(QT) - Trong số các tổ chức hội được phép hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Trị thì Hội Người khuyết tật (NKT) ra đời muộn nhất. Thấy rõ nhu cầu cần tập hợp để giao lưu, trao đổi, chia sẻ những tâm tư, tình cảm, sau nhiều năm nỗ lực, cố gắng đến năm 2014 tổ chức Hội NKT tỉnh ra đời. Lãnh đạo của Tỉnh hội gồm anh Phùng Xuân Quý, nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT và DL, giữ chức Chủ tịch Hội; chị Hồ Thị Huế, vận động viên NKT tiêu biểu giữ chức Phó Chủ tịch Hội, cùng với một số cán bộ khác là những người làm việc không lương.
![]() |
Thiếu tướng Trương Hữu Quốc, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục cảnh sát nhân dân, Bộ Công an tặng quà cho nạn nhân da cam, hộ nghèo, người khuyết tật, trẻ mồ côi. Ảnh: Nguyễn Vinh |
Mặc dù làm việc tự nguyện nhưng những cán bộ hội đã nhiệt tình, năng nổ đạt được nhiều thành tích trong việc vận động tài trợ, chăm lo cho NKT nên tổ chức hội đã được UBND tỉnh, Bộ LĐ-TB và XH tặng bằng khen. Ra đời muộn nên Hội NKT tỉnh đã chọn lối đi riêng, không xin vận động tài trợ từ các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mà tập trung vào việc lập dự án xin tài trợ từ các đại sứ quán, các tổ chức nước ngoài; xây dựng mối quan hệ với các đối tác tiềm năng để tổ chức các hoạt động gây quỹ cho hội.
Anh Phùng Xuân Quý cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 37.000 NKT, chiếm 6,2% dân số của tỉnh. Nhiều đối tượng có cuộc sống khó khăn, cần được quan tâm giúp đỡ về nhiều mặt. Trong những năm qua hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, giúp NKT hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của họ đối với xã hội, từ đó mạnh dạn, tự tin, có ý chí và nghị lực để vươn lên trong cuộc sống. Hội đẩy mạnh tuyên truyền Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền của NKT; các văn bản quy định của nhà nước liên quan đến NKT, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thành lập Hội NKT các cấp.
Bên cạnh đó hội tổ chức điều tra, khảo sát, báo cáo về thúc đẩy giám sát thực thi Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền của NKT; tập trung xây dựng các dự án liên quan đến NKT được các tổ chức nước ngoài tài trợ như dự án “Đẩy mạnh việc thực hiện các quyền của NKT thông qua hỗ trợ năng lực mạng lưới và cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp hỗ trợ NKT” do tổ chức Renew hỗ trợ. Với dự án này tạo điều kiện để cán bộ hội trực tiếp truyền thông đến NKT ở 9 huyện, thị xã, thành phố với sự tham gia của gần 800 đối tượng ở 27 xã, thị trấn.
Qua công tác truyền thông giúp NKT hiểu rõ hơn về những quyền lợi mà họ được hưởng theo quy định của nhà nước. Từ đó làm đơn, xin xác nhận để hưởng các chính sách xã hội, nhằm giải quyết những khó khăn trong cuộc sống… Dự án “Nâng cao vị thế của người khuyết tật” do SRD tài trợ được thực hiện ở 5 xã của huyện Gio Linh. Trong quá trình thực hiện dự án đã phát động cuộc thi viết “Chúng tôi nói về chúng tôi”, giúp NKT bày tỏ suy nghĩ, tình cảm, mong muốn của họ về những vấn đề trong cuộc sống thông qua các bài viết, hình ảnh tự chụp và hoạt động văn nghệ trong các câu lạc bộ NKT.
Qua cách thể hiện các tiết mục ca múa, kịch ngắn được các CLB sáng tác, dàn dựng, biểu diễn và các tác phẩm thơ, văn cho thấy những cảm xúc chân thực, những nét đẹp đời thường hàng ngày, ý chí khát vọng vươn lên của những con người kém may mắn và mong muốn được cống hiến, hòa nhập cộng đồng... Ban tổ chức đã trao giải cho các tác giả có tác phẩm đặc sắc. Từ đó khuyến khích NKT tự tin vào bản thân để sáng tạo các tác phẩm phục vụ cộng đồng. Hội cũng phối hợp với tổ chức Malteset International, Trung tâm Phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai quốc gia triển khai dự án “Tăng cường sự tham gia của NKT trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng ở Việt Nam”.
Dự án được Bộ Hợp tác và Phát triển CHLB Đức tài trợ, thực hiện tại 2 xã Cam Hiếu, Cam Thủy, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị và 2 xã của tỉnh Quảng Ngãi với kinh phí 570.000 Euro, tương đương 14 tỉ đồng. Dự án đang được triển khai với sự tham gia tích cực của chính quyền và người dân các xã trong vùng dự án nhằm góp phần tăng cường quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng có hòa nhập NKT… Bên cạnh đó hội phối hợp với Văn phòng điều phối dự án Renew tiếp nhận thực hiện dự án “Đẩy mạnh thực hiện các quyền của NKT thông qua hỗ trợ mạng lưới và cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp hỗ trợ NKT” do cơ quan viện trợ nước Cộng hòa Irelan tài trợ, với tổng trị giá hơn 479 triệu đồng, thực hiện tại huyện Hướng Hóa, Đakrông, Triệu Phong, thành phố Đông Hà và thị xã Quảng Trị.
Dự án này giúp hội có kinh phí điều kiện để tổ chức hội thảo đánh giá thực trạng công tác xúc tiến thành lập Hội NKT cấp huyện và cấp xã, tập huấn quy trình thành lập hội, truyền thông về quyền NKT và chế độ chính sách hỗ trợ của nhà nước, mở 5 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 130 lượt cán bộ hội… Trong thời gian qua, cán bộ Tỉnh hội cũng đã xây dựng dự án “Hòa nhập xã hội cho NKT thông qua phát triển và tăng cường liên kết mạng lưới các tổ chức của NKT” được tổ chức Caritas- Úc tài trợ thông qua tổ chức CRD Việt Nam, triển khai tại 3 huyện Cam Lộ, Vĩnh Linh, Hải Lăng, thời gian thực hiện từ tháng 5/2013 đến tháng 9/2018 với kinh phí hơn 3,8 tỉ đồng, có hơn 8.000 người được hưởng lợi.
Dự án có mục tiêu tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn và nâng cao năng lực cho cán bộ hội, giáo viên và cha mẹ trẻ khuyết tật về các vấn đề khuyết tật, giáo dục hòa nhập cộng đồng, tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho 35 NKT. Tổ chức khám sàng lọc và can thiệp y tế cho 266 trẻ tại 3 huyện thực hiện dự án, trong đó 18 trẻ được xác nhận khuyết tật và nhận được sự can thiệp y tế giai đoạn 2014-2016. Ngoài ra còn tiến hành điều tra khám sàng lọc cho 77 trẻ từ 0-8 tuổi ở huyện Hải Lăng, trong đó 68 trẻ được xác định khuyết tật và có nhu cầu hỗ trợ, can thiệp.
Cùng với việc tổ chức nhiều hoạt động khác trong khuôn khổ của dự án như hỗ trợ máy trợ thính, tặng mắt kính, hỗ trợ phẫu thuật, tập huấn gây quỹ, hội thảo, tư vấn pháp luật cho hàng trăm NKT… Ngoài ra được sự tài trợ của Quỹ Thiện Tâm (tập đoàn VINGROUP) xây dựng Trung tâm phục hồi chức năng (PHCN) tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ. Trung tâm có kế hoạch PHCN cho 300 NKT và tăng cường 1 kỹ thuật viên PHCN với sự tài trợ của một ca sĩ quê ở Quảng Trị cùng nhóm bạn ở thành phố Hồ Chí Minh.
Để giúp Hội NKT thực hiện hoạt động của mình, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tạo thuận lợi cho công tác vận động, tiếp nhận, quản lý viện trợ phi chính phủ để hội mở rộng hợp tác quốc tế, tự tin hơn trong việc xây dựng, đề xuất dự án, gặp và làm việc với một số đại sứ quán xin tài trợ để hội có thêm nguồn lực hoạt động trợ giúp NKT. Không chỉ lập dự án, hội còn có những hoạt động khác để gây quỹ như tổ chức đêm ca nhạc, thông qua các mối quan hệ với doanh nghiệp, nhà hảo tâm để vận động xin tài trợ giúp đỡ NKT. Thành lập CLB Doanh nghiệp của thương binh và NKT tỉnh, tổ chức dạy nghề cho NKT…
Qua các hoạt động của hội đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của NKT về tiếp xúc, giao lưu tình cảm, nhu cầu học tập, phát triển kinh tế, được tôn trọng, tiếp cận các dịch vụ công, trở thành những thành viên hữu ích trong cộng đồng, mong muốn tham gia giải quyết các vấn đề trong xã hội, sống và làm việc như những người bình thường. Cũng thông qua tuyên truyền, tập huấn, dạy nghề và các hoạt động khác giúp NKT phát triển các kỹ năng của mình, tự quyết định và kiểm soát cuộc đời mình, giúp đỡ nhau cùng hòa nhập cộng đồng bằng những việc làm thiết thực; vượt qua những rào cản của xã hội và bản thân để trở thành những công dân tốt, có nhiều đóng góp cho xã hội.
PA