Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng biển đảo
(QT) - “Khai thác tích cực và hợp lý về tiềm năng lợi thế của biển đảo, phấn đấu làm giàu từ biển, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biển, đảo và bảo vệ môi trường ổn định…” - Đó là một trong những mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế biển, đảo của tỉnh Quảng Trị đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 nhằm huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển vùng biển đảo, đưa kinh tế biển phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc. Quảng Trị là tỉnh vùng biển, có bờ biển dài 75 km, diện tích ngư trường biển trên 8.500 km2, có huyện đảo Cồn Cỏ nằm ở vị trí chiến lược quan trọng trong việc bảo vệ quốc phòng - an ninh vùng biển địa phương và khu vực. Vùng biển của tỉnh có 16 xã thuộc 4 huyện ven biển, trong đó có 12 xã giáp biển và 4 xã vùng cửa lạch với diện tích đất tự nhiên 22.500 ha, chiếm 3,9% đất tự nhiên toàn tỉnh. Đây là vùng có dân số khá đông, với gần 16.700 hộ, gần 80.000 nhân khẩu, chiếm 13% dân số toàn tỉnh, trong đó có gần 40.000 lao động.
| | |
| Mục tiêu phát triển kinh tế biển từ nay đến năm 2015 của tỉnh là hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nghề cá, tạo thuận lợi và an toàn cho ngư dân ra biển sản xuất; nâng cấp các cơ sở đóng và sửa chữa tàu thuyền phục vụ tốt chương trình khai thác thủy sản, đặc biệt là khai thác hải sản xa bờ; từng bước quy hoạch vùng nuôi thủy sản ven biển, chú trọng các vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung có năng suất cao nhằm đẩy mạnh xuất khẩu trong những năm tới. | |
| | |
Những năm qua, thực hiện chủ trương về phát triển kinh tế biển và vùng cát, công tác quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên nguồn lợi biển đã đạt được một số kết quả quan trọng. Kinh tế biển và vùng ven biển những năm gần đây tăng lên đáng kể, từng bước khẳng định thế mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát triển đồng bộ cả về khai thác, nuôi trồng và dịch vụ thủy sản. Điều đó được thể hiện qua tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản bình quân 16,2%/năm, tổng sản lượng đánh bắt và nuôi trồng tăng bình quân 7,9%/năm. Nuôi trồng thủy sản ở vùng biển của tỉnh phát triển mạnh về diện tích, năng suất, sản lượng, nhất là nghề nuôi tôm. Việc chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản cũng đã phát triển vượt bậc so với trước đây. Các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ nghề cá như hệ thống cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá, các khu neo đậu tránh trú bão được hoàn thiện, nâng cấp, xây dựng mới ở Cửa Tùng, Cửa Việt, đảo Cồn Cỏ…phục vụ đắc lực cho hoạt động dịch vụ và khai thác thủy sản, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới ở vùng biển. Bên cạnh đó sản xuất nông - lâm nghiệp vùng biển cũng đạt được một số kết quả nhất định. Các địa phương đã chuyển đổi một số diện tích trồng lúa hiệu quả thấp sang sản xuất các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất được đầu tư xây dựng góp phần cải tạo đất đai, nâng cao sản lượng cây trồng. Mô hình làng sinh thái, cải tạo môi sinh môi trường để phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá…ở vùng cát Triệu Phong, Hải Lăng bước đầu cho thu nhập khá, một số hộ có thu nhập từ mô hình trang trại trên 50 triệu đồng/hộ/năm. Mục tiêu phát triển kinh tế biển từ nay đến năm 2015 của tỉnh là hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nghề cá, tạo thuận lợi và an toàn cho ngư dân ra biển sản xuất; nâng cấp các cơ sở đóng và sửa chữa tàu thuyền phục vụ tốt chương trình khai thác thủy sản, đặc biệt là khai thác hải sản xa bờ; từng bước quy hoạch vùng nuôi thủy sản ven biển, chú trọng các vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung có năng suất cao nhằm đẩy mạnh xuất khẩu trong những năm tới. Từ thực tiễn phát triển kinh tế biển, vấn đề đặt ra là Nhà nước cần nghiên cứu, ban hành chính sách và đầu tư cho ngư dân vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển đội tàu khai thác hải sản xa bờ có công suất lớn và trang bị ngư cụ đồng bộ, nhằm nâng cao sản lượng và hiệu quả khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, tham gia bảo vệ an ninh trật tự và chủ quyền lãnh hải. Mặt khác, Nhà nước cần đầu tư dự án gắn chíp điện tử trên tàu cá, nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với tàu cá hoạt động trên vùng biển để nắm được vị trí, tọa độ tàu trên biển, tình hình khai thác và công tác phòng chống bão, thuận lợi trong công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu thuyền hoạt động trên biển. Về phía ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn và các địa phương cần tăng cường quản lý sản xuất trên biển, đảo, chú trọng phát triển đội tàu khai thác hải sản xa bờ, kiểm soát chặt chẽ việc khai thác thủy sản ven bờ, bảo vệ khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ nhằm tái tạo nguồn lợi biển, phục vụ thiết thực cho việc phát triển nghề cá trên biển bền vững và hiệu quả. Rà soát quy hoạch, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thủy sản theo hướng phục vụ nghề cá công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nâng cao hiệu quả các cơ sở chế biến thủy sản hiện có, đảm bảo các tiêu chuẩn ngành và quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm, áp dụng khoa học công nghệ sinh học vào khai thác, nuôi trồng, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản. Quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành thủy sản trên tất cả các lĩnh vực quản lý, khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trên biển, đảo để nâng cao hiệu quả sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao trình độ dân trí. Mở rộng hợp tác quốc tế về thương mại và quản lý ngành thủy sản, bảo đảm phát triển đi đôi với yêu cầu quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Mặc dù kinh tế biển của Quảng Trị đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, nhưng nhìn chung quy mô còn nhỏ bé và đang ở trình độ thấp, chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế biển hiện có. Thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế biển, đảo của tỉnh đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động mọi nguồn lực để đáp ứng hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, đảo. Đây là nhiệm vụ quan trọng trước mắt cũng như lâu dài nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCHTƯ Đảng khóa X về chiến lược biển đến năm 2020 và Nghị quyết 04 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội miền biển và vùng cát đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020. Phương Minh