Việc thiện của Maseour Hiện
(QT) - Khi chọn con đường tu hành cho đời mình, Maseour Trần Thị Hiện luôn tâm niệm phải cố gắng làm thật nhiều việc thiện để giúp đời, giúp người nghèo khổ, khốn khó. Trong rất nhiều việc thiện mà Maseour Hiện từng làm, có ba việc thiện Maseour luôn tâm nguyện sẽ tiếp tục làm cho đến hết cuộc đời. 1 . 3 giờ sáng. Mọi người đang còn chìm sâu trong giấc ngủ thì ở Mái ấm tình hồng thuộc giáo xứ Đông Hà (khu phố 10, phường 5, thành phố Đông Hà, Quảng Trị), Maseour Hiện đã thức dậy và bắt đầu công ...

Việc thiện của Maseour Hiện

(QT) - Khi chọn con đường tu hành cho đời mình, Maseour Trần Thị Hiện luôn tâm niệm phải cố gắng làm thật nhiều việc thiện để giúp đời, giúp người nghèo khổ, khốn khó. Trong rất nhiều việc thiện mà Maseour Hiện từng làm, có ba việc thiện Maseour luôn tâm nguyện sẽ tiếp tục làm cho đến hết cuộc đời. 1 . 3 giờ sáng. Mọi người đang còn chìm sâu trong giấc ngủ thì ở Mái ấm tình hồng thuộc giáo xứ Đông Hà (khu phố 10, phường 5, thành phố Đông Hà, Quảng Trị), Maseour Hiện đã thức dậy và bắt đầu công việc của mình. Hai nồi cháo to được Maseour Hiện cùng Maseour Hoàng Thị Thu Hồng bắc lên bếp. Cho mấy nhánh củi khô vào bếp rồi đăm đăm nhìn ngọn lửa đang cháy, Maseour Hiện nói với tôi mà như nói với chính mình: “Tôi sinh ra ở làng quê nghèo Thanh Hương (xã Điền Hương, Phong Điền, Thừa Thiên-Huế). Tuổi thơ của tôi là những ngày lam lũ, cơ cực cùng đám bạn trong làng mò cua, bắt ốc để giúp cha mẹ cải thiện bữa ăn. Năm tôi tròn 10 tuổi (năm 1966), tôi bắt đầu thực hiện tâm nguyện theo con đường nữ tu cho đến tận bây giờ. Có lẽ thời thơ ấu nhọc nhằn, gian khổ đã hình thành trong tôi tình yêu thương, tấm lòng nhân ái luôn mong muốn được giúp đỡ những người nghèo khó, cơ nhỡ. Nên bây giờ, có ai đó cần đến mình thì dù khó khăn đến mấy tôi cũng cố gắng giúp đỡ”.

Maseour Hiện hướng dẫn cho các em ở Mái ấm tình hồng học bài.

Nhẹ nhàng mở vung nồi cháo đang sôi sau đó cho thịt bò được băm nhuyễn vào nồi, Maseour Hiện tiếp tục câu chuyện: “Nồi cháo từ thiện mà tôi đang nấu được bắt đầu từ lần tôi vào thăm một bệnh nhân trong bệnh viện. Nhìn thấy một người bệnh sau đêm dài phải chống chọi với đau đớn bệnh tật nhưng sáng ra cũng chỉ ăn vài quả chuối mà người thân mang đến tôi rất thương cảm. Hỏi ra mới biết, do nhà nghèo nên tất cả tiền bạc dành dụm được phải dốc hết để mua thuốc thang chữa bệnh. Còn tiền mua cơm, cháo bồi dưỡng cho bệnh nhân phải tiêu hết sức dè xẻn. Sau lần đó, tôi cứ ám ảnh mãi trong lòng hình ảnh người bênh cố gắng, khó nhọc lắm mới ăn hết trái chuối. Đến khoảng đầu tháng 3/2003, tôi bắt đầu nấu cháo mang đến Bệnh viện đa khoa tỉnh để ai có nhu cầu thì đến lấy về bồi dưỡng cho bệnh nhân. Mấy hôm đầu, tôi nấu khoảng 50 suất cho 50 bệnh nhân. Nhiều khi mang đến chưa đầy 30 phút, nồi cháo đã hết nhẵn mà vẫn còn nhiều người đến chờ lấy, tôi thấy lòng mình se thắt lại. Vậy là tôi nấu lên 100 suất, rồi 120 suất và đến hiện tại là 150 suất cháo để mang vào Bệnh viện vào các sáng thứ 2,3,4 hàng tuần. Để chuẩn bị đủ nguyên liệu cho nồi cháo gồm gạo, cà rốt, khoai sọ, đậu xanh, thịt bò..., tôi với Maseour Hồng phải đi chợ từ chiều hôm trước. Cơm tối xong thì bắt tay vào việc thái cà rốt, khoai sọ…để sáng sớm mai dậy chỉ việc cho vào nồi nấu”. 5 giờ 30 phút sáng. Cháo được múc ra phích nhựa sau đó chuyển lên xe máy để mang đến bệnh viện. Ở đó, nhiều bệnh nhân đang đứng dọc hành lang chờ Maseour Hiện. Maseour tay thoăn thoắt múc cháo, miệng cứ xuýt xoa như người có lỗi bởi hôm trước bận việc nên không mang cháo đến cho họ được. Nhận bát cháo từ tay Maseour Hiện, ông Trần Mua (phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà) cứ rưng rưng: “Vợ tui bị bệnh đái tháo đường phải nằm viện điều trị gần ba năm nay. Bao nhiều tiền của trong nhà dốc hết cho việc chữa bệnh, thuốc thang. Nhiều khi muốn mua thức ăn ngon để bồi bổ cho vợ nhưng vì tiền bạc hạn hẹp nên đành chịu. Cháo của Maseour Hiện nấu ngon nên vợ tui ăn được nhiều lắm” “Quãng thời gian 6 năm mang cháo đến cho bệnh nhân ở Bệnh viện đa khoa tỉnh, tôi gặp nhiều phận đời. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhưng tất cả đều có chung tâm trạng lo lắng, mệt mỏi, đau đớn vì bệnh tật. Trong số họ có nhiều người lâm vào hoàn cảnh bi đát như trường hợp anh N.V. S (xin được giấu tên) ở Vĩnh Linh bị HIV/AIDS giai đoạn cuối. Trong một lần mang cháo vào, tôi được biết hoàn cảnh của anh qua người thân. Vậy là hôm nào tôi cũng giao việc phân phát cháo cho Maseour Hồng còn tôi mang phần cháo vào cho anh. Lúc đầu, vì tự ti, mặc cảm nên anh không muốn nói chuyện với tôi. Tôi phải kiên nhẫn khuyên nhủ mãi anh mới chịu cho tôi bón vài thìa cháo.

Maseour Hiện thoăn thoắt múc cháo cho người nhà bệnh nhân.

Ngày anh phải về quê vì bệnh tình đã vào giai đoạn cuối, anh cầm tay tôi rồi nghẹn ngào trong nước mắt dặn tôi cố gắng ra thăm nhà anh. Tôi đứng lặng gật đầu. Dù không nói ra nhưng tôi biết anh muốn nói với tôi về vợ và con trai bị lây nhiểm HIV/AIDS từ anh đang tự chữa chạy tại nhà. Bây giờ thì tất cả họ đều đã ở thiên đường…”-Maseour Hiện tâm sự. 2. “Ý định học và dạy chữ Braille cho người mù hình thành trong tôi từ lần đi phát thuốc cho đồng bào nghèo hai huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông vào khoảng đầu năm 1999. Lần đó, tận mắt nhìn thấy một em bị mù cứ thu mình lại ở góc nhà sàn, lòng tôi day dứt mãi. Qua trò chuyện với em, tôi biết em rất muốn được đi học. Mà người mù muốn đi học chỉ còn cách học chữ Braille. Trên đường trở về, tôi nung nấu quyết tâm phải học thành thạo chữ Braille để dạy cho người mù góp phần giúp họ hòa nhập cộng đồng”-Maseour Hiện cho biết. Năm 2005, với sự giúp đỡ của Hội Người mù tỉnh, Maseour Hiện đã thực hiện được tâm nguyện dạy chữ Braille cho người mù. Khóa học chữ Braille cho người mù do Maseour Hiện giảng dạy được mở tại Hội Người mù huyện Hướng Hóa. Từ đó đến nay, Maseour Hiện đã giảng dạy cho 6 lớp với hơn 180 học viên là người mù ở các huyện Gio Linh, Triệu Phong, Đakrông, Hướng Hóa. “Học chữ Braille đối với người sáng mắt không khó, nhưng để học thành thạo rồi dạy chữ Braille cho người mù lại khó gấp trăm lần. Nhớ những ngày đầu mới tập làm quen với chữ Braille, ngày nào tôi cũng phải dành vài tiếng đồng hồ để dùng đầu ngón tay sờ lên mặt chữ. Khi đã hình thành được cảm giác từng con chữ Braille ở đầu mỗi ngón tay, tôi tự bịt mắt mình lại để đặt mình vào tâm thế của người mù đang học chữ. Gần hai tháng sau, tôi mới học thành thạo chữ Braille. Cũng chính nhờ việc tự bịt mắt mình lại để học chữ Braille nên ở nhiều khóa học mà tôi phụ trách giảng dạy, các học viên đều có chung nhận xét là tôi dạy dễ hiểu. Từ khi học thành thạo chữ Braille cho đến nay, mỗi khi Hội Người mù tỉnh tổ chức lớp dạy chữ Braille cho người mù là tôi đến xin được giảng dạy. Tôi chỉ mong muốn được góp chút ánh sáng để người mù vượt qua bóng tối đời mình ” - Maseour Hiện nhớ lại. 3 . Mái ấm tình hồng (thuộc Giáo xứ Đông Hà) luôn rộn ràng tiếng cười nói của những đứa trẻ có cảnh đời bất hạnh. Các em đến từ nhiều vùng miền không chỉ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị mà nhiều tỉnh khác như Thừa Thiên-Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh... Mỗi em có một hoàn cảnh nhưng khi về đây các em xem nhau như anh em ruột thịt trong nhà và quý trọng gọi Maseour Hiện là mẹ. Em lớn nhất là Hồ Văn Long (bản Ta Ri, xã Húc, Hướng Hóa) nay đã tốt nghiệp nghành Công nghệ thông tin (Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị) vẫn ở lại với Maseour Hiện để chăm sóc các em. Em nhỏ nhất là Lê Văn Bảo Khánh vừa tròn 3 tuổi đã theo bà ngoại từ Nghệ An vào mái ấm của Maseour Hiện cũng bởi bà ngoại tuổi già sức yếu không thể nuôi nổi cháu. “Hiện tại, Mái ấm tình hồng của tôi đang nhận nuôi 28 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các em đến đây, được Mái ấm tình hồng chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ, được đi học, thêu thùa, may vá, học vi tính tùy theo sở thích của từng em. Nhận nuôi nhiều em nên hàng ngày, tôi với Maseour Hồng cũng vất vả lắm khi phải lo đi chợ, nấu ăn, giặt giũ cho các em. Những lúc các em ốm đau, chúng tôi phải thức thâu đêm để canh cho các em ngủ, bón từng viên thuốc, thìa cháo. Gian nan là vậy, nhưng sống gần các em tôi như thấy mình trẻ lại. Cứ đêm đến, chúng quây quần bên tôi để bi bô kể chuyện, hát cho tôi nghe. Đến giờ học bài, đứa nào cũng học nghiêm túc. Nhìn các em say mê học tập, niềm hạnh phúc về tương lai các em không còn mờ mịt cứ dâng lên trong lòng tôi” - Maseour Hiện cho biết thêm. Hỏi về ước mơ khi lớn lên, em Nguyễn Thị Phương (xóm 9, xã Từ Sơn, Anh Sơn, Nghệ An) hiện đang học lớp 5, Trường Tiểu học Hàm Nghi (thành phố Đông Hà) ngước nhìn Maseour Hiện với ánh mắt trìu mến “Con sẽ cố gắng học thật giỏi như anh Long để sau này trở thành cô giáo. Khi trở thành cô giáo, con sẽ về ở với Maseour Hiện để dạy học và chăm sóc cho các em”. "Tôi sẽ tiếp tục nhận thêm nhiều em có hoàn cảnh bất hạnh về chung sống dưới Mái ấm tình hồng này chừng nào các em còn cần đến chúng tôi”. Maseour Hiện đã nói với tôi như vậy khi chia tay. Bài, ảnh: Hoàng Tiến Sỹ-Đức Việt