(QT) - Ngày 27/12/2010, Ban hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh Quảng Trị và Sở Công thương Quảng Trị tổ chức hội nghị giới thiệu tiềm năng kinh tế và các cơ hội hợp tác đầu tư vào Myanmar. Đồng chí Lê Hữu Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan, các doanh nghiệp trên địa bàn. Myanmar là một nước nằm trong khối ASEAN (Hiệp hội các nước Đông Nam Á), đây là nước rất giàu tài nguyên thiên nhiên, dồi dào về nguồn nhân lực, một thị trường tiềm năng, là một quốc gia rộng lớn, có diện tích 668.000 km2, dân số hơn 59 triệu người, 89,3% dân số theo đạo Phật. Từ năm 1988 Chính phủ Myanmar đã thực hiện chính sách kinh tế thị trường và ban hành Luật Đầu tư nước ngoài, nhưng do chính sách bao vây cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây, khiến cho quan hệ chính trị, đối ngoại và kinh tế của Myanmar gặp rất nhiều khó khăn, thu hút đầu tư vào Myanmar hiện vẫn còn rất hạn chế. Do bị bao vây cấm vận nên kinh tế Myanmar chưa phát triển, chưa có điều kiện hội nhập quốc tế, chủ yếu vẫn là tự cung tự cấp, vì thế buôn bán của nước này với bên ngoài còn rất khiêm tốn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm chỉ đạt xấp xỉ 10 tỷ đô – la Mỹ. Các bạn hàng thương mại lớn của Myanmar chủ yếu là các nước láng giềng có đường biên giới chung trong khối ASEAN, đứng đầu là Thái Lan, Singapore. Trong gần 10 năm qua, quan hệ thương mại và hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Myanmar liên tục tăng trưởng, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước từ 9,3 triệu đô-la Mỹ năm 2001 đã tăng lên trên 160 triệu đô-la Mỹ vào năm 2010, tuy nhiên số lượng trên chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế cũng như quan hệ hợp tác đối ngoại tốt đẹp giữa hai nước. Để nắm bắt tình hình thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư, giao thương và nghiên cứu khai thác lợi thế của Quảng Trị là điểm đầu cầu của tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây (EWEC), mới đây đoàn công tác của tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Thăng dẫn đầu đã tham gia cùng đoàn công tác của Bộ Công thương đi khảo sát thực tế và tìm hiểu thị trường Myanmar, một thị trường còn nhiều tiềm năng, được mệnh danh là vùng đất vàng, miền đất màu mỡ cuối cùng của châu Á. Sau chuyến đi, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên trong đoàn đã dành nhiều thời gian giới thiệu một số nét cơ bản những điều cần biết về đầu tư và kinh doanh tại Myanmar, nhằm giúp cán bộ các sở, ban ngành có liên quan đến công tác hội nhập kinh tế quốc tế và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nắmb ắt những thông tin, trên cơ sở đó triển khai một số nhiệm vụ để đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế của Hành lang kinh tế Đông- Tây và thị trường Myanmar. Hiện nay Chính phủ Myanmar đang trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế định hướng thị trường, đặc biệt là lộ trình 7 bước tiến đến nền dân chủ, với nhiều chính sách mở cửa kinh tế, khuyến khích đầu tư rất hấp dẫn. Myanmar lại có quan hệ hợp tác kinh tế, chính trị, đối ngoại rất tốt đẹp với Việt Nam, việc Vietnam Airlines mở đường bay trực tiếp từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đến Yangon, Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel và Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) có mặt rất sớm và hoạt động hiệu quả ở Myanmar là những dẫn chứng cụ thể. Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, sắp tới sẽ có rất nhiều tập đoàn, công ty lớn của Việt Nam sẽ đến đây hợp tác kinh doanh theo chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ Myanmar và những thỏa thuận đã ký kết giữa chính phủ hai nước. Tại hội nghị này, lãnh đạo tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn nắm bắt cơ hội, tranh thủ thời cơ, có kế hoạch nhanh chóng thâm nhập vào thị trường rất hấp dẫn được đánh giá là “miền đất vàng, mảnh đất màu mỡ cuối cùng của châu Á” này. H.Đ