Cập nhật:  GMT+7

Học nghề Mô hình 9+: Thực học, thực hành, thực nghiệp. Bài 1: Lối rẽ 9+

Trong một xã hội thừa lao động nhưng vẫn thiếu thợ lành nghề đã đến mức “báo động” như hiện nay, việc lựa chọn sớm hướng phát triển nghề nghiệp phù hợp với khả năng, sở thích, hoàn cảnh gia đình chính là lợi thế. Nhưng cần hiểu ra sao về khái niệm “sớm” giữa thời đại Cách mạng 4.0 luôn chuyển động mạnh mẽ không ngừng nghỉ như hiện nay? Bên cạnh việc cân nhắc đi con đường “truyền thống” là tốt nghiệp THPT rồi mới quyết định theo học nghề hay tiếp tục học lên đại học, đi du học, rồi tìm kiếm việc làm… thì giờ đây, có một con đường “ngắn” hơn nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ các yếu tố “thực học, thực hành, thực nghiệp” để các em suy nghĩ và lựa chọn, đó là học văn hóa song song với học nghề ngay khi vừa tốt nghiệp bậc THCS với mô hình 9+.

Học nghề Mô hình 9+: Thực học, thực hành, thực nghiệp. Bài 1: Lối rẽ 9+

Những lợi ích riêng có của Mô hình 9+ - Ảnh: H.T

Tiết kiệm chi phí và thời gian học tập

“2 năm trước, nhiều người hỏi em sao không học lên THPT, rồi thử thi đại học xem có đỗ không đã rồi hẵng tính chuyện học nghề? Lúc ấy, em chỉ trả lời mọi người rằng: đại học là con đường dẫn đến thành công của rất nhiều người, em không phủ nhận điều đó, nhưng thực tế đối với hoàn cảnh, lực học của em hiện tại thì nó không phải là con đường duy nhất để em bước vào đời …”, em Trần Khánh Ly, ở Khu phố 9, Phường 5, TP. Đông Hà chia sẻ với chúng tôi về “lối rẽ” của em.

So với bạn bè đồng trang lứa, Ly có phần “già dặn” hơn nhiều bởi hoàn cảnh gia đình em khá đặc biệt.

Bố em mất khi em còn rất nhỏ, một mình mẹ chèo chống nuôi 2 anh em Ly khôn lớn. Cũng vì gánh nặng mưu sinh mà mẹ của em hiện cũng đã phải đi làm ăn xa và gửi Ly cho một người bác chăm sóc, nuôi dưỡng.

Lực học chỉ ở mức trung bình khá, nhưng đổi lại Ly rất khéo léo, nấu ăn ngon và có niềm đam mê đặc biệt với các món ăn. Hiểu đúng mình để chọn đúng con đường vào đời, năm 2020, sau khi tốt nghiệp THCS, Ly quyết tâm đăng ký học văn hóa song song với học nghề chế biến món ăn theo mô hình 9+ tại Trung tâm GDNN – GDTX TP. Đông Hà.

Hơn 2 năm theo học tại trung tâm, em càng tin “lối rẽ” mà mình chọn lựa sẽ giúp em sớm đạt được mục tiêu mà em mong muốn đó là có nghề, có việc làm, có thu nhập.

Được sự dìu dắt, dạy bảo của các thầy, cô giáo, cũng như năng khiếu vốn có của bản thân, tay nghề của Ly ngày càng tiến bộ, thậm chí em còn nhận được nhiều lời mời về làm việc tại các nhà hàng, khách sạn khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

“Khi nào có chứng nhận tốt nghiệp, em sẽ tham gia vào thị trường lao động để tìm kiếm cho mình một vị trí công việc phù hợp với ngành nghề mà em đã được đào tạo.

Sau đó, khi có một chút vốn liếng nho nhỏ, em dự tính về mở một cửa hàng bán đồ ăn ngay tại quê hương”, Ly chia sẻ về dự định mà mình ấp ủ.

9+ là mô hình đào tạo song hành học nghề và học văn hóa sau khi học sinh tốt nghiệp lớp 9 và có thể tiếp tục liên thông lên bậc cao đẳng, rút ngắn thời gian đào tạo.

Do đặc thù vừa học văn hoá vừa học nghề, học sinh sẽ không phải học tất cả các môn văn hóa phổ thông như khi học THPT bình thường mà sẽ chỉ học 7 môn học chính gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn. Hiện nay, mô hình 9+ đã được triển khai tại một số cơ sở GDNN và được xem là hướng đi hiệu quả trong tháo gỡ nút thắt phân luồng THPT.

Mô hình 9+ không chỉ thu hút học sinh ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà cả ở khu vực thành thị, học sinh cũng bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc học nghề ngay khi vừa tốt nghiệp THCS.

Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX TP. Đông Hà Trương Minh Vũ cho biết: “Trong năm học 2022-2023, số lượng học sinh của trường đã tăng lên gấp đôi so với năm học trước. Đó là dấu hiệu đáng mừng khi nhận thức của phụ huynh và học sinh đã có sự chuyển biến đáng kể. Có thể thấy, trong xu thế hiện nay, người học quan tâm đến cơ hội việc làm, mức lương sau khi tốt nghiệp; còn nhà tuyển dụng cần kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và thái độ làm việc chứ không đặt nặng bằng cấp. Vì thế, nhận thức của xã hội về việc đi học nghề ngày càng có nhiều thay đổi để phù hợp với tình hình hiện nay”.

Theo ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, hiệu quả của mô hình 9+ thể hiện rõ nhất qua việc các em học sinh có được định hướng ngành nghề phù hợp, góp phần làm thay đổi quan điểm và cách nhìn nhận của xã hội về học nghề, lập nghiệp.

Việc rút ngắn thời gian đào tạo nhưng sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo vì người học vừa được học văn hóa theo chương trình rút gọn, vừa được học chuyên môn theo ngành nghề đã đăng ký theo học.

Thời gian học tập lý thuyết và thực hành đan xen nhau, giảm tải thời lượng văn hóa và lý thuyết nghề, tăng dần thời gian thực hành, thực tập. Đồng thời vẫn đảm bảo tuân thủ theo quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu năng lực người đạt được sau khi tốt nghiệp (chuẩn đầu ra) của từng ngành nghề.

Học sinh sớm được tiếp cận, trải nghiệm và học tập, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp ngay tại trường và doanh nghiệp; sớm tiếp cận với tác phong làm việc công nghiệp và công nghệ sản xuất tại doanh nghiệp.

Con đường ngắn nhất để làm nghề

Học nghề Mô hình 9+: Thực học, thực hành, thực nghiệp. Bài 1: Lối rẽ 9+

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên TP. Đông Hà khai giảng năm học mới - Ảnh: H.T

Kết thúc bậc học THCS, em Võ Đình Hoàng (sinh năm 2004) ở xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh đã thuyết phục bố mẹ từ sớm đồng ý cho mình không tham gia kỳ tuyển sinh lớp 10 để theo học văn hóa song song với học nghề chăn nuôi - thú y tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện Vĩnh Linh. “Em tin rằng, có nghề sẽ có tương lai!”, đó là lời khẳng định của Hoàng khi kể về “bước ngoặt” của cuộc đời.

Sau hơn 2 năm học tập tại trung tâm, Hoàng càng nhận thấy con đường em lựa chọn là hoàn toàn phù hợp với sở thích và năng lực của mình.

Dịp hè vừa qua, Hoàng là một trong 10 học viên được trung tâm cử đi thực tập 3 tháng tại trại sản xuất của Công ty Cổ phần GreenFeed Việt Nam ở tỉnh Đồng Nai.

Trong thời gian này, Hoàng và các bạn vừa có cơ hội áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế, lại còn được công ty hỗ trợ 3 triệu đồng/tháng, coi như là khoản “lương” đầu tay.

Trung tâm GDNN – GDTX huyện Vĩnh Linh hiện có 415 học viên đang theo học, trong đó có 100% học viên vừa học văn hóa kết hợp với học trung cấp nghề.

“Mô hình 9+” là cách gọi tắt của chương trình được quy định để đào tạo cho đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS và có nguyện vọng được giáo dục nghề nghiệp ở các cấp trình độ. Mô hình này có rất nhiều ưu điểm như: tiết kiệm chi phí, thời gian đào tạo nghề; rút ngắn thời gian tiếp cận việc làm của các em; người học được tiếp thu các kỹ năng mềm rất tốt; người học có thể thỏa mãn nhu cầu học liên thông lên trình độ cao hơn khi đã đảm bảo các điều kiện theo các quy định.

Về mặt giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Vĩnh Linh đã phối hợp với Trường Trung cấp Du lịch - Công nghệ số 9, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị, Trường Cao đẳng nghề Nam Định, Trường Cao đẳng Âu Lạc Huế để đào tạo các ngành nghề như: chế biến món ăn, quản trị khách sạn, công nghệ ôtô, điện - điện tử, tiếng Nhật, chăn nuôi – thú y...

Tại Trung tâm GDNN – GDTX huyện Vĩnh Linh, xu hướng nghề nghiệp được các em lựa chọn đăng ký nhiều trong các năm học qua là nghề công nghệ ô tô, điện - điện tử, tiếng Nhật. Quá trình học song song văn hóa và nghề giúp tư duy, tính cách các em chững chạc hơn, sớm tự lập cuộc sống và có trách nhiệm với bản thân.

“Khi triển khai mô hình 9+ tại trung tâm, chúng tôi nhận thấy mô hình đã góp phần giúp xã hội hạn chế tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, tạo điều kiện cho các trường nghề có nguồn đầu vào ổn định, chất lượng.

Về phía người học, các em rút ngắn được thời gian học tập, sớm tham gia thị trường lao động, nên tiết kiệm được thời gian, chi phí học tập”, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Vĩnh Linh Hồ Thị Kim Thoa khẳng định.

Hiểu đúng mình, chọn đúng nghề là cách mà nhiều bạn trẻ đang tự định hướng tương lai của chính mình. Khi chọn nghề, các bạn phải chọn nghề mình mong muốn, nghề mà mình có khả năng và nghề mà xã hội đang cần để giảm thiểu khả năng thất nghiệp.

Xu hướng tích hợp vừa học văn hóa vừa học nghề đang là một hướng đi mới được rất nhiều bạn trẻ lựa chọn, với chung một suy nghĩ mang tính thực tế, hợp với sự phát triển của xã hội là có thể lựa chọn và đi theo nghề nghiệp mà mình yêu thích.

Điều này cũng hợp với thực trạng hiện nay rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm, hoặc làm không đúng ngành nghề, mức lương như kỳ vọng.

Thời gian đào tạo ngắn và linh hoạt giúp người học sớm tham gia vào thị trường lao động, có thu nhập ổn định và cơ hội thăng tiến cũng như tiếp tục học nâng cao đáp ứng yêu cầu của công việc mà không phải lo về gánh nặng tài chính do đã tự chủ được về kinh tế.

Như vậy, đây là xu hướng tất yếu, nhằm đáp ứng nhu cầu có việc làm cũng như thị trường lao động đang phát triển ở mỗi quốc gia, mỗi địa phương.

Vấn đề đặt ra là nhà nước cần có những chính sách hợp lý, khuyến khích mô hình 9+ phát triển, tháo gỡ những vướng mắc trong liên thông đào tạo, trong phân luồng từ cấp THCS, tuyên truyền, tạo cơ hội cho các bạn trẻ học nghề để lập nghiệp, từ đó sẽ góp phần chấm dứt tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, tránh lãng phí nguồn lực xã hội.

Hà Trang -Thanh Trúc

Bài 2: Thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp theo mô hình 9+

Tin liên quan:
  • Học nghề Mô hình 9+: Thực học, thực hành, thực nghiệp. Bài 1: Lối rẽ 9+
    Mô hình 9+: Thực học, thực hành, thực nghiệp. Bài 2: Thúc đẩy giáo dục nghề ...

    Làm thế nào để nâng cao nhận thức của học sinh và phụ huynh, thu hút các em lựa chọn trường nghề phù hợp với năng lực cũng như nguyện vọng, tăng sức hấp dẫn của mô hình 9+? Trả lời những câu hỏi này, ngoài việc làm tốt hơn nữa công tác tư vấn hướng nghiệp, thì cần phải có các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phù hợp với tình hình mới.


Hà Trang -Thanh Trúc

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Giữ nghề làm nón cho mai sau…

Giữ nghề làm nón cho mai sau…
2022-12-18 19:32:00

QTO - Theo thời gian và cuộc sống đổi thay, nhiều nghề và làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một dần. Tuy vậy, đâu đó nơi nhiều làng quê vẫn còn có...

Thời tiết