Tập trung thâm canh cây lúa nước ở Hải Phúc
(QT) - Một ngày đầu tháng 8, chúng tôi vào xã Hải Phúc- địa bàn cuối cùng ở thung lũng Ba Lòng (huyện Đakrông, Quảng Trị), nơi một thời là chiến khu cách mạng. Bên những cánh rừng tràm, keo tai tượng ngút tầm mắt là tít tắp ruộng đồng tập trung, trải dài một màu xanh mơn mởn. Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Tiên Tiến, Phó Chủ tịch UBND Hải Phúc nói : “Trước đây, để đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn, mỗi năm Chính phủ hỗ trợ cho Hải Phúc đến 11 tấn gạo. Những năm qua, nhờ không ngừng tập ...

Tập trung thâm canh cây lúa nước ở Hải Phúc

(QT) - Một ngày đầu tháng 8, chúng tôi vào xã Hải Phúc- địa bàn cuối cùng ở thung lũng Ba Lòng (huyện Đakrông, Quảng Trị), nơi một thời là chiến khu cách mạng. Bên những cánh rừng tràm, keo tai tượng ngút tầm mắt là tít tắp ruộng đồng tập trung, trải dài một màu xanh mơn mởn. Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Tiên Tiến, Phó Chủ tịch UBND Hải Phúc nói : “Trước đây, để đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn, mỗi năm Chính phủ hỗ trợ cho Hải Phúc đến 11 tấn gạo. Những năm qua, nhờ không ngừng tập trung mở rộng, thâm canh cây lúa nước, nên đời sống của người dân được nâng cao rõ rệt. Đến bây giờ tổng số gạo mà Chính phủ hỗ trợ mỗi năm giảm xuống chỉ còn 10% so với trước đây thôi”.

Phát triển lúa nước ở xã Hải Phúc

Ông Tiến cho biết thêm, xã Hải Phúc hiện có 150 hộ dân với 640 nhân khẩu phân bố trên 3 thôn, bản; trong số đó người đồng bào Vân Kiều chiếm đến 70% dân số, còn lại là dân miền xuôi lên xây dựng kinh tế mới. Cùng với việc phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả, thời gian qua nhờ tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, nguồn nước dồi dào nên người dân xã Hải Phúc đã tiến hành khai hoang nhiều diện tích lúa nước. Từ khoảng 20 ha vào năm 2013, đến nay xã Hải Phúc có gần 40 ha lúa nước tập trung chủ yếu vào thôn 5 và thôn Tà Lang. Giờ đây, người dân xã Hải Phúc không những thành thạo trong việc bón phân mà còn tuân thủ gieo cấy theo lịch thời vụ, thay thế giống lúa cũ thoái hóa sang sử dụng các loại giống lúa mới, nguyên chủng, có năng suất và chất lượng cao. Bên cạnh đó, điều đặc biệt là người dân Hải Phúc đã tiến hành đưa một loại giống lúa vào gieo cấy tập trung, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, chuột bọcùng thời điểm theo mô hình “cánh đồng mẫu lớn” ở miền xuôi nên tiết kiệm được chi phí, công sức và thuận lợi hơn nhiều trong thu hoạch, áp dụng cơ giới vào sản xuất. Theo lời giới thiệu của ông Lê Tiên Tiến, chúng tôi đến gia đình chị Hồ Thị Liễu (38 tuổi), dân tộc Vân Kiều ở thôn 5 (xã Hải Phúc). Gia đình chị Liễu làm 1 mẫu ruộng nước, canh tác 2 vụ đông xuân và hè thu với tổng sản lượng thu hoạch mỗi năm đạt trên 3,5 tấn lúa. Chị Liễu cho hay: “Qua sự vận động, tuyên truyền của các cấp chính quyền xã Hải Phúc, nên giống như nhiều gia đình khác ở thôn 5, vụ vừa qua tôi đã thay thế giống lúa kém hiệu quả để sử dụng giống lúa mới; đồng thời gieo cấy cùng một loại giống, cùng một thời điểm với người dân trong thôn để tiết kiệm chi phí và công sức. Qua một vụ thay đổi giống mới, tiến hành trồng tập trung, tôi thấy năng suất và chất lượng lúa tăng cao, trong khi đó công sức, chi phí bỏ ra ít hơn rất nhiều. Bởi nhận thức được hiệu quả mang lại lớn, nên trong vụ lúa hè thu này, người dân thôn 5 chúng tôi tiếp tục thực hiện gieo cấy theo mô hình trên”. Những năm trước đây, việc trồng lúa nước ở thôn 5 rất lạc hậu và đồng ruộng thường xuyên bị sâu bệnh, chuột bọphá hoại dẫn đến năng suất lúa thấp, người dân phải tốn thêm nhiều khoản tiền để mua thuốc bảo vệ thực vật. Với 1 mẫu ruộng nước, nhưng sau mỗi kỳ thu hoạch gia đình chị Liễu thu chưa đến một tấn lúa bởi tỉ lệ hao phí do chuột phá, lúa lép hạt rất nhiều. Không những vậy, do người dân sử dụng các loại giống khác nhau, gieo cấy không cùng thời điểm nên gây khó khăn, trở ngại lớn cho việc sử dụng máy móc cơ giới làm đất và thu hoạch. “Bây giờ, người dân thôn 5 chúng tôi không còn tự phát, riêng lẻ trong việc gieo cấy lúa nước nữa. Tất cả các khâu như làm đất, xuống giống, bón phân, diệt sâu bệnh, chuột bọ… chúng tôi đều làm cùng một thời điểm với mong muốn mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm tiền của, công sức và quan trọng nhất là nâng cao tình đoàn kết giữa người dân với nhau”, chị Liễu phấn khởi chia sẻ. Để tạo thuận lợi trong việc phát triển cây lúa nước trên địa bàn, thời gian qua cùng với việc tổ chức các lớp tập huấn, phân bổ giống lúa có năng suất, chất lượng cao đến người dân, chính quyền xã Hải Phúc còn chú trọng xây dựng, bảo vệ tốt hệ thống thủy lợi. Hiện tại, xã Hải Phúc có 3 công trình thủy lợi chính đó là Tà Lang, Khe Lau, Khe Su cùng với hệ thống kênh mương nội đồng dài khoảng 6 km, đảm bảo cho việc luân chuyển, cung cấp nước đều đặn cho gần 40 ha lúa nước trên địa bàn xã, ngay cả trong mùa hè. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Tiên Tiến cho biết thêm: “Bên cạnh việc đầu tư xây dựng, bảo quản tốt hệ thống thủy lợi để phát triển, gieo trồng lúa nước, vừa qua UBND xã đã hỗ trợ cho người dân các thôn 7 máy sạ lúa kéo tay, sử dụng theo kiểu quay vòng. Riêng vụ hè thu năm nay, xã Hải Phúc cũng đã trích kinh phí trên 20 triệu đồng để mua thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ cho các hộ dân theo diện tích đăng ký. Cùng việc hỗ trợ người dân về tư liệu sản xuất, thời gian tới chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục thực hiện mô hình trồng lúa cho hiệu quả cao như đã triển khai ở vụ đông xuân vừa qua; đồng thời theo dõi, tìm hiểu những giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao để người dân thay thế dần giống lúa kém hiệu quả, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng cây lúa nước trên địa bàn”. Bài, ảnh: ĐỨC NGHĨA