Được sự quan tâm của các cấp, ngành, các chương trình, dự án, thời gian qua, huyện Đakrông tích cực phối hợp triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người dân trên địa bàn phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp. Qua đó, tạo sinh kế, cải thiện thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
![]() |
Nhiều hộ dân ở huyện Đakrông được chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để xây dựng các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả - Ảnh: N.T |
Đakrông là huyện nghèo, diện tích chủ yếu là núi đồi, đa số người dân sản xuất và phát triển kinh tế dựa vào nông, lâm nghiệp, tỉ lệ lao động trong nông nghiệp chiếm trên 80% lao động của toàn huyện. Tuy nhiên, quy mô sản xuất ở địa phương còn nhỏ lẻ, manh mún, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích còn thấp, cơ cấu cây trồng, con nuôi chưa đa dạng, năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản chưa cao.
Bên cạnh đó, huyện thường xuyên bị thiệt hại bởi thiên tai; tiềm năng, đất đai chưa được khai thác đúng mức, việc quy hoạch các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa có liên kết còn ít. Để khắc phục khó khăn trên, huyện triển khai nhiều giải pháp thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp phù hợp với điều kiện sản xuất của người dân và điều kiện tự nhiên trên địa bàn huyện.
Trọng tâm là thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình xây dựng nông thôn mới để tạo việc làm, ổn định sản xuất, giúp người dân từng bước nâng cao đời sống. Tùy vào tình hình thực tế của từng xã, thị trấn, hằng năm, UBND huyện tổ chức các cuộc họp xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời về quyết định phân bổ vốn, phê duyệt dự toán, danh sách hưởng lợi, định hướng phát triển nông nghiệp, nhân rộng các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp…
Nhờ vậy, người dân được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao kiến thức trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng thành thạo máy móc, công cụ vào quá trình sản xuất. Những cây trồng, vật nuôi mới có năng suất và chất lượng cao được hỗ trợ kịp thời đưa vào sản xuất, góp phần làm tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện. Kết quả đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Trong giai đoạn 2017 - 2020, tổng kinh phí thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn huyện trên 38,5 tỉ đồng; kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên 33,4 tỉ đồng; kinh phí thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên 5 tỉ đồng. Toàn huyện có 2.277 hộ dân được hỗ trợ phát triển sản xuất và xây dựng mô hình nông, lâm nghiệp, trong đó có 2.214 hộ nghèo và cận nghèo. Tổng số hộ thoát nghèo sau khi tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất là 665 hộ; tổng số hộ thực hiện có hiệu quả dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và xây dựng mô hình là 2.076 hộ. Huyện đã thực hiện đánh giá hiệu quả của 31 nội dung trong đó có 13 hạng mục hỗ trợ trực tiếp và 18 mô hình.
Các hạng mục, mô hình hỗ trợ được đánh giá có hiệu quả trên 50%. Tiêu biểu như hạng mục về hỗ trợ máy móc, dụng cụ sản xuất được người dân chú trọng và sử dụng đạt hiệu quả cao như máy tách hạt ngô, máy tuốt lúa 85%, máy phát cỏ 100%, máy cày 100%, ống dẫn nước tưới ruộng 79%; hạng mục hỗ trợ các loại giống cây trồng và phân bón như giống lạc 100%, chuối lùn 100%, giống cây lâm nghiệp bời lời, keo lai 98%; hạng mục hỗ trợ gia súc, gia cầm người dân tiếp nhận và chăm sóc đạt hiệu quả cao như bò cái vàng 97%, dê giống 93%, ngan, gà, cá giống 100%...
Nhìn chung, thông qua việc hỗ trợ máy móc, giống cây trồng, phân bón và vật nuôi đã cho người dân thấy được hiệu quả của ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, loại bỏ dần những công cụ sản xuất lạc hậu, giải phóng được sức lao động và nâng cao hiệu quả sản xuất; những giống cây trồng, vật nuôi đạt chất lượng đã đem lại năng suất, sản lượng cao, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, ổn định cuộc sống và tăng thu nhập cho người dân.
Một số mô hình phát triển kinh tế mới đã được triển khai mang lại hiệu qủa kinh tế cho người dân trên địa bàn huyện như mô hình trồng lúa nếp than ở các xã Tà Long, A Ngo; trồng ngô tại xã Mò Ó; thâm canh lạc ở hai xã Triệu Nguyên và Mò Ó; trồng chuối lùn tại các xã Tà Rụt, A Ngo, A Vao; mô hình chăn nuôi lợn Vân Pa, nuôi dê, ngan, bò ở nhiều xã như A Ngo, Hướng Hiệp, Tà Long, Mò Ó…, đặc biệt trong đó mô hình chăn nuôi lợn Vân Pa vừa mang lại hiệu quả kinh tế khá cao vừa bảo tồn và phát triển giống lợn đặc trưng ở địa phương. Từ thành công của các mô hình, người dân trong huyện đã học tập, trao đổi kinh nghiệm và nhân rộng vào thực tiễn sản xuất, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác, tận dụng lợi thế của địa phương một cách hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Lê Đại Lợi cho biết: “Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư hỗ trợ người dân phát triển sản xuất và xây dựng mô hình nông, lâm nghiệp. Theo đó, chọn đối tượng hỗ trợ phải phù hợp, đáp ứng các nội dung yêu cầu của đề án như có đất sản xuất, nguồn lực lao động và tư liệu sản xuất, có quyết tâm phát triển kinh tế. Những mô hình nội dung hỗ trợ phải phù hợp với điều kiện của địa phương, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, dụng cụ sản xuất, máy móc nông nghiệp phù hợp. Nhân rộng các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp có hiệu quả.
Việc hỗ trợ phát triển sản xuất phải gắn liền với hỗ trợ, thành lập mới và phát triển các tổ chức kinh tế tập thể của nông dân như hợp tác xã, tổ hợp tác. Tăng cường cơ giới hóa trong các khâu sản xuất từ làm đất đến thu hoạch. Mở các lớp đào tạo nghề về cơ giới hóa trong nông nghiệp cho người dân; có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình mở các xưởng cơ giới tại trung tâm xã, thị trấn. Đổi mới công tác chỉ đạo, quản lý thực hiện dự án ở cấp xã. Tăng cường kiểm tra, theo dõi sau đầu tư dự án và kiểm tra, giám sát các dự án, các đơn vị được giao quản lý và chủ đầu tư thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Tổ chức đánh giá kết quả các mô hình, nội dung hỗ trợ định kỳ (6 tháng) và hằng năm”.
Ngọc Trang