn, cứu hộ, cứu nạn; xây dựng cơ sở vật chất ở khu vực suối với 12 chòi tre kiên cố, trang trí cầu khỉ, võng đu mang nét văn hóa đặc trưng của người đồng bào nơi núi rừng Trường Sơn.
Tận dụng mạng xã hội, những thước phim ngắn, hình ảnh về cảnh đẹp suối A Lao, món ăn dân dã đặc trưng và hình ảnh chất phác của người dân tộc thiểu số Vân Kiều... luôn được chị Thương đăng tải để thu hút mọi người đến khám phá.
“Hiện tại, Tổ hợp tác du lịch cộng đồng suối A Lao hoạt động với 16 thành viên, phần đông là phụ nữ trong thôn Tà Lao. Tham gia tổ hợp tác, chị em có thu nhập ổn định nhưng quan trọng hơn là tư duy của chị em và người dân trong thôn được thay đổi. Thay vì chỉ có làm rẫy, họ đã biết đến khái niệm làm du lịch. Đó mới là mong ước lớn lao mà tôi muốn đạt đến khi làm sản phẩm du lịch cộng đồng này”, chị Thương bộc bạch.
Cùng chung mục đích nhưng cách làm du lịch của chị Hồ Thị Thiết ở thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa mạnh dạn hơn. Từ hỗ trợ của dự án, gia đình chị vay vốn, đầu tư cải tạo nhà sàn, xây công trình phụ, sắm thêm các trang thiết bị và dụng cụ để phục vụ khách lưu trú theo mô hình homestay.
Sau thời gian khai trương, mô hình homestay của gia đình chị Thiết đã thu hút rất đông du khách đến lưu trú. Du khách đến đây có thể ngắm cảnh quan thiên nhiên, tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, lưu trú trong những căn homestay đậm chất truyền thống của đồng bào dân tộc Vân Kiều.
Theo chị Thiết, toàn thôn hiện có khoảng 16 hộ gia đình tham gia Tổ du lịch cộng đồng, riêng mô hình homestay hiện thôn có 2 gia đình cơ bản hoàn thiện đáp ứng phục vụ khách du lịch lưu trú.
Phó Trưởng phòng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa Nguyễn Hưng cho biết, địa phương hiện có 17 mô hình kinh doanh dịch vụ du lịch. Các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng vùng miền được xây dựng nên bởi chính từ bàn tay, khối óc của người Vân Kiều, Pa Kô. Chính họ đã truyền lửa, thay đổi suy nghĩ của bà con ở những vùng sâu, vùng xa để tận dụng các tiềm năng thiên nhiên ban tặng trong phát triển sinh kế, tạo việc làm và thu nhập ổn định. Đây chính là những chiếc “cầu nối” quan trọng giúp địa phương có thể hoạch định và phác thảo bức tranh tổng thể về phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn theo hướng chuyên nghiệp và bài bản hơn.
Nội dung, hình ảnh và trình bày: Lê Trường
4:18:04:2024:08:19 GMT+7