Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện, thực chất, gắn với xây dựng nông thôn mới
* Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gio Linh TRẦN VĂN QUẢNG trả lời phỏng vấn

Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện, thực chất, gắn với xây dựng nông thôn mới

* Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gio Linh TRẦN VĂN QUẢNG trả lời phỏng vấn

-Thưa ông! Đề nghị ông cho biết Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Gio Linh nhiệm kỳ 2020-2025 đã chỉ rõ nội dung phát huy thế mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp như thế nào?

-Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Gio Linh lần thứ XVII. Đây cũng là năm ngành nông nghiệp, nông thôn huyện Gio Linh vượt qua nhiều khó khăn trong việc khắc phục hậu quả nghiêm trọng của thiên tai cuối năm 2020 cũng như tác động từ bên ngoài của hội nhập, cạnh tranh để phát triển với những chuyển biến tích cực đáng ghi nhận từ sáu tháng đầu năm, làm tiền đề cho phát triển nửa năm tới.

Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ trước, nhất là trên lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển nông nghiệp nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của huyện. Đó là phấn đấu đến năm 2025, tổng sản lượng lương thực có hạt bình quân hằng năm là 40.000 tấn/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 80 - 82 triệu đồng/ năm. Mức giảm tỉ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều bình quân hằng năm là 1-1,4%. Đồng thời, xác định các dự án trọng điểm, các lĩnh vực đột phá để phát triển kinh tế, xã hội. Theo đó, xây dựng đề án và xác định lĩnh vực đột phá trong nông nghiệp: “Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị”, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao đời sống cho người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Để cụ thể hóa nghị quyết đại hội, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ huyện đã ban hành Chương trình hành động thực hiện nghị quyết, trong đó chương trình phát triển kinh tế có 8 chỉ tiêu chính với 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, cụ thể: Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích. Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Phát triển công nghiệp - xây dựng trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Phát triển thương mại - dịch vụ, du lịch, thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, du lịch. Phát triển các thành phần kinh tế, chú trọng hiệu quả kinh tế tư nhân. Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở ngày càng hoàn thiện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách, tranh thủ và huy động tối đa các nguồn vốn cho phát triển. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên môi trường.

Để sớm đưa các nội dung này của nghị quyết vào cuộc sống, Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nội dung trọng tâm, cụ thể là: Hoàn thành Quy hoạch sử dụng đất của huyện giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch sử dụng đất năm 2021. Tổng kết Nghị quyết số 05 năm 2013 của Huyện ủy về xây dựng nông thôn mới, đồng thời chuẩn bị ban hành nghị quyết chuyên đề xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025. Tổng kết, đánh giá, bổ sung các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục triển khai các chương trình, đề án phát triển kinh tế của huyện ban hành trong nhiệm kỳ 2015- 2020. Tiến hành phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo, BCH phụ trách các xã, thị trấn trên cơ sở tình hình thực tiễn của địa phương để xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện nghị quyết đại hội với quyết tâm chính trị cao nhất.

Đánh bắt thủy hải sản xa bờ là thế mạnh của huyện Gio Linh -Ảnh: TÚ LINH

-Một trong những điểm nhấn nổi bật của Huyện ủy Gio Linh thời gian qua là lãnh đạo tốt việc phát huy khai thác tiềm năng, thế mạnh của lĩnh vực thủy hải sản nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, cũng như góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Xin ông cho biết những kết quả đã đạt được về nội dung này?

-Được xác định là một trong 3 vùng kinh tế trọng điểm của huyện, những năm gần đây kinh tế vùng cát và miền biển được đảng bộ huyện chú trọng, nhất là từ sau khi có Chương trình hành động số 144-CTHĐ/ TU ngày 24/4/2019 của Tỉnh ủy Quảng Trị thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, BCH Đảng bộ huyện đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 144 trên địa bàn huyện với mục tiêu tổng quát: “Phát triển huyện Gio Linh trở thành một trong những địa phương phát triển mạnh và bền vững về kinh tế biển; kinh tế biển thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện và đạt các chỉ tiêu về phát triển bền vững, từng bước hình thành môi trường sinh thái biển, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đảm bảo vệ sinh môi trường, ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ biển, bảo tồn và phát huy hệ sinh thái biển hiện có; gắn kết phát triển kinh tế với phát triển văn hóa xã hội, phát triển con người của cộng đồng dân cư biển và ven biển; củng cố, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên vùng biển và khu vực ven biển của huyện”.

Hiện nay, toàn huyện có 939 tàu thuyền cơ giới với tổng công suất 80.474CV hoạt động khai thác và dịch vụ thủy sản; trong đó có 154 tàu có chiều dài từ 15 m trở lên, có công suất mỗi chiếc từ 400CV trở lên, 18 tàu có chiều dài từ 24 m trở lên được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động. Năm 2020, diện tích nuôi thủy sản ước đạt hơn 711ha, đạt hơn 101% kế hoạch, đạt hơn 99% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng thủy, hải sản khai thác và nuôi trồng năm 2020 ước đạt hơn 17.370 tấn, đạt hơn 113% kế hoạch, bằng 113,96% so với cùng kỳ. Sáu tháng đầu năm 2021 vừa qua các chỉ tiêu trên đạt rất tốt. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, trung bình hằng năm tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy hải sản của huyện Gio Linh chiếm hơn 60% toàn tỉnh, trong đó có nhiều đặc sản nổi tiếng như cá thu, cá mú, tôm, mực. Dịch vụ hậu cần nghề cá trong thời gian qua phát triển mạnh. Trên địa bàn huyện có 292 cơ sở kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá, giải quyết hơn 275 lao động. Cảng Cửa Việt đã đưa vào khai thác 3 cầu cảng, phát huy tốt chức năng dịch vụ vận tải đường thủy nội địa và đường biển. Trong sản xuất nổi bật lên các mô hình như lưới rê chuồn khơi tại xã Trung Giang; chuyển đổi nghề khai thác lưới kéo (giã cào) sang khai thác lưới rê tại Gio Hải cho năng suất cao. Mô hình thủy sản nuôi xen ghép: Tôm - cua - cá (cá diêu hồng, cá nâu, cá dìa, cá đối mục, cua, cá chình...) ở Trung Giang, Gio Mai cho thu nhập 80- 100 triệu/ha. Mô hình nuôi tôm thâm canh trên cát ở Trung Giang năng suất 20 đến 30 tấn/ha, trị giá 170 đến 240 triệu đồng/ tấn...Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển kinh tế biển nói chung và lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy, hải sản nói riêng, huyện đã đề ra 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình phát triển của địa phương và khu vực.

-Ông có thể cho biết đâu là những chủ trương, giải pháp nổi bật được huyện đề ra nhằm thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của Gio Linh lên một tầm cao hơn?

-Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII đã đề ra những chủ trương, biện pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của Gio Linh gắn với định hướng phát triển chung của tỉnh. Đó là tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện, thực chất, gắn với xây dựng nông thôn mới, hình thành nền nông nghiệp hàng hóa theo tín hiệu thị trường. Những bước đi phù hợp này sẽ góp phần giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho một lượng lớn lao động nông thôn. Chú trọng vai trò của các cơ quan nhà nước, cần tăng kiến tạo, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân nhiều hơn bằng chính sách để người nông dân và doanh nghiệp tự tin trong bước chuyển đổi từ sản xuất ra nhiều nông sản, sang làm ra nhiều giá trị gia tăng từ nông sản và nâng cao thu nhập từ kinh doanh trong nông nghiệp. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, phấn đấu đưa huyện về đích nông thôn mới trước năm 2025, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn gắn với bảo vệ môi trường sống. Huy động các nguồn lực, kết hợp nhiều chương trình, dự án để đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu phát triển, chú trọng đầu tư giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, các công trình thủy lợi, đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; quan tâm xây dựng nhà máy chế biến thủy hải sản để tạo thêm việc làm cho lao động, tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu.

Triển khai thực hiện đồng bộ Chương trình hành động số 144-CTHĐ/TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của BCH Trung ương khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của Chương trình phát triển kinh tế vùng biển. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục Nhân dân chấp hành tốt Luật biển Việt Nam 2012, các cam kết, thoả thuận của Việt Nam với quốc tế và khu vực về đánh bắt, khai thác hải sản, góp phần bảo về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

-Xin cảm ơn ông!

Tú Linh (thực hiện)