Hiệu quả từ chương trình “Vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ”
(QT) - Do thói quen, tập quán không xây dựng nhà vệ sinh mà đi bừa bãi ở ngoài thiên nhiên, những năm qua đồng bào dân tộc Vân kiều – Pa kô ở huyện miền núi Hướng Hóa thường xuyên phải gánh chịu những căn bệnh như tiêu chảy, sốt rét, ghẻ lở... Được sự hỗ trợ từ dự án Plan, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã triển khai chương trình “Vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ” (CLTS) tại 4 xã Húc, Thanh, A Xing, Xy nhằm thay đổi thói quen cho người dân trong thôn bản, qua đó thấy ...

Hiệu quả từ chương trình “Vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ”

(QT) - Do thói quen, tập quán không xây dựng nhà vệ sinh mà đi bừa bãi ở ngoài thiên nhiên, những năm qua đồng bào dân tộc Vân kiều – Pa kô ở huyện miền núi Hướng Hóa thường xuyên phải gánh chịu những căn bệnh như tiêu chảy, sốt rét, ghẻ lở... Được sự hỗ trợ từ dự án Plan, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã triển khai chương trình “Vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ” (CLTS) tại 4 xã Húc, Thanh, A Xing, Xy nhằm thay đổi thói quen cho người dân trong thôn bản, qua đó thấy được tầm trọng của việc làm nhà vệ sinh, thay đổi hành vi vệ sinh.

Kiểm tra chất lượng nhà vệ sinh ở thôn Xy La, xã Xy, huyện Hướng Hóa.

Chúng tôi có dịp theo đoàn cán bộ các xã thuộc huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình và cán bộ TTYT huyện Hướng Hóa đến kiểm tra, tham quan và học hỏi mô hình CLTS ở thôn Xy La, xã Xy, huyện Hướng Hóa. Anh Cù Giặc Hiền, quyền Trạm trưởng Trạm y tế xã Xy cho biết, cách đây vài năm, người dân có thói quen đi vệ sinh bừa bãi, chăn thả gia súc ở gần nhà và nguồn nước sinh hoạt. Phân người và động vật có thể theo những trận mưa trôi vào nguồn nước, người dân lại sử dụng chính nguồn nước đó để sinh hoạt nên dễ mắc nhiều bệnh, thậm chí đã có một số trường hợp tử vong vì nhiễm bệnh sốt rét. Chương trình CLTS đã tập trung vào việc tổ chức các khoá tập huấn và truyền thông cho người dân địa phương về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và hướng dẫn xây dựng một số mô hình nhà vệ sinh phù hợp. Ban đầu, người dân không mấy hào hứng và không muốn thay đổi thói quen sinh hoạt, nhưng khi được cán bộ y tế giải thích nguyên nhân những căn bệnh mà bà con thường gặp là do thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, ngoài ra những lớp tập huấn ngoài trời với những ví dụ sinh động và sát thực tế đã giúp người dân hiểu rõ và quyết tâm thực hiện. Anh Hồ Văn Miên sống ở thôn Xy La cho biết: “Từ khi làm nhà vệ sinh và xây dựng chuồng trại cho vật nuôi, gia đình tôi ít mắc bệnh, mùi hôi thối cũng giảm hẳn. Sắp tới có tiền, tôi sẽ nâng cấp nhà vệ sinh cho chắc chắn hơn”. Mặc dù chương trình chỉ hỗ trợ kỹ thuật xây dựng và cấp xà phòng miễn phí cho bà con rửa tay, còn lại chi phí xây dựng hoàn toàn do người dân chi trả, nhưng tất cả các hộ trong 2 thôn của xã Xy đều hài lòng về hiệu quả chương trình. Nhiều hộ dân thuộc các thôn bản khác cũng đã đến học tập và áp dụng tại hộ gia đình của mình. Ông Hồ A Rơi, trưởng thôn XyCreo, xã Xy bày tỏ: “Nhận thấy sự thay đổi của thôn Xy La, bà con thôn XyCreo rất muốn học tập mô hình xây dựng nhà vệ sinh. Sắp tới, chương trình sẽ đến với thôn, nhà nào cũng sẽ ủng hộ và làm theo”. Hiện tại, những thôn triển khai chương trình CLTS thuộc 4 xã Húc, Thanh, A Xing, Xy thì 100% hộ dân đã xây dựng nhà vệ sinh theo đúng mô hình của chương trình. Anh Võ Minh Phương, cán bộ TTYT huyện Hướng Hóa, thành viên BQL chương trình CLTS nói: “Sắp tới chương trình sẽ tiếp tục triển khai ở toàn bộ các thôn bản 4 xã Húc, Thanh, A Xing, Xy. Chương trình sẽ tiếp tục vận động các hộ làm nhà vệ sinh, cải tiến các loại hình nhà vệ sinh phù hợp hơn.” Bài, ảnh: LÂM HƯNG THƠ