Đakrông chú trọng thâm canh lúa nước
(QT) - Là một huyện miền núi địa hình phức tạp, khó khăn về thủy lợi nên Đakrông (Quảng Trị) thường xuyên bị thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp. Mặc dù vậy, trong những năm qua, với sự quan tâm của trung ương, tỉnh, huyện và của nhiều chương trình dự án khác, huyện Đakrông đã mở rộng diện tích lúa nước giúp người dân ổn định sản xuất. Hàng năm, cùng với việc khai hoang tăng diện tích lúa nước, huyện đã quan tâm đầu tư hướng dẫn nông dân các biện pháp thâm canh lúa nước để tăng hiệu quả trên ...

Đakrông chú trọng thâm canh lúa nước

(QT) - Là một huyện miền núi địa hình phức tạp, khó khăn về thủy lợi nên Đakrông (Quảng Trị) thường xuyên bị thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp. Mặc dù vậy, trong những năm qua, với sự quan tâm của trung ương, tỉnh, huyện và của nhiều chương trình dự án khác, huyện Đakrông đã mở rộng diện tích lúa nước giúp người dân ổn định sản xuất. Hàng năm, cùng với việc khai hoang tăng diện tích lúa nước, huyện đã quan tâm đầu tư hướng dẫn nông dân các biện pháp thâm canh lúa nước để tăng hiệu quả trên một đơn vị diện tích. Thông qua các mô hình trình diễn, huyện nhân rộng mô hình thâm canh lúa nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số. Vụ hè thu năm nay, thôn Làng Cát, thị trấn Krông Klang được Trạm Khuyến nông chọn làm mô hình thí điểm thâm canh lúa nước với diện tích 1,5 ha. Với nguồn vốn đầu tư của Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư tỉnh, Trạm Khuyến nông, khuyến ngư huyện đã hỗ trợ 1,2 tạ giống lúa HC95 và vật tư phân bón, thuốc trừ cỏ cho hơn 5 hộ tham gia làm thí điểm. Cả 5 hộ này là những gia đình tích cực nhất trong thôn đã tự đầu tư mua ống dẫn nước từ suối về tưới cho đồng ruộng. Được cán bộ khuyến nông đến tận nơi vận động xây dựng mô hình thâm canh lúa nước để dân bản thấy đó mà làm theo, 5 hộ này rất phấn khởi triển khai mô hình đúng tiến độ sản xuất và đạt chất lượng tốt.

Đồng bào dân tộc thiểu số chăm sóc lúa nước

Là 1 trong 5 hộ được chọn làm thí điểm mô hình, gia đình anh Hồ Văn Thắng ở thôn Làng Cát, thị trấn Krông Klang đã hồ hởi xuống đồng sản xuất 6 sào ruộng đúng theo lịch thời vụ và tuân thủ tốt các bước hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nên ruộng lúa vụ này của gia đình anh tốt hơn hẳn các vụ trước. Sau gần 1 tháng xuống giống, đến nay, lúa của gia đình anh lên đều và đẹp. Anh Thắng cho biết: “Vụ này, gia đình mình được nhà nước đầu tư cho toàn bộ giống, phân bón và thuốc trừ cỏ để làm lúa nước. Được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ càng, tận tình nên mình làm tốt lắm, biết bón phân đúng cách, gieo giống lúa đảm bảo chất lượng nên lúa mọc đều, lên nhanh, nhìn thích mắt lắm. Lúc làm đất lại có máy nên làm nhanh hơn ngày trước cày bừa bằng trâu bò. Nếu vụ này mình làm thắng lợi thì sẽ vận động bà con trong thôn làm theo cho có nhiều hạt lúa, khỏi lên nương trồng lúa rẫy năng suất thấp”. Để mô hình thí điểm thâm canh lúa nước này thành công, Trạm Khuyến nông, khuyến ngư huyện Đakrông đã tập trung chỉ đạo sát sao từ khâu kỹ thuật cho đến đốc thúc mùa vụ. Cán bộ kỹ thuật của Trạm mặc dù ít nhưng thường xuyên bám sát cơ sở, hướng dẫn cho đồng bào từ khâu làm đất, bón phân, phun thuốc trừ cỏ đến ngâm ủ hạt giống, cách gieo vãi sao cho vừa phải lượng giống… Các hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình tiếp thu nhanh các kiến thức khoa học kỹ thuật và ứng dụng có hiệu quả vào thực tiễn. Ông Hồ Tất Hiến, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông, khuyến ngư huyện Đakrông cho biết: “Vụ hè thu huyện Đakrông rất khó khăn nguồn nước sản xuất, đó là bước cản trở đầu tiên khi thực hiện mô hình thí điểm thâm canh lúa nước. Hơn nữa, đồng bào không quen sản xuất lúa nước nên cán bộ khuyến nông phải đi vận động từng hộ tham gia mô hình. Các hộ phải tự đầu tư tiền mua ống dẫn nước từ suối về nên gặp nhiều khó khăn trong kinh phí. Tuy vậy, được sự hỗ trợ kịp thời nguồn vốn khuyến nông để xây dựng mô hình, cán bộ kỹ thuật tận tình bám sát cơ sở nên các hộ tham gia mô hình đồng lòng, đồng sức thực hiện tốt chương trình. Đến nay, các hộ đều thực hiện tốt mô hình thâm canh lúa nước. Đây là cơ sở để đồng bào mạnh dạn đầu tư nhân rộng sản xuất thâm canh lúa nước, nhất là vụ hè thu để đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ cho đồng bào trong cả năm, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thiếu lương thực trong thời gian giáp hạt”. Đến nay, toàn huyện Đakrông có 560 ha ruộng nước, đây là số diện tích quá ít ỏi do điều kiện thủy lợi khó khăn khó mở rộng được diện tích. Vì vậy, chủ trương của huyện là vừa tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất để tăng diện tích lúa nước, vừa chú trọng hướng dẫn đồng bào đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích. Kể từ khi thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về việc giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện Đakrông có nhiều dự án phát triển kinh tế, xã hội được triển khai, trong đó có việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và hướng dẫn đồng bào cách làm ăn. Đây là điều kiện thuận lợi để các chương trình khuyến nông triển khai có hiệu quả trên địa bàn huyện, trong đó có chương trình thâm canh lúa nước. Việc hướng dẫn đồng bào ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa nước sẽ không khó, bởi đồng bào ở Đakrông rất mong muốn có được nhiều ruộng nước để định canh định cư, sản xuất lúa hiệu quả, có được nguồn lương thực tại chỗ sống đủ quang năm, hạn chế sống dựa vào rừng. Cùng với mục tiêu tăng diện tích lúa nước lên 700 ha năm 2015 và 770 ha năm 2020, thì việc tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa nước ở Đakrông sẽ là một trong những giải pháp tốt nhất để tăng lương thực bình quân đầu người của huyện, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn, góp phần đưa huyện Đakrông đạt được mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. Bài, ảnh: VÕ THÁI HÒA