Những người thầy không bục giảng

Do đặc thù nghề nghiệp, thời gian dạy thực hành nhiều hơn lý thuyết nên giáo viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị được gọi là những người thầy không bục giảng. Bằng kiến thức và sự tận tụy với nghề, những giáo viên này không ngừng trau dồi, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ để truyền tải kiến thức, kỹ năng cho học sinh, sinh viên với mong muốn các em khi ra trường là có nghề.

Những người thầy không bục giảng

Một tiết học thực hành của học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị tại xưởng thực hành

Vững tay nghề, chắc chuyên môn

Một sáng đầu tháng 12, bên trong phòng máy công cụ của xưởng thực hành, giảng viên Lê Hồng Sương, Kỹ sư Cơ khí chế tạo máy, chủ nhiệm lớp hàn K2TA, Khoa Cơ điện miệt mài hướng dẫn học sinh cắt gọt kim loại thực hành môn học tiện trụ bậc ngắn. “Trước khi bắt đầu các môn học tích hợp thực hành (mô đun tích hợp) như thế này, các em học sinh đã được học các môn lý thuyết chuyên môn.Đặc biệt, trước khi bước vào vận hành máy, các em đã được tôi hướng dẫn lý thuyết ban đầu, nguyên lý hoạt động của máy, trình tự thực hiện gia công một bản vẽ (sản phẩm theo bản vẽ thiết kế). Qua đánh giá, đa phần các em đều nắm vững kiến thức, thực hiện được các công đoạn để gia công ra một sản phẩm trụ bậc ngắn theo hướng dẫn của giáo viên”, thầy Sương nói.

Những người thầy không bục giảng

Giảng viên Lê Hồng Sương hướng dẫn học sinh lớp cắt gọt kim loại thực hành môn học tiện trụ bậc ngắn

Hiện, thầy Sương giảng dạy 3 lớp thuộc chuyên môn với 2 nghề: hàn, cắt gọt kim loại và giảng dạy các môn lý thuyết cơ sở cho 3 lớp khác của nghề công nghệ ô tô. Với nghề hàn, thầy Sương dạy học sinh, sinh viên các kỹ năng liên quan đến thực hiện mối hàn của công nghệ hiện nay, như: hàn hồ quang tay, hàng hồ quang bằng điện cực nóng chảy trong môi trường khí bảo vệ, hàn hồ quang bằng điện cực không nóng chảy, hàn khí, hàn điểm, hàn tiếp xúc. Còn đối với nghề cắt gọt kim loại, thầy Sương dạy các môn tiện, phay, mài, bào.

Những người thầy không bục giảng

Trước khi bước vào vận hành máy, các em học sinh được thầy Sương hướng dẫn lý thuyết ban đầu, nguyên lý hoạt động của máy, trình tự thực hiện gia công một bản vẽ

Điều thuận lợi đối với giảng viên và học sinh, sinh viên Khoa Cơ điện là cơ sở vật chất của trường đáp ứng được tốt các môn học. Nghề hàn và cắt gọt kim loại hiện nay rất được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Vì vậy, nếu học sinh chăm chỉ, nghiêm túc học hành thì ra trường dễ xin được việc làm. Thị trường xuất khẩu lao động các nước cũng có nhu cầu rất cao đối với 2 nghề này. Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu đó thì đòi hỏi người giảng viên phải không ngừng cập nhật, trau dồi kiến thức, nâng cao tay nghề để truyền dạy cho học sinh, sinh viên.

Những người thầy không bục giảng

Nghề hàn và cắt gọt kim loại thuộc nhóm nghề độc hại, nguy hiểm. Vì thế, để dạy tốt thì điều kiện bắt buộc là giảng viên phải làm được và làm tốt, tay nghề cũng như chuyên môn phải vững

“Nghề hàn và cắt gọt kim loại thuộc nhóm nghề độc hại, nguy hiểm. Để dạy tốt thì điều kiện bắt buộc là giảng viên phải làm được và làm tốt, tay nghề cũng như chuyên môn phải vững vì đây là nghề bắt tay chỉ việc. Giáo viên luôn là người làm mẫu trước cho học sinh làm theo, là người truyền lửa đam mê nghề nghiệp cho học sinh”, thầy Sương chia sẻ.

Phía trên tầng 2 của dãy nhà xưởng thực hành, Thạc sĩ Kỹ thuật điện Trần Bình Hải, phụ trách Khoa Cơ điện cũng chăm chú hướng dẫn học sinh lớp ĐCN K1-TA thực hành mô đun trang bị điện, là một trong những mô đun chuyên ngành chính của ngành điện công nghiệp, được ứng dụng vào việc điều khiển các hệ thống máy, điện ở các khu công nghiệp.

“Học sinh trong lớp có nhiều độ tuổi ở nhiều hệ học khác nhau. Có em vừa học xong lớp 9, có bác đã trung niên. Vì vậy, tôi phải hướng dẫn cụ thể đối với từng trường hợp”, thầy Hải nói.

Những người thầy không bục giảng

Thạc sĩ Kỹ thuật điện Trần Bình Hải hướng dẫn học sinh lớpĐCN K1-TA thực hành mô đun trang bị điện

Thầy Hải dạy chính ngành điện công nghiệp với 2 mô đun trang bị điện và PCL (bộ điều khiển logic lập trình) cơ bản. Những môn này ứng dụng trong việc vận hành, bảo trì, bảo dưỡng máy móc, hệ thống điện ở trong khu công nghiệp. Hiện nay, hệ thống máy móc, điện nói chung, trong các khu công nghiệp nói riêng ngày càng được đầu tư hiện đại và đồng bộ.Vì vậy, việc nắm vững kỹ thuật trong vận hành, bảo trì, bảo dưỡng máy móc, hệ thống điện là rất quan trọng. Người dạy, người học phải nắm vững kiến thức, chú ý an toàn trong quá trình học và thực hành tại xưởng.

“Thầy giáo là người trực tiếp kiểm tra máy móc, hệ thống điện trước khi cho học sinh vận hành. Nếu không cẩn thận, đấu nhầm pha thì đóng điện có thể sẽ gây nổ, chập điện. Với hơn 15 năm kinh nghiệm, tôi luôn cẩn thận, chăm chút trong từng tiết học nên không để xảy ra bất kỳ sự cố nào”, thầy Hải chia sẻ.

Lý thuyết 30%, thực hành 70%

Những người thầy không bục giảng

Thầy Trần Bình Hải tận tình hướng dẫn học sinh từng chi tiết

Đặc thù là cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên đa số các môn học về chuyên môn của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị có phần nội dung thực hành chiếm tỉ lệ khoảng 70%. Trên cơ sở đó, các giảng viên soạn giáo án phù hợp với từng môn học, ngành học.

Thầy Trần Bình Hải dạy 2 lớp ĐCN K1-TA và ĐCN K1-CA thuộc 2 hệ cao đẳng và trung cấp. “Tôi dạy tích hợp nhiều mô đun, cả lý thuyết và thực hành. Riêng về phần thực hành, tôi dạy về hệ thống máy điện 1 pha và 3 pha. Mỗi mô đun sẽ có 1 giáo án riêng. Tuy nhiên, luôn phải đảm bảo tỉ lệ lý thuyết 30%, thực hành 70%. Vì dạy tích hợp nên giảng viên dạy lý thuyết ngay tại phòng thực hành”, thầy Hải nói.

Những người thầy không bục giảng

Các em học sinh chăm chú thực hành trên bảng hệ thống điện

Đối với Khoa Cơ điện, học sinh, sinh viên phải trải qua 4 - 5 môn lý thuyết chuyên môn trên lớp trước khi vào xưởng thực hành. Sau khi vào xưởng, thầy Lê Hồng Sương sẽ dạy tích hợp lý thuyết liên quan đến các môn thực hành. Khi đã đảm bảo học sinh nắm vững lý thuyết, thầy Sương mới bắt tay chỉ việc, hướng dẫn học sinh các kỹ thuật hàn, cắt gọt kim loại và vận hành trên máy.

Những người thầy không bục giảng

Việc nắm vững kỹ thuật trong vận hành, bảo trì, bảo dưỡng máy móc, hệ thống điện là rất quan trọng

“Vì tỉ lệ lý thuyết ít hơn thực hành nên các giáo viên phải soạn giáo án sao cho ngắn gọn, cô đọng, tập trung những nội dung cần thiết để học sinh nắm vững kiến thức và ứng dụng được ngay”, thầy Sương nói.

Dạy học trong rừng, ngoài ruộng

Những người thầy không bục giảng

Thạc sĩ Lâm nghiệp Hoàng Trung Thông hướng dẫn học sinh đi thực địa để học thực hành

Dưới cơn mưa rả rích, Thạc sĩ lâm nghiệp Hoàng Trung Thông, phụ trách Khoa Nông nghiệp vẫn tâm huyết hướng dẫn học sinh kỹ thuật đo chu vi thân cây tại vị trí 1,3 m trong khu thực nghiệm của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị. Đây không phải tiết học gì đặc biệt mà là một buổi học thực hành của học sinh, sinh viên ngành lâm nghiệp.

Thầy Thông nói với tôi: “Chúng tôi đưa học sinh, sinh viên xâm nhập thực tiễn, học thực hành ngoài thực địa để nắm bắt kiến thức trực quan, sinh động, vừa học, vừa làm. Sau này ra trường, các em sẽ áp dụng được ngay vào thực tiễn mà không phải bỡ ngỡ về nghề nghiệp của mình”.

Những người thầy không bục giảng

Thầy Hoàng Trung Thông dẫn học sinh kỹ thuật đo chu vi thân cây tại vị trí 1,3 m

Khoa Nông nghiệp có 5 chuyên ngành: chăn nuôi thú y, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao, trồng trọt và bảo vệ thực vật. Thầy Thông dạy các môn học thuộc lĩnh vực lâm nghiệp, quản lý kinh doanh nông nghiệp. Ngoài ra, thầy còn tham gia chuyển giao công nghệ, đào tạo nghề ngắn hạn cho người dân trong lĩnh vực trồng trọt và lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

“Hiện tại, tôi dạy 8 lớp, trong đó có 2 lớp trồng trọt bảo vệ thực vật, 2 lớp lâm nghiệp, 4 lớp quản lý kinh doanh nông nghiệp. Tùy theo từng môn mà nơi học thực hành ở những môi trường, không gian khác nhau. Nhưng hầu hết, tôi đều đưa học sinh tiếp cận với thực địa như các cánh rừng, đồng ruộng, trang trại tổng hợp. Ngoài ra, chúng tôi còn thực hiện “địa phương hóa giáo trình”, bằng cách xây dựng mô hình thực hành môn học tại địa phương, dẫn học sinh về cơ sở để bắt tay chỉ việc giúp học viên dễ bề nắm bắt, thực hành”, thầy Thông cho hay.

Cơ sở đào tạo nghề đa ngành duy nhất của tỉnh

Những người thầy không bục giảng

“Hầu hết, tôi đều đưa học sinh tiếp cận với thực địa như các cánh rừng, đồng ruộng, trang trại tổng hợp”, thầy Thông nói

Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị có 6 khoa chuyên môn và 1 xưởng thực hành. Hằng năm, trường tuyển sinh 8 ngành trình độ cao đẳng với 240 sinh viên; 13 ngành trình độ trung cấp với 605 học sinh và 21 ngành trình độ sơ cấp với 860 học viên thuộc các lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, kinh tế, dịch vụ.

Ngoài các khoá chính quy, trường còn đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng cho hàng ngàn học viên, trong đó có nhiều lao động nông thôn. Cùng với đó, trường hợp tác với các trường đại học uy tín đào tạo liên thông lên bậc đại học cho những học sinh, sinh viên sau khi ra trường có nhu cầu.

Những người thầy không bục giảng

Học sinh, sinh viên được xâm nhập thực tiễn, học thực hành ngoài thực địa để nắm bắt kiến thức trực quan, sinh động, vừa học vừa làm

Tính đến ngày 1/12/2022, tổng số học sinh đang học tại trường là 1.664 người. Trong đó, hệ cao đẳng và trung cấp 1.102 người; sơ cấp 359 người; đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng 203 người.

Hiệu trưởng nhà trường, thầy giáo Lê Thiên Vinh cho biết, thời gian qua trường nhận được sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi từ lãnh đạo tỉnh và sự hỗ trợ tích cực của các ngành, các cấp. Nhờ đó, công tác tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học của trường có nhiều chuyển biến tốt hơn so với 2 trường trung cấp trước khi sáp nhập và nâng cấp.

Những người thầy không bục giảng

Các giảng viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trịthường dẫn học sinh về cơ sở, bắt tay chỉ việc để học viên tiện bề nắm bắt, thực hành

“Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị là cơ sở đào tạo nghề đa ngành duy nhất trên địa bàn tỉnh, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, đặc biệt phù hợp với định hướng phát triển KT-XH của tỉnh và khu vực. Vì vậy, thời gian tới nhà trường sẽ tiếp tục phát huy vai trò, vị thế của mình để làm tốt công tác giáo dục nghề nghiệp, giúp các em học sinh, sinh viên sau khi ra trường sẽ tìm kiếm được việc làm phù hợp, qua đó lập thân, lập nghiệp, ổn định sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp sức xây dựng quê hương”, thầy Vinh cho biết thêm.

Những người thầy không bục giảng

Trần Tuyền

4:29:12:2022:12:37 GMT+7

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM