Lớp học “i tờ” nơi rẻo cao Hướng Linh
(QT) - Từ 2 tháng nay, hơn 40 học viên người đồng bào dân tộc thiểu số ở 3 thôn khó khăn nhất của xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa độ tuổi từ 15- 60 tuổi cứ “ngày lên rẫy, đêm đến lớp” để miệt mài học vỡ lòng từng con chữ.

Lớp học “i tờ” nơi rẻo cao Hướng Linh

(QT) - Từ 2 tháng nay, hơn 40 học viên người đồng bào dân tộc thiểu số ở 3 thôn khó khăn nhất của xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa độ tuổi từ 15- 60 tuổi cứ “ngày lên rẫy, đêm đến lớp” để miệt mài học vỡ lòng từng con chữ.

Giáo viên Trường TH&THCS Hướng Linh hướng dẫn môn Tiếng Việt cho bà Pỉ Hòa​

Hướng Hoá là huyện vùng cao, biên giới với gần 50% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng. Tại các thôn bản vùng khó vẫn còn những người dân chưa biết chữ. Trước thực trạng trên, ngành giáo dục huyện Hướng Hoá đã tiến hành mở các lớp xoá mù chữ nhằm góp phần nâng cao trình độ dân trí, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Đã thành thói quen, từ thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần, sau một ngày lao động, nhiều chị em phụ nữ thôn Mới, xã Hướng Linh lại dành thời gian mỗi tối để tham gia lớp học xóa mù chữ. Được sự tuyên truyền, vận động của cán bộ thôn, của giáo viên về ý nghĩa, lợi ích của việc học chữ nên nhiều chị em trong bản tích cực tham gia lớp học. Tại đây, học viên được học các môn Tiếng Việt và Toán cơ bản. Giáo án chương trình được giáo viên hoàn chỉnh dựa trên nhu cầu thực tế và trình độ của học viên. Hiện tại Trường TH&THCS Hướng Linh đã tổ chức 3 lớp tại 3 thôn khó khăn nhất với hơn 40 học viên trong độ tuổi từ 15- 60 tuổi.

Năm nay đã 60 tuổi, bà Pỉ Hòa ở thôn Mới, xã Hướng Linh chưa từng nghĩ đến sẽ có ngày mình đọc được sách báo, xem được thông tin trên tivi như bây giờ. Bà Pỉ Hòa kể, ở độ tuổi như bà ngày xưa lớn lên làm lụng phụ giúp gia đình rồi lấy chồng với lại thời ấy cũng chẳng có trường lớp để học. “Hồi xưa chỉ mong có cái ăn cho khỏi đói thôi chứ có nghĩ gì đến chữ nghĩa đâu. Nay cuộc sống ở bản làng đã thay đổi, văn minh hơn nên tôi cũng mong muốn biết cái chữ để đọc sách báo, xem tivi, tính toán lúc mua bán hàng hóa, nông sản và cả tham gia sinh hoạt văn hóa văn nghệ nữa! Khi biết có lớp học xóa mù chữ, nhiều dân bản háo hức lắm, nhiều người chưa biết chữ đã hăng hái đăng kí đi học”, bà Pỉ Hòa hào hứng nói. Theo bà Pỉ Hòa, trước đây chỉ vì không biết chữ nên việc tiếp cận thông tin với bà rất khó khăn. Khi lớp xóa mù chữ được Trường TH&THCS Hướng Linh mở ra ngay tại bản, bà đã đăng kí rất sớm để thỏa mong ước biết chữ của mình. Tuy mới đến lớp được hơn 2 tháng nhưng nhờ sự chăm chỉ, nỗ lực, giờ đây bà Pỉ Hòa đã biết đọc, biết viết.

“Được các giáo viên chỉ dạy rất nhiệt tình nên tôi cũng như nhiều người khác học hiểu khá nhanh. Khi tự cảm thấy tiến bộ là mình ham học lắm, ai cũng cố gắng hết sức luyện đọc, viết Tiếng Việt và học Toán. Từ ngày đi học, hằng ngày dân bản chúng tôi dù có đi nương rẫy hay lao động mệt nhọc thế nào nhưng cứ tối đến là luôn đến lớp rất sớm. Học được cái chữ, đọc được sách báo và biết được nhiều việc khác chúng tôi rất là vui” bà Pỉ Hòa nói thêm. Chia sẻ với chúng tôi, thầy Nguyễn Quang Hùng, giáo viên Trường TH&THCS Hướng Linh nói: “Trường phân công nhiều giáo viên phụ trách và trực tiếp dạy các môn cho các học viên. Hiện tại, do các lớp mới mở nên điều kiện dạy còn rất nhiều khó khăn. Với lại thời gian học ban đêm nên giáo viên chúng tôi cũng khá vất vả. Tuy vậy, thấy được sự nhiệt tình, ham học tập của người dân nên chúng tôi cũng có thêm động lực tiếp tục giảng dạy, giúp họ học được cái chữ để phục vụ cuộc sống tốt hơn”.

Việc mở các lớp học xóa mù chữ tại các xã vùng khó của huyện Hướng Hóa thực sự mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Học được cái chữ không chỉ giúp người dân biết đọc, biết viết, biết tính toán mà còn biết tiếp cận thông tin, mở mang kiến thức và áp dụng vào cuộc sống, góp phần nâng cao dân trí. Thầy Lê Minh Quốc, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Hướng Linh cho biết: “Lớp xóa mù chữ tuy mới đi vào dạy và học nhưng đã được bà con hưởng ứng nhiệt tình. Nhiều người đã biết đọc, biết viết. Tuy nhiên hiện tại chúng tôi cũng gặp phải những khó khăn, đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia lớp. Thời gian tới chúng tôi sẽ cố gắng vận động những người chưa biết chữ tham gia lớp học đông đủ hơn”.

Hiếu Giang