Một chuyến về nguồn
Được trở lại thăm mảnh đất Quảng Trị- Vĩnh Linh dù chỉ một lần thôi, là ước mơ cháy bỏng của hơn 600 anh em CCB Trung đoàn 270 đang sống và công tác trên địa bàn Hà Tĩnh. Lần đầu tiên, kể từ ngày gặp mặt năm 2001, Ban liên lạc Hội CCB của Trung đoàn 270- bộ đội bảo vệ giới tuyến Vĩnh Linh những năm 60 đã làm được một việc rất có ý nghĩa, đó là tổ chức cho gần 30 anh em đại diện của các huyện, thị, thành trong tỉnh về thăm lại chiến trường xưa. Gần 5 thập kỷ trôi qua, những người lính trẻ, tuổi 18-20 năm xưa nay là những CCB đã bước qua hoặc cận kề cái tuổi "xưa nay hiếm" bồi hồi, xúc động được trở về mảnh đất máu lửa, địa đầu miền Bắc XHCN mà một thời họ đã đổ máu xương để trấn giữ. Ba mươi CCB trong đoàn là những sĩ quan dạn dày trận mạc, đã từng kiên cường chiến đấu trên khắp các chiến trường, bất chấp mọi ác liệt của mưa bom bão đạn mà nay như trẻ thơ, mừng vui hân hoan khi nhận diện ra những vùng đất thân thương một thời gắn bó. Sen Thủy, Hạ Cờ, ngã ba Sa Lung, thị trấn Hồ Xá, Hiền Lương, cầu Trìa và biết bao địa danh khác mà xe vô tình lướt qua, nhưng đối với họ đã thành máu thịt, khó quên. Ai đó bỗng cất lên mấy câu trong bài thơ của những người lính bảo vệ Vĩ tuyến 17 thời ấy, bài thơ mà hầu như bất cứ người dân Vĩnh Linh nào, người lính Trung đoàn 270 nào ở lứa tuổi 60 trở lên đều thuộc lòng: "Tôi đứng gác ngày đêm nơi đầu cầu Bến Hải Dòng Hiền Lương trong xanh một dải Như mạch máu hai miền từ Bắc chảy vào Nam... * Vĩnh Linh quê tôi đất đỏ núi đồi Xanh bát chè tươi, thơm mùi sắn luộc Dưa đỏ thôn Tây, mít gai xóm Cồn, xóm Ruộng Nương Vĩnh Hòa chín trĩu ngọn bồ quân Vui chi bằng sống giữa lòng dân Nhất mạ nhì con, quý hơn cả là anh bộ đội..."
 |
Đoàn CCB E 270 (Bộ đội bảo vệ giới tuyến Vĩnh Linh 1960- 1972) Chụp ảnh lưu niệm trước cửa hầm địa đạo Vịnh Mốc. Ảnh: K. H |
Địa đạo Vịnh Mốc kia rồi! Cả đoàn xuống xe, bồi hồi ngắm nhìn Vịnh Mốc- Vĩnh Linh, một làng quê nghèo, tọa lạc trên một khu đồi đất đỏ bazan nằm sát biển, chỉ cách Cửa Tùng 6 km về phía bắc, cách thị trấn Hồ Xá chừng 14 km về phía đông. Trong những năm chống Mỹ cứu nước, Vịnh Mốc là địa điểm thuận lợi cho việc tập kết lương thực, vũ khí tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ- một hòn đảo đã đi vào lịch sử với những chiến công oanh liệt, những anh hùng như Thái Văn A, cùng hát bài "Con cua đá" nổi tiếng của Chính trị viên phó đảo, nhạc sĩ Ngọc Cừ. Địa đạo Vịnh Mốc là một thế trận liên hoàn khép kín với một hệ thống đường hầm có tổng chiều dài 1.701 m với 13 cửa ra vào. Cấu trúc trong lòng địa đạo hợp lý, khoa học. Dọc hai bên đường hầm được khoét sâu và tạo ra những căn hộ đủ chỗ cho 2 đến 4 người sinh hoạt; có hội trường chứa khoảng 60 người hội họp, xem phim, trạm phẫu thuật, bếp Hoàng Cầm, kho gạo, giếng nước... Đặc biệt trong lòng đất này đã chứng kiến sự ra đời của 17 đứa trẻ từ độ sâu trong lòng đất 23 m. Trong gần 2.000 ngày đêm tồn tại dưới lòng đất đã nói lên sự tích kỳ diệu của con người nơi đây. Đại tá Nguyễn Đức Tuân, đại đội trưởng Nguyễn Văn Thịnh, những thành viên trong đoàn không khỏi bùi ngùi xúc động nhớ về những năm các anh đã được bà con Vịnh Mốc- Vĩnh Linh tiếp tế lương thực, súng đạn, phối hợp chiến đấu giữ đảo. Các anh đã cùng đồng đội và bà con ở đây làm nên một "Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận/Đánh cho tan xác giặc Hoa Kỳ" như lời ngợi khen của Bác Hồ kính yêu. Rời Vịnh Mốc, trở về khu di tích cầu Hiền Lương giữa trưa hè nắng bức, mọi người hăm hở tỏa xuống khu chân cầu để được tận mắt tận tay ngắm, sờ vào từng thanh sắt, tấm gỗ của chiếc cầu lịch sử, chứng nhân của gần 20 năm nỗi đau chia cắt đất nước. Trưởng đoàn, Thiếu tá Nguyễn Khắc Hiển- nguyên là chiến sĩ của Tiểu đoàn 1 Ba Lòng những năm 1961-1964, người đã nhiều lần được giao nhiệm vụ bám trụ đồn Công an vũ trang Hiền Lương, cùng đồng đội canh giữ lá cờ thiêng của Tổ quốc, cùng các anh Nguyễn Thái Sơn, Đoàn Phúc Khoa, Lê Văn Phán, Trần Hạnh, Đường Hồng Sử... vui mừng được thỏa sức ngắm nhìn đồn Liên hợp, cột cờ giới tuyến, khu nhà làm việc của cảnh sát...giữa ban ngày. Bởi lẽ những ngày đó, họ -những những người bảo vệ vùng giáp ranh hai miền hàng mấy năm trời nhưng đâu một lần được đứng nơi đây một cách đàng hoàng giữa thanh thiên bạch nhật. Sau một đêm nghỉ ngơi, hàn huyên với nhau tại khách sạn Thành Vinh (thị xã Đông Hà), sáng ngày 23/6 đoàn lên xe vào thăm Thành Cổ Quảng Trị và Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9. Thành Cổ Quảng Trị nằm giữa trung tâm thị xã Quảng Trị, là công trình thành lũy quân sự dưới thời nhà Nguyễn để trấn giữ phía bắc kinh đô Phú Xuân (Huế). Trong chiến tranh chống Mỹ, Quảng Trị là chiến trường sinh tử của đế quốc Mỹ và tay sai. Đây vừa là bàn đạp để thực hiện âm mưu "Bắc tiến" khi có điều kiện, vừa là lá chắn bảo vệ chiến trường Thừa Thiên-Huế. Vậy nên sau khi bị quân giải phóng đánh chiếm và giải phóng thị xã Quảng Trị tháng 5/1972, Mỹ- ngụy đã tập trung lực lượng hùng mạnh hòng lấn chiếm Thành Cổ. Đến thắp hương, dâng hoa cho đồng đội tại Đài tưởng niệm và khu di tích Thành Cổ, nhiều đồng chí trong đoàn không cầm được nước mắt, bởi trong số họ, nhiều người đã đổ máu và vĩnh viễn mất đi những đồng đội thân thương tại đây. 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị mỗi tấc đất ở đây đã vùi xác hàng trăm tên địch và cũng thấm máu nhiều chiến sĩ và đồng bào ta... Có ai biết rằng, dưới lớp cỏ non Thành Cổ là nơi bao đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống. Để rồi hôm nay trong số CCB về thăm lại bến sông Thạch Hãn và Thành Cổ, có người đã thốt lên nghẹn ngào: "Đò xuôi Thạch Hãn, xin chèo nhẹ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm Có tuổi hai mươi thành sóng nước Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm...". Cũng ngày hôm đó và suốt buổi sáng ngày hôm sau 24/6/2008, đoàn chúng tôi đã ở bên đồng đội của mình tại hai nghĩa trang Đường 9 và Trường Sơn mà vẫn cảm thấy thời gian quá ngắn. Bước chân chúng tôi như chùng xuống trước hàng hàng bia mộ. Hơn 40 năm đã trôi qua, chúng tôi trở lại nơi đây lần đầu trong đội hình những người lính bảo vệ giới tuyến Vĩnh Linh năm xưa và cũng hơn 10 năm gắn bó với vùng tuyến lửa này, từ Đại tá Nguyễn Đức Tuân, Đại tá Lê Văn Phán đến mỗi thành viên trong đoàn đều cảm thấy như mình có lỗi khi nhiều đồng đội chưa được trả lại tên tuổi. Những nén tâm nhang được chúng tôi chuyền tay nhau cắm xuống khu mộ các liệt sĩ là con em Hà Tĩnh. Từ trong sâu thẳm cõi lòng mỗi người chúng tôi đều có một niềm riêng ấp ủ. CCB, cựu thượng úy Phạm Đức Huyên, bất ngờ tìm thấy mộ người bạn học cùng làng là liệt sĩ Lê Đăng Tín. Ngồi bên mộ bạn, nước mắt chảy quanh, khi anh Huyên nhớ lại cách đây 32 năm- năm 1966, anh gặp Tín lần cuối cùng trên đường hành quân bộ dọc Trường Sơn vào chiến dịch. Giờ gặp nhau, Tín đã trở thành người thiên cổ. Có lẽ hơi ấm đồng đội, hơi ấm của người thân đã làm nên sự diệu kỳ. Trong dịp trở lại Nghĩa trang Đường 9 và Nghĩa trang Trường Sơn lần này, chúng tôi đã tìm được mộ ba người thân của ba thành viên trong đoàn. Đó là mộ liệt sĩ Lê Thị Lài, em của CCB Trần Văn Thịnh; mộ liệt sĩ Trần Hậu Thiết- anh trai của đại úy, bác sĩ Trần Hậu Thái, và mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Cao là em trai của thượng úy Nguyễn Văn Bổng. Đã 30-40 năm trôi qua, gia đình các anh đã cất công kiếm tìm khắp nơi, hết nghĩa trang này sang nghĩa trang khác, không ngờ lại tìm thấy một cách bất ngờ trong hoàn cảnh khá đặc biệt này. Niềm xúc động, ý nghĩa của đợt "về nguồn" vì thế như được nhân lên gấp bội. Ba ngày trôi qua nhanh như một giấc mơ. Hơn 40 năm trước, chúng tôi hành quân vào Vĩnh Linh- Quảng Trị trong nhập nhoạng bóng đêm, ngồi như nêm cối trong những chiếc xe vận tải quân sự trùm kín bạt. Hôm nay, chúng tôi được ngồi trong chiếc xe khách sang trọng, lướt êm ru trên con đường nhựa phẳng lỳ, dưới bầu trời yên ả, thanh bình. Trở về quê hương trong tiếng hát tập thể hào hùng nâng bước hành quân một thưở, các thành viên trong đoàn dường như trẻ lại, bởi họ đã đạt được nguyện vọng cháy bỏng, ấp ủ hơn 4 thập kỷ nay, đã có dịp được trở lại thăm mảnh đất một thời máu lửa, thân thương; mảnh đất mà họ đã cùng đồng đội hiến trọn tuổi xuân, đổ máu để gìn giữ: "Vùng đông đã hửng sáng Núi non xanh ngàn trùng xa Tổ quốc bao la, hiền hòa..." Tiếng hát bay lên, vang xa, lẫn dưới bầu trời đưa chúng tôi trở về "một thời đạn bom, một thời hòa bình", đau thương, anh dũng mà cũng đầy hào sảng, khó quên! Quảng Trị, tháng 6/2008 Khắc Hiển