Đào tạo và thu hút bác sĩ- nhu cầu bức thiết của ngành y tế
Trong những năm qua, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và thu hút cán bộ nhưng ngành y tế tỉnh Quảng Trị vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu đội ngũ bác sĩ, dược sĩ đại học trầm trọng. Theo số liệu của ngành y tế, hiện nay toàn tỉnh có 2.481 cán bộ y tế trong đó có 389 bác sĩ, đạt tỷ lệ 6 bác sĩ/10.000 dân và 28 dược sĩ đại học, đạt tỉ lệ 0,3 dược sĩ/10.000 dân. Nghị quyết 08/2008/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế tỉnh Quảng Trị đã ...

Đào tạo và thu hút bác sĩ- nhu cầu bức thiết của ngành y tế

Trong những năm qua, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và thu hút cán bộ nhưng ngành y tế tỉnh Quảng Trị vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu đội ngũ bác sĩ, dược sĩ đại học trầm trọng. Theo số liệu của ngành y tế, hiện nay toàn tỉnh có 2.481 cán bộ y tế trong đó có 389 bác sĩ, đạt tỷ lệ 6 bác sĩ/10.000 dân và 28 dược sĩ đại học, đạt tỉ lệ 0,3 dược sĩ/10.000 dân. Nghị quyết 08/2008/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế tỉnh Quảng Trị đã đưa chỉ tiêu đến năm 2020 tỉnh ta cần có 732 bác sĩ, 110 dược sĩ, 100% xã có nữ hộ sinh trung học và 100% thôn bản có nhân viên y tế cộng đồng. Như vậy, để đạt được chỉ tiêu đề ra thì ngay từ bây giờ, ngành y tế cần phải có chiến lược đào tạo và thu hút cán bộ, nhất là đối với đội ngũ bác sĩ, dược sĩ đại học. Thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, các Chỉ thị của Tỉnh uỷ, Nghị quyết HĐND và Đề án 236/2003-ĐA-UB của UBND tỉnh, thời gian qua ngành y tế đã chủ động tìm mọi nguồn lực để đào tạo và bố trí đội ngũ cán bộ. Trung bình mỗi năm, ngành y tế tỉnh đã đào tạo được 16 cán bộ trên đại học, 168 cán bộ đại học và trung học, 27 dược sĩ đại học, 164 cử nhân y tế và trên 600 cán bộ trung học. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế thì hiện nay tỉnh Quảng Trị còn thiếu khoảng 400 bác sĩ và 82 dược sĩ đại học. Cũng theo chỉ tiêu đặt ra, đến năm 2020 bình quân mỗi năm ngành y tế phải tuyển trên 40 bác sĩ. So với các ngành nghề khác, việc tuyển dụng mỗi năm trên 40 nhân sự mới có trình độ đại học không dễ, đối với ngành y tế lại càng khó khăn hơn do thời gian đào tạo một bác sĩ phải mất tối thiểu 6 năm. Hiện nay, bình quân mỗi năm ngành y tế tuyển được 3-4 bác sĩ trong khi đó có 10-12 bác sĩ nghỉ hưu, bỏ việc và chuyển công tác. Ngành y tế dự kiến từ nay đến năm 2020 sẽ có trên 40 bác sĩ nghỉ hưu nhưng đội ngũ bác sĩ bổ sung chỉ từ 10-15 người. Trong khi đó, 3 năm trở lại đây tỉnh Quảng Trị không có nguồn bác sĩ để tuyển vào ngành, tình trạng bác sĩ, thạc sĩ ngành y xin chuyển công tác hoặc bỏ việc ở các đơn vị y tế công lập sang lĩnh vực tư nhân lại có xu hướng tăng (không chỉ đối với bác sĩ tuyến tỉnh mà cả bác sĩ đang công tác tại tuyến xã). Bệnh viện đa khoa tỉnh là nơi có môi trường làm việc thuận lợi nhất so với các bệnh viện khác trong tỉnh, tuy nhiên, một năm trung bình bệnh viện cũng chỉ tuyển mới được từ 1-2 bác sĩ. Đây chính là những thách thức mà ngành y tế phải đối mặt trong công tác đào tạo và tuyển dụng cán bộ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên trước hết là do chính sách đào tạo, thu hút và đãi ngộ đối với cán bộ y tế hàng năm ở tỉnh Quảng Trị chưa được quan tâm đúng mức trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, chính sách đào tạo của Bộ Y tế đối với chuyên ngành cũng chưa thực hợp lý. Từ năm 2000 đến nay, Bộ đã đình chỉ đào tạo y sĩ đa khoa, nguồn duy nhất để đào tạo bác sĩ chuyên tu cho tuyến xã. Ngoài ra, hệ thống y tế tư nhân phát triển mạnh với cơ chế linh hoạt và thu nhập cao đã thu hút một lực lượng khá đông bác sĩ, dược sĩ từ hệ thống bệnh viện công sang. Tình trạng thiếu bác sĩ không chỉ ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân trên địa bàn mà còn ảnh hưởng đến công tác quy hoạch và đào tạo nâng cao cán bộ của ngành y tế. Thiếu cán bộ, ngành y tế cũng không thực hiện được việc luân chuyển cán bộ cho tuyến dưới và gây áp lực công việc cho đội ngũ bác sĩ hiện có. Số liệu ngành y tế đưa ra cho thấy bình quân một bác sĩ ở các bệnh viện phải khám cho 200 lượt bệnh nhân, mổ 5-6 ca/ngày và có bác sĩ phải điều trị từ 25-27 giường bệnh /khoa. Trước nhu cầu bức thiết trên, mới đây Sở Y tế đã xây dựng Đề án thu hút, đãi ngộ, đào tạo bổ sung nguồn nhân lực là bác sĩ, dược sĩ và cán bộ trên đại học đến năm 2020. Mục tiêu mà ngành y tế đặt ra đó là phấn đấu đến năm 2020 đạt 10 bác sĩ/10.000 dân, 1,5 dược sĩ đại học/10.000 dân và 100% xã có bác sĩ. Để thực hiện kế hoạch trên, ngành y tế tiếp tục lựa chọn và cử đi đào tạo bác sĩ chuyên tu (kể cả chuyên tu tuyến xã), bác sĩ, dược sĩ chính quy cử tuyển theo địa chỉ bằng nguồn ngân sách địa phương. Mỗi năm, ngành y tế đề ra chỉ tiêu gửi đi đào tạo từ 45-50 bác sĩ, dược sĩ đại học hệ chính quy theo địa chỉ (có cam kết về công tác lâu dài sau khi tốt nghiệp) và 10-15 bác sĩ chuyên tu. Trong thời gian theo học, các học viên sẽ được chi trả toàn bộ học phí, kèm theo là chế tài bồi thường kinh phí đào tạo gấp 3 lần nếu bỏ học, gấp 10 lần nếu học xong không thực hiện đúng cam kết. Đối với sinh viên Đại học Y, Dược nếu cam kết về công tác tại tỉnh từ 10 năm trở lên sẽ được nhận hỗ trợ 1 lần 50 triệu đồng ngay sau khi nhận công tác. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng đã đưa ra chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ y tế đang công tác trong ngành. Theo đó bác sĩ và cán bộ y tế ở tuyến xã được hưởng phụ cấp ưu đãi 30% lương/tháng (nếu xã miền núi hưởng 40%), tuyến huyện hưởng phụ cấp ưu đãi 25% (huyện miền núi hưởng 30%) và tuyến tỉnh được hưởng 20% lương tháng theo mức lương đang hưởng. Kinh phí cho kế hoạch đào tạo, thu hút và đãi ngộ theo đề án là hơn 30 tỷ đồng. Chính sách đào tạo, thu hút và đãi ngộ đối với cán bộ y tế được ngành y tế đưa ra trong thời điểm hiện nay là rất hợp lý, kịp thời nhằm đáp ứng ngày càng cao nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, để đề án sớm được triển khai, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành y tế với các Sở, ban ngành và chính quyền địa phương trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền cũng như đưa ra chỉ tiêu, nguồn đào tạo và hỗ trợ kinh phí để đề án được thực thi một cách hiệu quả. Hoài Nam