Kỳ II: Mất tích trên biển “Buổi sáng trước khi xuống thuyền ra biển, nó còn vun cho tôi luống khoai lang rồi nói với tôi rằng nó đi chuyến biển này để dành dụm thêm ít tiền mua tranh về lợp lại cho tôi mái nhà bị dột bởi nắng, mưa. Thế mà...biển đã cướp mất con... tôi”. Giọt nước mắt vừa ứa ra đã khô quắt lại trên khuôn mặt khắc khổ của bà Lương Thị Cầm (thôn Hà Tây, xã Triệu An, Triệu Phong) khi kể cho tôi nghe về cái chết oan khiên của con bà cách đây bốn năm đã ẩn chứa trọn vẹn nỗi đau của người mẹ có con bị mất tích trên biển. Những cái chết không được báo trước Trong căn nhà tình nghĩa được UBND xã Triệu An xây dựng nằm lẻ loi bên đồi cát trắng trải dài ngút mắt ra phía biển, bà Lương Thị Cầm lau giọt nước mắt mặn chát đọng trên khoé miệng và kể cho tôi nghe về cái chết của đứa con trai mình. Ngồi cạnh bà, ông Nguyễn Đông là chồng bà lặng lẽ nhìn lên bàn thờ có di ảnh của con trai đang nghi ngút khói hương. Bà Cầm kể: Cũng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mới học lớp 4, anh Nguyễn Văn Quế là con trai bà phải nghỉ học ở nhà đi biển phụ giúp gia đình. Trước năm 2000, gia đình bà có chiếc thuyền nan đánh bắt gần bờ nhưng rồi lượng cá mực gần bờ ngày càng cạn kiệt, với lại ông bà cũng đã già yếu không đủ sức chèo chống đánh bắt thủy sản nên gia đình đành phải bán chiếc thuyền. Không còn thuyền, anh Quế chuyển sang đi bạn với thuyền có công suất lớn.
Vào buổi chiều khoảng tháng 8/2005, sau một tuần đánh bắt tại ngư trường gần đảo Cồn Cỏ, thuyền mà anh Quế đi bạn quay trở vào bờ để bán cá, mực. Vì quá mệt mỏi do chuyến đánh bắt dài ngày trên biển nên chủ thuyền căn hướng sao cho thuyền chạy vào bờ. Tất cả thuyền viên đều ngủ mê mệt cho đến sáng hôm sau trở dậy thì không thấy anh Quế đâu nữa.
Chủ thuyền cho thuyền quay trở lại tìm nhưng bóng dáng anh Quế mất hút giữa trùng khơi. Nhiều thuyền viên trên thuyền dự đoán có thể anh Quế trong lúc đi vệ sinh bị sóng lớn đánh rơi xuống biển khi mọi người đang ngủ. Năm ấy, anh Quế vừa tròn hai mươi lăm tuổi.
Nghe tin con bị mất tích, bà tưởng như trời đất chao đảo dưới chân mình. Nhiều khi muốn chết nhưng không chết được bởi còn người chồng già yếu, đứa con bị tâm thần tên là Nguyễn Văn Lâm nên bà phải cố gắng chút “sức tàn, lực kiệt” trồng khoai, trồng sắn nuôi chồng, con qua ngày.
![]() |
Bà Lê Thị Trâm ( thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt) bẻ đầu cá đuối để phụ giúp cho gia đình đứa con trai còn lại |
Đưa bàn tay run run dò dẫm bẻ đầu từng con cá duội khô mong kiếm thêm mấy nghìn đồng phụ giúp gia đình đứa con trai còn lại là Nguyễn Công Thịnh, bà chậm rãi kể về cái chết của con mình trong giọt nước mắt già nua.
Bà kể: Trong hai đứa con trai bà thì anh Nguyễn Công Thình (em của Nguyễn Công Thịnh) là mạnh khoẻ, thạo nghề đi biển nhất. Nghề biển thu nhập bấp bênh với lại đánh mãi ngư trường trong tỉnh thì nguồn cá, mực đánh bắt được ngày càng ít đi. Năm 2005, thuyền của anh Thình xuôi ra đánh bắt ở ngư trường khu vực Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh). Trong một chuyến đánh bắt dài ngày, thuyền anh Thình bị tàu chở hàng đâm phải. Anh Thình cùng hai thuyền viên khác là anh Lương Phước, Nguyễn Văn Thắng (đều ở thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt) bị chết và không tìm thấy xác.
Ngoài con bà cùng hai anh Phước, Thắng thì trong xã Gio Việt vào năm đó còn có thêm trường hợp anh Hoàng Thuyên bị mất tích do chìm thuyền khi đi bạn với thuyền ông Võ Thức. Nỗi đau trước biển Đã bốn năm sau cái chết của chồng mà chị Lê Thị Hường vẫn không thể nào nguôi quên được buổi chiều định mệnh chị tiễn anh xuống thuyền ra biển.
Đưa vạt áo lên lau giọt nước mắt đọng lại trên khuôn mặt khắc khổ, chị đau buồn kể: Buổi chiều hôm ấy trước khi lên thuyền ra biển, anh cứ dặn đi dặn lại chị là cố gắng chăm sóc tốt cho các con. Chị còn đùa với anh là đi biển vài ngày rồi về chứ có đi đâu xa mà cứ dặn chị như hồi xưa người ta ra chiến trường hàng ngày phải đối diện với cái chết vậy. Anh chỉ cười buồn mà bảo chị là dặn vậy vì nhỡ đâu ra biển anh không trở về...Chị mắng anh cứ nói gỡ mồm, gỡ miệng thành “điềm chẳng lành” thì khốn khổ vợ con. Không ngờ đó chính là lời trăn trối cuối cùng của anh trước khi vùi thân xác vào biển khơi. Hai ngày sau khi thuyền anh ra biển, tin áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão đang di chuyển đúng vào khu vực ngư trường có thuyền anh đánh bắt hải sản. Lo lắng cho tính mạng chồng, chị mang con đội mưa, gió ra ngồi chờ chồng cả ngày ở bến thuyền không màng đến chuyện ăn uống. Nhìn từng chiếc thuyền bắt đầu tiến vào cửa lạch để cập bến tránh bão khiến chị cứ vui mừng mỗi khi thấy chiếc thuyền nào đó giống thuyền anh.
Chị thất vọng đến cùng cực khi tất cả thuyền mà chị nhìn thấy không có bóng dáng thuyền anh. Đêm đó, chị ôm lấy các con vào lòng mà khóc. Ba ngày sau, tin thuyền anh bị chìm trong trận bão đến với chị. Chị ngất lịm trong vòng tay bà con, làng xóm đến sẻ chia nỗi đau với gia đình chị.
Bốn năm sau ngày anh mất, chị vẫn ở vậy làm thuê, làm mướn nuôi con. Đã đành phụ nữ vùng biển cuộc sống hầu như dựa vào nghề biển của chồng nên khi chồng mất đi nhiều người “đi bước nữa” nhưng với chị cái ý định đó chưa hề gợn lên trong chị. Tất cả tình yêu thương chị dồn hết cho mấy đứa con mất cha. Chị biết mấy đứa con chính là “vốn liếng” cuối cùng anh dành cho đời chị. Chị tự nhủ với lòng mình sẽ dồn hết tình thương cho các con với ước nguyện chúng mau trưởng thành để phụ giúp gia đình qua cơn “bỉ cực”.
![]() |
Ngóng chờ tin con |
Khi thuyền đến cửa lạch thì một đợt sóng lớn trùm lên làm con thuyền chìm nghỉm. Ông Lương Biện chỉ kịp chộp lấy hai chiếc can nhựa ném cho hai đứa con, còn mình với đứa con trai thứ hai là Lương Thanh vốn giỏi bơi lội cố bơi tay không vào bờ. Bơi được nửa quãng đường thì anh Lương Thanh đuối sức nên bị chìm vào đợt sóng lớn.
Ông Lương Biện cố bơi đến gần bờ đưa tay lên vẫy người trong bờ ra cứu. Nhiều ngư dân thôn Hà Tây, Phú Hội (xã Triệu An) hôm đó tập trung xuống bãi biển để cứu người bị nạn khi thấy ông Biện đưa tay vẫy vẫy, họ đã không quản sóng to, gió lớn lao ra biển để tiếp cứu cho ông nhưng không kịp nữa. Một đợt sóng lớn đã nuốt chửng thân xác ông vào lòng biển cả. Gần cả tuần sau cái chết của ông, bà Thí cùng các con mang chiếu đi khắp bờ biển từ xã Triệu An (Triệu Phong) đến tận xã Hải Khê (Hải Lăng) tìm kiếm xác chồng, con nhưng vẫn không tìm thấy. Người dân vùng biển có tập tục là khi có người chết trên biển mà không tìm thấy xác thì phải làm mộ gió, sau đó dựng cây tre có buộc mảnh vải trắng dài khoảng bốn mét để gọi hồn người chết trở về nhập vào mộ (tập tục đó còn gọi là lễ chiêu phan nhập mộ). Không tìm thấy xác chồng, con, bà đành lập hai ngôi mộ gió, dựng hai cây phan gọi hồn chồng, con bà về nhập mộ.
Gần bốn năm nay, bà phải vào tỉnh Thừa Thiên-Huế phụ giúp việc gia đình cho đứa con trai thứ tư đang lập nghiệp ở đó. Mỗi khi trở về làng, ngày nào bà cũng ra hai ngôi mộ gió thắp hương, khấn vái cầu mong hương hồn chồng, con bà được siêu thoát. Không biết có bao nhiều giọt nước mắt của bà đã rơi xuống hai nấm mộ cát của chồng, con cứ khô cong lại như nỗi đau vón cục trong sâu kín lòng bà. Tôi biết đã gần mười năm sau cái chết của chồng, con, người đàn bà có khuôn mặt khắc khổ cứ bước chân về đến làng là bà lại chầm chậm, liêu xiêu từng bước trên đồi cát để ra ngồi bên hai nấm mộ gió, dẫu biết rằng dưới hai nấm mộ kia không hề có thân xác của chồng, con bà. Chiều nay, bà lại ra hai ngồi mộ gió. Giọt nước mắt thương chồng, con tiếp tục rơi lên hai ngôi mộ cát. (Còn nữa) Bài, ảnh: Hoàng Tiến Sỹ - Đức Việt