Cha mẹ “đỡ đầu” của những em bé trong lồng ấp

Cha mẹ “đỡ đầu” của những em bé trong lồng ấp

Với các y, bác sĩ tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Trị, hành trình đưa những em bé sinh non từ lồng ấp về với vòng tay của cha mẹ luôn là “cuộc chiến” gian truân, đầy thử thách và thấm đẫm tình yêu thương.

Cha mẹ “đỡ đầu” của những em bé trong lồng ấp

Cách đây không lâu, một bức thư tay với lời cảm ơn chân thành của gia đình em bé P.T.N.M đã được các y, bác sĩ đang công tác tại Khoa Nhi, BVĐK tỉnh xúc động truyền tay nhau. Trong thư có viết: “Em tên là P.T.N.M, ra đời vào lúc 12 giờ 20 phút ngày 5/12/2022. Vậy là đến nay vừa tròn 2 tháng 10 ngày em được các cô, các bác chăm sóc.

Cha mẹ “đỡ đầu” của những em bé trong lồng ấp

Ngày ra đời, em chỉ vừa đúng 900 gram, nhờ được các bác, các cô chăm sóc nay em đã được 1.900 gram. Đây là một cách biệt to lớn, đến mẹ của em cũng tưởng như vừa qua chỉ là một giấc mơ. Với động lực to lớn cùng tình yêu thương, sự chăm sóc ngày đêm của các cô, các bác mà hôm nay em đã được về với vòng tay thân thương của gia đình.

Cha mẹ “đỡ đầu” của những em bé trong lồng ấp

Em và mẹ của em là N.A xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các cô, các bác công tác tại Khoa Nhi, BVĐK tỉnh. 70 ngày, khoảng thời gian tưởng chừng ngắn ngủi nhưng là những đêm dài đằng đẵng các cô thức khuya, dậy sớm để cho các bạn nhỏ sinh non những giọt sữa ngọt ngào. Khi tất cả mọi người, mọi nhà đã chìm vào giấc ngủ say thì tại đây, ánh đèn vẫn sáng, tiếng máy móc vẫn đều đặn chạy…”.

Bức thư tuy ngắn nhưng thể hiện được sự biết ơn của gia đình em bé dành cho đội ngũ y, bác sĩ của khoa cũng như biết bao khó khăn, vất vả mà những “ông bố, bà mẹ” đặc biệt tại đây đã, đang phải trải qua trong hành trình chăm sóc những em bé sinh non trở nên khỏe mạnh để về với gia đình.

Cha mẹ “đỡ đầu” của những em bé trong lồng ấp

Ở khoa Nhi, BVĐK tỉnh, những trường hợp phải nằm lồng ấp như N.M không phải là hiếm, bởi trung bình mỗi năm, các y, bác sĩ tiếp nhận điều trị cho trên 500 trẻ, trong đó có rất nhiều trẻ sơ sinh thiếu tháng, sơ sinh non – cực non với cân nặng chỉ vỏn vẹn 650 gram.

Như con gái của chị L.T.N, trú tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, ra đời khi chỉ mới 30 tuần nên sức khỏe gặp khá nhiều vấn đề. Phải mất hơn 1 tháng với sự chăm sóc tận tình, hết lòng của các y, bác sĩ thì đến nay tình trạng của cháu mới ổn định hơn, không còn thường xuyên sốt hay nôn trớ.

Cha mẹ “đỡ đầu” của những em bé trong lồng ấp

Nâng niu cô con gái bé bỏng trong tay, chị N. cho biết: “Cân nặng hiện tại của con tôi là gần 1,5kg, tăng 0,3 kg so với lúc nhập viện. Nhưng như vậy thôi là tôi đã mừng lắm rồi. Tuy mới được vào ở với con gần đây thôi nhưng thời gian qua, tôi rất yên tâm vì con mình luôn được các y, bác sĩ ở đây chăm lo chu đáo. Mẹ con tôi chẳng biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn gửi đến mọi người”.

Cha mẹ “đỡ đầu” của những em bé trong lồng ấp

So với những đứa trẻ sơ sinh thông thường, đa phần trẻ sinh non – cực non thường có vấn đề bệnh lý phức tạp, diễn biến nhanh, trở nặng cũng nhanh như: nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ, suy hô hấp sơ sinh... Thế nên, quá trình theo dõi, điều trị và chăm sóc bé của các bác sĩ, điều dưỡng luôn vất vả hơn.

Chia sẻ với chúng tôi, Th.S, Bác sĩ nội trú Nguyễn Thị Hoài Thu, Phó Trưởng khoa Nhi cho hay, khoa Nhi, BVĐK tỉnh hiện có quy mô 110 giường bệnh, 4 phòng điều trị cho trẻ sơ sinh, trong đó có 1 phòng hồi sức sơ sinh với 13 giường bệnh được trang bị đầy đủ máy móc. Những năm trở lại đây, khoa Nhi đã triển khai nhiều kỹ thuật hiện đại như bơm Surfactant, đặt tĩnh mạch rốn, tĩnh mạch trung tâm...

Cha mẹ “đỡ đầu” của những em bé trong lồng ấp

Đồng thời chú trọng đầu tư nhiều trang thiết bị tối tân như máy thở, đèn chiếu vàng da, lồng ấp, máy truyền dịch, bơm tiêm điện, hệ thống monitor theo dõi chức năng sống... để điều trị tốt hơn cho những trường hợp sơ sinh bị bệnh lý hoặc trẻ nhẹ cân, non tháng.

Qua đó, làm giảm đáng kể tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và tỉ lệ chuyển bệnh nhi lên tuyến trên. Hiện khoa cũng đang thực hiện quy trình tái khám cho trẻ sinh non sau xuất viện; khám và sàng lọc bệnh lý võng mạc, bệnh tim bẩm sinh cho trẻ sinh non.

Bên cạnh đó, các bác sĩ và điều dưỡng trong khoa cũng không ngừng học tập, phát triển chuyên môn thông qua tham gia đào tạo liên tục, hợp tác kết nối với bệnh viện tuyến trên, các tổ chức của Nhật Bản, Hoa Kỳ…

Cha mẹ “đỡ đầu” của những em bé trong lồng ấp

Chăm sóc những em bé sinh non – cực non nằm tại phòng hồi sức sơ sinh, ngoài chuyên môn và kinh nghiệm, các bác sĩ, nhân viên y tế còn cần sự khéo léo và một trái tim can đảm. Bác sĩ, y tá không đơn thuần làm nhiệm vụ chuyên môn nữa mà đảm nhận luôn công việc của một người mẹ như tắm, thay tã, vỗ về em bé…

Mọi thủ thuật, hoạt động chăm sóc trẻ đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhẹ nhàng. “Chăm sóc, điều trị cho trẻ sơ sinh là một “cuộc chiến” thầm lặng, đòi hỏi sự cố gắng, bền bỉ và đồng lòng của bác sĩ, điều dưỡng tại khoa.

Trẻ sơ sinh, đặc biệt là nhóm trẻ sơ sinh rất non, cực non diễn biến bệnh rất nhanh. Không chỉ theo dõi từng nhịp thở, nhịp tim trên máy móc mà mỗi kíp trực phải thường xuyên túc trực bên cạnh các bé, thậm chí kê ghế ngồi cạnh lồng ấp, quan sát từng cử động, gồng bụng hay tình trạng nôn trớ... để kịp thời điều trị.

Có rất nhiều đêm trực bác sĩ và điều dưỡng gần như thức trắng đêm để điều trị và chăm sóc cho bệnh nhi. Không những thế, các y, bác sĩ cũng phải là người đồng hành thường xuyên với các ông bố, bà mẹ trẻ trong quá trình chăm sóc trẻ, ấp kangaroo tại bệnh viện cũng như khi bé đã xuất viện về nhà. Tuy vất vả nhưng được nhìn thấy niềm hạnh phúc của các gia đình khi đón trẻ trở về là chúng tôi đã cảm thấy vui và có động lực làm việc hơn”, bác sĩ Thu bộc bạch.

Cha mẹ “đỡ đầu” của những em bé trong lồng ấp

Hơn 9 năm gắn bó với khoa Nhi, BVĐK tỉnh, bác sĩ Thu đã cùng với đồng nghiệp điều trị thành công nhiều ca bệnh sinh non, giúp nhiều em bé chỉ từ 700 – 900 gram phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, trở về với gia đình. Với chị, đây là công việc mang tính chất đặc thù mà nếu không thực sự yêu thương trẻ nhỏ, sẽ khó có thể trụ lại lâu dài.

Tuy phải cách xa vòng tay mẹ nhưng các bé đã hồi phục từ sự nâng niu, chăm chút từng giây từng phút của những “người mẹ” mặc blouse trắng. Trong tình cảnh bệnh nhi chỉ còn hy vọng mong manh, bác sĩ, điều dưỡng vẫn cùng trẻ tiếp tục “cuộc chiến” sinh tồn.

Một sinh linh ra đời trong hình hài trọn vẹn đã là phép màu, nhưng một em bé từ lồng ấp, trải qua bao gian truân để đến với vòng tay cha mẹ còn hơn cả kỳ tích. Hành trình ấy được đánh đổi từ nỗ lực, sự cống hiến miệt mài, thầm lặng mỗi ngày của các y, bác sĩ khoa Nhi, BVĐK tỉnh.

Trúc Phương

0:26:02:2023:22:22 GMT+7

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM