Đại biểu Quốc hội tỉnh đóng góp ý kiến thảo luận Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng
(QT) - Theo chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 26/ 10/ 2017, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Đại biểu HÀ SỸ ĐỒNG, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tham gia thảo luận. Sau đây là tổng hợp ý kiến phát biểu của đại biểu.

Đại biểu Quốc hội tỉnh đóng góp ý kiến thảo luận Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng

(QT) - Theo chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 26/ 10/ 2017, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Đại biểu HÀ SỸ ĐỒNG, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tham gia thảo luận. Sau đây là tổng hợp ý kiến phát biểu của đại biểu.

Kính thưa Quốc hội!

Tôi cơ bản nhất trí và cho rằng phạm vi sửa đổi hiện tại đã tập trung và cố gắng giải quyết vấn đề cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng, các phương án cơ cấu lại và một số nội dung khác nhằm thắt chặt hơn hoạt động góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng cũng như điều kiện để trở thành người quản lý của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, tôi vẫn đề nghị lồng ghép luôn các vấn đề cần chỉnh sửa vào dự thảo luật để đảm bảo tính đồng bộ, tính hoàn thiện của việc sửa đổi, bổ sung.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng tham gia thảo luận tại hội trường - Ảnh: PHN

Mỗi một lần rà soát và sửa đổi một văn bản luật quan trọng có tác động đến toàn bộ nền kinh tế và an ninh tài chính quốc gia như Luật Các tổ chức tín dụng, cần thiết có sự xem xét tổng thể, thấu đáo, tránh việc sửa đổi manh mún, nhiều lần, gây bất ổn định, tốn kém ngân sách và lãng phí thời gian.

Tôi xin tham gia cụ thể ba vấn đề như sau:

Thứ nhất, nếu thực hiện việc phá sản thì cần làm rõ: Có chi trả đầy đủ số tiền gốc và lãi cho dân hay không? Theo tôi, nếu không trả đầy đủ cho dân thì sẽ gây tác hại cho cả nền kinh tế và mất trật tự, an toàn xã hội, dân sẽ mất niềm tin vào ngân hàng, vào nhà nước và sẽ đồng loạt rút tiền gửi, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc huy động vốn. Tuy nhiên, tại điểm b, khoản 1 Điều 146 có quy định giao cho Chính phủ được áp dụng biện pháp đặc biệt nhằm đảm bảo an toàn hệ thống tín dụng, trật tự, an toàn xã hội. Vậy, biện pháp đặc biệt ở đây là gì, phải quy định rõ ràng, không thể mập mờ, dân sẽ khó tin vào pháp luật.

Thứ hai, việc sử dụng thuật ngữ “mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp”, “mua bán, chuyển nhượng cổ phần”: Đề nghị có định nghĩa và làm rõ hai từ “mua bán”, “chuyển nhượng” có giá trị pháp lý tương đương hay không? Vì đoạn 2 của điểm g và khoản 3 Điều 29, điểm c khoản 2 Điều 56 lại bỏ từ “mua bán” mà chỉ dùng từ “chuyển nhượng”.

Thực tế hai từ này được áp dụng khác nhau theo Luật Chứng khoán. Cụ thể thuật ngữ “mua bán cổ phiếu” được áp dụng cho giao dịch mua cổ phần phát hành lần đầu. Còn chuyển nhượng cổ phiếu, cổ phần lại được sử dụng cho các giao dịch với các cổ đông. Do vậy, Luật Các tổ chức tín dụng cần sử dụng thuật ngữ phù hợp và làm rõ mua bán, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp là một hay hai giao dịch khác nhau.

Tương tự như cụm từ “mua, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp” đề cập tại dự thảo. Việc mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ là một hình thức đầu tư vào doanh nghiệp, nên từ “mua” không tương đương với từ “đầu tư”. Do vậy, việc sử dụng các thuật ngữ cần rà soát để thống nhất với bản chất pháp lý của giao dịch và nhất quán với các quy định pháp luật có liên quan về chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp để đối tượng áp dụng không bị sai sót, nhầm lẫn trong xác định giao dịch.

Thứ ba, về định nghĩa và phạm vi người có liên quan: Mặc dù được quy định rõ tại Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng và đề cập đến trong rất nhiều điều luật cụ thể, đặc biệt là liên quan đến việc xác định hành vi sở hữu chéo, tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tuân thủ quy định về người có liên quan và công tác thanh tra, giám sát, đề nghị làm rõ về phạm vi xác định người có liên quan. Bởi các tổ chức tín dụng, ngoài việc chịu sự điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng còn bị điều chỉnh bởi các luật khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán. Các luật này cũng quy định khái niệm về người có liên quan nhưng không trùng khớp với Luật Các tổ chức tín dụng.

Vậy, các tổ chức tín dụng khi xác định người có liên quan sẽ căn cứ theo luật nào hay toàn bộ các luật có liên quan. Đây là điểm cần làm rõ nhằm giải quyết các vướng mắc của tổ chức tín dụng không phải trong phạm vi nội dung này mà còn liên quan đến việc xác định hành lang pháp lý phù hợp cho hoạt động của các tổ chức tín dụng để đảm bảo tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng phát triển an toàn trong hành lang pháp lý, rõ ràng, tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong việc áp dụng pháp luật, bởi đây là loại hình doanh nghiệp đặc thù có vai trò chủ đạo trong nền kinh tế và có sự ảnh hưởng lớn đến an ninh tiền tệ quốc gia.

Xin cảm ơn Quốc hội!

Phạm Hồng Nam (tổng hợp)