(QT) - Trong xã hội, không ít người theo đuổi nghề nghiệp bằng niềm đam mê và sự yêu thích của mình. Tuy nhiên vẫn có những người như bác sĩ Phạm Văn Vân, Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Trị thì “nghề đã chọn anh” để rồi anh yêu nghề lúc nào không rõ. Trong bảng phân công công tác hàng tuần của Trung tâm Pháp y tỉnh, họ tên của bác sĩ Phạm Văn Vân trực lãnh đạo cũng như trực giám định đã được ghi kín từ ngày đầu tuần đến cuối tuần. Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Trị hiện có 8 biên chế, trong đó bác sĩ Vân vừa làm công tác quản lý, vừa là giám định viên chuyên trách. Được thành lập từ tháng 12 năm 2006, những năm qua Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Trị đã tổ chức các kíp khám nghiệm tử thi. Hàng năm giám định thương tích, khám nghiệm tử thi cho hàng trăm trường hợp nhằm đáp ứng các yêu cầu, trưng cầu của cơ quan điều tra, tố tụng. Riêng từ đầu năm 2010 đến nay, Trung tâm Pháp y tỉnh đã giám định thương tích cho gần 218 ca, khám nghiệm tử thi cho 182 ca. Công tác giám định pháp y là một hoạt động lấy chuyên môn y tế phục vụ hoạt động tư pháp, hình sự. Công việc đòi hỏi cán bộ giám định viên pháp y phải có tâm huyết, công tâm và trình độ chuyên môn cao. Khối lượng công việc khá lớn, trong khi toàn tỉnh chỉ có bác sĩ Phạm Văn Vân là giám định viên chuyên trách, phải thường xuyên tiếp xúc với cảnh chết chóc, tang thương để thực hiện công tác giám định. Theo bác sĩ Vân, nếu không có những năm tháng được rèn luyện, thử thách trong quân ngũ, cùng thời gian miệt mài học tập tại Trường Đại học Y Huế thì anh khó có thể vượt qua những rào cản vô hình về công việc. Những sự vụ xảy ra bất cứ ở đâu, nơi rừng sâu, núi thẳm hay trong đêm khuya mưa gió, bão bùng, nhiệm vụ của bác sĩ Vân chẳng khác gì “quân lệnh như sơn”, có thông tin là phải lên đường. Đặc biệt những người làm công tác giám định pháp y như bác sĩ Vân phải thường xuyên chịu đựng những gian nan vất vả như xác người chết không còn nguyên vẹn hay đang trong thời kỳ phân huỷ, không ít tử thi phải khai quật lên để khám nghiệm... Điều may mắn đối với bác sĩ Vân, người bạn đời cũng là đồng nghiệp nên luôn nhận được sự cảm thông, chia sẻ của gia đình giúp bác sĩ yên tâm công tác. Công việc giám định viên chuyên trách pháp y rất cần thiết nhưng tại Quảng Trị chỉ có duy nhất một người. Bác sĩ Vân bộc bạch, nếu đã là bác sĩ công tác ổn định tại một bệnh viện hay đơn vị nào khác, người ta sẽ không muốn thay đổi vị trí của mình. Mặt khác đã không ít lần anh động viên bác sĩ trẻ mới ra trường về làm việc tại Trung tâm Pháp y tỉnh, nhưng họ đều từ chối với nhiều lý do, trong đó có một lý do là người thân, bố mẹ hoặc người yêu của họ không đồng ý. Nhiều người còn quan niệm đó là một nghề độc hại, nguy hiểm, ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như hạnh phúc gia đình. Hiện tại Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Trị đang còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, đó là nhiều vụ việc sau khi công tác pháp y đã hoàn tất nhưng phải phụ thuộc phương tiện đi lại của các cơ quan khác nên phải chờ đợi dẫn đến lãng phí thời gian; thiếu các phòng chức năng, một số máy móc để làm kỹ thuật xét nghiệm, giải phẫu bệnh, máy phân tích gen, bản đồ gen, xét nghiệm ma tuý... Tuy nhiên, với trách nhiệm của một bác sĩ mà “nghề đã chọn anh”, bác sĩ Phạm Văn Vân đã kiên trì và bằng mọi cách động viên, gửi đi đào tạo nghiệp vụ chuyên môn cho 2 y sĩ tại Trường Đại học Y Thái Bình. Hy vọng vài năm tới, Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Trị sẽ có đủ đội ngũ cán bộ và giám định viên chuyên trách để hoàn thành tốt chức năng và nhiệm vụ chính trị được giao. NGÂN HOA