Cần triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để hạn chế gia tăng đối tượng nghiện ma túy
(QT) - Từ một địa bàn sạch về ma túy trước những năm 1990, đến nay số lượng người nghiện ma túy ở các địa phương của Quảng Trị không ngừng gia tăng. Nếu như năm 2008 cả tỉnh mới có 264 người nghiện thì đến năm 2010 đã tăng nhảy vọt lên 618 người, năm 2012 là 767, năm 2013 theo số liệu báo cáo của Phòng PC 47, Công an tỉnh có 879 người nghiện. Huyện Hướng Hóa, thành phố Đông Hà là những địa bàn có đối tượng người nghiện chiếm tỉ lệ cao. Huyện Hướng Hóa có 435 người người nghiện, riêng thị trấn Lao Bảo có 158 đối tượng trong danh sách quản lý của ngành chức năng. Thành phố Đông Hà có khoảng 364 người nghiện.
Đồng chí Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH lý giải: Việc gia tăng đối tượng nghiện ma túy trước hết thuộc về ý thức của cá nhân người đó, thứ hai là vấn đề quản lý của gia đình. Sự phối hợp các ngành cũng chưa đồng bộ, quyết liệt. Vấn đề thông tin, tuyên truyền về tác hại của ma túy chưa đến với các đối tượng, thành phần trong xã hội. Công tác đấu tranh, triệt phá ổ nhóm buôn bán đã thực hiện nhưng vẫn chưa quyết liệt. Chừng nào việc mua bán ma túy còn dễ dàng thì chừng đó có nguy cơ gia tăng con nghiện. Công tác cai nghiện hiện nay ở Quảng Trị còn khó khăn do chưa có Trung tâm giáo dục, cai nghiện. Mặc dù trung tâm này đã triển khai xây dựng được 5 năm nhưng chưa hoàn thành, do thiếu kinh phí. Thời gian qua thực hiện Quyết định số 12 của UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức học tập, triển khai, thành lập Tổ công tác cai nghiện ma túy ở các xã phường, thị trấn. Đã tổ chức xây dựng mô hình điểm ở thị trấn Lao Bảo, sau đó xem xét, rút kinh nghiệm để triển khai ra các địa phương khác. |
Đối tượng nghiện ma túy gia tăng đã gây ra nhiều nỗi lo cho xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn. Để có tiền mua thuốc thỏa mãn cơn nghiện, nhiều đối tượng sẵn sàng trộm cắp, cướp giật, gây án. Mỗi người nghiện ma túy mỗi ngày phải chi ra ít nhất là 200.000đ để mua 1 tép hêrôin, người nghiện nặng có thể dùng tới 4-5 tép, nếu sử dụng ma túy đá, ma túy tổng hợp thì số tiền lên tới cả triệu đồng. Đó thực sự là gánh nặng cho gia đình, xã hội và bản thân người nghiện. Ma túy là chất gây nghiện, chất hướng thần, có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp, khi ma túy thâm nhập vào cơ thể làm thay đổi trạng thái ý thức và sinh lý. Nghiện ma túy làm suy giảm hệ tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa. Các công trình nghiên cứu cũng chỉ ra người nghiện ma túy bị suy nhược toàn thân, mắc loại bệnh tâm thần đặc biệt, thường có hội chứng chóng quên, loạn thần kinh. Người nghiện thường gầy gò, ốm yếu, không muốn tiếp xúc với người khác, không có sức khỏe để lao động, trong lúc hầu hết người nghiện trong độ tuổi lao động. Khi đã nghiện ma túy rồi thì hầu như không có đường ra, bởi tỉ lệ người cai nghiện thành công là rất ít. Tại hội nghị trực tuyến về phòng chống ma túy, mại dâm do Chính phủ tổ chức vào tháng 9/2013 đã khuyến cáo nước ta nằm gần “Tam giác vàng” là nơi sản xuất, chế biến các loại ma túy. Địa bàn Quảng Trị cũng là điểm nóng trên con đường vận chuyển ma túy từ Bắc vào Nam, hoặc đưa từ biên giới phía Tây về qua các cửa khẩu, những con đường len lỏi trong rừng thuộc địa bàn huyện Hướng Hóa, Đakrông tiếp giáp với các tỉnh của nước CHDCND Lào. Đối tượng nghiện ma túy không chỉ là những người không có công ăn việc làm mà một số người là cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên và các thành phần lao động khác... Trong những năm qua các ngành chức năng của Quảng Trị đã tăng cường đấu tranh chống buôn bán ma túy không chỉ trong khu vực nội địa mà còn ở tuyến biên giới, khu vực ngoại biên với việc xác lập, đấu tranh thành công nhiều chuyên án, vụ án về ma túy. Riêng Bộ đội Biên phòng tỉnh trong năm 2013 đã thực hiện 10 chuyên án, 22 vụ án, thu 10 bánh hêrôin, 23.662 viên ma túy tổng hợp, 130 tép hêrôin, 16,53 kg cần sa, 0,43 g ma túy đá. Công an tỉnh và Công an các huyện, thị xã, thành phố đã bắt hàng chục đối tượng buôn bán ma túy, song tình hình buôn bán loại chất cấm này vẫn không giảm. Thực tế đó đòi hỏi phải có các biện pháp hiệu quả, đồng bộ hơn để ngăn chặn không để lây lan tệ nạn này... Một số tỉnh như Điện Biên, Nghệ An... do không kịp thời khống chế, làm giảm đối tượng nghiện nên mỗi năm ngân sách nhà nước phải chi hàng chục tỉ đồng cho việc chăm sóc, điều trị, đấu tranh phòng chống ma túy nhưng hiệu quả đạt được còn thấp do số người nghiện quá nhiều. Câu hỏi đặt ra là đối tượng nghiện ma túy ngày càng gia tăng vậy ai, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm? Để lý giải vấn đề này chúng tôi đã gặp lãnh đạo một số ngành, đơn vị có liên quan. Đồng chí Đào Trọng Tiến, Thượng tá, Trưởng Phòng PC 47, Công an tỉnh cho rằng: Lâu nay ai cũng nghĩ đó là trách nhiệm của Công an nhưng không thể đổ hết trách nhiệm cho Công an. Mà đó là trách nhiệm của gia đình, cá nhân, các tổ chức, đoàn thể. Trong hoàn cảnh đối tượng nghiện đang gia tăng thì vai trò giáo dục, quản lý của gia đình là rất quan trọng. Bên cạnh đó công tác tuyên truyền, giáo dục chưa được duy trì thường xuyên, chưa coi đó là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Một số đơn vị, địa phương có nghị quyết về phòng chống ma túy nhưng việc tổ chức thực hiện còn hình thức. Các cơ quan báo chí cũng chỉ mới tuyên truyền về các vụ án, việc bắt giữ, xử lý đối tượng mua bán, mà chưa có những bài đi sâu lý giải nguyên nhân, diễn biến, hậu quả khôn lường của tình trạng này... Với số lượng người nghiện gần 900 người như hiện nay nếu các tổ chức, đoàn thể, các hội viên, đoàn viên, mỗi người hoặc 2-3 người kèm cặp, giúp đỡ, động viên, giáo dục một người nghiện thì tình hình sẽ chuyển biến tốt hơn. Một nguyên nhân khác làm gia tăng người nghiện đó là do nhiều người chưa thấy rõ ảnh hưởng, tác hại to lớn đến tương lai, nòi giống khi dính vào ma túy nên cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức, thậm chí buông lỏng vấn đề này. Về nguyên nhân chủ quan, đối tượng nghiện đa số là con em sống trong những gia đình không có hạnh phúc, cha mẹ chia tay, con cái không được giáo dục, quản lý; bản thân không có việc làm nên dễ bị lôi kéo vào con đường sử dụng ma túy, lỡ dùng vài lần, thử cảm giác mạnh, sau đó trở thành nghiện ngập không thể cứu vãn được. Ở một số khu vực biên giới huyện Hướng Hóa việc tiếp cận ma túy dễ dàng, nguồn cung cấp từ phía bên kia biên giới dồi dào, người dân qua lại hàng ngày không thể kiểm soát hết được, luật pháp cũng chưa nghiêm minh, chặt chẽ để ngăn chặn có hiệu quả nên đối tượng nghiện gia tăng... Đồng chí Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH lý giải: Việc gia tăng đối tượng nghiện ma túy trước hết thuộc về ý thức của cá nhân người đó, thứ hai là vấn đề quản lý của gia đình. Sự phối hợp các ngành cũng chưa đồng bộ, quyết liệt. Vấn đề thông tin, tuyên truyền về tác hại của ma túy chưa đến với các đối tượng, thành phần trong xã hội. Công tác đấu tranh, triệt phá ổ nhóm buôn bán đã thực hiện nhưng vẫn chưa quyết liệt. Chừng nào việc mua bán ma túy còn dễ dàng thì chừng đó có nguy cơ gia tăng con nghiện. Công tác cai nghiện hiện nay ở Quảng Trị còn khó khăn do chưa có Trung tâm giáo dục, cai nghiện. Mặc dù trung tâm này đã triển khai xây dựng được 5 năm nhưng chưa hoàn thành, do thiếu kinh phí. Thời gian qua thực hiện Quyết định số 12 của UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức học tập, triển khai, thành lập Tổ công tác cai nghiện ma túy ở các xã phường, thị trấn. Đã tổ chức xây dựng mô hình điểm ở thị trấn Lao Bảo, sau đó xem xét, rút kinh nghiệm để triển khai ra các địa phương khác. Để ngăn chặn đối tượng nghiện ma túy gia tăng, một vấn đề nữa theo chúng tôi là cần thấy rõ vai trò tuyên truyền, giáo dục của nhà trường là rất quan trọng. Cần thiết kế bài giảng, tổ chức các hoạt động ngoại khóa một cách sinh động nhưng có chiều sâu để khắc ghi trong lòng học sinh những tác hại vô cùng nguy hiểm của tệ nạn ma túy, không chỉ tổ chức một lần mà nhiều lần, bằng hình thức này, hình thức khác để các em có nhận thức, từ đó tự giác tránh xa các loại ma túy. Chúng ta đang quyết tâm xây dựng đất nước ngày càng phát triển, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao đời sống mọi mặt của người dân. Để thực hiện mục tiêu đó đòi hỏi mỗi công dân không chỉ có tri thức, văn hóa cao mà còn có thể lực khỏe mạnh, sẵn sàng tham gia, đáp ứng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. HOÀNG NAM BẰNG