Cập nhật:  GMT+7

Mô hình 9+: Thực học, thực hành, thực nghiệp. Bài 2: Thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp theo mô hình 9+

Làm thế nào để nâng cao nhận thức của học sinh và phụ huynh, thu hút các em lựa chọn trường nghề phù hợp với năng lực cũng như nguyện vọng, tăng sức hấp dẫn của mô hình 9+? Trả lời những câu hỏi này, ngoài việc làm tốt hơn nữa công tác tư vấn hướng nghiệp, thì cần phải có các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phù hợp với tình hình mới.

Những “nút thắt” trong việc dạy nghề, học văn hóa

Để các em học sinh tự đánh giá được năng lực của bản thân cũng như tự tìm hiểu các xu hướng nghề nghiệp trong tương lai khi ở độ tuổi 15, 16 là điều không phải dễ dàng. Một số em sẽ may mắn hơn khi sớm tìm được những ngành nghề yêu thích để rồi có xu hướng theo đuổi bằng việc tự tìm hiểu, trau dồi kỹ năng phù hợp với đam mê.

Mô hình 9+: Thực học, thực hành, thực nghiệp. Bài 2: Thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp theo mô hình 9+

Học sinh Trung tâm GDNN - GDTX huyện Gio Linh được nhận giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong học nghề theo Mô hình 9+ - Ảnh: T.T

Nhưng về cơ bản, hiện nay các em học sinh đến trường học giống nhiệm vụ hằng ngày phải thực hiện, chưa có trải nghiệm thực tế để tự quyết định hướng đi trong tương lai. Vì thế, ngoài vai trò của phụ huynh, nhiệm vụ giáo dục - hướng nghiệp của các cơ sở GDNN càng tăng thêm gấp bội.

Với kinh nghiệm hơn 19 năm gắn bó với nghề giáo viên, gần 4 năm giảng dạy các khóa học sinh theo mô hình 9+, cô giáo Cao Thị Minh Nguyệt, Trung tâm GDNN - GDTX TP. Đông Hà chia sẻ: “Đa số học sinh lớp 10 khi mới vào học tại trung tâm đều có học lực trung bình, học lực yếu nên việc lựa chọn học mô hình 9+ rất thích hợp khi các em không có đủ khả năng học lên cao.

Tuy nhiên, có không ít em đăng ký học nghề không xuất phát từ sở thích, khả năng của bản thân, nguyện vọng của gia đình mà chỉ vì tò mò hay theo bạn bè nên quá trình học thường nảy sinh tâm lý chán nản, lười biếng, thường xuyên nghỉ học, thậm chí là không muốn đi học.

Vì vậy, ngoài việc duy trì sĩ số và nền nếp của lớp học, chúng tôi cố gắng tìm hiểu và chia sẻ hoàn cảnh và suy nghĩ của từng học sinh để khơi gợi cho các em hứng thú với việc học nghề, nâng cao ý thức và hiệu quả học tập”.

Mô hình 9+ chính thức triển khai từ năm học 2019 - 2020, theo quy định tại dự thảo thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngoài 7 môn học còn có thêm các chuyên đề nâng cao.

“Từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần, chúng em học các môn văn hóa, thứ 7 dành cho việc học nghề. Khi lựa chọn chương trình học này, em đã xác định sau này sẽ làm nghề. Do vậy, với 7 môn học cộng thêm các chuyên đề nâng cao đòi hỏi phải mất nhiều thời gian hơn. Trong khi chúng em mong muốn được tăng số tiết học nghề, tăng số giờ học thực hành để thuần thục hơn với nghề học”, em Nguyễn Thị Bảo Dung, học sinh lớp 12B, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Vĩnh Linh chia sẻ.

Nếu như tại một số trung tâm GDNN - GDTX ở các địa phương như Vĩnh Linh, Hải Lăng, TP. Đông Hà, mô hình 9+ thu hút ngày càng nhiều học sinh lựa chọn theo học, thì tại một số địa phương, công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn. Các Trung tâm GDNN - GDTX Hướng Hóa, thị xã Quảng Trị nhiều năm học trở lại đây không tuyển sinh được học viên theo học chương trình đào tạo nghề 9 +.

Trong đó, một trong những nguyên nhân quan trọng là cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu dạy nghề. Phòng học tích hợp dành cho học môn văn hóa, phòng/xưởng học nghề phải đảm bảo diện tích đủ rộng theo quy chuẩn để sắp xếp trang thiết bị phục vụ thực hành.

Đơn cử như đối với một số nghề đòi hỏi phải có phòng thực hành rộng để chứa máy móc như nghề công nghệ ô tô, nghề điện lạnh và điều hòa không khí, các trung tâm gặp khó khi bố trí chỗ thực hành đảm bảo theo yêu cầu của cơ sở liên kết đào tạo.

Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Quảng Trị Lê Vĩnh Hà cho biết: “Cơ sở vật chất của trung tâm hiện đã quá cũ kỹ, xuống cấp là một trong những nguyên nhân khiến đơn vị không đáp ứng được yêu cầu đào tạo đối với mô hình 9+, không tuyển sinh được lớp nào trong hai năm học vừa qua”.

Hướng nghiệp gắn với nhu cầu thị trường

Là đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm liên kết với các trung tâm GDNN -GDTX trong và ngoài tỉnh để đào tạo nghề, Trường Trung cấp Du lịch - Công nghệ số 9 (Quảng Bình) hiện đào tạo 11 ngành nghề ở bậc trung cấp.

Trong đó có 3 nghề được nhà nước đầu tư trọng điểm, bao gồm nghề kỹ thuật chế biến món ăn được đầu tư cấp độ quốc tế, nghề quản trị khách sạn, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí được đầu tư trọng điểm khu vực ASEAN. Tại tỉnh Quảng Trị, Trường Trung cấp Du lịch - Công nghệ số 9 đã có thâm niên liên kết với các Trung tâm GDNN - GDTX Đông Hà, Vĩnh Linh, Gio Linh.... để triển khai dạy nghề.

Mô hình 9+: Thực học, thực hành, thực nghiệp. Bài 2: Thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp theo mô hình 9+

Nghề điện - điện tử được nhiều học sinh đăng ký theo học tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện Vĩnh Linh - Ảnh: T.T

Mới đây, vào ngày 17/12/2022, nhà trường phối hợp với Trung tâm GDNN - GDTX huyện Gio Linh khai giảng 4 lớp dạy nghề kỹ thuật chế biến món ăn với tổng số 96 học sinh đăng ký học.

Thạc sĩ Hồ Văn Chiêu, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trong đào tạo nghề, khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề tuyển sinh. Do đó chúng tôi mong muốn các ngành chức năng làm tốt hơn nữa công tác phân luồng học sinh ngay sau khi các em tốt nghiệp THCS.

Khi các em đã chọn lựa con đường vừa học văn hóa vừa học nghề, ngoài việc căn cứ nhu cầu đăng ký học nghề ban đầu của các em, thì việc tư vấn, định hướng học các nghề đáp ứng nhu cầu xã hội cũng có ý nghĩa quan trọng.

Chính quyền địa phương cần tạo điều kiện để các trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn phối hợp với các trường nghề triển khai đào tạo các nghề mà xã hội đang thực sự có nhu cầu, để các em có nhiều cơ hội tìm được việc làm ngay sau khi học xong”.

Được biết ngoài việc làm tốt chức năng đào tạo nghề, nhiều năm qua, Trường Trung cấp Du lịch - Công nghệ số 9 đã chủ động khâu nối với các doanh nghiệp, trong đó có Công ty TNHH MTV Công ty Du lịch Trường Thịnh để tuyển dụng lao động ở các trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn tỉnh Quảng Trị sau khi các em tốt nghiệp mô hình 9+.

Thời gian qua, một số cơ sở GDNN - GDTX đã hợp tác, liên doanh với các doanh nghiệp nhằm góp phần giải quyết việc làm sau quá trình học văn hóa, học nghề của học sinh.

Tuy nhiên, số lượng này vẫn ít. Xu thế hiện nay của thị trường lao động và các doanh nghiệp là quan tâm tới tay nghề, trình độ thực tế và thái độ làm việc của người lao động, thay vì việc chỉ quan tâm tới bằng cấp như thời kỳ trước đây.

Để nâng cao chất lượng đào tạo trên nền tảng “học đi đôi với hành”, gắn công tác đào tạo với chất lượng đầu ra để tránh phải đào tạo lại, cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào công tác đào nghề dưới các hình thức (hợp tác, liên doanh, liên kết) với cơ sở GDNN - GDTX. Chỉ khi doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo mới góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.

Một tin vui đối với các cơ sở giáo GDNN, giải tỏa áp lực giảng dạy văn hóa là vào ngày 8/11/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BGDĐT Quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông (THPT) trong cơ sở GDNN (gọi tắt là Thông tư 15), có hiệu lực từ ngày 24/12/2022.Theo đó, ngoài 3 môn học bắt buộc là Toán, Lịch sử và Ngữ văn, học sinh học thêm 1 trong 4 môn học lựa chọn là Vật lý, Hóa học, Sinh học và Địa lý. Quy định chỉ bắt buộc học sinh học 4 môn văn hóa THPT là phù hợp với lực học của các em tham gia học nghề.

Khi triển khai thông tư mới này của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh cần có văn bản hướng dẫn thực hiện Thông tư 15, cần phát huy vai trò của chính quyền địa phương nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở GDNN thuận lợi trong việc dạy văn hóa THPT.

Theo kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, tỉnh Quảng Trị đề ra mục tiêu thu hút từ 25% - 30% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT đăng ký học các cấp trình độ của GDNN.

Để đạt được các mục tiêu kế hoạch, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm như đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo, phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong GDNN.

Tiếp tục rà soát, ban hành chính sách nhằm đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào GDNN và từng bước phổ cập nghề cho thanh niên. Gắn kết chặt chẽ GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động...

Tất cả các giải pháp quan trọng này đều hướng đến mục tiêu phát triển nhanh GDNN theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, tạo ra một đội ngũ những người lao động vừa có tri thức và tay nghề, vừa có thái độ làm việc đúng đắn phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thanh Trúc – Hà Trang

Tin liên quan:
  • Mô hình 9+: Thực học, thực hành, thực nghiệp. Bài 2: Thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp theo mô hình 9+
    Học nghề Mô hình 9+: Thực học, thực hành, thực nghiệp. Bài 1: Lối rẽ 9+

    Trong một xã hội thừa lao động nhưng vẫn thiếu thợ lành nghề đã đến mức “báo động” như hiện nay, việc lựa chọn sớm hướng phát triển nghề nghiệp phù hợp với khả năng, sở thích, hoàn cảnh gia đình chính là lợi thế. Nhưng cần hiểu ra sao về khái niệm “sớm” giữa thời đại Cách mạng 4.0 luôn chuyển động mạnh mẽ không ngừng nghỉ như hiện nay? Bên cạnh việc cân nhắc đi con đường “truyền thống” là tốt nghiệp THPT rồi mới quyết định theo học nghề hay tiếp tục học lên đại học, đi du học, rồi tìm kiếm việc làm… thì giờ đây, có một con đường “ngắn” hơn nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ các yếu tố “thực học, thực hành, thực nghiệp” để các em suy nghĩ và lựa chọn, đó là học văn hóa song song với học nghề ngay khi vừa tốt nghiệp bậc THCS với mô hình 9+.


Thanh Trúc – Hà Trang

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Giữ nghề làm nón cho mai sau…

Giữ nghề làm nón cho mai sau…
2022-12-18 19:32:00

QTO - Theo thời gian và cuộc sống đổi thay, nhiều nghề và làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một dần. Tuy vậy, đâu đó nơi nhiều làng quê vẫn còn có...

Thời tiết