Có một Điện Biên huyền thoại
(QT) - Mường Phăng bây giờ đã khác trước nhiều. Bản làng như được thay da đổi thịt bởi những nếp nhà sàn khang trang lợp ngói đỏ. Ở khu hướng dẫn du lịch Mường Phăng có nhiều kỷ vật, đặc biệt là những bộ sách và đĩa phim, đĩa ca nhạc về chiến thắng Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Đi theo đường số 6 qua Hòa Bình, Sơn La, cảm giác đầu tiên của chúng tôi là miền đất Tây Bắc bảng lảng sương mờ giăng, chập chùng đèo dốc. Các bản làng xa mờ tít tắp như được treo vào lưng đồi những nếp nhà sàn lặng lẽ. Và đắm đuối mùa hoa Ban nở. Khi xe chúng tôi đến đèo Pha Đin, ai cũng háo hức bởi câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “ Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/Đèo Lũng Lô anh hò chị hát ”. Đèo Pha Đin có độ dài 32 km, là một trong bốn đèo lớn của vùng Tây Bắc là đèo Quy Hồ, đèo Khau Phả, đèo Mã Pì Lèng. Pha Đin chính là Phạ Đin, theo nghĩa tiếng Thái: Phạ là trời, Đin là đất, là chỗ tiếp giáp giữa trời và đất. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đèo Pha Đin là một trong những huyết mạch quan trọng chuyển vũ khí đạn dược và lương thực với hơn 8 nghìn thanh niên xung phong mở đường tiếp viện. Qua ngã ba Tuần Giáo, chúng tôi rẽ vào Mường Phăng thăm lại bản doanh của Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Con đường đi tắt đã được rải nhựa nhanh hơn nhiều so với đường chính dài đến 25 km mà cách đây 10 năm tôi đã đi. Mường Phăng bây giờ đã khác trước nhiều. Bản làng như được thay da đổi thịt bởi những nếp nhà sàn khang trang lợp ngói đỏ. Ở khu hướng dẫn du lịch Mường Phăng có nhiều kỷ vật, đặc biệt là những bộ sách và đĩa phim, đĩa ca nhạc về chiến thắng Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
 |
Đoàn cựu chiến binh về thăm chiến trường Điện Biên Phủ |
Khu rừng nguyên sinh xanh tốt còn gọi là “Rừng Đại tướng” ngút ngàn hoa Ban và hoa Trẩu trắng. Tôi được nghe người dân ở đây kể rằng: Các già làng của bản không biết có bộ đội ở trong rừng. Chỉ khi chúng ta toàn thắng Điện Biên Phủ, cả cánh rừng vỡ oà bởi tiếng hò reo náo nhiệt mới biết trong đó có Bộ Chỉ huy chiến dịch, mới biết công tác bảo mật tuyệt đối biết chừng nào. Chúng tôi đi trên con đường xếp bằng đá khoảng 200 m thì gặp khu lán của bộ phận thông tin liên lạc. Tiếp đó đi khoảng 800 m là đến Sở chỉ huy. Ngôi lán làm việc của Đại tướng thật đơn giản, chỉ là vách tre, mái lợp lá. Giường nghỉ và bàn làm việc cũng bằng tre, cạnh phòng Đại tướng là gian ở của người cận vệ. Khi bước vào căn lán giản dị đó, bỗng nhiên cô hướng dẫn viên Cà Thị Minh kêu lên: “Ôi, có con rắn lột xác kìa!”. Chúng tôi nhìn lên mái lán, quả thật có vỏ xác rắn màu trắng ở trên kèo tre. Đúng là một ngày may mắn, dân gian thường có câu: “Ra đường gặp rắn thì đi”. Nhưng tôi lại xúc động trước sự phát hiện bất ngờ của Minh, ngày nào cô cũng dẫn khách du lịch vào đây, không có sự thay đổi nhỏ nào của các di tích qua được đôi mắt cô gái Thái xinh đẹp này. Cũng như khi chỉ cây hoa Ban trắng trước lán Đại tướng, cô thốt lên: “Hoa nở đẹp quá! Hoa trước lán Đại tướng là hoa của tình yêu”. Hình ảnh Đại tướng như “Già làng, trưởng bản của Mường Phăng”. Tôi bắt gặp cây bưởi trước cửa hầm của Đại tướng. Cách đây mười năm khi về thăm lại Điện Biên Phủ, Đại tướng đã trồng cây đa lưu niệm và trong câu chuyện với đồng bào Mường Phăng, ông nhắc đến chuyện ba cây bưởi năm xưa trước cửa hầm cạnh lán của Đại tướng thông sang lán của Tướng Hoàng Văn Thái. Đó là 3 cây bưởi được gieo từ hạt của ba quả bưởi Đoan Hùng mà tỉnh Phú Thọ tặng. Đúng dịp Tết Giáp Ngọ năm 1954, Đại tướng cho gọi ông Đỗ Hải, Đại đội trưởng Cảnh vệ bảo vệ Sở chỉ huy đến giao cho nắm hạt bưởi: “Đồng chí đem những hạt bưởi này gieo xuống chỗ đất tốt để thế hệ sau được ăn quả”. Chẳng bao lâu ba cây bưởi con mọc lên theo thế “kiềng ba chân” trước cửa hầm. Theo thời gian, ba cây bưởi không còn nữa nhưng người dân Mường Phăng đã trồng lại ba cây bưởi Đoan Hùng mới và đã ra quả cách đây ba bốn năm. Cà Thị Minh kể: “Đến mùa bưởi ra hoa, em thường đứng rất lâu dưới vòm lá rộng. Khi có gió rung nhẹ, nhiều bông hoa rơi xuống tóc. Mẹ bảo nhặt hoa của cây bưởi Đại tướng về gội, tóc thơm rất dịu và lâu phai”. Mỗi ngày Minh đi bộ trung bình 10 cây số để hướng dẫn các đoàn khách mà không biết mệt. Vì theo cô, đi dưới cánh rừng toàn hương thơm cây cỏ, hoa lá, thỉnh thoảng xuống dòng suối róc rách chảy rửa mặt là tỉnh người. Tôi hỏi: - Ấn tượng nhất của em ở khu rừng Đại tướng là gì? Minh chỉ vào đường hầm cạnh cây bưởi: - Đây chính là công trình vĩ đại của những người lính công binh tài hoa. Không có la bàn hướng dẫn, họ đào từ hai phía, nghe tiếng cuốc đào để định hướng mà chỉ có chệch nhau chừng nửa mét. Đường hầm Đại tướng hình thang, trần lát bằng gỗ cây dài 69 m. Đường hầm của cố vấn Trung Quốc hình vòm quả trứng không lát cây nhưng rất chắc chắn, dài 25 m. Tất cả đều được kiến tạo bằng đôi tay của những người lính vốn xuất thân từ dân đào mỏ than ở Quảng Ninh.
 |
Tác giả bên mộ Anh hùng Phan Đình Giót |
Khi biết Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mời nhân chứng tham gia chiến dịch Điện Biên lên xác minh hiện vật, tôi nhờ cô bạn ở Báo Điện Biên Phủ liên hệ để gặp gỡ và ghi chép lời kể của nhân chứng lịch sử. Đó là ông Lâm Đức Hạp. Tháng 1/1953, ông lên đường sang Trung Quốc học Trường sĩ quan Cao xạ Thẩm Dương, sau đó về Trung đoàn pháo cao xạ 367 kéo pháo tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông kể: “Đội hình hành quân cơ động bộ binh đi trước mở đường, vừa tham gia kéo pháo, vừa đào hầm trú ẩn. Mỗi khẩu pháo nặng trên 2 tấn phải huy động một đại đội bộ binh (trên 100 người) cùng 7 pháo thủ. Chỉ huy phân chia đơn vị thành 3 tốp, mỗi tốp 30 người thay nhau kéo. Mỗi khẩu pháo được trang bị 3 dây tời, mỗi dây to chừng cổ tay, dài 50 m. Khi kéo, dây tời được buộc vào càng pháo. Hễ pháo nhích lên được tí nào thì hai pháo thủ liền nhích thanh gỗ chèn lên theo, không cho pháo trượt trở lại. Có những đoạn dốc đứng, phải buộc dây tời lên đỉnh dốc, ra sức quay tời quấn vào những gốc cây to, người bên dưới thì cố sức đẩy lên. Anh hùng Tô Vĩnh Diện đã hy sinh trong những ngày kéo pháo oanh liệt. Khi đến dốc Chuối, khẩu pháo mang số hiệu 510681 của Khẩu đội Tô Vĩnh Diện bị mảnh đạn của địch cắt đứt dây tời. Khẩu pháo theo đà lao nhanh xuống dốc, hất văng pháo thủ lái pháo xuống vực. Pháo thủ Tô Vĩnh Diện nhanh chóng dùng hết sức mình bẻ lái và chèn mình để cứu bằng được pháo”. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một tập đoàn quân sự mạnh, được trang bị vũ khí tối tân với những binh đoàn thiện chiến lừng danh của nước Pháp nhưng tên đặt các cứ điểm quân sự lại bằng tên các phụ nữ mỹ miều, quí tộc của người Pháp: Bản Kéo tên là Annemarie; Đồi Độc Lập là Gabrielle, Hồng Cúm là Isa be’lla…liên tưởng đến sự ngọt ngào, mềm mại không ngờ lại là những mồ chôn ác mộng. Có một điều kỳ lạ rất hiếm thấy trong chiến tranh, đó là sau trận đánh mở màn đầu tiên ở đồi Him Lam ta đã giành chiến thắng, được phép của “Tướng Giáp” (theo cách nói của nhà báo phương Tây), một cha đạo cùng quân y Pháp và một số binh lính được phép lên Him Lam lấy thương binh. Đội tải thương đã thu gom được 300 xác lính, có 14 người lính bị thương. Khi lấy thương binh xong, quân địch được lệnh phản công chiếm lại đồi Him Lam nhưng binh sĩ mất tinh thần đã khiếp đảm đành ngậm ngùi chấp nhận để mất một cứ điểm đề kháng quan trọng. Lúc chúng tôi đến thăm hầm Đờ-cát, tình cờ gặp đoàn cựu chiến binh trong đó có đồng đội với Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật- người dẫn đầu một tổ 5 xung kích chọc thẳng mũi nhọn về chỉ huy sở của tướng Đờ-cát. Người bạn đồng đội của anh Luật kể lại: “Lúc đó đại liên của địch từ các đồn, lựu đạn của địch từ các giao thông hào vẫn bắn, ném ra như mưa. Bốn chiếc tăng lớn chạy quanh chỉ huy sở bắn vãi đạn về các hướng. Nhiều cờ trắng của địch đã bắt đầu mọc trên giao thông hào, trước lỗ châu mai. Hầm chỉ huy của Đờ-cát ở sâu dưới đất ngang dọc tới 10, 20 thước, có hai lối lên xuống. Đối tượng cố thủ dưới hầm ném lựu đạn lên. Quả thủ pháo đầu tiên của chiến sĩ Nhỏ ném lọt vào cửa hầm nổ vang. Trong khi đó cửa hầm thứ hai đã bị ta bịt chặt. Khói lựu đạn chưa tan, một sĩ quan Pháp đã giơ tay từ dưới bò lên, mặt xám ngắt, run run nói với chiến sĩ ta: “Toàn bộ tư lệnh Điện Biên Phủ chúng tôi xin hàng”. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật và hai đồng chí xuống một cửa hầm, hai đồng chí khác xuống cửa hầm thứ 2. Trong hầm máy điện vẫn chạy rầm rầm, đèn điện vẫn sáng. Vừa thấy bóng quân ta, Đờ-cát và Bộ tham mưu hơn 20 người tất cả xếp hai hàng giơ tay. Tướng Đờ-cát nói: “Tôi hạ lệnh cho quân lính tôi ra hàng và phi cơ không được ném bom nữa”. Một kỳ tích trở thành huyền thoại trong chiến dịch Điện Biên Phủ là lực lượng dân công hỏa tuyến dùng các phương tiện vận tải thô sơ chở hàng lên mặt trận. Vào thăm Bảo tàng chiến thắng, tôi thật xúc động khi được nghe hướng dẫn viên giới thiệu về chiếc xe cút-kít mà bánh xe chủ nhân đã dùng tấm hoành phi sơn son thếp vàng của bàn thờ nhà mình đóng thành bánh xe tròn chở hàng. Tạm biệt thành phố Điện Biên Phủ, chúng tôi được biết một tin vui là HĐND tỉnh Điện Biên đã quyết định đổi tên đường 7- 5 thành đường mang tên Võ Nguyên Giáp- vị Đại tướng huyền thoại của dân tộc. Đây là con đường đẹp nhất, có qui mô lớn nhất địa bàn thành phố đi qua nhiều điểm di tích quần thể chiến trường Điện Biên Phủ như: Trung tâm đề kháng Him Lam, Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sĩ A1, Bảo tàng chiến thắng…Trên đồi cao có dựng tượng đài chiến sĩ Điện Biên. Có một Điện Biên huyền thoại với chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ngân vang mãi đến mai sau. Bài, ảnh: NGUYỄN NGỌC PHÚ