Dựng “nhà” cho người đã khuất
(QT) - Không máu mủ ruột rà, không họ hàng thân thích với những phần mộ vô danh nằm rãi rác trên rừng rú, cánh đồng, vườn nhà, những người chết đầu đường xó chợ từ hàng trăm năm trước đến tận hôm nay, thế nhưng, những người dân làng Huỳnh Công Tây (Vĩnh Tú, Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã đem tấm chân tình xây dựng nghĩa địa âm hồn làm ngôi nhà chung cho người đã khuất. Đến hôm nay đã trở thành nét đẹp trong truyền thống văn hóa của làng khi cứ vào ngày mồng 4 Tết Nguyên đán, rằm tháng tư, tháng bảy, ...

Dựng “nhà” cho người đã khuất

(QT) - Không máu mủ ruột rà, không họ hàng thân thích với những phần mộ vô danh nằm rãi rác trên rừng rú, cánh đồng, vườn nhà, những người chết đầu đường xó chợ từ hàng trăm năm trước đến tận hôm nay, thế nhưng, những người dân làng Huỳnh Công Tây (Vĩnh Tú, Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã đem tấm chân tình xây dựng nghĩa địa âm hồn làm ngôi nhà chung cho người đã khuất. Đến hôm nay đã trở thành nét đẹp trong truyền thống văn hóa của làng khi cứ vào ngày mồng 4 Tết Nguyên đán, rằm tháng tư, tháng bảy, người dân trong làng tự nguyện mang cuốc xẻng ra chăm sóc từng phần mộ, mang hương hoa, bánh trái, món ăn tổ chức lễ cúng tế độ vong linh người đã khuất… Thắp những nén hương thơm lên bia thờ và các phần mộ tại nghĩa địa âm hồn, lòng chúng tôi cảm thấy ấm áp hẵn lên, và tin rằng những người ở thế giới bên kia chắc hẵn những linh hồn cũng không còn cảm thấy cô đơn, lạnh lẽo.

Nghĩa địa âm hồn không chỉ sưởi ấm linh hồn người đã khuất mà còn là nét đẹp văn hóa của người dân Huỳnh Công Tây

Ông Trần Duy Anh, Hội phó Hội Người cao tuổi làng Huỳnh Công Tây cho biết: “Công việc chăm sóc các phần mộ không rõ nguồn gốc, không rõ tên tuổi được dân làng làm từ rất lâu, không rõ năm nào. Đến năm 2002, Hội Người cao tuổi của làng đã làm đơn xin các cơ quan chức năng đồng ý cho cất bốc mồ mả của các phần mộ vô danh nằm rải rác khắp nơi tập trung về một điểm để thuận lợi trong việc chăm sóc, hương khói cho người đã khuất. Đồng thời vận động bà con trong làng, con em xa quê hương đóng góp kinh phí để xây khu nghĩa địa khang trang”. Những người chết ở các ngôi mộ vô chủ được quy tập về nghĩa địa âm hồn là những người tha phương cầu thực khắp tứ phương, chết vì đói, rét, bệnh tật, tai nạn… trong đó, nhiều nhất là vào những năm 1945- 1947, nạn đói hoành hành, nhiều người ở miền Bắc dạt vào rồi chết vì sức cùng, lực kiệt, rồi những người trong làng không có con nối dõi tông đường, có con gái đi lấy chồng xa rồi bặt vô âm tín, người già cả, cô đơn không nơi nương tựa chết đi mà không có người chăm sóc. Đặc biệt, đây cũng là khu căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến nên rất có thể dưới những phần mộ “vô danh” kia có thể có những chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống. Ông Trần Hữu Chư, người có nhiều tâm huyết với việc làm thấm đượm nghĩa tình này cho biết thêm: “Nói gì thì nói, chứ người dân Huỳnh Công rất khẳng khái, hào hiệp, bao dung và sâu nặng nghĩa tình. Khi nghĩ cho mình rồi vẫn không quên nghĩ đến những người xung quanh. Đó là khi năm hết, tết đến, ông bà tổ tiên mình được con cháu chăm sóc, thờ phụng và hương khói, bánh trái đầy đủ, được sưởi ấm linh hồn thì những phần mộ ngoài kia cỏ dại mọc um tùm, mộ bị dập nát bởi trâu bò, thú hoang, không được ai chăm sóc, lạnh lẽo trong mưa gió, tội nghiệp biết bao. Xuất phát từ đó, người dân làng đã tự nguyện hàng năm vào ngày mồng 4 Tết Nguyên đán cùng nhau xủi mả âm hồn (đắp, làm cỏ các phần mộ vô chủ)”. Năm 2008, nghĩa địa âm hồn được xây dựng khang trang trên diện tích 1.000 m 2 với cổng chào, bia thờ chung và 400 phần mộ xây bằng xi măng với tổng số tiền xây dựng trên 60 triệu đồng. Những ngôi mộ lạnh lẽo, cô quạnh, bị hư hỏng, cày nát đã được người dân trong làng chăm sóc, hương khói như chăm sóc phần mộ của gia đình mình vào ngày mồng 4 Tết, các ngày rằm tháng 4, tháng 7... Tôi bước đi quanh khu nghĩa địa âm hồn, lòng ấm lại trước tình người dành cho những phận đời không may khi giã từ trần gian. Ông Chư thắp những nén hương thơm lên bia thờ chung và tiếp tục kể cho chúng tôi nghe về những âm hồn ở khu nghĩa địa này: “Trong 400 người chết nằm dưới 400 phần mộ kia, chỉ có hai người xác định được danh tính. Một là ông Nguyễn Văn Bếp bị hổ ăn thịt vào năm 1945 và bà Trần Thị Doi mất vì tuổi cao sức yếu, là người có công với cách mạng. Cả hai người đều có điểm chung đó là người trong làng Huỳnh Công Tây, không còn ai thân thích trên cõi đời này nên khi mất đi được dân làng tổ chức lễ tang và lấy chung ngày 4 Tết Nguyên đán làm ngày giỗ”. Ngày mồng 4 Tết Nguyên đán đã trở thành ngày hội lớn của làng để mọi người tự nguyện chung tay chăm sóc cho những linh hồn phiêu dạt được mồ yên, mả đẹp, có được ngày giỗ đầy đủ trong nhang khói, bánh trái quê hương. Ông Chư cho biết thêm, hàng năm, vào ngày mồng 4 tết, cả làng tự nguyện đi xủi mả âm hồn. Dọc theo địa bàn dân cư, chia ra 3 nhóm phụ trách 3 khu vực, bắt đầu xủi từ gần đến xa. Xóm trên bắt đầu xủi từ rú Cấm ra động bên làng cho đến điểm cuối là Trôốc Bàu Mốc, xóm giữa bắt đầu xủi từ rú Cấm ra động ông Đồn, điểm cuối là Bợc nhà Tươi, và xóm dưới bắt đầu xủi từ rú Cấm ra đến động Khe, đến điểm cuối là Trôốc Hầm. Đến trưa, cả ba nhóm tập trung về tại Trôốc Hầm. Tại đây, người dân đắp sẵn một cái cồn hình vuông, bề mặt bằng phẳng để trải chiếu và đặc các mâm cỗ. Bên cạnh đó, bà con trong làng mỗi nhà tự nguyện làm một mâm bánh tét 4 người ăn, trong mâm có 4 đĩa, mỗi đĩa có 5 lát bánh tét, ở giữa mâm có 1 liễn mật mía để quét với bánh. Điều đặc biệt là tuy mỗi nhà tự nguyện làm mỗi mâm nhưng đều phải theo công thức này, chỉ được thay thế liễn mật bằng một thức ăn mặn khác, thường là một đĩa cá rô nướng kho với gừng, kèm theo một đĩa thịt heo kho tàu. Mỗi người mang mâm đến tại cồn để cúng, cúng bái xong, mâm được dọn ra ăn tại chỗ. Người đi xủi mả tùy theo đông hay ít đều phải ngồi đủ các mâm, dẫu mâm chỉ có 1- 2 người đều phải san ra, để mâm nào cũng được ăn cả. Lúc đó, người gánh mâm ra về khi kết thúc lễ cúng mới cảm thấy vui vẻ. Ông Trần Hữu Chút, người dân trong làng chia sẻ: “Mỗi lần đến tham dự lễ hội và được bày tỏ lòng thành kính với những người đã khuất, tôi cảm thấy rất vui, lòng mình cũng được thanh thản vì đã góp phần làm yên lòng người đã khuất. Tôi mong muốn mọi người tiếp tục duy trì hoạt động thường niên đầy ý nghĩa này, không chỉ chăm sóc cho người đã khuất mồ yên mả đẹp mà còn góp phần giáo dục con cháu lòng yêu thương, biết đùm bọc, sẻ chia giúp đỡ mọi người trong cuộc sống”. Ông Anh tâm sự: “Hiện nay, vẫn còn gần 300 ngôi mộ vô chủ đang nằm rải rác khắp nơi, vẫn chưa quy tập về nghĩa địa âm hồn được vì chưa đủ kinh phí. Nhưng vài ba năm nữa, khi thu hoạch gần 5 ha rừng tràm của 3 chi hội người cao tuổi trong làng, chúng tôi sẽ lấy tiền đó quy tập, xây dựng nghĩa địa khang trang hơn. Bây giờ, việc trước mắt của chúng tôi là vẫn làm công việc thấm đượm nghĩa tình này ở nghĩa địa và chăm sóc các phần mộ đang nằm khắp nơi”. Rời Huỳnh Công Tây, chúng tôi vô cùng cảm kích trước nghĩa tình người dân ở đây, sống có trước có sau, không chỉ sống cho riêng mình để sưởi ấm linh hồn người đã khuất... Bài, ảnh: NGUYỄN MINH ĐỨC