(QT) - Hội Cựu chiến binh phường Đông Lương có tổng số 380 hội viên, sinh hoạt trong 8 chi hội là Chi hội khu phố 1, khu phố 2, khu phố 3 và các khu phố Trung Chỉ, Đại Áng, Vĩnh Phước, Lai Phước, Tân Vĩnh. Đông Lương là một vùng ven thành phố Đông Hà nên ở đây cũng có thể gọi là một phường “đa ngành nghề”. Nghĩa là người dân ở đây làm đủ nghề, từ kinh doanh đến làm ruộng, trồng cây, chăn nuôi gia súc gia cầm, đào ao nuôi cá, nuôi tôm...
![]() |
Đường qua phường Đông Lương, Đông Hà. Ảnh: PV |
Bên cạnh đó, đặc thù một phường có 8 khu phố mà chỉ có 3 khu phố có cư dân sống ở các trục đường nội thành, có điều kiện buôn bán, còn lại 5 khu phố nằm tách hẳn ra bên ngoài như các vùng nông thôn, thì không thể làm gì khác ngoài nông nghiệp. Trong sản xuất nông nghiệp ở Đông Lương có nhiều gia đình cựu chiến binh làm ăn giỏi, hàng năm có thu nhập rất cao như ông Nguyễn Hữu Quang ở khu phố Vĩnh Phước. Năm nay dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng cựu chiến binh 73 tuổi này vẫn quanh năm gắn bó với nghề nuôi tôm xuất khẩu. Hết nuôi tôm sú, ông lại nuôi tôm thẻ chân trắng.
Ao hồ ban đầu không rộng lắm, sau rồi thấy cái nghề này có thể “hái” ra tiền, ông đã dần mở rộng diện tích. Cho đến nay ông đã có trong tay 2,5 ha mặt nước ao hồ để nuôi tôm. Nghề nuôi tôm đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập cao qua từng năm. Tính bình quân mỗi năm, trừ chi phí các khoản, ông có lãi khoảng 600 triệu đồng, năm cao nhất, ông thu 1,1 tỷ đồng. Cựu chiến binh Trần Bá Quyệt ở khu phố Trung Chỉ lại làm giàu bằng cách khác. Đó là ông bám lấy nghề nuôi vịt đẻ lấy trứng, quyết tâm theo đuổi nghề này đến cùng.
Đàn vịt của ông lúc nào cũng duy trì khoảng 500 con. Cái nghề suốt ngày ngoài đồng, lúc nào cũng cái sào trên tay theo đàn vịt, kể từ khi chúng còn bé xíu cho đến khi trưởng thành, phải theo đàn vịt hết cánh đồng này sang cánh đồng khác, vất vả nhiều nhưng niềm vui đổi lại là qua mỗi ngày đàn vịt lại lớn lên trông thấy. Rồi khi vịt đẻ trứng thì niềm vui càng như được nhân lên bội phần. Nhiều năm nay cựu chiến binh Trần Bá Quyệt đã có thu nhập mỗi năm khoảng 180 triệu đồng từ chăn nuôi vịt.
Mô hình trang trại trồng cây lưu niên kết hợp thâm canh lúa hai vụ của cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Sang ở khu phố Tân Vĩnh, hay mô hình chăn nuôi tổng hợp của cựu chiến binh Ngô Giang Nam ở khu phố 2 cũng cho thu nhập cao hàng năm. Nếu như ông Nguyễn Ngọc Sang biết tận dụng vùng đất gò đồi để trồng tre Bát Độ lấy măng bán ra thị trường, thì ông Ngô Giang Nam lại phát triển chăn nuôi theo một hướng khác. Đó là cùng một lúc ông nuôi nhiều loài vật khác nhau. Trang trại chăn nuôi của ông không rộng nhưng có đủ các loài vật nuôi như lợn nái, lợn thịt, gà vịt, ngan, ngỗng, thỏ, bồ câu...
Tính bình quân cả ông Sang và ông Nam có thu nhập từ 150 đến 160 triệu đồng mỗi người một năm. Với lợi thế là một địa phương nửa nông thôn, nửa thành thị, ngoài sản xuất nông nghiệp, cựu chiến binh phường Đông Lương còn mở ra nhiều ngành nghề khác. Từ kinh doanh, dịch vụ buôn bán nhỏ, đến những nhà hàng, khách sạn, rồi các doanh nghiệp tư nhân, với số vốn đầu tư từ vài chục triệu cho đến hàng chục tỷ đồng. Cựu chiến binh thời mở cửa, do biết đầu tư, kinh doanh đúng hướng, đã có không ít người trở nên giàu có, trở thành những gương sáng trong làm ăn. Đi khắp các khu phố mới thấy hết được khí thế làm ăn của người dân nơi đây.
Ở Đông Lương có 5 xưởng mộc dân dụng do cựu chiến binh làm chủ. Đó là xưởng mộc của cựu chiến binh Lê Văn Thành, Lê Thuận Kiên ở khu phố 2; cựu chiến binh Nguyễn Hữu Phúc ở khu phố Tân Vĩnh; cựu chiến binh Nguyễn Văn Chương, Lê Tuấn Thăng ở khu phố 1. Cơ sở sản xuất của họ không lúc nào hết việc. Mặt hàng mộc dân dụng sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Vì vậy mà cả 5 cựu chiến binh không những có việc làm quanh năm, có thu nhập cao, ở mỗi cơ sở của họ còn tạo việc làm cho 4 đến 5 lao động, với mức tiền công từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng.
Tiêu biểu hơn cả là xưởng mộc của cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Văn Chương. Mỗi năm, trừ chi phí, xưởng mộc của anh cũng lãi được khoảng 250 triệu đồng. Nguyễn Văn Chương là một cựu chiến binh không những làm ăn giỏi mà còn là người gương mẫu trong tất cả các mặt. Anh đã vinh dự được Tỉnh ủy Quảng Trị tặng bằng khen vì đã có thành tích nổi bật trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Các nhà hàng phục vụ ăn uống, giải khát của các cựu chiến binh Bùi Đức My, Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Thị Liệu thường xuyên tạo việc làm cho 10 đến 12 lao động với mức tiền công trung bình từ 4 đến 5 triệu đồng/người/ tháng.
Hay như Doanh nghiệp tư nhân Xuân Hoa do cựu chiến binh Nguyễn Thị Thắm làm giám đốc, chuyên kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ cũng thường xuyên tạo việc làm cho 20 đến 30 lao động, với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Điều đáng nói là ở các nhà hàng hay các doanh nghiệp tư nhân này, người lao động không những có thu nhập ổn định, mà còn được đóng đầy đủ các loại bảo hiểm theo quy định. Hòa chung với khí thế đi lên của thành phố Đông Hà, phường Đông Lương cũng đang từng ngày thay da đổi thịt, quyết tâm phấn đấu vươn lên mạnh mẽ hơn nữa trong tiến trình đổi mới của quê hương, đất nước.
Ai có dịp đến đây, đi dọc các con phố thuộc địa bàn phường sẽ thấy đường sá bây giờ đã được rộng mở, mặt nhựa phẳng lỳ. Nhà cao tầng của khách sạn, nhà hàng, nhà ở của nhân dân... mỗi ngày mỗi mọc lên. Chợ búa tấp nập người mua bán. Nhà văn hóa, trường học, các điểm vui chơi du lịch... được xây dựng khang trang làm cho bộ mặt của Đông Lương thêm phần khởi sắc. Dọc các con phố là các quầy dịch vụ to nhỏ, bán đủ các mặt hàng. Rời phố xá, về vùng ven, đến với Đại Áng, Trung Chỉ, Lai Phước, Tân Vĩnh... sẽ gặp những cánh đồng lúa trải dài, những ao hồ nuôi trồng hải sản nối tiếp nhau, những rừng keo, bạch đàn xanh mướt màu xanh no ấm...
Nguyễn Ngọc Chiến