Cần tiếp sức cho các làng nghề
(QT) - Theo số liệu thống kê của các ngành chức năng, Quảng Trị có 20 làng nghề truyền thống với nhiều loại hình ngành nghề khác nhau như nghề dệt chiếu, làm bún, bánh ướt, quạt giấy, nước mắm, rèn, nấu rượu, làm muối, chằm nón lá…Trong số 20 làng nghề truyền thống thì chỉ có khoảng 60 % làng nghề hoạt động hiệu quả, số còn lại đa phần đều trong tình trạng dần mai một mà nguyên nhân được xác định là do sản phẩm làm ra không tiêu thụ được trên thị trường bởi mẫu mã kém phong phú, đa dạng để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. “Chiếu buồn” trên đất Lâm Xuân Cách đây chục năm, tôi có dịp về làng chiếu Lâm Xuân (xã Gio Mai, Gio Linh), vừa đến đầu làng đã nghe tiếng thoi dệt chiếu lách cách rộn ràng vang lên từ đầu thôn, cuối xóm. Lần này về Lâm Xuân, ghé qua nhà ông Võ Viết Thành, Trưởng thôn Lâm Xuân chỉ mới đề cập đến nghề dệt chiếu của làng đã nghe ông buồn rầu: “Làng tui chừ còn nghề dệt chiếu mô nữa. Mất nghề từ lâu rồi. Làng Lâm Xuân là làng cổ từng được nhắc đến trong sách “Ô châu cận lục”, “Phủ biên tạp lục”. Xưa kia, người Lâm Xuân khi đến đây lập làng thấy xung quanh làng, sông ngòi, ao hồ chua mặn mọc đầy lác, cói thích hợp cho nghề dệt chiếu. Thế là người làng bắt đầu tìm đến nghề dệt chiếu làm kế mưu sinh rồi truyền nghề lại cho con cháu tận ngày hôm nay.
 |
Bà Nguyễn Thị Mãng mang nan tre ra đóng thành khung quạt để không quên nghề. |
Nghề dệt chiếu của người làng Lâm Xuân bị “mất tích” cũng có nhiều nguyên nhân nhưng tập trung chủ yếu vào hai nguyên nhân chính đó là từ ngày ngăn sông Cánh Hòm để lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp nên vùng Thủy Khê, Cẩm Phổ không còn nước mặn cho cây lác, cói phát triển nữa. Không có nguyên liệu thì nghề dệt chiếu của làng Lâm Xuân cũng gặp khó khăn. Nguyên nhân nữa, do chiếu Lâm Xuân dệt ra có chắc, bền nhưng mẫu mã không đẹp trong khi đó chiếu Trung Quốc, Thái Lan ồ ạt tràn vào với mẫu mã bắt mắt, kiểu dáng đẹp, giá cả phải chăng đã đẩy chiếu Lâm Xuân vào tình cảnh làm ra sản phẩm nhưng không tiêu thụ được. Ngày trước, cả làng Lâm Xuân có hơn 100 khung dệt với 2/3 số hộ dân trong làng theo nghề dệt chiếu. Mỗi ngày, người làng Lâm Xuân cho “ra lò” hơn 300 sản phẩm được thương lái đến mua rồi mang đi tiêu thụ khắp nơi trong tỉnh và cả tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế. Thế mà nay, làng có 352 hộ dân thì chỉ có 2 hộ còn giữ lại khung dệt chiếu để thỉnh thoảng dệt vài chiếc chiếu dùng trong gia đình ”. Ông Võ Viết Thành đưa tôi tới thăm gia đình bà Trần Thị Nậy (năm nay đã 75 tuổi) còn giữ lại một trong hai khung cửi dệt chiếu cuối cùng của làng. Trong căn nhà nhỏ, lụp xụp, bà Nậy vẫn dành một nơi khô ráo để đặt khung cửi dệt chiếu đã gắn bó như máu thịt với đời bà. Bà Nậy buồn buồn cho biết: “Chừ người làng Lâm Xuân không còn mặn mà với nghề dệt chiếu nữa mà chuyển qua mua chiếu Trung Quốc, Thái Lan từ chợ Đông Hà chở xe đạp, xe máy rong ruổi khắp nơi trong tỉnh để bán hoặc mang ra ngồi bán lẻ ở chợ Cầu. Xưa, cứ vào độ tháng hai đến tháng tư hàng năm, người làng Lâm Xuân bắt đầu tranh thủ buổi nông nhàn để ra vùng Thủy Khê, Cẩm Phổ bứt lác, cói về phơi nắng. Lác, cói được phơi nắng khoảng 3-4 ngày thì đến công đoạn dệt chiếu. Chiếu Lâm Xuân có ưu điểm là bền, chắc, nằm mát về mùa hè, ấm về mùa đông…” Ông Võ Viết Thành trầm ngâm: “Hiện cả làng Lâm Xuân có đến 50 % số hộ chuyển sang làm nghề bán chiếu. Có lẽ khi chọn nghề bán chiếu, ngoài mục đích mưu sinh thì hẳn trong tâm khảm người làng Lâm Xuân vẫn chưa nguôi ngoai nỗi nhớ nghề dệt chiếu từng một thời vang bóng trên mảnh đất này”. Còn đâu nghề quạt giấy ? “Làng tui chừ có ai còn làm quạt giấy nữa mô. Mà có làm ra thì cũng chẳng ai mua. Trời nóng thì người ta dùng điều hòa nhiệt độ, quạt máy…chứ ai dùng quạt giấy phe phẩy như ngày xưa. Nghề làm quạt giấy của làng tui có từ thuở lập làng. Hồi trước, cứ vào khoảng tháng 11 đến tháng Chạp hàng năm là người dân thôn Phương Ngạn bắt đầu chặt tre thành từng khúc sau đó mang trui lên lửa rơm cho khô rồi chẻ thành nan tre. Nan tre chẻ xong bó lại thành bó bỏ lên chái bếp. Sau Tết, người làng vác cuốc lên vùng gò đồi Tây Triệu Phong tìm đào rễ sim mang về rửa sạch, cạo vỏ giã nhỏ cho vào hũ sành ngâm với nước. Khi nước ngâm có màu tím thẩm là đến công đoạn phết nước ngâm rễ sim lên giấy bổi. Giấy bổi dùng làm quạt phải là giấy bổi mua ở Ngã Tư Sòng (Cam Lộ) hoặc các thương lái mang ra từ tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nan tre mang xuống đóng lại thành bộ khung rồi dán giấy bổi lên là ra sản phẩm. Chỉ cách đây chục năm, hầu hết người làng Phương Ngạn đều làm quạt giấy trong những lúc nông nhàn. Cứ tính bình quân, mỗi người một ngày làm ra 20 chiếc quạt giấy và mỗi chiếc quạt giấy bán được 500-1.000 đồng thì nhiều gia đình làng Phương Ngạn cũng có cuộc sống dẫu không khá giả vẫn đủ ăn, đủ mặc. Đó là chuyện của nhiều năm về trước, giờ cả làng Phương Ngạn có 169 hộ dân thì không còn một ai còn làm quạt giấy”- Ông Nguyễn Thanh Duệ, Trưởng thôn Phương Ngạn (Triệu Long, Triệu Phong), cho biết. Tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Mãng nằm ở cuối thôn. Mới nghe tôi trình bày lý do về làng Phương Ngạn là để tìm hiểu thêm thực trạng làng nghề, bà xuống bếp mang lên một bó nan đã đóng thành bộ khung quạt nhưng chưa dán giấy bổi cho tôi xem. Bà chỉ vào đống nan tre rồi cười buồn: “Bó nan ni là do tui nhớ nghề làm quạt giấy mà gia đình tui gắn bó từ đời này, sang đời khác nên mang ra làm cho vui chứ có dự định bán mua chi mô. Thấy tui ngồi tỉ mẩn vót từng nan quạt, mấy đứa con tui bảo tui là lẫn thẫn. Tui nói với con tui là không nhờ mấy chiếc quạt giấy ni thì liệu mấy đứa có được ăn học đến nơi, đến chốn không, gia đình có vượt qua được những năm tháng đói kém không. Giận con thì nói rứa, chứ biết mình ngồi làm ra mấy cái quạt ni cũng không dùng vào việc chi”. “Để khôi phục làng chiếu Lâm Xuân cũng như nhiều làng nghề khác không khó. Bởi muốn khôi phục lại nghề dệt chiếu cói của làng Lâm Xuân thì trước hết phải có sự quan tâm của các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ kinh phí cho bà con đi học tập kỹ thuật, thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm từ những làng làm nghề truyền thống làm chiếu cói ở các tỉnh bạn. Bên cạnh đó, quan tâm đến việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, tôi tin chắc làng Lâm Xuân sẽ lại rộn ràng tiếng thoi dệt chiếu. Ở mức độ thôn như chúng tôi, để có được nguồn kinh phí khôi phục làng nghề là việc làm ngoài tầm tay nên dẫu buồn vì mất đi nghề truyền thống mà ông cha truyền lại nhưng cũng đành chịu”. Ông Võ Viết Thành đã tâm sự với tôi như vậy khi chia tay ông. Bài, ảnh: H.T.S