Ngày 20/7/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1055/QĐTTg về Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu của kế hoạch này là giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của biến đổi khí hậu. Để thực hiện mục tiêu này, một trong những nhiệm vụ được đặt ra là tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21. Thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan đang gia tăng ở hầu hết các nơi trên thế giới, nhiệt độ và mực nước biển trung bình toàn cầu tiếp tục tăng nhanh chưa từng có đang là mối lo ngại của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tại Quảng Trị, những năm gần đây BĐKH đã làm gia tăng các loại hình thiên tai tại địa phương. Các vùng trũng thấp, vùng trung du, miền núi như các huyện Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hóa là những nơi chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi các loại hình thiên tai như lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đá và cháy rừng; các huyện ven biển như Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng là những khu vực thường xuyên bị hạn hán và xâm nhập mặn. BĐKH sẽ khiến cho nhiệt độ trung bình năm của tỉnh Quảng Trị có khả năng tăng 1,4o C vào giữa thế kỷ 21 (thời kỳ 2046-2065). Trong tương lai, nếu mực nước biển dâng 100 cm, khoảng 2,61% diện tích của tỉnh Quảng Trị có nguy cơ bị ngập, trong đó các huyện có nguy cơ ngập cao nhất là Hải Lăng (9,03% diện tích) và Triệu Phong (7,26% diện tích).
Thiên tai, bão lũ luôn chứa đựng yếu tố bất ngờ, bất khả kháng, với những thiệt hại không thể tránh khỏi. Do đó, việc xây dựng một cộng đồng có năng lực (ứng phó và thích nghi) trong phòng chống thiên tai (PCTT) là điều cần thiết vì người dân là một trong những đối tượng đầu tiên phải đối mặt với các rủi ro do thiên tai. Trong khi đó, công tác quản lý rủi ro thiên tai, tiêu điểm luôn là cộng đồng địa phương. Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng là một quá trình trong đó người dân trong cộng đồng đó chủ động và tham gia tích cực vào việc xác định, phân tích các rủi ro thiên tai; lập kế hoạch, thực hiện, theo dõi và đánh giá các hoạt động nhằm mục đích giảm nhẹ tình trạng dễ bị tổn thương và tăng cường khả năng ứng phó, thích nghi của cộng đồng với tác động của thiên tai.
Phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng có vai trò rất quan trọng bởi vì người dân địa phương hiểu rõ nhất về cộng đồng của họ, về các thuận lợi, khó khăn, thách thức và nhu cầu của mình khi thiên tai xảy ra; biết cách huy động và gắn kết các thành viên trong cộng đồng với nhau. Để công tác này đạt hiệu quả cao, cần nâng cao nhận thức của người dân trong PCTT thông qua các lớp tập huấn. Đối với người dân, việc được cung cấp thông tin, cách nhận biết các dấu hiệu bất thường của thời tiết; các biện pháp phòng tránh và kiến thức liên quan đến sinh kế lâu dài như chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh thích ứng với BĐKH là những kiến thức rất hữu ích. Đối với các địa bàn miền núi, cần tăng cường tuyên truyền để người dân nhận biết về những dấu hiệu bất thường tại các các điểm núi đồi, sông suối gần khu vực dân cư sinh sống và báo cho chính quyền địa phương biết để kịp thời có phương án chủ động ứng phó. Vụ lở núi xảy ra ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam mới đây cho thấy, từ 12 giờ trưa, các hiện tượng bất thường tại khu vực thôn 1 đã được người dân phát hiện. Thời điểm đó, nhiều người đã nghe tiếng nổ lùng bùng từ lòng đất nhưng vì chưa nhận biết được mức độ nguy hiểm có thể xảy ra nên chưa có hình thức ứng phó. Chỉ vài giờ đồng hồ sau thì thảm họa xảy ra khi một vạt núi đổ xuống kéo theo đất đá chôn vùi 11 ngôi nhà khiến hàng chục người chết và mất tích.
Mỗi khi cộng đồng hiểu rõ bản chất rủi ro của thiên tai sẽ có sự chuẩn bị tốt các biện pháp phòng, tránh như chủ động các phương án giảm nhẹ rủi ro thiên tai cấp hộ gia đình; có biện pháp tự khắc phục thiệt hại có thể có trong khả năng của hộ gia đình trước khi yêu cầu trợ giúp từ bên ngoài. Điều cần thiết là phải nâng cao ý thức chấp hành của người dân đối với các chỉ đạo, hướng dẫn của chính quyền cơ sở, tránh lơ là, chủ quan vì đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại nặng nề về người và của khi có thiên tai xảy ra. Chính quyền địa phương cần theo sát, nắm bắt nhu cầu của người dân để có sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể hơn. Qua đó, người dân sẽ có thái độ, hành vi tích cực hơn trong việc hợp tác, thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của chính quyền. Bên cạnh việc nâng cao năng lực phòng chống và thích ứng của người dân trong PCTT, ngành khí tượng thủy văn cần phải cải thiện năng lực dự báo, nhất là công nghệ dự báo trượt đất, hiện là một khâu yếu của Việt Nam. Chính quyền địa phương cần triển khai các giải pháp phòng chống thiên tai kịp thời và hiệu quả, chú trọng các vùng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của bão, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất; chống sạt lở bờ sông, bờ biển; đối phó với hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn gia tăng cũng như giải quyết vấn đề tổn thất và thiệt hại.
Mới đây, trong chuyến thăm người dân Quảng Bình sau đợt lũ lịch sử, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu địa phương cần rút một số kinh nghiệm sau đợt mưa lũ này, trước hết cần tăng cường nhận thức và sự hiểu biết của chính quyền, người dân, các tổ chức xã hội, coi đây là chìa khóa then chốt trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Trong đó nhận thức của cộng đồng và người dân về trách nhiệm, sự tác động của biến đổi khí hậu là quan trọng nhất. Biến đổi khí hậu dẫn đến các hiện tượng thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, xây dựng một cộng đồng có năng lực trong phòng chống và thích ứng với thiên tai sẽ góp phần giảm thiểu nhiều rủi ro. Từ sự chủ động trong PCTT của người dân, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, sẽ tạo ra sự chuyển biến tích cực từ một “cộng đồng dễ bị tổn thương” sang một “cộng đồng có năng lực”, cùng nhau phòng ngừa, ứng phó và phục hồi hậu quả do thiên tai gây ra bằng cách phát huy tối đa các nguồn lực sẵn có trong cộng đồng cũng như các nguồn lực khác trong xã hội.
Hoài Nam