Từ bao đời nay, cánh rừng dương (phi lao) phòng hộ ven biển được xem là “lá chắn” bảo vệ dân làng trước bão táp, mưa sa. Tuy nhiên, những năm gần đây, dưới tác động của thiên tai, bão lũ, những cánh rừng dương bị thu hẹp dần. Đặc biệt, đợt mưa bão cuối năm 2020 khiến hàng chục km rừng dương dọc các xã bãi ngang bị sóng đánh bật gốc, cuốn trôi ra biển. Hiện nay, người dân miền biển không khỏi lo lắng, bất an khi “lá chắn” của làng dần mất đi.
![]() |
Rừng dương dọc bờ biển xã Trung Giang bị sóng cuốn trôi - Ảnh: TRẦN TUYỀN |
Bão lũ đã đi qua vài tháng nay nhưng sáng nào, ông Bùi Ổn, thôn Hà Lợi Trung, xã Trung Giang, huyện Gio Linh, cũng dậy sớm đi ra biển. Lúc trước, đây vừa là thói quen khó bỏ, vừa là cách ông rèn luyện sức khỏe ở độ tuổi “ngoại lục tuần”. Nhưng từ cuối năm ngoái tới nay, ông Ổn ra biển thường xuyên hơn là để kiểm tra xem rừng dương có bị thiệt hại thêm hay không. Người miền biển quê ông gọi đồi phi lao là động dương. Ông cũng như nhiều người dân khác nơi xứ biển nay quý động dương như chính thân thể mình. Bởi lẽ, từ khi sinh ra, ông đã thấy rừng dương cao lớn, luôn vững vàng, che chở, bảo vệ cho dân làng qua nhiều mùa mưa bão. Mùa hè, động dương góp phần ngăn cát bay, cát nhảy, hạn chế mặn xâm nhập. Thanh niên trai tráng trong làng lớn lên, chiều chiều lại chạy ra biển, ngồi trên động dương hóng gió. Những buổi tối trăng thanh gió mát, từng đôi nam nữ ngồi dưới gốc dương để tâm tình. Động dương cũng là nơi các bà, các mẹ ngồi đợi chồng, cha mình trở về từ những chuyến biển. Có thể nói, động dương gắn liền với biển và gắn chặt với đời sống của người dân bãi ngang.
“Rừng dương này được ông cha chúng tôi trồng từ nhiều đời trước. Việc trồng và bảo vệ rừng dương được người dân vùng biển nối truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhờ vậy mà diện tích chỉ có tăng chứ không giảm. Trước đây, rừng dương này rộng lắm, kéo dài từ mép làng ra tới gần bờ biển. Tuy nhiên, nhiều cơn bão lớn làm diện tích rừng dương giảm đi đáng kể. Đặc biệt, đợt mưa bão cuối năm 2020 khiến sóng to ập vào, cuốn phăng đi rất nhiều cây dương. Nhiều đoạn sóng lớn còn làm sập cả đường bê tông dẫn ra biển”, ông Ổn kể.
Chứng kiến cảnh động dương bị sóng biển làm xói lở hàng chục mét, nhiều thân cây dương cao lớn bị bật gốc, ông Ổn và nhiều bậc cao niên trong làng đều lo lắng, bất an. Để có một cánh rừng phải mất nhiều năm trời chăm trồng, vun xới, nhưng chỉ cần vài phút đồng hồ là động dương theo sóng trôi ra biển. Không xót sao được! Với tình trạng này thì mai đây, còn đâu động dương để bảo vệ con em trong làng trước bão lớn, mưa giông. “Từ năm ngoái tới nay, tôi thường xuyên ra biển xem thì phát hiện mực nước biển ngày càng dâng cao. Nếu như những năm về trước, từ mép động dương ra đến chân sóng khoảng 500 m, nhiều đoạn còn xa hơn thì từ năm ngoái tới nay, khoảng cách đó thu hẹp lại còn chỉ khoảng 150-200 m. Những lần có gió mùa hoặc áp thấp nhiệt đới, chỉ cần mưa to dài ngày là nước biển đã tràn vào gần động dương rồi. Mỗi khi xem ti vi thấy dự báo thời tiết có bão vào miền Trung là chúng tôi lo ngay ngáy. Nếu động dương không còn thì nhà cửa của chúng tôi cũng trôi ra biển”, ông Ổn cho hay.
Tại huyện Gio Linh, mưa bão cuối năm 2020 đã làm xói lở gần 6 km bờ biển ở bãi tắm xã Gio Hải, nhiều đoạn ăn sâu vào đất liền gần 30m. Sóng lớn cũng làm 7 km rừng phi lao phòng hộ ở xã Trung Giang bị xói lở nghiêm trọng, có nơi ăn sâu vào đất liền 6 - 7 m. Tại huyện Triệu Phong, trên 10 km bờ biển dọc các xã Triệu Vân và Triệu Lăng bị sạt lở, có nơi ăn sâu vào đất liền từ 20 - 30 m. Còn tại huyện Vĩnh Linh, các đợt mưa lũ liên tiếp cuối năm 2020 đã gây thiệt hại trên 586 ha rừng phòng hộ ven biển, thiệt hại ước tính trên 10 tỉ đồng… Việc mất một phần rừng dương phòng hộ khiến chính quyền và người dân các xã vùng biển phải đối mặt với nỗi lo biển xâm thực, bồi lấp. Bởi vì, đối với các xã miền biển, rừng phòng hộ ven biển rất quan trọng, vừa tăng hiệu quả về môi trường sinh thái, vừa là “vành đai xanh” vững chắc, hạn chế sa mạc hóa, chắn sóng, chắn gió bảo vệ đất ở, đất sản xuất cho người dân, đặc biệt vào mùa mưa lũ.
Đã vài tháng trôi qua kể từ đợt mưa bão cuối năm ngoái, động dương gần nhà ông Ổn cũng như nhiều cánh rừng dương phòng hộ ven biển trong tỉnh vẫn chưa được phục hồi. Người dân bãi ngang mong muốn chính quyền, ban, ngành các cấp sớm vào cuộc để đánh giá, rà soát và đưa ra biện pháp xử lý kịp thời, đồng thời xem xét lập các dự án xây dựng kè biển chắn sóng ở những khu vực xung yếu. Có như vậy, họ mới yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.
Trần Thanh