Cần tháo gỡ vướng mắc cho mô hình “Một cửa, một lần dừng”
(QT) - Với sự nỗ lực cao của các cấp, ngành, đơn vị, địa phương liên quan của hai nước Việt Nam- Lào, mô hình “Một cửa, một lần dừng” được triển khai tại cặp Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo - Đen Sa Vẳn đã thu được nhiều thành quả. Tuy nhiên, quá trình thực hiện mô hình vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần được tập trung tháo gỡ.

Cần tháo gỡ vướng mắc cho mô hình “Một cửa, một lần dừng”

(QT) - Với sự nỗ lực cao của các cấp, ngành, đơn vị, địa phương liên quan của hai nước Việt Nam- Lào, mô hình “Một cửa, một lần dừng” được triển khai tại cặp Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo - Đen Sa Vẳn đã thu được nhiều thành quả. Tuy nhiên, quá trình thực hiện mô hình vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần được tập trung tháo gỡ.

Hành khách làm thủ tục thông quan tại Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo​

Tín hiệu vui

Những ngày giữa tháng 3, khi làm thủ tục xuất, nhập cảnh tại cặp Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo - Đen Sa Vẳn, hành khách rất phấn khởi bởi từ khi triển khai bước 4 của mô hình “Một cửa, một lần dừng”, các cơ quan quản lí chuyên ngành của hai nước Việt Nam và Lào gần như tiến hành đồng thời những thủ tục liên quan tại nước nhập. Vì thế, việc xuất, nhập cảnh của hành khách diễn ra thuận lợi hơn. Thời gian chờ đợi, di chuyển và làm thủ tục tại cửa khẩu của hành khách được rút ngắn. Chị Nguyễn Thị Thảo ở thành phố Đông Hà chia sẻ: “Do đặc thù công việc, tôi thường xuyên sang Lào, rồi về Việt Nam. Trước đây, mỗi lần làm thủ tục, tôi mất nhiều thời gian, rất mệt mỏi. Nay thủ tục đơn giản nhiều so với trước nên tôi thấy thoải mái hơn”.

Chung quyết tâm triển khai mô hình “Một cửa, một lần dừng”, từ năm 2005, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương của hai nước Việt Nam và Lào đã tiến hành bước đầu tiên là kí kết biên bản ghi nhớ phối hợp để cùng nhau kiểm tra hàng hóa một lần tại khu vực kiểm tra chung của nước nhập cảnh. Tiếp đó, ở bước 2 và 3, các cơ quan Hải quan và Kiểm dịch thực vật của hai nước phối hợp làm việc với nhau để thực hiện các thủ tục liên quan tại nước nhập. Bắt đầu từ năm 2015, bước 4 của mô hình “Một cửa, một lần dừng” được triển khai. Theo đó, tất cả các cơ quan có thẩm quyền phối hợp để thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm tra được Chính phủ hai nước thống nhất. Tại khu vực cửa khẩu hai nước, lực lượng chức năng được bố trí phòng làm việc cùng nhau để phối hợp làm nhiệm vụ ở khu vực kiểm tra chung của nước nhập. Hành khách, phương tiện, hàng hóa xuất, nhập cảnh chỉ dừng lại một lần để làm các thủ tục cần thiết. Trong năm 2018, có 539 nghìn lượt người và 137 nghìn lượt phương tiện xuất nhập cảnh qua cặp Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo - Đen Sa Vẳn, cao hơn so với hai năm trước đó.

Sau 14 năm thực hiện thí điểm tại cặp Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo - Đen Sa Vẳn, mô hình “Một cửa, một lần dừng” đã gặt hái nhiều thành quả. Bước đầu, mô hình đã góp phần tích cực trong việc đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch và thúc đẩy giao thương giữa biên giới hai nước Việt Nam - Lào. Nhờ mô hình “Một cửa, một lần dừng”, thời gian chờ đợi, di chuyển và làm thủ tục tại cửa khẩu rút ngắn được 40 - 50%. Hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh diễn ra minh bạch. Các cán bộ, chiến sĩ các cơ quan quản lí biên giới có điều kiện nâng cao năng lực, tinh thần hợp tác để làm tốt nhiệm vụ. Nhiều công trình thiết yếu tại khu vực cửa khẩu được đầu tư, xây dựng mới hoặc duy tu, sửa chữa, nâng cấp. Đặc biệt, hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet đã phát huy được vai trò đầu cầu trên tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội; thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước…

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Quảng Trị là nơi đầu tiên ở châu Á thực hiện cơ chế “một cửa” giữa hai quốc gia trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh. Điều này không chỉ mang lại kết quả có ý nghĩa tầm quốc gia trong xu thế hội nhập khu vực và cải cách hành chính trong lĩnh vực hải quan mà còn đem lại kinh nghiệm thực tiễn bổ ích ở tầm quốc tế đối với cơ chế “một cửa” và sau này là cơ chế “Một cửa quốc gia”, “Một cửa ASEAN”. Vì thế, quá trình triển khai thực hiện mô hình “Một cửa, một lần dừng” luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương. Mô hình cũng đã nhận được sự giúp đỡ, quan tâm tài trợ từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và một số đối tác khác.

Vẫn còn rào cản

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện mô hình “Một cửa, một lần dừng” vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc, trước tiên là cơ sở pháp lí chưa được hoàn thiện. Thời gian qua, các bộ, ngành của hai nước Việt - Lào đã lần lượt kí các biên bản ghi nhớ chuyên ngành để phối hợp thực hiện mô hình. Riêng Bộ Y tế Việt Nam và Lào vẫn chưa kí được biên bản ghi nhớ. Trong khi đó, do quy định pháp luật của mỗi bên khác nhau nên một số cặp bộ, ngành tuy đã kí biên bản ghi nhớ chung nhưng lại thực hiện không thống nhất. Một thực tế khác là hai bên vẫn chưa xây dựng được quy chế phối hợp giữa lực lượng chuyên ngành. Đây chính là nguyên nhân làm nảy sinh những bất cập trong công tác kiểm tra, giám sát tại khu vực kiểm tra chung.

Năm 2005, biên bản ghi nhớ về mô hình “Một cửa, một điểm dừng” được đàm phán và kí kết trong giai đoạn Hải quan hai nước đang triển khai thủ tục hải quan truyền thống, bước đầu chuyển sang hải quan hiện đại. Vì vậy, giai đoạn 2005 - 2014, trong khi thực hiện các bước 1, 2, 3 của mô hình, việc xem xét đưa các lực lượng chức năng hai bên qua cửa khẩu đối diện để cùng làm thủ tục là phù hợp. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, Hải quan hai nước, nhất là Hải quan Việt Nam đã chuyển sang thực hiện thủ tục Hải quan điện tử. Từ đây, việc quản lí rủi ro và thông quan cho hàng hóa, phương tiện được xử lí trên hệ thống dữ liệu điện tử, hạn chế thấp nhất sự tiếp xúc của doanh nghiệp với các cơ quan giải quyết thủ tục. Vì thế, việc lực lượng chức năng hai bên cùng làm nghiệp vụ thông quan hàng hóa chung một điểm không còn phù hợp nữa.

Trong triển khai mô hình “Một cửa, một lần dừng”, vấn đề cơ sở hạ tầng và bố trí nguồn nhân sự tác nghiệp cũng là bài toán khó. Dù được quan tâm đầu tư, xây dựng và nâng cấp, sửa chữa nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động của mô hình của cả hai bên Việt - Lào vẫn chưa thực sự đồng bộ, nhất là tại khu vực kiểm tra chung phía Lào. Hiện nay, lực lượng chức năng tại cặp Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo - Đen Sa Vẳn làm việc kéo dài từ 7 giờ sáng đến 22 giờ tối. Trong bối cảnh tinh giản biên chế, hầu hết các ngành chức năng của hai bên đều thiếu nhân sự để bố trí cho các ca trực. Vì thế, việc bổ sung chỉ tiêu biên chế nhằm phục vụ công tác kiểm tra là rất cần thiết.

Ngoài những vấn đề trên, phía Lào cũng như Việt Nam còn có những khó khăn, vướng mắc riêng. Theo phản ánh, các lực lượng chức năng Lào vẫn yêu cầu kiểm tra riêng một số lô hàng và phương tiện vốn làm thủ tục ở khu vực kiểm tra chung phía Việt Nam. Khi có dấu hiệu vi phạm, có trường hợp cơ quan chức năng Lào còn yêu cầu đưa phương tiện và hàng hóa trở về phía Lào để giải quyết. Điều nay là chưa phù hợp với quy định tại khu vực kiểm tra chung mà Chính phủ và các bộ hai bên đã kí kết. Trong triển khai mô hình, phía Lào còn chưa bố trí đủ lực lượng tại các vị trí làm việc theo quy định; chưa tuân thủ nguyên tắc bố trí máy móc, phương tiện kiểm tra hàng hóa; vẫn còn xuất hiện các chốt, trạm kiểm tra, giám sát sau cửa khẩu trên các tuyến đường vào nội địa Lào… Về phía Việt Nam, một số khó khăn, bất cập phải kể đến là: Chưa phân định rõ cơ quan chủ trì làm thủ tục kiểm tra đối với phương tiện qua lại cửa khẩu; cơ quan kiểm dịch động vật chưa có điều kiện thực hiện đúng quy trình về kiểm dịch động vật; việc hợp tác xây dựng khu kinh tế biên giới vẫn chưa thông suốt…

Để mô hình “Một cửa, một lần dừng” thực sự phát huy hiệu quả, việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trên là hết sức cần thiết. Điều này cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, đơn vị, địa phương liên quan của hai nước. Từ đây, mô hình “Một cửa, một lần dừng” mới có thể thu được thành công và nhân rộng tại các cặp cửa khẩu khác trên toàn quốc.

Tây Long