(QT) - Hết 5 ngày nghỉ tết ở quê chồng, chị Hà thở phào nhẹ nhõm vì đã được về nhà, kết thúc chuỗi ngày làm dâu với đủ thứ lễ nghĩa và cúng bái, dọn dẹp cả ngày không ngơi tay. Mặc dù chồng chị đã trấn an trước khi về tết rằng ở quê bây giờ đã giảm bớt lễ nghi, nhưng chị Hà vẫn cảm thấy thật nặng nề, không có được cảm giác thoải mái và nghỉ tết đúng nghĩa.
![]() |
Minh họa: Ngọc Duy |
Vốn là gái thành phố, được bố mẹ cưng chiều từ nhỏ, chỉ biết chuyên tâm học hành, vụng về nội trợ nên khi chị Hà quen biết và quyết định lấy anh Sơn, một chàng trai ở thôn quê miền Trung, bố mẹ, bạn bè chị đã có ý ái ngại. Tuy vậy, chị vẫn kiên định với tình yêu của mình, quyết theo anh về làm dâu. Còn nhớ cái tết đầu tiên ở nhà chồng, vừa chưa quen cảm giác xa nhà, lại ngập đầu với việc bếp núc, ngày nấu ba bữa cúng để đặt cơm lên bàn thờ tổ tiên trong suốt mấy ngày tết, chị Hà gần như kiệt sức. Dù biết con dâu là dân thành phố, mẹ chồng chị nghiễm nhiên bàn giao chuyện chợ búa nấu nướng cho chị, một phần thử “tay nghề” con dâu, phần coi như đó là trách nhiệm của dâu mới. Chị Hà chỉ còn cách gọi điện thoại nhờ “cứu viện” mẹ từ xa, hướng dẫn từng chút việc một, chật vật xoay xở với mâm cỗ cúng. Không như ở thành phố, chỉ cần cầm tiền ra chợ là có đủ thứ cho một cái tết ấm cúng, ở quê cái gì cũng phải tự tay làm. Từ gói giò cho đến bánh chưng, thịt lợn, tất tần tật mọi thứ đều phải tự tay chế biến. Mà để gói được riêng bánh chưng thôi cũng phải trải qua quá trình “tập tành” khá lâu, chứ không thể “ngày một, ngày hai” là có thể bắt tay làm được. Lại nữa, người không có kĩ năng và sự chuyên tâm, không thể làm được, dù chỉ khởi đầu bằng việc rửa lá, lau lá cho thật ráo, rồi đãi đỗ, ngâm nếp, mà nào đâu chỉ một loại bánh, quê nhà chồng chị vào dịp tết, người ta đua nhau làm đến 5-6 loại bánh khác nhau, công thức khác nhau, hương vị khác nhau và mất rất nhiều thời gian, công sức.
Thấm thoắt cũng đã 6 cái tết ở quê chồng. Nhờ đã có bề dày trải nghiệm, chị Hà giờ đã thuần thục việc nấu cỗ cúng ba bữa ngày tết, kể cả những hôm phải làm cơm thết đãi họ hàng đến gần cả chục mâm cũng không còn làm khó chị. Tuy vậy, việc nấu nướng, dọn dẹp ba ngày tết vẫn khiến mỗi cái tết đối với chị là một nỗi ám ảnh. Ở quê chồng chị có lệ, ngày 30 tết một mâm cơm cúng tất niên, 4 ngày tết 8 mâm cơm cúng, vì sáng một mâm khác, chiều phải một mâm hoàn toàn khác, nhà mẹ chồng chị mùng 4 tháng Giêng mới cúng tiễn ông bà tổ tiên, như vậy đến hết ngày mùng 4 tháng Giêng, chị phải nấu 9 mâm cỗ đầy. Tính thêm một mâm cơm mang đến nhà thờ của dòng họ, vậy là tròn 10 mâm cỗ. Mâm nào cũng bắt buộc phải có gà luộc, xôi và các món từ thịt bò, tôm, cá, đồ xào, măng miến… không được thiếu bất kể thứ gì. Gà cúng phải được “tạo dáng” uy nghiêm, canh chừng khi luộc sao cho da luôn căng nức, vàng óng, đầu hồng, chân đẹp. Ngày tết ai cũng ngán ngấy thịt cá, không ăn hết, cúng xong, nửa trút vào thùng rác, nửa gom vào vào tủ lạnh, rồi lại nấu, lại cúng, thức ăn cũ chưa “xử lí” xong, thức ăn mới lại dồn ứ, chỉ chừng đó thôi, chị Hà đã xâm xoàng mắt mũi.
Chưa kể ở quê, khách đến chơi, ngoài mứt bánh dọn sẵn thì nhà nào cũng phải sửa soạn bánh chưng, bánh tét, thịt lợn, thịt gà, mồi nhắm để mời khách cùng uống với gia chủ chén rượu đầu năm. Sự qua lại thăm hỏi nhau trong mấy ngày tết là một tập tục đẹp, đáng trân trọng, vậy nhưng ám ảnh thường trực của chị Hà vẫn là lượt khách này vừa đứng lên bắt tay gia chủ ra về thì lượt khách khác đã vào tận ngõ, lại phải nhanh tay dọn dẹp bát dĩa cũ, đưa bánh trái, mồi nhắm mới lên thết đãi. Chị Hà xoay như chong chóng, lặp đi lặp lại một vòng quay dọn dẹp, soạn sửa, soạn sửa, dọn dẹp. Ấy là chưa kể, chưa kịp mang mâm bát lên đã nghe tiếng bố chồng giục giã trong âm điệu bực dọc khiến chị và mẹ chồng chạy quýnh cả chân. Anh Sơn chồng chị thì sáng sớm đã theo bạn bè, anh em đi chúc tết trong làng, đến tối mịt vẫn chưa thấy về khiến chị càng thêm bức bối.
Nhớ năm ngoái, đúng hôm mồng một tết cùng chồng đi chúc tết họ hàng, khi đưa phong bao mừng tuổi cho các cháu bên chồng, chị Hà được một phen muối mặt khi mấy đứa cháu điềm nhiên mở phong bao, ì xèo sao mợ Hà giàu có mà keo kiệt, mừng tuổi có năm mươi ngàn, chả bằng thím Phương, mỗi đứa được mừng hẳn một trăm ngàn. Giữa bao người, chị Hà chỉ còn biết cười sượng sùng, lòng se lại khi thấy sao trẻ con lại có thể để tâm đến chuyện tiền nong sớm như thế. Để có chuyến về quê ăn tết, có quà biếu họ hàng, mừng tuổi các cháu, vợ chồng chị đã chật vật chi tiêu để tiết kiệm tiền như thế nào, mấy ai hiểu. Đã vậy, trên đường về anh Sơn chồng chị còn càu nhàu bảo sao chị mừng tuổi các cháu ít vậy khiến chị chỉ còn cách ngoảnh mặt ra cánh đồng lộng gió, để gió thổi lành lạnh vào mặt, những mong vơi bớt nỗi ngậm ngùi trong lòng. Và để “đẹp mặt” chồng, tết năm nay chị Hà bấm bụng tằn tiện chi tiêu để tiền mừng tuổi cho các cháu nhiều hơn năm cũ.
Về lại thành phố sau kì nghỉ tết, chị Hà thở phào nhẹ nhõm. Chuyện về quê chồng ăn tết với muôn vàn nỗi niềm có lẽ không riêng gì với chị Hà, mà nhiều chị em đã và đang trải qua. Góp chuyện với chị em trong cơ quan về cái tết vừa qua, chị Hà trải lòng, giá như ở quê chồng bớt đi lễ nghĩa, việc cúng ông bà, tổ tiên luôn thành kính, trang trọng nhưng hợp lí, tiết kiệm… thì có lẽ dịp tết đã không ám ảnh chị đến nỗi không còn cảm giác nghỉ tết mà chỉ thấy “sợ” tết như bây giờ.
Bảo Bình