Về quê ăn Tết
(QT Xuân) - Tết này, Bi được ba mẹ cho về quê nội ăn Tết. Khỏi nói Bi mừng như thế nào, suốt đêm cứ thao thức không ngủ, thỉnh thoảng ngồi dậy lục lọi đồ đạc xem còn thiếu thứ gì không. Về quê, nhất định phải có quà cho tụi thằng Tý, thằng Tèo, con Na, con Mít. Nếu không, tụi nó giận rồi nghỉ chơi với Bi thì mấy ngày Tết cũng trở nên vô vị. Mẹ đã mua đủ các thứ Bi cần, nhưng sao Bi vẫn thấy không yên tâm nên cứ lục lọi đống đồ đạc hoài mà không chán. Càng ngày, Bi càng ít được về quê vì không có thời gian. Thời gian của Bi dành hết cho việc học. Hè cũng không được nghỉ, hết ôn Tóan rồi đến luyện Văn khiến đầu óc Bi lúc nào cũng căng thẳng. Nghỉ mà ghen với tụi thằng Tý, thằng Tèo, ngoài giờ học ở trường ra, chúng tha hồ ngụp lặn trong không khí mát mẻ của đồng quê với những con diều no gió và các trò chơi đánh khăng, đuổi bắt…
 |
Trẻ em như búp trên cành. Ảnh: H.H |
Suốt đoạn đường về quê, Bi cứ hát vang: “Ngày Tết đến trên khắp quê em/Người đi thăm, đi viếng đi chơi/Người nông dân đi mua sắm Tết…”. Bức tranh quê nội thật đẹp với những hàng dâu xanh ngắt bên triền sông. Những giọt nắng mùa xuân đậu rất êm trên cành. Những cánh cò trắng thanh thản dạo đồng xanh và đâu đó là những tiếng chim ngọt phía mái đình bay ra... Bà nội đón Bi ở đầu làng. Nụ cười bà hiền như bà Tiên bước ra từ câu chuyện cổ tích. Sà vào lòng bà, Bi thấy ấm áp lạ kỳ. Về quê ăn Tết, Bi thấy tình làng nghĩa xóm thật chan hòa. Người dân quê dù nghèo nhưng vẫn trang hoàng bà thờ ông bà tổ tiên đủ sắc màu hoa và bánh. Trước Tết vài ngày, nhất là trong đêm 30, bếp nhà ai cũng đỏ lửa đến sáng để nấu bánh chưng. Bi cũng chong mắt thâu đêm với bà bên nồi bánh chưng đêm 30 để nghe bà kể về những câu chuyện cổ tích xa xưa. Những câu chuyện đó, Bi đều đã biết nhưng sao qua giọng kể ấm áp của bà, bên ngọn lửa bập bùng cháy và nồi bánh chưng sôi ùng ục, thơm lừng mùi lá, mùi nếp. Bi nghe hoài không chán. Ở quê Bi, ngày Tết vui như ngày hội. Cứ đến sáng mùng 1, con cái dù ở đâu xa cũng phải về để thắp lên bàn thờ tổ tiên một nén hương tỏ lòng thành kính với những người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng mình. Bà nội nói đây là tập tục được lưu giữ từ bao đời nay ở quê. Không hiểu từ khi nào nhưng hễ cứ mỗi độ Tết đến Xuân về là nhà nhà ở quê đều có một nồi thịt kho trứng. Mẹ bảo, khi xưa ông bà nghèo quá nên chỉ đến ngày Tết mới mua chút thịt về ăn cả nhà. Bi trộm nghĩ, có lẽ vì thế mà con cháu bây giờ nghĩ Tết là phải có nồi thịt kho? Hấp dẫn nhất đối với Bi vẫn là nồi thịt kho của bà trong mấy ngày Tết. Cái mùi ngầy ngậy của thịt, bùi bùi của trứng cùng vị thanh của nước khiến Bi ăn hoài không chán. Con cháu trong nhà đông đúc nên qua ngày mùng hai bà đã phải lục đục chuẩn bị một nồi thịt mới. Ba ngày Tết, Bi được bà dẫn đi thăm các cô chú trong làng. Đi đâu, người ta cũng bảo Bi con trai thành phố có khác, người cứ trắng như cục bột. Kiểu này mà cho lội xuống ruộng vài ngày thể nào cũng đen nhẻm, đen nhèm. Vui nhất vẫn là được theo bọn thằng Tý ra chơi ở đình làng. Trẻ con ở quê vui thật. Ngày Tết nhưng không phải ai cũng có quần áo mới và được nhận lì xì như chúng bạn ở thành phố. Nghe Bi thắc mắc, thằng Tèo ra chiều hiểu biết, lên giọng với Bi: “Vì ba mẹ của các bạn ấy còn nghèo, lấy đâu tiền mua quần áo đẹp”. Rồi nó lại triết lý: “Quan trọng Tết đến vui là được rồi”. Nghĩ cũng đúng thật, Bi thấy gương mặt bọn trẻ quê đứa nào cũng rạng rỡ. Chúng chia thành từng nhóm, chơi những trò chơi dân gian rồi hò reo ầm ĩ cả một vùng. Trước sân đình có một ông già bán tò he. Thích thật, bàn tay ông lão thật khéo khi nặn những con tò he nhiều màu sắc, mà con nào con nấy giống y như thật. Năm nay là năm con Hổ, Bi nhờ ông nặn cho Bi một con Hổ có bộ lông vằn vện giống y chang những vị chúa sơn lâm mà Bi thường thấy ở các chương trình Thế giới động vật. Bi còn được nghe ông kể chuyện về vị chúa tể của rừng xanh nữa. Theo lời ông, Bi hình dung ra quê mình trước đây là một vùng lau lách um sùm và Hổ nhiều vô kể. Hổ còn mò xuống tận những ngôi làng ven rừng để bắt người và động vật. Kể xong, ông già bán tò he hỏi bọn trẻ có sợ con Hổ không, cả bọn đồng thanh trả lời: “Không”. Đơn giản vì chúng chưa hề thấy con Hổ thật ở ngoài đời. Bi về hỏi bà, bà cũng bảo câu chuyện của ông lão bán tò he có thật. Ông nội Bi cũng vài lần gặp Hổ khi vào rừng kiếm củi nhưng may mắn thoát được móng vuốt của chúng. Mấy ngày Tết trôi qua thật nhanh. Ngày trở về thành phố, tụi thằng Tèo và rất nhiều người bạn mới quen cứ bịn rịn không nỡ chia tay Bi. Chúng nó tranh nhau bắt tay khiến Bi cảm động đến lạ, nước mắt cứ ngân ngấn chực trào khiến Bi phải kìm nén mãi vì sợ xấu hổ. Bi tự nhủ, sang năm nhất định Bi phải xin ba mẹ để được về quê ăn Tết. Hương vị của những ngày Tết dân dã ở quê đã trở thành một phần ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ Bi… Minh Thảo