“Hạnh phúc lớn nhất là được cống hiến cho quê hương, đất nước”
(QT) - Một giờ đồng hồ sau, chúng tôi đã đánh tan quân địch, làm chủ căn cứ, thu nhiều chiến lợi phẩm. Chiến thắng này đã làm cho quân địch khiếp sợ, củng cố thêm sức mạnh quân sự của ta trên chiến trường khi đánh bại “căn cứ bất khả xâm phạm” của địch, tạo một khí thế sôi nổi chiến đấu và chiến thắng địch trong quân và dân ta trên chiến trường khói lửa Quảng Trị. Cuối năm 1967, tôi được cấp trên điều động vào Thừa Thiên- Huế nắm tình hình địch để đánh đồn Mang Cá. Nhiều ngày trinh sát địa bàn ...

“Hạnh phúc lớn nhất là được cống hiến cho quê hương, đất nước”

(QT) - Một giờ đồng hồ sau, chúng tôi đã đánh tan quân địch, làm chủ căn cứ, thu nhiều chiến lợi phẩm. Chiến thắng này đã làm cho quân địch khiếp sợ, củng cố thêm sức mạnh quân sự của ta trên chiến trường khi đánh bại “căn cứ bất khả xâm phạm” của địch, tạo một khí thế sôi nổi chiến đấu và chiến thắng địch trong quân và dân ta trên chiến trường khói lửa Quảng Trị. Cuối năm 1967, tôi được cấp trên điều động vào Thừa Thiên- Huế nắm tình hình địch để đánh đồn Mang Cá. Nhiều ngày trinh sát địa bàn với nhiều khó khăn, vất vả và hiểm nguy, tôi đã đưa 30 trinh sát vào đồn và chờ bộ đội đặc công tiến vào thành, phối hợp trong ngoài cùng đánh địch. Trận này ta thắng lớn, chiếm được đồn Mang Cá, nhưng theo lệnh cấp trên nên đã rút quân để bảo toàn lực lượng. Cuối năm 1969, tôi tham gia chiến dịch miền Tây Thừa Thiên- Huế, đánh vào đồi Abia, cao điểm 935. Lúc đó tôi là Trung đoàn phó Trung đoàn 1, Sư đoàn 324. Trận thắng cao điểm 935 được đánh giá là lần đầu tiên một căn cứ hỗn hợp cấp tiểu đoàn Mỹ bị 1 sư đoàn ta tiêu diệt, đánh bại chiến thuật “chốt giữ điểm cao”, “nhảy cóc”, “ngăn chặn từ xa” của quân Mỹ ở Thừa Thiên.

Hoàn thành nhiệm vụ tại chiến dịch này, chúng tôi được lệnh trở về Quảng Trị, tham gia chiến dịch Đường 9- Nam Lào. Lúc bấy giờ, nhiệm vụ của Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 là đánh tan hai lữ đoàn thủy quân lục chiến 147 và 258 của địch ở các điểm cao 550, 532... Được sự chi viện của cấp trên về người, vũ khí, trang thiết bị... chúng tôi anh dũng chiến đấu và trong hơn nửa tháng đã đánh bại lữ đoàn 147 của địch, bắt sống hàng trăm tù binh, thu nhiều chiến lợi phẩm. Thừa thắng xông lên, chúng tôi tiếp tục tiến đánh lữ đoàn 258 với chiến thắng vang dội. Với những thành tích trong chiến đấu, tôi được cấp trên thăng cấp, giữ chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 vào tháng 6/1971. Cuối năm 1971, Trung đoàn chúng tôi được giao nhiệm vụ đánh địch trên đường 9, và đã lập nên nhiều chiến công hiển hách tại Khe Sanh, Rào Quán, Ba Lòng... Điển hình là trận đánh cao điểm 365. Gần 11 giờ trưa một ngày tháng 3/1972, có 2 máy bay trực thăng tiếp tế cho lực lượng địch đang chốt giữ cao điểm 365. Khi máy bay trực thăng vừa đáp xuống hai bãi đỗ thì lệnh tiến công trên toàn tuyến phát ra. Ngay từ loạt đạn đầu, hai chiếc trực thăng và một số mục tiêu lộ đã bị trúng đạn, bốc cháy. Đến 13 giờ, hầu hết hỏa điểm lộ trong căn cứ 365 bị phá. Trung đoàn 1 lần lượt xung phong tiêu diệt gọn quân địch, làm chủ trận địa. Mất cao điểm 365, địch rút chạy về căn cứ Phượng Hoàng. Với chiến thắng này, Trung đoàn đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng 3. Từ đây, tạo khí thế sôi nổi và giúp quân ta giành thế chủ động trên chiến trường, đỉnh cao là chiến thắng Đường 9- Nam Lào.

Đông Hà- năm 1973 - Ảnh: TL

Trước đòn tấn công mạnh mẽ của ta ở Quảng Trị, tháng 4/1972, Mỹ- ngụy đã điều động gấp 5 trung đoàn, lữ đoàn, 3 thiết đoàn xe tăng, thiết giáp từ Sài Gòn, Đà Nẵng ra Quảng Trị. Địch điều chỉnh thế phòng ngự thành ba cụm Đông Hà, Ái Tử, La Vang- Quảng Trị, lực lượng chủ yếu tập trung ở Đông Hà. Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận định: “Địch đã tăng cường lực lượng nhưng chưa được củng cố, tinh thần hoang mang dao động, nếu ta đánh mạnh, đánh nhanh thì chúng sẽ tan vỡ”. Sư đoàn 324 chúng tôi sau nhiều ngày đêm vất vả hành quân từ đường 9 qua La Vang đã lập tức triển khai lực lượng đánh địch ở La Vang, cắt giao thông trên đường số 1 đoạn bắc cầu Mỹ Chánh- nam Quảng Trị. Sáng ngày 28/4/1972, Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 do tôi trực tiếp chỉ huy chặn đánh, cắt đứt quốc lộ 1 tại vị trí cầu Dài bắc qua sông Nhùng thuộc địa phận huyện Hải Lăng. Với trận thắng trên con đường này, quân địch bị đánh tan rã hoàn toàn, chúng khiếp sợ và đã đặt tên cho đoạn đường này là “đại lộ kinh hoàng”. Trên đà thắng lợi, Bộ Tư lệnh quyết định tiến công ngay vào khu trung tâm phòng ngự của địch, không cho ngụy quân kịp củng cố hoặc rút chạy, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Ngày 1-5-1972, sau khi Đông Hà, Ái Tử bị mất, quận lỵ Hải Lăng bị uy hiếp, Quốc lộ 1 bị cắt, quân ngụy hoang mang, đến 11 giờ ngày 1-5, quân ngụy bắt đầu rút. Nắm được ý đồ của ngụy quân, Bộ tư lệnh chiến dịch lệnh cho Sư đoàn 324 tiếp tục cơ động bộ đội chặn đánh quân ngụy ở cầu Nhùng, cầu Dài và cầu Bến Đá. Trung đoàn bộ binh 66, Sư đoàn 304 chặn đánh quân ngụy ở La Vang, đồng thời pháo binh mặt trận bắn mãnh liệt vào đội hình rút lui của ngụy quân, gây nên một cuộc bỏ xe, bỏ pháo tháo chạy hỗn loạn. Đây là lần đầu tiên ta giải phóng hoàn toàn một tỉnh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ ở miền Nam, giành và giữ được một bộ phận dân, giải quyết được nhiều vấn đề đối với vùng mới giải phóng, tạo bước ngoặt mới cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước. Ngày 1/5/1972, Quảng Trị hoàn toàn được giải phóng. Trải qua nhiều cương vị công tác, cuối năm 1989, tôi là Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị cho đến ngày nghỉ hưu năm 2001. Đi qua chiến tranh, mới cảm nhận hết điều quý giá từ hòa bình. Tôi hạnh phúc khi được cầm súng giải phóng quê hương mình. Có lẽ, đây là hạnh phúc nhất trong đời bộ đội. Bốn mươi năm đã trôi qua, nhưng ấn tượng về chiến dịch giải phóng Quảng Trị và bảo vệ vùng giải phóng còn in đậm trong ký ức của tôi. Với những cống hiến cho quê hương, đất nước, tôi vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng 3, Huân chương Quân công hạng 2, Huân chương Kháng chiến hạng II, Huân chương Quân kỳ quyết thắng, Huân chương chiến sỹ Giải phóng... Hôm nay đây, đi khắp mọi con đường, làng quê Quảng Trị, điều dễ dàng nhận thấy đó là sự khởi sắc, cuộc sống người dân ngày càng được nâng cao. 40 năm về trước, Quảng Trị hoang tàn, đổ nát sau chiến tranh, chịu cảnh nghèo nàn, lạc hậu, cuộc sống nhân dân khó khăn trăm bề, thế nhưng 40 năm sau, bằng tinh thần đoàn kết, vượt lên khó khăn, diện mạo Quảng Trị đã thay da, đổi thịt. Đó là một thành công lớn. Tôi tin, trong tương lai gần, Quảng Trị sẽ có bước phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực KT- XH, QP- AN xứng đáng với mảnh đất anh hùng. NGUYỄN MINH ĐỨC (ghi)