Địa chỉ cần giúp đỡ: Chuyện của người cận kề cái chết
(QT) - Tính đến nay, chị Trương Thị Gái, ở thôn Linh An, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã gắn chặt với bệnh viện hơn 5 năm ròng. Đang từ một người khỏe mạnh, làm ruộng quần quật quanh năm không biết đến bệnh tật dù chỉ là một cơn cảm nắng, chị đột nhiên có triệu chứng mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, phù cổ chân và mặt. Đi bệnh viện thì được chẩn đoán suy thận mãn tính. Từ đó, chị Gái bắt đầu những chuỗi ngày gắn liền với giường bệnh và sống nhờ bằng phương ...

Địa chỉ cần giúp đỡ: Chuyện của người cận kề cái chết

(QT) - Tính đến nay, chị Trương Thị Gái, ở thôn Linh An, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã gắn chặt với bệnh viện hơn 5 năm ròng. Đang từ một người khỏe mạnh, làm ruộng quần quật quanh năm không biết đến bệnh tật dù chỉ là một cơn cảm nắng, chị đột nhiên có triệu chứng mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, phù cổ chân và mặt. Đi bệnh viện thì được chẩn đoán suy thận mãn tính. Từ đó, chị Gái bắt đầu những chuỗi ngày gắn liền với giường bệnh và sống nhờ bằng phương pháp chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện TW Huế.

* Mọi sự ủng hộ gia đình chị Trương Thị Gái xin gửi đến Báo Quảng Trị-26 Trần Hưng Đạo-Thành phố Đông Hà (ĐT: 053.3857.176) hoặc chuyển vào tài khoản: Báo Quảng Trị, số TK: 102010001236996 tại Ngân hàng CP Công thương Quảng Trị.

Những năm đầu, chị được miễn giảm khá nhiều chi phí thuốc thang và giường bệnh vì gia đình thuộc diện hộ nghèo. Chị Gái là con liệt sĩ, bố hi sinh khi chị vừa tròn hai tháng tuổi. Chị lớn lên trong vòng tay yêu thương của bà nội, đến năm 18 tuổi được nhà nước cho đi xuất khẩu lao động tại Liên Xô. Từ đây, chị gặp và yêu anh Hùng, cũng là con liệt sĩ. Cùng cảnh ngộ, khi trở về nước, hai người nhanh chóng về một mái nhà, chị coi như đã tìm thấy cho mình mái ấm gia đình, sinh hai đứa con một gái một trai ngoan ngoãn. Số vốn liếng dành dụm từ thời lao động tại Liên Xô, anh chị dùng để xây nhà. Cuộc sống bình lặng trôi thì không ngờ chị đổ bệnh. Quần quật kiếm tiền chạy thận được hơn ba năm, đối với một gia đình thu nhập chỉ trông chờ vào hạt lúa, củ khoai như gia đình chị đã là một nỗ lực phi thường. Căn bệnh đau cột sống bùng phát âm ỉ cách đây hơn một năm với anh Hùng đã chuyển thành ung thư tủy. Hai vợ chồng nằm viện, vợ lại nuôi chồng. Tiền viện phí nhờ nhà nước, tiền ăn hàng ngày nhờ nhà chùa và những người hảo tâm cấp phát cho bệnh nhân nghèo khó. Nhưng rồi anh Hùng cũng không vượt qua được căn bệnh nan y. Bà Nguyễn Thị Kính, mẹ chồng chị Gái, nay đã sang tuổi 74 phải xoay xở nuôi cháu và con dâu. Những gì bán được trong nhà đều đã bán hết để lo tiền cho chị chạy thận, trang trải cho hai đứa cháu tiếp tục đi học. Với chi phí mỗi tháng gần ba triệu, trong đó tiền chạy thuốc một tháng một triệu rưỡi (mỗi tuần phải lọc máu 3 lần), mất thêm 350 nghìn đồng tiền thuê nhà trọ và tiền ăn, là gánh nặng quá sức đối với gia đình chị. Những năm trước còn có sức khỏe, chị đi rửa bát thuê cho hàng quán. Nhưng bây giờ, những việc này đều đã trở thành việc nặng. Điều mà cả người bà già yếu và người mẹ sống lay lắt đau đáu là mai này, hai con, cháu của họ sẽ như thế nào khi không còn ai chăm nom được nữa. Bà Kính nói cháu Hùng thì cậy nhờ bác được ngày nào hay ngày đó, bé My (sắp lên lớp bảy) thì bà còn sức, còn nuôi học được, cũng chưa biết có lên đến cấp ba hay không. Đường đời của của mẹ cháu ngắn đã đành một nhẽ, nhưng tương lai của hai cháu thì hãy còn dài lắm… THANH TRÚC